jeudi 5 novembre 2015

Quang Trung đại phá quân Thanh - Gửi Xi Jinping

Afficher l'image d'origine


Ðược tin quân Thanh sang chiếm đóng Thăng Long, Bắc Bình Vương lập tức hội các tướng đến bàn việc dẹp giặc. Các tướng xin Vương trước nên chính vị hiệu để ràng buộc lòng người Nam Bắc rồi sau sẽ khởi binh.
Theo lời, Vương sai đắp đàn ở Bàn Sơn (gần núi Ngự Bình).
Ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân (1788), làm lễ cáo Trời Ðất, lên ngôi Hoàng Ðế, đặt niên hiệu là Quang Trung. Ngay hôm đăng quang, Vua Quang Trung tự thống lĩnh thủy bộ đại binh, đốc suất tướng sĩ ở tế đàn, kéo rốc ra Bắc. Ði đầu là một lá cờ vuông to lớn, nền đỏ thắm giữa thêu mặt trời vàng rực rỡ, tượng trưng cho hiệu Quang Trung. Ðể quân sĩ đi cho chóng và khỏi mệt, nhà vua cấp cho ba người một cáng tre, hai người khiêng một, luân phiên nhau đi gấp ngày đêm ra Nghệ An. Ðến nơi là ngày 29 tháng 11.
Nhà vua mời La Sơn Phu Tử đến vấn kế.
La Sơn Phu Tử tên là Nguyễn Thiếp, người làng Mật Thôn, xã Nguyệt Ao, huyện La Sơn, trấn Nghệ An. Sinh năm Quý Mão (1723). Ðậu Giải Nguyên năm Quý Hợi (1743). Vâng lời mẹ và thầy là Nguyễn Nghiêm, Phu Tử ra làm huấn đạo ở Anh Ðô. Ðược ít lâu từ chức, về ở ẩn tại núi Thiên Nhậm, tự hiệu là Lạp Phong xử sĩ.
Phu Tử là người học rộng, đạo cao, lừng danh khắp Nam Bắc.
Kỳ ra Bắc lần đầu tiên để diệt Trịnh, đến Nghệ An, Nguyễn Huệ viết thư mời ba lần, lời lẽ khiêm tốn xin cụ làm quân sư. Cụ một mực từ chối.
Kỳ thứ hai khi ra dẹp Võ Văn Nhậm. Nguyễn Huệ lại cho mời cụ đến hội kiến. Bị sứ giả thôi thúc, bất đắc dĩ cụ ra gặp Nguyễn Huệ ở núi Nghĩa Liệt. Huệ có ý bất bình nói:
- Nghe tiếng Tiên Sinh, mong được gặp mặt. Sao Tiên Sinh lại có ý thoái thác? Hay là tiên sinh coi Huệ này không phải là anh hùng?
Cụ đáp:
- Trịnh thị tiếm lộng đã 200 năm, Tướng quân nhất cử mà bài diệt được, thổ địa đều giao lại cho Vua Lê. Công đức như thế, ai lại không cho Tướng quân là anh hùng. Nhưng nếu Tướng quân nhân tai nạn của người mà làm lợi cho mình, ấy là dối lấy nghĩa trước, thâu lấy lợi sau, thì đó là gian hùng.
Huệ cung kính nói:
- Người đời gọi Tiên Sinh là Thiên Hạ Sĩ thật không sai.
Huệ nài nỉ xin cụ ra giúp. Cụ lấy cớ tuổi già sức yếu xin được ở yên nơi sơn lâm. Kỳ này được giấy mời, cụ đến ngay và nói:
- Quân Thanh ở xa mới tới không biết tình hình quân ta mạnh yếu thế nào, địa thế nước ta hiểm trở ra sao, không biết nên đánh hay nên giữ. Chúa công ra đây nên đánh gấp thì không quá mười ngày nhất định tiêu diệt được địch.
Vua Quang Trung mừng rỡ:
- Thật hợp ý ta!
Nhà vua đóng quân ở Nghệ An để tuyển mộ thêm binh, trữ thêm lương thực. Sau mươi hôm quân mới cũ tính hơn 10 vạn, trên 200 thớt voi và 5.000 con ngựa. Quân sĩ đều mặc áo cặp nẹp đỏ, đội mũ ngù kết tua đỏ[62]. Còn lương thì gạo xay bột đúc thành bánh tráng, đồ ăn thì xẻ bò làm thịt thưng.
Tân binh đều được tập luyện hàng ngày. Nhà vua cỡi voi đi xem tập luyện và ban lời phủ dụ mọi người.
Một hôm nhà vua trông thấy trong đám tân binh một tráng sĩ, mình mặc áo trắng, tay cầm kích, lưng đeo cung, biểu diễn tài nghệ trông vừa đẹp vừa hùng. Nhà vua rất lấy làm lạ, cho người gọi đến. Tráng sĩ vừa đến gần, nhà vua liền nhảy xuống voi, chạy lại cầm tay gọi:
- Cố nhân!
Ai nấy đều ngạc nhiên, hỏi nhau: - Ai vậy?
Ðó là Ðặng Văn Long.
Ðặng Văn Long tự là Tử Văn, người làng Vân Hội huyện Tuy Viễn (Tuy Phước), phủ Quy Nhơn. Lúc nhỏ học võ, tinh thông về môn cương quyền (quyền cứng mạnh), sau theo Trương Văn Hiến học Miên quyền (quyền mềm dẻo) ngót 5 năm mới thành tài. Người trong võ lâm thấy Ðặng gồm cả hai môn ngạnh công và nhuyễn công[63] không ai địch nổi, nên tôn xưng là Ðặng vô địch. Ðặng lại có sức mạnh vô cùng. Nằm ngửa dưới đất, dùng hai cánh tay đỡ bánh một cỗ xe chở nặng. Người Quy Nhơn gọi là Người tay sắt (Ðặng Thiết Tý).
Nơi quê hương không có đối thủ. Ðặng đi khắp đó đây để tiêu dao ngày tháng. Nghe tin Vua Quang Trung đi đánh quân Thanh, Ðặng bèn đến nhập ngũ. Và để được dễ dàng, Ðặng bèn bày ra trò mặc áo trắng diễn võ trong khi tất cả quân sĩ đều mặc áo đỏ.
Gặp được bạn cũ, Vua Quang Trung hết sức mừng, liền phong cho Ðặng chức Ðại Ðô Ðốc cùng mình đi định Bắc.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ, nhà vua hạ lệnh trẩy quân.
Ngày 20 tháng chạp (15-1-1789), đại binh tới Tam Ðiệp. Ngô Văn Sở, Ngô Thời Nhiệm, Phan Văn Lân ra chịu tội. Nhà vua cười:
 - Ta biết đây là kế của Ngô Thị Lang. Lui quân để tránh thế giặc, trong khuyến khích sĩ khí, ngoài phấn khích lòng kiêu ngạo của giặc. Kế dụ địch vào chỗ hiểm yếu của ta, như thế là phải. Các khanh không có tội chi cả.
Lại nói:
- Chúng nó sang chuyến này là mua lấy cái chết đó thôi. Ta đã định mẹo cả rồi. Dẹp yên giặc chỉ trong mươi ngày là xong. Nhưng giữ yên bờ cõi sau này ta phải nhờ Ngô Thị Lang.
Ðoạn lo chỉnh đốn quân ngũ, cắt xếp tướng tá, hoạch định đường hướng.
Hai bận ra Thăng Long, Vua Quang Trung đã nhìn thấy rõ địa hình địa thế của Bắc Hà và khi dừng binh ở Nghệ An, nhà vua đã mật sai quân đi do thám để nắm vững tình hình của địch. Nhà vua chia thân binh Thuận Quảng làm bốn dinh Tiền, Hậu, Tả, Hữu, còn Tân binh Nghệ An thì làm Trung quân.
Trung quân do nhà vua trực tiếp điều khiển.
Tiền quân do Ðại Tư Mã Ngô Văn Sở và Nội Hầu Phan Văn Lân cai quản.
Hậu quân do Hô Hổ Hầu đốc chiến.
Tả quân do Ðại Ðô Ðốc Nguyễn Văn Lộc và Ðại Ðô Ðốc Nguyễn Văn Tuyết chỉ huy, kiêm cả bộ binh và thủy binh. Tuyết giữ nhiệm vụ Kinh Lược Hải Dương, ứng tiếp mặt đông. Lộc tiến đến Lạng Sơn, Phượng Nhã, giữ vùng Yên Thế chận đường rút lui của địch.
Hữu quân gồm mã quân và tượng quân, do Ðại Ðô Ðốc Nguyễn Văn Bảo và Ðại Ðô Ðốc Ðặng Văn Long[65] thống lãnh. Long đem mã quân qua huyện Chương Ðức (Hà Ðông) để tiến đến làng Nhân Mục huyện Thanh Trì (Hà Ðông). Bảo đem tượng binh qua vùng Sơn Minh (Ứng Hòa, Hà Ðông) để làm quân tiếp ứng.
Ðể trưởng dưỡng thêm lòng kiêu căng của địch, nhà vua sai Trần Danh Bình cầm đầu sứ bộ tám người mang lễ vật và văn thư ra tha thiết xin quan Ðại Nguyên Soái của Thiên Triều dừng quân để tra xét cho rõ vì sao Tây Sơn phải thay quyền nhà Lê. Sứ bộ còn trả lại cho Tôn Sĩ Nghị 40 người Trung Hoa do tướng cướp Ðắc Thiện Tống cầm đầu đã bị quân Tây Sơn bắt được. Tôn Sĩ Nghị chém Trần Danh Bình, chém luôn cả Ðắc Thiện Tống và cầm tù phái đoàn sứ giả.
Mọi việc cụ bị, nhà vua cho mở tiệc linh đình vào ngày 29 tháng Chạp để thiết đãi tướng sĩ. trong bữa tiệc nhà vua nói:
- Bữa nay ta hãy ăn tết Nguyên Ðán trước. Sang xuân ngày mồng 7, vào Thăng Long, sẽ mở tiệc ăn tết Khai Hạ.
Lại nói:
- Xuân sang, một là ăn tết, hai là chịu chết. Tướng sĩ phải hết lòng cùng ta.
Ai nấy đều hớn hở vui mừng.
Vui mừng hơn là Phan Văn Lân, vui mừng vì được gặp lại bạn học ngày xưa: Ðặng Văn Long. Sau chuyện hàn huyên, Long hỏi thăm tin tức thầy học Trương Văn Hiến. Lân nói: Thầy ra giúp Vua Thái Ðức một thời gian, rồi lui về An Thái dưỡng lão. Từ ấy việc binh bận rộn, tôi không đi thăm được mà cũng không được tin tức của thầy. Không biết có còn khỏe mạnh. Ơn xưa nghĩ lại lắm lúc thật buồn.
Long nói:
- Hơn mười năm nay tôi mải miết giang hồ, cũng không lo tròn nghĩa sư đệ. Nhưng chuyến này nếu đánh đuổi được giặc xâm lăng, thì chắc thầy cũng mừng rằng công dạy dỗ không đến nỗi uổng.
Sáng hôm sau, 30 tháng chạp, nhà vua truyền lệnh xuất quân. Vua nói:
- Ta đến mà địch không biết, là địch ngủ ta thức. Ta đánh mà địch không đề phòng, là ta chém kẻ tay không. Ta nhất định thắng.
Tiếng hoan hô vang trời, khí thế mạnh chuyển núi.
Quân Tây Sơn đến đâu cũng được dân địa phương hoan nghênh đến đó. Nơi mổ heo bò thết đãi, nơi đem bánh chưng bánh tét ra dâng. Hết bị kiêu binh của chúa Trịnh lộng hành gieo tai họa lên đầu, đến bị Lê Chiêu Thống rước ngoại bang về dày xéo đất nước, nhân dân Bắc Hà coi quân Phú Xuân như những đoàn hiệp sĩ cứu khốn phò nguy [66] nên nhiệt tình ủng hộ.
Chưa hết ngày 30, nghĩa quân đã qua khỏi sông Giản Thủy ở Ninh Bình. Hoàng Phùng Nghĩa, cựu thần nhà Lê do Tôn Sĩ Nghị sai đóng quân giữ Sơn Nam, nghe đại binh kéo tới, chưa giáp trận đã bỏ chạy về Hà Nam. Vua Quang Trung cho quân đuổi theo đến Phú Xuyên (Hà Ðông) thì bắt trọn cả tướng lẫn quân. Bọn quân xích hầu của giặc cũng bị giết không còn một mống. Nhờ vậy mà mối liên lạc giữa quân địch bị cắt đứt hẳn. Các đồn đóng ở phía ngoài không hay biết chi cả. Nghĩa quân lặng lẽ kéo ra.
Mồng 3 tháng giêng năm Kỷ Dậu (1789) lúc nửa đêm nghĩa quân vây đồn Hà Hồi. Quân Thanh đang ngủ, nghe tiếng reo hò, tiếng trống trận vang rền như sấm ngoài chiến lũy, khiếp sợ, không còn gan chống cự, vội vã kéo cờ hàng.
Nghĩa binh lấy trọn quân lương và khí giới.
Qua đêm mồng 5, vừa cuối canh tư, nhà vua sai dồn tất cả lương thực vào một chỗ rồi cho đốt sạch, và bảo tướng sĩ:
- Hễ thắng giặc thì được no, thua giặc thì chết đói. Lại lấy mấy thước khăn vàng quấn vào cổ và thề:
- Nếu không thắng được giặc thì chết với khăn này chớ nhất định không lui.
Ðoạn xắn tay áo, xách Ô Long đao nhảy lên mình voi, thúc quân tiến đánh đồn Ngọc Hồi. Voi trận đi trước, quân lính theo sau đi như gió cuốn.
Tướng Mãn Thanh hay tin, kéo kỵ binh ra chận đánh. Nhưng vừa trông thấy voi, ngựa sợ cuống, hí lên những tiếng kinh hoàng, rồi chạy tán loạn. Quân Thanh bị rối hàng ngũ, không dám giao chiến, phải rút lui vào giữ đồn.
Ðồn quá kiên cố. Mặt ngoài lũy đều cắm chông sắt và đặt phục lôi. Trong đồn lại bắn súng ra như mưa xối.
Vua Quang Trung truyền lấy 60 tấm ván dày, cứ ba tấm ghép vào thành một phên ván, ngoài phủ rơm trộn với đất ướt. Rồi cứ mười người, lưng đeo đoản đao, khiêng một tấm phên ván đi trước, tiếp theo hai mươi người cầm vũ khí, tiến theo thế trận chữ nhất. Nhà vua cỡi voi theo sau đốc suất.
Ðạn bắn rào rào. Quân ta không hề lui một bước, vượt chông sắt, phá tan cửa lũy, tràn vào đồn. Quân địch không còn dùng súng được nữa. Quân ta quăng ván, đánh xáp lá cà, nhanh như chớp, mạnh như bão, giết quân địch như thái rau. Quân địch không cự nổi, bỏ chạy, lớp dày đạp lên nhau, lớp chạm phải địa lôi, lớp chết lớp bị thương, còn bao nhiêu bị bắt sống. Tướng Thanh là Ðề Ðốc Hứa Thế Hanh, Tiên phong Trương Triều Long và Tả Dực Thượng Duy Thăng đều tử trận.
Ðồn Ngọc Hồi giữ vị trí quan trọng nhất trong hệ thống phòng ngự của địch. Lực lượng có trên 3 vạn quân tinh nhuệ. Ðồn bị tiêu diệt, quân tử trận và bị bắt hơn hai phần. Còn chừng một phần sống sót kéo nhau chạy ra ngã Thăng Long, chẳng ngờ đến gần Văn Ðiển thì bị quân Tây Sơn bố trí sẵn, chận đánh. Quân địch phải thối lui, chạy qua cầu Vinh sang vùng Ðầm Mực. Ðầm Mực là một vùng đầm lầy rộng lớn thuộc huyện Thanh Trì.
Ðại Ðô Ðốc Nguyễn Văn Bảo từ Sơn Minh đem tượng binh đến Ðại Áng. Khi có tin quân địch từ Ngọc Hồi chạy lên thì đem voi ra bao vây. Quân địch lớp chôn thây trong bùn lầy, lớp bị voi chà, không còn một tên sống sót.
Lực lượng Ngọc Hồi bị tiêu diệt toàn bộ.
Trong khi Ngọc Hồi bị tiêu diệt thì đồn Khương Thượng cũng bị tiêu diệt luôn.
Khương Thượng nằm phía tây nam thành Thăng Long. Ðồn bị quân Ðại Ðô Ðốc Long tiêu diệt. Ðại Ðô Ðốc Ðặng Văn Ðông có viên phó tướng là Ðặng Tiến Ðông, trí dũng hơn người, trước kia làm quan cùng chúa Trịnh, sau quy thuận nhà Tây Sơn, Ðặng Tiến Long quê ở Lương Xá gần Thăng Long, am hiểu địa hình và đường lối trong khắp vùng Thăng Long và lân cận, hướng dẫn quân đi đường tắt.
Ðại Ðô Ðốc Ðặng Văn Long từ huyện Chương Ðức đến Thanh Trì, trước hết chiếm đồn Yên Quyết và Nhân Mục, nằm phía tây bắc đồn Khương Thượng. Hai đồn này là hai đồn nhỏ làm tiền đồn cho Khương Thượng. Hai đồn bị hạ một cách nhanh chóng và im lặng. Quân Ðô Ðốc Long kéo vây đồn Khương Thượng từ lúc chưa tinh sương. Trong đồn không hay biết. Quân Ðô Ðốc Long được nhân dân ủng hộ, dùng rơm khô bện thành con cúi, tẩm dầu, chực lửa. Rồi một tiếng hô, muôn nghìn tiếng ứng, đồng thời lửa bật cháy. Bốn mặt đều có ánh lửa hừng hực và tiếng hô hét vang trời. Quân trong đồn khủng khiếp, không còn sức chống cự. Tướng chỉ huy là Ðề Ðốc Sầm Nghi Ðống chưa kịp đối phó thì quân của Ðô Ðốc Long đã phá đồn tràn vào như nước vỡ đê.
Ðống khiếp sợ, trốn ra Hoa Sơn tức gò Ðống Ða thắt cổ tự tử. Binh sĩ trong đồn bị giết quá nửa.
Một nửa còn sống sót lớp chạy ra hướng Bắc, lớp theo sông Tô Lịch chạy vào Nam. Chạy đến Ðầm Mực bị quân Ðô Ðốc Bảo tiêu diệt hết.
Tại bản doanh, Tôn Sĩ Nghị đương theo dõi mặt trận phía Nam, bỗng được tin đồn Ngọc Hồi rồi đồn Khương Thượng bị tiêu diệt, và binh Vua Quang Trung đương kéo đến kinh thành. Còn đương lúng túng chưa biết liệu thế nào, thì binh Ðô Ðốc Long từ Khương Thượng đã kéo vào Thăng Long, sát khí ngùn ngụt.
Nghị sợ quá không kịp mặc áo giáp, không kịp thắng yên ngựa, hớt hải cùng toán kỵ binh hầu cận bỏ cung Tây Long, vượt cầu phao chạy qua sông Nhị. Tướng sĩ thấy chủ tướng bỏ chạy, rùng rùng chạy theo, lấn nhau qua cầu phao. Cầu không chịu nổi sức nặng bị đứt, ném tung hàng vạn quân địch xuống sông.
Tôn Sĩ Nghị cùng đám tàn quân nhắm ải Nam Quan mà chạy. Nhưng chạy đến đâu thì cũng bị quân của Ðô Ðốc Lộc đánh giết. Tôn Sĩ Nghị phải vứt bỏ tất cả sắc thư, ấn tín để lo chạy thoát thân. Chạy bảy ngày đêm mới đến trấn Nam Quan, đói cơm khát nước.
Vua Chiêu Thống cũng chạy theo Tôn Sĩ Nghị.
Ðạo quân Thanh đóng ở Hải Dương cũng bị Ðô Ðốc Tuyết đánh bại.
Riêng đạo quân Thanh đóng ở Sơn Tây, tuy không bị tấn công, nhưng cũng hoảng sợ, rút chạy về nước.
Quân Mãn Thanh bị quét sạch.
Bắc Hà hoàn toàn được giải phóng.
Chiều mồng 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu (30-1-1789), Vua Quang Trung kéo quân vào thành Thăng Long trong không khí tưng bừng. Chiếc chiến bào của nhà vua đỏ thắm đã bị thuốc súng nhuộm thành màu đen.
Nhà vua vào thành Thăng Long trước kỳ hẹn hai ngày.
Trăm họ chật đường nghênh tiếp.
Tiếng reo hò của nhân dân và của binh sĩ vang dội một góc trời.
Theo đúng lời hẹn, Vua Quang Trung cho tướng sĩ ăn tết một lần nữa.
Nhân dân trong thành và ngoài thành cũng đua nhau mở tiệc vui, tưng bừng nhộn nhịp.
Và trên kỳ đài thành Thăng Long, ngọn cờ đỏ mặt trời vàng bay phấp phới.

Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim

http://cothommagazine.com/CoThompdf/VietNamSuLuoc-TranTrongKim.pdf

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire