Giáo dục thể chất cần phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán
Chiều 21/2, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch về đổi mới công tác giáo dục thể chất và thể thao trong trường học.
Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn nhận: Những năm qua, công tác giáo dục thể chất, thể dục, thể thao trong trường học chưa tương xứng với vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động chưa cao. Tầm vóc, thể lực của học sinh, sinh viên Việt Nam còn hạn chế so với các nước trong khu vực, thiếu và yếu kỹ năng tập luyện thể thao, chăm sóc sức khỏe, phòng tránh tai nạn thương tích. Nhiều vụ tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN
|
Các hoạt động thể dục, thể thao còn mang tính phong trào, chưa chú trọng vào việc rèn luyện kỹ năng, thói quen luyện tập thể thao thường xuyên của số đông học sinh. Môn học thể dục còn cứng nhắc, chưa đáp ứng theo sở thích, năng khiếu của học sinh, sinh viên.
Cơ sở vật chất phục vụ hoạt động tập luyện thể dục, thể thao còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư. Hiện chỉ có 6,3% trường phổ thông có nhà tập hoặc nhà thi đấu thể thao; 0,4% có bể bơi; 15% có sân tập. Đội ngũ giáo viên thể dục trong trường phổ thông có trên 76.856 người, trong đó chuyên trách chiếm 74%.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, nội dung chương trình, sách giáo khoa phổ thông mới đã xác định vai trò phù hợp của hoạt động giáo dục thể chất, thể thao từ thời lượng đến phương pháp tổ chức, đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất. Nội dung chương trình sẽ thay đổi rất căn bản, giáo dục thể chất phải tạo hứng thú, hấp dẫn và phù hợp, linh hoạt thay vì hình thức, thậm chí khiến cả học sinh và giáo viên có cảm giác "miễn cưỡng'' trong giảng dạy và học tập môn này; khiến giáo dục thể chất đáng lẽ phải là môn giảm tải thì lại đang gây áp lực lớn cho học sinh.
Trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiến hành tổng rà soát đội ngũ giáo viên để có phương án đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa kỹ năng với sự tham gia của cả các trường sư phạm và trường thể thao. Quan trọng nhất là tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo sẽ phải được đưa vào môn học thể chất trong nhà trường - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung phân tích những bất cập, hạn chế, giải pháp để đổi mới căn bản, toàn diện công tác giáo dục thể chất trong trường học. Cụ thể, công tác soạn thảo, xây dựng chương trình môn học giáo dục thể chất chưa cân đối, nhiều nội dung, yêu cầu dành cho người tập thể thao chuyên nghiệp, mang nặng tính kỹ thuật, chưa phù hợp với học sinh. Hoạt động thể thao trong trường còn đơn điệu, cơ sở vật chất nghèo nàn.
Để giải quyết khó khăn, vướng mắc, các ý kiến cho rằng cần tập trung giải quyết 3 vấn đề: Chương trình, nội dung học; rà soát, kiện toàn đội ngũ giáo viên; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là cần thay đổi cách đánh giá học sinh.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông cho rằng: Cùng với việc tăng thêm thời lượng cho môn giáo dục thể chất, thay đổi quan trọng nhất là môn học này dù bắt buộc nhưng ngoài phần kiến thức, kỹ năng cơ bản thì học sinh được tự chọn môn yêu thích ngay từ lớp 1; hình thành các câu lạc bộ thể dục, thể thao tự chọn. Tinh thần đánh giá học sinh qua sự nỗ lực của chính học sinh giống như Thông tư 22 chứ không phải là chấm điểm.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Vấn đề đổi mới giáo dục thể chất, thể thao trong trường học không phải lần đầu đặt ra nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đây phải là một nội dung quan trọng của đổi mới chương trình, sách giáo khoa lần này, phải làm quyết liệt, trở thành nhận thức của lãnh đạo ngành giáo dục, thể thao. Giáo dục là toàn diện Đức - Trí - Thể - Mỹ. Đổi mới chương trình, sách giáo khoa, bên cạnh phần kiến thức, giáo dục thể chất cho học sinh phải có vị trí tương xứng. Cách dạy, cách học môn thể dục phải thay đổi để không còn là giờ học nhàm chán.
Phó Thủ tướng đặt vấn đề: Cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên là rất quan trọng nhưng quan trọng là phương pháp, cách làm. Giả sử, nếu có quy định cụ thể yêu cầu đối với trường đạt chuẩn quốc gia phải đạt tỷ lệ 100% học sinh biết bơi, câu chuyện sẽ khác đi. Ở nông thôn, người dân ở một xã hoàn toàn có thể góp công, góp sức để trẻ em có chỗ đá bóng, tập bơi. Ở thành phố, các trường có thể kêu gọi xã hội hóa, sự hỗ trợ, hợp tác của các liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ thể thao đối với công tác này.
Đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất cần tận dụng linh hoạt, dân dã, chứ không phải là xây các công trình tập luyện thể thao chuyên nghiệp. Cùng đó, các cuộc thi mang tính phong trào trong giáo dục, ví dụ như hội khỏe Phù Đổng cần thay đổi theo tinh thần kết hợp với các giải thi đấu toàn quốc, lựa chọn những môn thực sự mang tính phong trào, vui, khỏe chứ không ganh đua về thành tích để thể thao không còn là bắt buộc mà là sở thích. Công tác giáo dục thể chất phải được coi là công việc của toàn xã hội - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhắc đến câu chuyện vừa xảy ra tại Trường Tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội, Phó Thủ tướng cho rằng, các ngành, các cấp, đặc biệt là ngành giáo dục cần đặc biệt chú ý giáo dục đạo đức trong trường học. Riêng về giáo dục thể chất, Phó Thủ tướng mong muốn việc giáo dục thể chất phải là một nội dung quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Trường học không phải là nơi thi thành tích cao mà cần là nơi phát hiện, ươm mầm cho thành tích cao. Vì vậy, các trường tùy từng điều kiện có thể phải tổ chức các môn học về thể chất mà không nhất thiết phải xây dựng cơ sở vật chất khang trang mới có thể tổ chức dạy và học, đặc biệt trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn - Phó Thủ tướng lưu ý.
Phúc Hằng (TTXVN
Phúc Hằng (TTXVN
sdfgdgf
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire