jeudi 27 avril 2017

Bộ Chính trị đánh Đinh La Thăng

Chà chà, chà chà, gay cấn thật ! Tôi nghe nói là Bộ Chính trị phải bỏ phiếu thì mới quyết định được một vụ động trời như vậy, vậy trong số những nhân vật quan trọng, chúng ta phải đoán xem ai đã bỏ phiếu chống ĐLT?

Cảm tưởng ban đầu của tôi là đây là phe thân Trung Quốc muốn chống phe thân phương Tây. Khi mà tôi nghe tin ExxonMobil thông báo tìm ra mỏ khí lớn ở biển Đông và muốn khai thác, thì lập tức một ông to ở PetroVietnam bị thuyên chuyển công tác, là tôi đã nói các bác phải để ý rồi, các bác có nhớ không? Ai không muốn Việt Nam cùng với Mỹ khai thác mỏ khí ấy? Chỉ có một câu trả lời mà thôi ! Và từ bấy đến nay rõ ràng là không ai đả động gì đến mỏ khí ấy cả !

Dù sao thì tôi chưa bao giờ đồng ý với việc chống tham nhũng theo kiểu Trung Quốc. Theo tôi, đấy chỉ là hai nhóm lợi ích đánh nhau chứ chưa chắc nhân dân được lợi. Muốn chống tham nhũng thực sự thì phải tìm ra cách ngăn chặn, phòng ngừa nó, chứ không phải cứ đem khai quốc công thần ra mà xử như là trường hợp ông Nguyễn Trãi ấy, khối kẻ gian ác sẽ mượn gió bẻ măng.

Tôi rất tin tưởng vào ông Nguyễn Phú Trọng, tôi biết là, ông ấy không thân Trung Quốc như ta tưởng đâu, và ông ấy chọn được người tài. Mặc dù ông ấy cao tuổi rồi, nhưng ông ấy vẫn có thể còn lãnh đạo được, và sự lãnh đạo của ông ấy vẫn còn có thể bảo đảm phần nào cho sự an toàn của những người mà ông ấy chọn, cũng như là sự ổn định của đất nước, trong lúc chờ đợi cho Việt Nam (càng lúc càng) mạnh hơn..

Nhưng đến một lúc nào đấy, nếu ông ấy thực sự yếu rồi thì sao? Thì tôi thấy kịch bản lúc đó sẽ rất giống với lúc mà Lý Huệ Tông buộc phải nhường ngôi cho con gái Lý Chiêu Hoàng, rồi bị giết và nhà Lý bị tiêu diệt. Nếu chúng ta suy ngẫm lại lịch sử, thì liệu chúng ta có thể tìm ra được một giải pháp tốt hơn cho Lý Huệ Tông không?


Ôn cố tri tân

Tôi không rõ ông Đinh La Thăng có tham nhũng hay không, nhưng ngày xưa thời Trần có một ông tướng tham nhũng rất là nổi tiếng tên là Trần Khánh Dư. Dư tham nhũng gớm lắm, nhưng vua Trần cũng không xử hình sự mà chỉ lột áo đuổi về quê bán than. Nhằm lúc quân Nguyên Mông đánh sang, tình thế cấp bách, lại phải gọi Dư quay lại, nếu không có Dư thì làm sao đánh được đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ?

Nay đụng đến La Thăng là đụng đến tướng tài rồi, các bác phải nên thận trọng. Đất nước mới mở cửa, các bác tưởng là mở cửa thì chỉ toàn những điều tốt đẹp hay sao? Những khó khăn, nhất là ban đầu, là không thể tránh khỏi, nhưng việc mở cửa không thể không làm. Có thuận lợi nhưng cũng có thách thức, thành công nào mà không trải qua thất bại? Ông Đinh La Thăng là một trong những người đi đầu, xông xáo, có lòng dũng cảm, được lòng dân chúng, đó là những phẩm chất quý. Trong lúc khó khăn thì mình để người khác xông pha, đến lúc dễ dàng thì mình hưởng phần tốt lành, lại muốn đem người ta ra trị tội, coi sao được?


Tinh hoa hay đại chúng ?

Trở lại câu chuyện của nhà Lý. Tôi lại nhớ lại ý của ông Nguyên Ngọc thì phải, đặt vấn đề là giáo dục của ta nên ưu tiên "đại chúng là tinh hoa" ? Mời các bác ôn lại lịch sử và sẽ thấy rằng nhà Lý ưu tiên giáo dục "tinh hoa", và các hoàng tử của họ được đào tạo ở Quốc Tử Giám đều là những bậc văn võ song toàn cả. Vậy thì tại sao mà họ lại để cho một tên con hoang vô học Trần Thủ Độ cướp ngôi và tàn sát cả dòng tộc nhà Lý?

Sai lầm lớn nhất của Lý Huệ Tông là gì? Tôi nghĩ đó là ông ấy đã không tập hợp được giới tinh hoa thời đó, bởi vì quyền lợi của họ đối chọi nhau quá lớn. Mỗi thế hệ đều có nhiều hoàng tử, và chắc hẳn là rất nhiều người trong số họ đều muốn làm vua. Cho nên ông Lý Huệ Tông có vẻ rất nghe lời mẹ (trừ chuyện mẹ đòi giết vợ), và tôi rất có ác cảm với bà Đàm Thái hậu này. Tôi nghĩ đấy là một mụ đàn bà tham lam và ngu ngốc, có nhan sắc và may mắn đẻ được Thái tử nên bả lên đời. Và để đảm bảo cho ngôi báu của con mình, bà ấy đã khiến cho Huệ Tông, thay vì sử dụng các tôn thất nhà Lý đều được học hành đào tạo bài bản, thì lại sử dụng người trong dòng họ của bả, mà tôi tin chắc là chủ yếu là những kẻ ít học, kém tài.

Huệ Tông có vẻ cũng không tầm thường chút nào, mà cũng đã cầm cự chống chọi được rất lâu. Đến lúc ổng bệnh tật, yếu quá, thì bị vợ và Thủ Độ ép nhường ngôi cho con gái út rồi rút về tu hành. Nếu tôi là ổng, thì tôi sẽ cố sức cầm cự cho đến khi con gái lớn hơn, hoặc là tôi sẽ nhường ngôi cho một hoàng tử khác nhà Lý giỏi giang uy quyền hơn. Nếu các bác đọc lại đoạn ông hoàng thân Lý Long Tường Đô Đốc Hải quân, chú của Huệ Tông, đã tổ chức cuộc vượt biển lánh nạn dạt sang Cao Ly như thế nào, và ở bên Cao Ly ổng cũng đánh tan quân Nguyên Mông như thế nào, thì các bác sẽ thấy là ổng rất là tài giỏi. Thế thì, một đặc điểm lớn của Huệ Tông là ông ấy không dùng được người tài !


Nguyên khí quốc gia

Vậy vấn đề của Việt Nam, cũng như là của mọi quốc gia, là làm sao chọn được hiền tài (tôi đảm bảo với các bác là có nhiều lãnh đạo phương Tây rất dốt, chỉ có điều là các bác không biết đấy thôi, và hệ thống chính trị của họ cũng ngăn chặn được sao cho các anh dốt không gây hại được quá lớn). Về việc ưu tiên giáo dục tinh hoa hay là đại chúng, thì ý kiến của tôi là, tất nhiên là GD tinh hoa lợi hại hơn, và ít tốn kém hơn là giáo dục đại chúng. Tuy nhiên vấn đề (cực kỳ) lớn là, khi mà một cái bọn nào đấy, vốn chẳng phải "tinh hoa", mà lại là con ông cháu cha, mà chúng được hưởng cái nền giáo dục ấy, chứ hiền tài thực sự thì bị gạt ra, thì cái nền giáo dục tinh hoa của các bác sẽ vỡ trận, hoàn toàn hỏng và khi nào dân chúng không chịu được nữa, "nổi can qua" thì các bác mất sạch cả chì lẫn chài !

Làm sao tìm được hiền tài? Hehe, tại các bác không biết chứ đối với tôi là rất dễ. Hiền tài ở trong dân chúng. Vậy lựa chọn của tôi là giáo dục đại chúng, rẻ tiền thôi, miễn sao dân chúng được khỏe mạnh và ham học. Phương tiện để tuyển hiền tài chính là học bổng. Những học bổng nho nhỏ, vừa đủ sống, không dành cho con nhà giàu, đảm bảo sẽ thu hút được nhân tài. Cho nên theo tôi hiện tại nhân tài của Việt Nam đang ở trong ngành Công an và Quân đội :-) bởi vì nếu tôi không nhầm, ở hai trường này sinh viên được nuôi ăn ở. Điều này cũng tốt thôi, vì như vậy Công an sẽ bảo vệ an ninh tốt mà Quân đội thì mạnh. Tuy nhiên, tôi thấy rất đáng tiếc cho ngành Giáo dục, vì thực ra chính là họ sẽ cần nhân tài nhất.

Ở trong quân đội, thì theo phán đoán của tôi, là Hải quân sẽ tụ họp được những người thông minh nhất, vì họ khỏe mạnh, có kỷ luật, và như các bác xưa nay đều biết, là dân miền biển rất là thông minh (vì họ ăn tôm cá hàng ngày, nói chung là chế độ dinh dưỡng tốt). Họ nhà Trần giành được cơ đồ chắc hẳn cũng vì họ là dân miền biển Thái Bình thông minh khỏe mạnh hơn người. Ngoài ra thì trong giới tinh hoa, thì chúng ta đều công nhận là những người được đào tạo ở nước ngoài xuất sắc hơn trong nước, chắc hẳn là do GD Đại học của Tây tốt hơn ta, cũng có thể là do họ dùng ngoại ngữ tốt.

Vậy thì theo tôi, bác Trọng ơi, là bác phải cố gắng giữ vững cho đến hết nhiệm kỳ, để đợi cho những người tài mà bác chọn phát huy được tác dụng của họ. Nếu bác cảm thấy yếu, thì bác phải chọn được người kế tiếp bác ở trong Công an hoặc trong Quân đội, tốt nhất là dân miền biển, một ông tướng Hải Quân là đảm bảo thông minh chắc ăn. Ngoài ra, tôi nghĩ là trong chính quyền nên có các ông bên Hải Quân, khi nào các ông ấy già rồi không lãnh đạo quân đội được nữa, thì cho các ông ấy vào Quốc hội, hoặc giữ nhiệm vụ gì đấy trong chính phủ chẳng hạn.


Jérôme Kerviel của Việt Nam

Nếu các bác nào theo dõi tình hình tài chính quốc tế, hẳn sẽ biết đến "affaire Kerviel", là vụ kiện ông Jérôme Kerviel của ngân hàng Société générale (SG) từ hồi 2008. Ông này là một người điều hành tài chính của ngân hàng SG và đã điều hành thế nào đấy khiến cho ngân hàng này mất 5 tỉ ơ rô, nghe nói là số tiền bị lỗ lớn nhất mọi thời đại :-) (so với nó thì khoản lỗ mấy trăm triệu đô la của ông Đinh La Thăng chỉ là muỗi thôi hén !) Ngân hàng kiện ông Kerviel ra tòa mấy năm nay, nhưng nghe nói là sắp thua kiện rồi. Đó là vì khi ông Kerviel làm ăn lời lãi to thì chả thấy ngân hàng nói sao, đến lúc thua lỗ thì lại đem ra kiện. Nhưng chắc hẳn đấy không phải là ngân hàng nhà nước nên Nhà nước chẳng có làm sao, SG ráng chịu thôi ! Còn ở ta, trong trường hợp của PVN, thì đấy là tập đoàn của nhà nước nên ông Thăng phải chịu khổ !


Đinh La Thăng và Nguyễn Tấn Dũng


Về ông Nguyễn Tấn Dũng, thì có thể là dưới thời của ổng, tham nhũng quá lớn khiến cho dân chúng phẫn nộ. Nhưng theo tôi ông Dũng phải được miễn trừ truy tố. Tất cả tinh hoa trí tuệ của các bác đã hội họp lại để bầu ra được những chức vụ cao nhất của đất nước (theo tôi là Tổng Bí thư, Thủ tướng và Chủ tịch nước), thì các bác và cả đất nước phải chịu trách nhiệm, chứ không được bắt họ phải một mình chịu trách nhiệm.

Riêng về đánh giá của cá nhân tôi, ông Dũng là một ông Thủ tướng có công trạng rất lớn. Đất nước mở cửa mạnh mẽ dưới thời ông ấy. Trước ông Dũng, tôi không thấy ông Thủ tướng nào của Việt Nam chịu khó đi công du nước ngoài, đàm phán, mở rộng ngoại giao với các nước khác như vậy. Chỉ riêng điều đó đã làm thay đổi bộ mặt của Việt Nam. Trong vụ giàn khoan Trung Quốc đem cắm vào vùng biển Việt Nam, ta đã giải quyết rất tốt khiến cho cán cân quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc thay đổi hẳn.

Ông ấy cũng đã dẹp yên rất là ngoạn mục vụ bạo động hồi tháng 5/2014, chứ các bác cứ tưởng tượng xem, vụ ấy mà khiến đất nước bất ổn, thì các nước họ có rút ngay đầu tư của họ ra không? Ông ấy làm được như vậy vì ông ấy được lòng dân chúng, đấy là một phẩm chất rất quý đối với lãnh đạo phương Tây, vì có được dân chúng bầu thì Đảng của họ mới lên lãnh đạo được chứ?


Tôi đảm bảo với các bác là ông Dũng đã làm Thủ tướng vào một giai đoạn rất là khó khăn, hồi 2007-2008 ấy cả thế giới khủng hoảng, bao nhiêu nước bị ảnh hưởng, Việt Nam thoát được cũng khá ổn, không bị thiệt hại gì lắm, thế giới họ có khen đấy, điều đó cũng chứng tỏ được tài năng của ông Dũng.

Ông Dũng cũng rất trọng người tài, điều đó có thể thấy được qua cách mà ông ấy đối xử với GS NBC và các GS khác của Vietnam ở hải ngoại. Việc ông ấy dùng ông Dương Chí Dũng và ông Đinh La Thăng gây ra nhiều thất bại, thì tôi lưu ý các bác rằng cả hai ông ấy đều là Tiến sĩ. Ông Dũng đã chọn hai ông ấy vì tin tưởng vào bằng cấp của họ, và nếu họ không đủ tài năng, thì đó trước hết là lỗi của giáo dục Việt Nam.

Vả lại, hồi đó Việt Nam mới mở cửa, nếu muốn đầu tư ra nước ngoài, thì phải có chuyên gia về đầu tư nước ngoài, chứ mấy ông tiến sĩ trong nước làm sao nắm vững tình hình được? Tôi không thích ông Chí Dũng lắm, ông ấy có vẻ dở thật, nhưng ông Đinh La Thăng thì không. Ông Thăng làm việc hăng hái, thẳng thắn, rõ ràng, đấy là dấu hiệu của một người giỏi đấy (chăm chỉ và lương thiện), nhưng giao cho ông ấy làm kinh tế thì chắc cũng giống như giao việc ấy cho Trương Phi vậy. Làm ăn thì phải có lúc lỗ, lúc lãi, chỉ có điều là nếu là tập đoàn nhà nước, lại đầu tư ra nước ngoài, thì phải hết sức thận trọng.

Vậy ý kiến của tôi là, các bác xét tội, thì cũng phải xét công, phải xét con người, phải xét tình hình của thời đại. Ông Dũng và ông Thăng là những nhân vật nổi bật, thu phục được nhân tâm đấy. Bây giờ nếu Việt Nam lại loạn, thì nếu trừng phạt các ông ấy rồi, thì các ông Xuân Phúc, Đại Quang liệu có giữ được ổn định không? Hay lại đem công an quân đội ra đàn áp, và phá tan ngay nền kinh tế đang phát triển?

Mời các bác vắt óc ra mà suy nghĩ giải quyết sao cho có tình có lý. Không phải lúc nào cũng chỉ có mình đúng mà người ta sai, mình hay mà người ta dở đâu ! Mong các bác giữ được ổn định, hòa hợp, phát triển, có như thế thì xã hội mới tốt đẹp, cuộc sống dễ chịu, chứ không phải lúc nào cũng ra sức thanh trừng, đả hổ đập ruồi !

Xin kính gửi các bác lời chào đoàn kết và quyết chiến, quyết thắng !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire