Tôi tự hỏi nguyên nhân vì đâu mà lại có chiến tranh? Liệu người ta đã có thể làm điều gì để tránh được nó không? Vì sao mà bao nhiêu đàn ông trẻ khỏe như thế họ phải ra trận? Vì sao mà bao nhiêu tiền của, trí tuệ đã được sử dụng vào việc sáng tạo ra những máy móc tối tân để giết chóc lẫn nhau như thế? Liệu có phải do tính khí hung hãn, hiếu chiến của đàn ông khiến họ thích đánh nhau? Hay là vì nghèo khổ, đói khát nên phải giết người để kiếm miếng ăn? Nghĩ mãi chẳng ra. Nhưng tôi tin rằng, nếu trải qua nạn đói năm Ất Dậu, nếu phải chịu cảnh phát xít Đức tấn công, nếu người thân yêu của tôi bị kẻ thù giết hại, thì tôi cũng hoàn toàn có thể cầm vũ khí giết người. Có một cái giới hạn cho sự độc ác : khi một kẻ nào tự cho phép mình được giết những người vô tội, thì hắn đã vượt quá giới hạn. Và khi đó chiến tranh bắt đầu.
Nếu tướng Giáp đúng là người như tôi tưởng tượng, thì ông ấy thật là người đáng thương, vì ông ấy thực sự không phải là người muốn chiến tranh, nhưng hơn ai hết ông ấy đã trải qua mọi bi kịch của chiến tranh. Thử tượng tượng xem chính mình ra lệnh cho những người bạn bè đồng chí của mình đi vào chỗ chết! Chính mình là người chịu trách nhiệm về cái chết của những thanh niên trẻ tuổi ở hai bên chiến tuyến ! Tôi tin rằng, tài giỏi và thương người như ông ấy, nếu ông ấy đã không tìm ra được giải pháp nào tốt hơn, thì tức là đã thật sự không có giải pháp nào tốt hơn. Nhưng trong lòng thì không thể không thương xót. Giá có cách nào trừng trị bọn độc ác mà không phải giết nhau thì tốt. Trong suốt những hình ảnh về chiến trận ấy, thấy rất ít phụ nữ. Liệu nếu có mặt phụ nữ chúng ta, thì đàn ông họ có ít muốn đánh nhau hơn không ? Dù sao thì, nếu tôi phải đưa những người đàn ông của mình ra mặt trận, thì tôi sẽ chiến đấu cùng họ, theo cách của mình.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire