vendredi 17 août 2018

Chỉ có nâng cao dân trí mới thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay

PLS : Hay quá ! Đúng quá ! Tiên sư bác Trần Vinh ! Tôi hoàn toàn đồng ý với bác là dân Việt Nam ta "hạn hẹp, ích kỷ, bè phái, tham lam vô độ", đặc biệt là "tham lam vô độ" !


Chỉ có nâng cao dân trí mới thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay


Trần Vinh
17-8-2018

Một đàn anh của tôi là Lão Hạc, viết: “Có một mối ưu tư về tính cách người Phương Đông nói chung là: hạn hẹp, ích kỷ, bè phái, tham lam vô độ… Chỉ những ai học được tính khoáng đạt của người Phương Tây mới có cách sống khác.
Ví dụ: trong triết học môn cờ. Cờ Vua tôn vinh hoàng hậu (tức phụ nữ), con tốt khi đến đích thì được phong (không bị lụt), tướng cũng phải tham gia tấn công.
Về tôn giáo: Các giáo phái Phương Đông từ trước tới nay vẫn mang nặng tính bè phái, kỷ luật khắc nghiệt… khác với Cơ Đốc giáo.
Về nhà nước: Phương Đông ưa chuông “Phương thức phong kiến” (mặc dù có theo Tư bản hay XHCN). CHXN ở VN hay TQ – lúc cao trào cũng như khi mạt vận – vẫn mang nặng tính phong kiến hơn các nước Đông Âu. CNTB các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vẫn mang màu sắc khác các nước Tây Âu (nghĩa là mang đậm bản sắc châu Á – có mặt mạnh mà các nước Tây Âu khó có được)…
Nói như vậy để nói rằng sự biến đổi xã hội ở các nước phương Đông rất chậm chạp, trì trệ. Chớ nên có ảo tưởng về sự đột phá cách mạng ở Phương Đông. Và cũng cần cảnh giác tính tham lam, bè phái của người Phương Đông. Muốn biến đổi Phương Đông, không có con đường nào khác là con đương NÂNG CAO DÂN TRÍ”.
Ý kiến của tôi: Tôi đồng ý hoàn toàn với bác Lão Hạc. Chỉ có nâng cao dân trí như chủ trương của cụ Phan Chu Trinh cách đây cả trăm năm (sau bị ĐCSVN vốn tán thành đường lối bạo lực của lãnh đạo Liên Xô và Tàu Cộng phê phán là “cải lương”) mới khá lên được.
Nếu so sánh, ta thấy trình độ dân trí VN hiện nay nói chung vẫn còn lè tè, không hơn thời cụ Phan còn sống được bao nhiêu, mặc dù số người biết đọc, biết viết khá cao (khoảng 93% thay vì vài % hồi Cách mạng tháng Tám mới thành công). Bởi thế, đã không ít lần tôi viết đại để là: giả thử vì một lý do nào đó, ĐCSVN thôi cai trị, thì tổ chức hay chính đảng nào đủ người, năng lực, uy tín để chấp chính?
Một đảng mới thành lập hay chuyển từ nước ngoài về không đủ kinh nghiệm & uy tín để lãnh đạo, cho nên rất có thể, một “thằng em” của ĐCSVN với tên gọi khác, ví dụ Đảng Dân chủ Xã hội, Đảng Xã hội, Đảng dân chủ, Đảng Vì dân… nhưng bản chất không đổi, làm lãnh đạo nhờ các ứng viên của đảng dày dạn kinh nghiệm làm chính trị, có cơ sở (chi bộ) đến tận thôn xóm, làng bản xa xôi hẻo lánh, thì mọi thứ “vũ như cẩn”.
Nó cũng giống như chuyện thế lực chống tham nhũng hiện nay dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của cụ Đầu Bạc mà cá nhân tôi cho là giáo điều, trì trệ, bảo thủ, tham quyền cố vị, ảo tưởng, hoang tưởng… chiến thắng tuyệt đối, tiêu diệt bằng hết nhóm quan tham (một điều không tưởng vì chúng quá đông, quá nhiều), thì có gì bảo đảm là thế lực đó, khi nắm toàn quyền cai trị, lại không tham nhũng?
Lý tưởng nhất là có cách mạng từ trên xuống, nghĩa là ĐCSVN phân chia thành hai, đảng mới có thể mang tên khác với những vị lãnh đạo cũ nhưng đã tỉnh ngộ, muốn làm điều gì đó có ích cho dân, cho nước, sẵn sàng cởi mở thu phục, dung nạp bất cứ ai có tài, có tâm để cùng nhau phụng sự Tổ Quốc.
Nếu chính trường bị trống thì nguy cơ nội chiến sẽ rất cao, và hiển nhiên, phần thiệt thòi, hy sinh, mất mát vẫn chỉ là nhân dân thấp cổ bé miệng, tức dân đen, thảo dân, phó thường dân mà thôi. Do dân trí thấp, do… lịch sử để lại, họ không còn biết tin tưởng vào ai, vào thế lực nào cả. Rồi khi lợi ích sát sườn của họ bị xâm phạm, họ sẽ phản ứng tự phát giống… anh Pha trong “Bước đường cùng”, hận thù nối tiếp hận thù, không bao giờ dứt như Syria hiện nay vậy.
Tôi muốn viết chút ít về Nhật Bản – mô hình rất thích nhưng sợ dài quá, bạn bè ngại đọc. Vả lại, Ý THỨC CÔNG DÂN, tức trình độ dân trí của người Nhật hiện nay rất cao, có khi đi trước trình độ dân trí xứ Đông Lào vài thế kỷ, nên hiện nay chúng ta không thể học theo cách làm của Nhật được. Chưa kể, Nhật Bản là nhà nước pháp trị, giống các quốc gia dân chủ phương Tây, tuy mang màu sắc Á Đông truyền thống nhưng hiện đại, muốn làm theo, dứt khoát xứ Đông Lào ta phải thay đổi thể chế chính trị từ độc tài sang đa nguyên, dân chủ hóa, song song với việc nâng cao dân trí.
Tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới. Công cuộc xây dựng CNXH và CNCS đã và đang thất bại, chứng tỏ rằng sáng tác của Cụ Râu và Cụ Hói thực chất chỉ là một giấc mơ đẹp – giống như chuyện cổ tích dành cho trẻ em mà thôi.
Nói thế không có nghĩa là mô hình chính trị, kinh tế, xã hội ở Mỹ, Nhật, Úc, Tây Âu là miễn chế, là hoàn hảo, là không còn khiếm khuyết. Không, nhờ cơ chế đa đảng mà các chính quyền ở đó thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để điều chỉnh chính sách, đường lối phát triển đất nước sao cho được nhân dân tin tưởng, ủng hộ, kẻo rồi trong lần bầu cử kế tiếp, họ sẽ bị thất cử, hết quyền lãnh đạo.
Nhờ báo chí độc lập, nhân dân được thông tin đầy đủ về chính khách, chính quyền, về mọi vấn đề có liên quan đến vận mệnh của đất nước nên dân đủ tỉnh táo bầu chọn khi đến mùa bầu cử. Ở xứ Đông Lào, nhờ internet, hiện nay đa số nhân dân cũng đã nhận chân ra mọi chuyện cả rồi, nhưng họ chưa có quyền bầu cử tự do, nên mới có chuyện “đảng cử, dân bầu” tức chúng nó bầu cho chúng nó. Nhân dân chỉ có mỗi quyền: chịu đựng, làm việc và đóng thuế cho tầng lớp cai trị phá, tham, làm giàu cho bản thân, gia đình, phe nhóm.
Ai viết bài hay có hành vi bất tuân sẽ bị vu vạ cho là “thế lực thù địch”, bị khởi tố, điều tra, xét xử theo các điều 79, 88, 258 của BLHS của đảng, do đảng, vì đảng, rồi sẽ mỏi mòn trong ngục tù như Trần Huỳnh Duy Thức, Mẹ Nấm và hàng trăm tù nhân lương tâm khác. Tóm lại, trời xứ Đông Lào đang “tối đen như mực và như cái tiền đồ của chị Dậu” (Tắt Đèn).
Thế nên, dứt khoát phải tìm mọi biện pháp để NÂNG CAO DÂN TRÍ thì mới có cơ thoát khỏi khủng hoảng, nếu không, xứ này sẽ sớm quay về thời đồ đá cũ.

https://baotiengdan.com/2018/08/17/chi-co-nang-cao-dan-tri-moi-thoat-khoi-tinh-trang-be-tac-hien-nay/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire