Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT khẳng định quyết tâm đưa giáo dục thể chất thành môn học chính, góp phần thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục, thể thao trở thành nhu cầu tự thân của học sinh.
Võ cổ truyền đã được đưa vào nhiều trường học của Việt Nam. Ảnh: VGP |
Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 80.000 giáo viên thể dục thể thao, trong đó có khoảng 74% giáo viên chuyên trách và 26% giáo viên bán chuyên trách. Đội ngũ giáo viên thể dục ở các trường còn thiếu về số lượng, cơ cấu chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Đặc biệt ở bậc tiểu học chỉ có 20% số trường có giáo viên chuyên trách. Hầu hết các trường dạy chương trình cũ được ban hành từ năm 2000, ít các hướng dẫn, các kĩ năng thực hành, không có các hoạt động thể thao ngoại khóa. Đội ngũ giáo viên thiếu về số lượng so với yêu cầu, vừa yếu về kiến thức kĩ năng, đặc biệt kĩ năng hướng dẫn vận động và huấn luyện thực hiện phong trào thể thao
Chương trình môn học giáo dục thể chất của các cấp học cấu trúc chưa cân đối. Nhiều nội dung còn mang nặng tính kĩ thuật. Hoạt động thể thao trường học nội dung còn nghèo nàn, hình thức hoạt động đơn điệu nên chưa thu hút được đông đảo lực lượng học sinh tham gia tập luyện thể dục, thể thao. Nguồn lực đầu tư cho công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học chưa đáp ứng đủ.
Những nội dung này được thảo luận kĩ trong Hội nghị nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học, tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Hà Nội, sáng 23/2.
Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, có một thực tế là giáo dục thể chất là môn học quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông nhưng từ lâu nay luôn bị coi là môn phụ, không nhận được sự quan tâm của các nhà trường cũng như xã hội. Nhiều thầy cô dạy giáo dục thể chất cảm thấy "mặc cảm" trước đồng nghiệp.
Trong khi đó, sự quan tâm của cha mẹ học sinh, cộng đồng xã hội đối với việc nâng cao thể chất, tầm vóc cho học sinh ngày càng được quan tâm trước nhiều vấn đề sức khoẻ học đường hiện nay như cận thị, thấp còi, suy dinh dưỡng…
Nhưng chính người đứng đầu Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận không phải cứ kêu gọi "môn phụ trở thành môn chính" là sẽ thay đổi được tình hình. Bản thân môn giáo dục thể chất cũng phải thay đổi để trở thành nhu cầu, niềm đam mê của học sinh. Phải có giải pháp để khi nhắc tới các hoạt động thể dục thể thao trong nhà trường khiến học sinh không cảm thấy sợ, ngại mà mong muốn được tham gia, trở thành niềm đam mê, sở thích của các em, là cho chính các em thấy được ý nghĩa và tác dụng của các hoạt động giáo dục thể chất.
"Nếu chúng ta tập trung nâng cao thể chất ngay từ các cấp học mầm non, tiểu học thì sẽ đỡ rất nhiều cho xã hội sau này. Đây chính là đầu tư cho tương lai hay chính là khả năng dự phòng trước về sức khỏe. Không khỏe mạnh làm sao vui tươi và phát triển được", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ.
Từ thực tế đó, các đại biểu đã đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn giáo dục thể chất và thể thao trong trường học. Trước hết, cần tăng cường các hoạt động thể dục thể thao trong trường học như xây dựng các hoạt động thể thao thường xuyên, đưa các môn thể thao truyền thống vào hoạt động ngoài giờ lên lớp của nhà trường.
Ngành giáo dục cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho môn học giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường. Tăng cường, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên thể dục đảm bảo đạt chuẩn theo quy định hiện hành. Hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách huy động sự tham gia đóng góp của toàn xã hội đối với công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chính thức phát động phong trào tập thể dục buổi sáng, tập thể dục giữa giờ. Mỗi nhà trường chọn một môn thể thao thể thao như bơi lội, bóng đá, bóng rổ… để tập luyện thành nền nếp. Không chỉ học sinh mới tập luyện thể dục thể thao mà các thầy cô giáo cũng phải đi đầu, làm tấm gương, động lực cho học sinh noi theo.
Các địa phương, các cơ sở giáo dục bám sát mục tiêu, nội dung chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành, từ đó vận dụng các hoạt động giáo dục thể chất một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng địa phương, vùng miền, phù hợp với thể trạng học sinh, tạo sự hứng khởi cho cả người dạy và người học. Phương án xã hội hóa cần được các địa phương tính tới.
Các trường đại học sư phạm thể dục thể thao, khoa sư phạm giáo dục thể chất tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường kỹ năng cho cả người dạy, người học, kĩ năng xử lý tình huống, mở rộng các chương trình hướng dẫn phong trào, tổ chức các câu lạc bộ; tài liệu giáo trình tránh lý thuyết mà chú trọng hướng dẫn thực hành, thiết thực và hiệu quả.
MK
http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Khong-de-giao-vien-the-duc-mac-cam/359814.vgp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire