mardi 19 février 2019

Vụ sát hại nữ sinh ở Điện Biên: Sao có thể nhận thưởng trong nỗi đau của gia đình nạn nhân?

PLS : Làm như công an miền núi họ dở hay sao ấy, vừa lười vừa dốt ! Ở bên Pháp này cũng vậy, ở vùng Chambéry, từ khoảng hơn 10 năm trở lại đây, có gần hai chục vụ giết người, mà cảnh sát điều tra mãi chẳng ra. Mới đây bắt được một thằng, thì nó lại không chịu khai ! Tôi cũng muốn cách chức luôn ông Sùng A Hồng, nhưng nghĩ lại chắc chẳng có ma nào muốn làm trưởng công an ở đấy, nên thôi kệ ! Chỉ có điều những vụ như vậy làm tôi rất đau lòng vì người mẹ có vẻ rất vô ý thức, để con đi vào những chỗ nguy hiểm mà không bận tâm gì cả (thường là các bà ấy ghiền Facebook, con bị nguy hiểm đến thế mà vẫn lên Facebook được, chứng tỏ ngày thường chắc chẳng để ý gì đến con) ! Trẻ con không được bảo vệ, và nói chung mọi người không có ý thức bảo vệ lẫn nhau ! Chắc bận kiếm tiền quá !
 

Vụ sát hại nữ sinh ở Điện Biên: Sao có thể nhận thưởng trong nỗi đau của gia đình nạn nhân?


Ngăn chặn được, cứu được mạng người mới đáng khen thưởng. Không lý gì người thì chết bị đào mồ lần nữa, người thì hân hoan nhận khen, nhận thưởng. Thật phản cảm và không có tính giáo dục.
Ngôi nhà hoang, nơi phát hiện thi thể nữ sinh Cao Mỹ Duyên
Ảnh: Trần Cường
5 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam về các tội giết người, cướp tài sản, hiếp dâm, tàng trữ trái phép chất ma túy và bắt giữ người trái pháp luật, gồm: Vương Văn Hùng, Bùi Văn Công, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng và Lường Văn Lả (đều trú tại tỉnh Điện Biên) trong một vụ án chấn động dư luận.
Chấn động vì tội ác của 5 "ác thú" quá dã man, chấn động vì một nữ sinh xinh đẹp bị bắt giữ và hiếp dâm tập thể nhiều lần, chấn động vì gia đình báo án ngay trong ngày nhưng công an không có biện pháp kịp thời ngăn chặn.
Nỗi đau đến tận cùng, không chỉ của gia đình mà của toàn xã hội trước tội ác, trước sự không chuyên nghiệp của lực lượng công an sở tại. Tôi nói không chuyên nghiệp không chỉ ở chỗ không có biện pháp khẩn trương để ngăn chặn mà cả khi khai quật mộ nữ sinh để giám định pháp y.
 
Tôi đọc thông tin trên báo chí và biết như sau:
 
Đêm 30 Tết, nữ sinh Duyên ở Điện Biên bị mất tích. Người nhà mau chóng đi trình báo công an về việc này và tỏa đi tìm kiếm. Mùng 2 Tết, gia đình tìm được chiếc xe của nạn nhân và tiếp tục trình báo công an. Sáng mùng 3 Tết, hai người dân tìm được thi thể của nạn nhân tại một ngôi nhà vắng chủ và tiếp tục trình báo công an. Ngay lập tức sau khi tìm thấy thi thể, công an Điện Biên lập ban chuyên án và "quyết liệt vào cuộc" thực hiện nhiệm vụ họ được trả lương. 3 ngày sau khi lập ban chuyên án, kẻ tình nghi đầu tiên bị bắt. 10 ngày sau khi tìm thấy thi thể, 5 người bị bắt, tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo, khen thưởng ban chuyên án và Công an huyện Điện Biên (nơi Duyên bị mất tích và sát hại).
Chiều 18.2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Điện Biên phối hợp với Công an tỉnh Điện Biên tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến vụ nữ sinh đi giao gà bị sát hại ở Điện Biên trong dịp tết vừa qua.
Tại buổi lễ, một trong những thành tích của công an được nêu bật là việc đã mau chóng tìm ra xe máy và thi thể của nạn nhân trong 3 ngày tết. Kết thúc buổi lễ, mỗi tập thể được thưởng 3 triệu đồng, mỗi cá nhân tham gia điều tra được thưởng hơn 1 triệu mỗi người, 48 bằng khen được trao tặng.
Vậy thì khen thưởng vì thành tích gì?
Chúng ta đều biết, nhiệm vụ của lực lượng công an là bảo vệ an ninh cho người dân, nghĩa là phòng ngừa, ngăn chặn là chính, điều tra, trấn áp tội phạm khi xảy ra án là chuyện chẳng đặng đừng. Nhưng lâu nay, có vẻ đã hiểu ngược lại. Công an bắt tội phạm mới có thành tích, CSGT phạt được nhiều người vi phạm mới đạt chỉ tiêu.
Người viết bài này thừa nhận rằng, điều tra tội phạm là một công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì thủ đoạn bọn tội phạm thường rất tinh vi. Nhưng qua diễn biến sự việc này cho thấy, đây là bọn nghiện hút, hành động liều mạng và bất chấp. Không thể nói tinh vi, mưu mẹo khi nhốt một cô gái trên xe tải của chính mình để… hiếp dâm lại.
Mẹ cô gái biết địa chỉ cô gái đi giao gà, biết người mua cả lồng gà (khi đứng xin số điện thoại của con gái bà), công an hoàn toàn có thể yêu cầu nhà mạng truy vấn cuộc gọi qua số điện thoại của cô nữ sinh. Chừng đó thông tin, chừng đó manh mối là tương đối nhiều cho một vụ án.
Nếu lực lượng công an vào cuộc và cứu được cô gái thì khen bao nhiêu, thưởng bao nhiêu cũng chẳng ai nói, dù biết đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng cô gái đã bị hiếp dâm và sát hại.
Một người bình thường nhất cũng có thể hiểu rằng, khi phát hiện cô gái bị giết và vẫn còn lõa thể, đặc biệt cô gái đó trẻ đẹp, hẳn nhận định đầu tiên phải là hiếp dâm, chưa nói đến lý do gì. Vậy thì, công tác khám nghiệm hiện trường rõ ràng là phải kỹ lưỡng, toàn diện và chi tiết, ghi nhận chi tiết các dấu vết bên ngoài, từ vết thương, vết trầy xước, vết bầm tím, tiến hành thu giữ máu... gửi đi giám định độc chất. Người bị giết là nữ giới thì phải khám nghiệm thật kỹ bộ phận sinh dục…
Việc khai quật để giám định là việc làm cần thiết của cơ quan tiến hành tố tụng, nhằm củng cố chứng cứ. Nhưng việc đó, như đã nói, là có thể làm trước, không phải khai quật lại nỗi đau của bao người.
Vậy việc đó có gì đáng khen?
Trước đây, có nhiều vụ công an bắt được thủ phạm cướp ngân hàng, ví dụ vụ cướp 954 triệu thì được thưởng 112 triệu và nhiều vụ khác. Chúng tôi không nói thành tích phá án, tỷ lệ tiền thu hồi và tiền thưởng vì thấy nó đã có gì đó sai sai, nhưng thôi cũng được đi, trấn áp tội phạm mới quan trọng.
Nhưng mà, không thể tạo thành một tiền lệ có bắt có thưởng, vì như đã nói, ngăn chặn mới là nhiệm vụ chính. Theo tôi, ngăn chặn được, cứu được mạng người mới đáng khen thưởng. Không lý gì người thì chết bị đào mồ lần nữa, người thì hân hoan nhận khen, nhận thưởng. Thật phản cảm và không có tính giáo dục, không mang đến cho người dân cảm xúc thẩm mỹ mà trái lại, gây rất nhiều bức xúc.

Ngành công an nên khách quan xem xét lại chuyện này, thưởng cái gì, thưởng lúc nào… Dân gian có câu “của cho không bằng cách cho”, có thể khen thưởng nội bộ với nhau cũng được đi, chứ làm rầm rộ giữa cuộc họp báo như vụ án nói trên thì rất phản cảm.
Phản cảm thì bỏ đi!
*Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một cựu nhà báo hiện sống ở Đà Nẵng.
https://thanhnien.vn/toi-viet/vu-sat-hai-nu-sinh-o-dien-bien-sao-co-the-nhan-thuong-trong-noi-dau-cua-gia-dinh-nan-nhan-1053083.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire