Ây là vì tôi khoái cái câu hỏi của báo Nhật hỏi ông Xuân Phúc có đề xuất gì để tăng cường hơn nữa quan hệ Việt Nam- Nhật Bản hay không? Ông XP thì tất nhiên là ổng trả lời vĩ mô, chung chung thôi, còn tôi thì trả lời cụ thể hơn là tôi muốn Nhật Bản giúp mình cái gì :-)
Một là, tôi thấy là Việt Nam thì không có vua, mà vua là biểu tượng của văn hóa của đất nước. Nhật Bản họ có được vương triều cả mấy ngàn năm nên họ giữ gìn được truyền thống văn hóa rất là tốt đẹp. Vậy thì tôi muốn là Việt Nam được hưởng ké Nhật Hoàng của họ một tý :-), cụ thể là, nhân những dịp lễ lạt, giao lưu văn hóa lớn, thì xin Ngài có vài lời dặn dò cộng đồng Việt Nam tại Nhật và đồng thời gởi đến dân chúng Việt Nam luôn, để nhắc nhở họ những điều tốt đẹp.
Hai là, tôi mong muốn Nhật đầu tư vào việc dạy tiếng Nhật trong trường học của Việt Nam, cụ thể là từ lớp 6. Hồi xưa trong một dịp dự séminaire, tôi có cơ hội nói chuyện với một ông giáo sư triết học người Nhật (rất trẻ, rất giỏi), trong số những điều ông ấy nói, có một điều khiến tôi rất ngạc nhiên là ổng nói là chữ viết của Nhật là chữ viết Trung Hoa. Tôi cứ hỏi đi hỏi lại mãi, thì ổng nói đúng là như vậy. Trừ khi là tiếng Pháp của tôi dở quá, hoặc là ảnh phát âm khó nghe quá, còn nếu sự thật đúng là như vậy, thì tôi thấy học tiếng Nhật là một lợi thế rất lớn, vì như vậy là ta học được một lúc hai thứ tiếng, vừa là tiếng Nhật, vừa là tiếng Trung Hoa.
Điều thứ ba là, tôi mong muốn Nhật đầu tư cũng vào trường học Việt Nam những môn võ Nhật Bản như là Aikido hay là Kendo... rất là nổi tiếng. Đó là vì người Việt Nam có một vấn đề rất lớn về thể chất, họ không chịu rèn luyện gì cả, khiến cho sức khỏe kém, nên đầu óc cũng ngu ngốc, tính cách thấp kém đi, chỉ toàn tính những chuyện khôn vặt. Nếu Bộ Giáo dục có hướng đầu tư cho việc rèn luyện thể chất kết hợp võ thuật Việt Nam và Nhật Bản thì sẽ rất là hay (mà mai mốt đi du học có thể đi dạy võ kiếm thêm tiền được đấy), mà nhân việc ấy, trẻ em Việt Nam lại được tìm hiểu thêm về văn hóa Nhật Bản qua những môn võ thuật ấy.
Điều thứ tư là, tôi muốn Nhật Bản can dự nhiều hơn vào việc quản lý nông nghiệp ở đồng bằng sông Mékong. Tôi cho rằng những đồng bằng lớn như vậy là tài sản của cả nhân loại chứ không phải của riêng nước sở hữu nó (châu Phi còn đang đói bỏ cha ra kia kìa). Chúng ta phải quản lý nó làm sao cho tốt để nó nuôi được cả thế giới, chứ dân Việt Nam tham lam láu cá, vui thì họ xuất khẩu gạo, tôm, buồn thì họ không làm nữa thì ảnh hưởng đến lương thực thế giới.
Còn một số điều khác nữa, ví dụ như tôi muốn Nhật giúp đầu tư vào lĩnh vực ẩm thực. Có vẻ như dân Việt Nam vẫn chưa ý thức được thế mạnh này của họ. Món ăn của VN dường như là đứng thứ nhì thế giới, sau Pháp, nhưng về độ lành mạnh thì vượt Pháp. Vậy mà ở phương Tây họ rất thích đồ ăn Việt Nam, thế mà mình không lợi dụng để phát triển được. Các bà Tây họ rất thích vì đồ ăn ngon mà ăn bao nhiêu cũng không tăng ký (cứ trông dân VN mình gày tong teo là biết :-D ), rất đa dạng, rất nhiều rau, rau tươi, rau thơm, vv. Việt Nam đang phát triển du lịch ẩm thực là tốt đấy ! Liệu có thể có chính sách thế nào đấy để cho ở những thành phố du lịch lớn, có những khu phố ẩm thực bình dân Việt Nam-Nhật Bản được không? (Đồ ăn Nhật cũng rất lành mạnh, tuy là món cá sống nhiều khi cũng khó xơi một tí !)
Tôi còn suy nghĩ về năng lượng hạt nhân nữa. Nếu VN muốn mạnh, thì phải làm ! Nhưng mà hiện giờ thì cái vụ Formosa ô nhiễm công nghiệp đang làm mọi người tởm quá, nên phải suy nghĩ thêm. Có dạo tôi đọc tin thấy hãng dầu khí ExxonMobil tìm ra một mỏ khí mới ở biển Đông, định khai thác thì tôi rất mừng (cảm ơn Mỹ !), nhưng từ bấy đến nay thấy im re, bây giờ thì lại đang có vấn đề gì với lãnh đạo dầu khí Việt Nam, các bác phải coi chừng để ý đấy, không thì bọn Trung Quốc chúng lại tìm cách cướp của mình đấy !
Các bác có để ý thấy là, trên toàn thế giới, thì chỉ có Nhật là thực sự có tiền không? Các nước khác khoe giàu nhưng thực ra một phần đông dân của họ rất nghèo, và thường là họ không đủ tiền để làm một số chính sách tốt cần làm, trong khi mà Nhật thì không bao giờ thiếu tiền. Đó là vì dân của họ rất chăm chỉ, mỗi người làm việc bằng mấy người khác, cho nên họ tạo ra của cải thôi. Nếu Việt Nam chúng ta muốn giàu, thì cũng chỉ có cách là phải làm việc chăm chỉ lên thôi, chứ chẳng có 36 cách đâu, cứ trộm cướp của nhau mãi thì không khá được, cuối cùng chắc chỉ còn cái khố rách mà giành nhau thôi.
Mong các bạn Nhật để ý đến nguyện vọng của mình :-) Xin chân thành cảm tạ các bạn ! Kính chúc Hoàng Thượng và Lệnh Bà nghỉ ngơi khỏe khoắn sau chuyến công du rất tốt đẹp của hai Ngài.
PS : À còn có một chuyện rất quan trọng mà sao mình lại quên chứ? Đấy là tôi muốn Nhật đào tạo giúp cán bộ cao cấp ở trong chính phủ của mình. Ví dụ nếu mà Nhật có cái Viện Khoa học chính trị nào đó thì mình đều đặn gửi cán bộ của mình sang đào tạo các khóa 6 tháng, 1 năm chẳng hạn, Nhật cho chỗ ở và tiền học, VN tự lo tiền ăn, vé máy bay thì bắt Vietnam Airlines tặng miễn phí, ví dụ vậy ! Để cho các ông ấy đi mở mang đầu óc ra cho dân bớt khổ, chứ không tôi thấy mấy ổng toàn đi Trung Quốc đào tạo thì tôi thấy nguy hiểm quá. Bọn TQ chúng còn ngu hơn mình, mình dạy chúng chứ sao chúng dạy mình được? Người ta nói "Làm tớ thằng khôn còn hơn làm thày thằng ngu", vậy mà mình lại đi làm tớ thằng ngu, dạy nhau thế thì dần dần mọc đuôi ra cả !
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn báo Nhật
(Chinhphu.vn) - Nhân dịp Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu có chuyến thăm cấp Nhà nước lần đầu tiên tới Việt Nam từ ngày 28/2-5/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời phỏng vấn báo “Asahi Shimbun” (Nhật Bản). Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung phỏng vấn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP |
Xin Ngài cho biết những kỳ vọng vào chuyến thăm chính thức Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản. Chuyến thăm này sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ ngoại giao giữa hai nước?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Người Việt Nam biết tới Nhật Bản là một đất nước hiện đại, tươi đẹp, giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đất nước của tàu cao tốc Shinkansen và những võ sĩ Samurai với nhiều nét đẹp riêng như hoa anh đào, núi Phú Sĩ, cố đô Kyoto, và nghệ thuật Trà đạo. Dưới sự trị vì của Nhà vua và Hoàng hậu, sự lãnh đạo của Chính phủ Nhật Bản, đất nước Nhật Bản đã vươn lên, phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới, là hình mẫu cho sự thành công của tinh thần đổi mới và sáng tạo trong phát triển đất nước. Lắng sâu trong sự “thần kỳ” Nhật Bản chính là những người dân của đất nước mặt trời mọc, đó là những con người có tinh thần tự lực, tự cường, ý chí kiên cường vươn lên đứng vững trước mọi thử thách của thiên nhiên, có sức sáng tạo, đổi mới và tinh thần làm việc kỷ luật, chăm chỉ.
Vượt qua những thăng trầm của lịch sử, với nhiều nét tương đồng về văn hóa, giá trị nhân văn, hai dân tộc Việt Nam - Nhật Bản đã gắn bó và tạo dựng được mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Nhân đây, tôi muốn đề cập đến một địa danh gắn liền với mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản từ xa xưa, đó là Phố cổ Hội An thuộc tỉnh Quảng Nam quê tôi, nơi đã từng là một thương cảng hết sức sầm uất ngay từ thế kỷ 17 và 18, tấp nập các đoàn thuyền buôn của người Nhật đến giao thương. Nói một cách hình ảnh, Chùa Cầu ở Phố cổ Hội An với dấu ấn văn hóa Nhật Bản đậm nét có thể được xem như là một trong những biểu trưng cho sự kết nối giữa hai dân tộc. Về những thành công trong phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam những năm qua, không thể không nhắc đến những đóng góp và hỗ trợ quý báu của Chính phủ và nhân dân Nhật Bản, của các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản.
Chính vì lẽ đó, đất nước và nhân dân Việt Nam hết sức vui mừng được đón Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản đến thăm Việt Nam lần đầu tiên. Chuyến thăm của Nhà vua và Hoàng Hậu sẽ đặt một dấu mốc lịch sử, là một biểu tượng hết sức có ý nghĩa về tình hữu nghị giữa hai dân tộc, mở ra một chương mới trong quan hệ hữu nghị, đối tác chiến lược hợp tác sâu rộng giữa hai nước.
Xin cho biết đánh giá của Ngài Thủ tướng về quan hệ Việt Nam-Nhật Bản trong những năm qua, thời điểm hiện nay và trong tương lai? Ngài có đề xuất gì nhằm thúc đẩy tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Có thể nói quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử. Việc hai nước thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á tháng 3/2014 và đạt được Tuyên bố về tầm nhìn chung quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tháng 9/2015 là những dấu mốc quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ toàn diện và thực chất giữa hai nước trên mọi lĩnh vực. Trong những năm qua, hai nước đã tạo dựng và tăng cường sự tin cậy chính trị, thường xuyên có các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, thiết lập và triển khai hiệu quả nhiều cơ chế đối thoại, hợp tác.
Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, thể hiện ở việc là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam với kim ngạch thương mại năm 2016 đạt 30 tỷ USD và đang tăng nhanh, là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 2 với hơn 1.600 doanh nghiệp đang hoạt động có số vốn tới 42 tỷ USD, trong đó có nhiều tập đoàn lớn, đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam như Toyota, Honda, Fujitsu, Sony, Toshiba, Mitsubishi, Aeon... Nhật Bản hiện đang là nước cung cấp hỗ trợ phát triển chính thức lớn nhất cho Việt Nam và hai nước đang cùng triển khai nhiều dự án quy mô lớn tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng.
Bên cạnh đó, quan hệ hai nước tiếp tục đạt được nhiều tiến triển trên các lĩnh vực an ninh - quốc phòng, nông nghiệp, lao động, ứng phó với biến đổi khí hậu và nhiều lĩnh vực khác. Hoạt động giao lưu nhân dân và du lịch cũng diễn ra rất sôi nổi. Đã có gần 30 cặp địa phương hai nước thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị. Số người Nhật đi du lịch tại Việt Nam đông thứ 3 trong tổng số khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam năm 2016. Hai nước cũng rất chú trọng tới quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục. Trường đại học Việt - Nhật được thành lập và hoạt động vào tháng 9/2016 với sự ủng hộ, hỗ trợ tích cực, có trách nhiệm của Chính phủ hai nước. Việt Nam cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực giáo dục đại học thông qua việc cho phép thành lập Trường Đại học Y khoa Tokyo Việt Nam tại tỉnh Hưng Yên năm 2015.
Trong thời gian tới, tôi cho rằng hai nước còn có rất nhiều cơ hội để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 01/2017 vừa qua của Thủ tướng Shinzo Abe, tôi và ngài Thủ tướng mong muốn đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, toàn diện, đặc biệt trên lĩnh vực kinh tế, đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa, nhân dân, tăng cường sự hiểu biết giữa hai dân tộc. Với ưu thế về vốn, kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý của Nhật Bản và nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng của Việt Nam, hai nước có thể phát huy tối đa lợi thế bổ sung lẫn nhau, tăng cường tính kết nối giữa hai nền kinh tế, thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác có nhiều tiềm năng như phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng cao, nông nghiệp sạch công nghệ cao, năng lượng tái tạo, hợp tác địa phương, hợp tác lao động,...
Thưa Ngài, số lượng người Việt Nam sống tại Nhật Bản đang tăng lên một cách nhanh chóng, Ngài có nhận xét gì về điều này và liệu sẽ có những thách thức gì cho Chính phủ của hai nước trong vấn đề này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tôi rất vui mừng nhận thấy khi quan hệ hai nước ngày càng phát triển, sự giao lưu giữa nhân dân hai nước ngày càng mật thiết. Việt Nam và Nhật Bản đều là hai dân tộc giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Người Việt Nam và người Nhật Bản đều có truyền thống hiếu học, ý chí tự lực, tự cường, cần cù chăm chỉ.
Đất nước Nhật Bản tươi đẹp, hiện đại với nền giáo dục tiên tiến đang là điểm đến hấp dẫn của du khách Việt Nam và được nhiều thanh niên Việt Nam lựa chọn để đi du học, học nghề. Các tu nghiệp sinh, các lao động trẻ của Việt Nam đang hàng ngày đóng góp thiết thực cho nguồn nhân lực tại Nhật Bản. Việt Nam với nền kinh tế phát triển năng động, nhiều danh lam, thắng cảnh và nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên cũng đã và đang thu hút ngày càng nhiều người Nhật Bản đến du lịch, tham quan, làm ăn và sinh sống. (Năm 2016, có hơn 740.000 lượt người Nhật Bản sang Việt Nam và hơn 200.000 lượt người Việt Nam sang Nhật Bản. Hiện có hơn 170.000 người Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập tại Nhật Bản, trong đó có khoảng 60.000 du học sinh, 72.000 thực tập sinh.) Những người Việt Nam ở Nhật Bản và những người Nhật Bản tại Việt Nam đã thực sự là những nhịp cầu của tình hữu nghị, đưa hai dân tộc chúng ta xích lại gần hơn.
Tôi mong Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục cùng nhau hỗ trợ công dân hai nước vượt qua những khó khăn về bất đồng ngôn ngữ, hiểu biết văn hóa, tập tục, luật pháp để có thể hòa nhập, ổn định cuộc sống, học tập, làm việc và đóng góp tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội của mỗi nước.
Năm nay, Việt Nam kỷ niệm 30 năm thực hiện chính sách Đổi mới. Xin Ngài Thủ tướng cho biết ý kiến về việc này. Việt Nam được đánh giá là một nước phát triển mới tại châu Á với những thành tựu kinh tế nổi bật. Bên cạnh đó, ở Việt Nam vẫn tồn tại một số vấn đề như tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo, chính sách cho môi trường đầu tư cần được cải thiện... Việt Nam nhìn nhận, đánh giá như thế nào về các vấn đề tồn tại đó, cũng như sẽ giải quyết những vấn đề đó như thế nào?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Sau ba thập kỷ Đổi mới, cải cách mở cửa, Việt Nam từ một nước nghèo kém phát triển đã vươn lên trở thành một quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình trong khu vực và trên thế giới. Thành công của công cuộc Đổi mới đã đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng, toàn diện vào đời sống quốc tế, xây dựng và củng cố các mối quan hệ hợp tác với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước ASEAN và các nước lớn, trong đó có Nhật Bản. Việt Nam cũng đạt được những thành tựu rất quan trọng về hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, phát huy mạnh mẽ quyền tự do, dân chủ của người dân, bảm đảo an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội cho người dân, coi trọng phát triển bền vững, lấy việc xây dựng một nước Việt Nam thịnh vượng, dân chủ, công bằng, văn minh là mục tiêu trung tâm và vừa là động lực phát triển. “Đổi mới” đã là cụm từ tiếng Việt được thế giới biết đến, gắn với câu chuyện thành công của Việt Nam.
Trong quá trình phát triển đất nước, Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn, thách thức. Đó là nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tăng trưởng thiếu bền vững, sức cạnh tranh và năng suất lao động thấp, những bất ổn trên thị trường toàn cầu, biến đổi khí hậu, tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo…
Để phát huy những thế mạnh, tranh thủ tốt các cơ cơ hội phát triển, đồng thời vượt qua các khó khăn, thách thức, Chính phủ Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế một cách thực chất, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường; thực hiện dân chủ, tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tăng cường phúc lợi xã hội và cải thiện đời sống nhân dân.
Tôi cùng với các thành viên Chính phủ quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp; xây dựng một nền quản trị minh bạch, dựa trên nền tảng thượng tôn pháp luật và đội ngũ lãnh đạo có năng lực, tận tâm, vì dân; nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, xóa bỏ các rào cản, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài; cải cách hành chính, tăng cường phòng và chống tham nhũng…
Tôi tin tưởng mạnh mẽ với quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, với ý chí của người dân, sự hợp tác và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, trong đó có Nhật Bản, Việt Nam sẽ tiếp tục vượt qua được những khó khăn, thách thức và đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong phát triển đất nước.http://baochinhphu.vn/Tin-noi-bat/Thu-tuong-Nguyen-Xuan-Phuc-tra-loi-phong-van-bao-Nhat/299975.vgp
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire