PLS : Ôi ông Võ Văn Sen ổng làm tôi bất ngờ và vội quá, không kịp suy nghĩ trước xem Trường Đại Học KHXH&NV TP HCM nên đề xuất gì với Trường Harvard.
Đề tài về đồng bằng sông Cửu Long là tốt ạ, tôi hy vọng hòa bình thế giới sẽ từ đó mà ra. Trẻ con được VN nuôi, Harvard đào tạo, thế là chúng thành nhân tài cả :-)
Tôi thì tôi suy nghĩ về ý tưởng của anh Thomas Piketty, tác giả của "Tư bản thế kỷ 21" ấy. Anh ấy gợi ý rằng phát triển ngành kinh tế học nên kết hợp với KHXH&NV. Tôi cũng nghĩ vậy, để cho kinh tế phát triển một cách lương thiện, nhân văn hơn phục vụ nhân loại hiệu quả hơn chứ không thì nó gây ra nhiều tai họa quá !
Mặc dù ý tưởng liên ngành, đa ngành trong nghiên cứu các ngành KHXH&NV đã được khai thác phát triển lâu nay rồi, nhưng điều đó mới chỉ ở trong phạm vi khối ngành này thôi. Một sự phát triển liên kết với các khối khác như là kinh tế hay Khoa học tự nhiên (Toán chẳng hạn) có vẻ còn là quá táo bạo. Nhưng tôi đã từng được biết tới một ông chuyên gia về Voltaire ổng nghiên cứu về khía cạnh kinh tế trong tác phẩm của Votaire, thì thấy hay và lạ lắm. Và chúng ta cũng biết là các nhà toán học họ sử dụng ngôn ngữ thật là vi diệu, chính xác, có rất nhiều nhà tư tưởng lớn là nhà toán học (Descartes hay Pascal chẳng hạn), các nhà văn nữa. Vậy mà các bên đều có vẻ kính nhi viễn chi, xa cách nhau. Tôi ước gì trong tương lai các nhà xã hội nhân văn giỏi toán và quan tâm đến kinh tế hơn, để các nghiên cứu của họ mạnh mẽ và có ảnh hưởng hơn. Còn bên toán và kinh tế thì quan tâm đến ý kiến của chúng tôi một tí, chúng tôi cũng không phải là xa rời thực tế lắm đâu :-)
Tôi cũng nghĩ đến lĩnh vực nghệ thuật nữa, nhưng mà nghệ thuật và nghiên cứu nghệ thuật của ta có vẻ còn ẹ quá nên phải chờ thêm cho tới khi nào dân ta bớt khinh thường nghệ thuật đi.
Ngoài ra thì, ta sang Harvard thì hơi khó vì tốn kém chứ Harvard sang ta thì dễ hơn. Liệu chúng ta có thể tổ chức hội thảo, séminaires và mời giáo sư của họ sang tham gia thường xuyên hơn không? Giống như kiểu GS NBC mời các GS nước ngoài tới Viện Toán giảng bài ấy?
Tôi ở bên Pháp này thi thoảng được đi dự hội thảo ở Sorbonne thấy choáng luôn, chắc toàn là những đầu óc lỗi lạc nhất của thời đại được mời tới đấy, thấy mình cũng được sáng sủa thêm ra :-) Những sinh hoạt nghiên cứu như vậy thật là hay và gợi cảm hứng, chắc là mình phải làm thường xuyên hơn đó thưa ngài Võ Văn Sen !
Trường đại học Việt Nam đề xuất gì với nữ hiệu trưởng Harvard?
Đại diện trường đại học Việt Nam sẽ đề xuất trao đổi vấn đề phát triển bền vững của Đồng bằng Sông Cửu Long dưới góc nhìn khoa học xã hội nhân văn.
Ngày 23/3, GS Drew Gilpin Faust, hiệu trưởng thứ 28 của Đại học Harvard, Mỹ thuyết trình trước sinh viên, giảng viên của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Đây là lần đầu tiên hiệu trưởng đại học danh tiếng hàng đầu thế giới như Harvard ghé thăm và trò chuyện cùng sinh viên Việt Nam.
PGS.TS Võ Văn Sen - hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) - nhận định sự kiện là dấu mốc đối với ngành giáo dục Việt Nam, hệ thống Đại học Quốc gia TP.HCM, cũng như Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nó thể hiện sự đánh giá cao của phái đoàn Harvard đối với sự phát triển khoa học xã hội nhân văn ở Việt Nam.
GS Faust là hiệu trưởng đầu tiên của Harvard chưa từng học trong trường nổi tiếng thế giới này. Năm 2014, bà được tạp chí Forbes bình chọn là phụ nữ quyền lực thứ 33 trên thế giới. Ảnh: Harvard University. |
“Tôi rất vui mừng và vinh dự khi dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường lại nhận được đề nghị từ phái đoàn Harvard chọn Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM là điểm đến trong chuyến thăm Việt Nam lần này của GS Drew Gilpin Faust”, ông Sen chia sẻ.
Theo kế hoạch, bà Faust sẽ diện kiến PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM và làm việc với PGS.TS Võ Văn Sen về tiềm năng và những hướng quan trọng, ưu tiên hợp tác giữa hai trường đại học.
Trường Nhân văn sẽ đề xuất trao đổi vấn đề phát triển bền vững của Đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh nhiều biến đổi dưới góc nhìn khoa học xã hội nhân văn. Đồng thời, hai bên thảo luận về sự đổi mới và phát triển của giáo dục trong thời kỳ toàn cầu hóa.
Bạn Ánh Tú, sinh viên ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) tâm sự: "Mình hy vọng bà sẽ truyền cảm hứng sáng tạo cho sinh viên từ kinh nghiệm và bài học của chính bà - một bông hồng thép".
Nếu đạt được sự đồng thuận cao, hai trường sẽ tổ chức thêm nhiều chương trình hợp tác, trao đổi khoa học dài hơi, tạo điều kiện để các nhà khoa học, giới nghiên cứu Việt Nam được tiếp xúc ngôi trường có lịch sử nghiên cứu khoa học xã hội hàng đầu thế giới.
Cũng theo ông Sen, trước đó, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) đã hợp tác nghiên cứu khoa học với Đại học Harvard trong nhiều năm.
Harvard đã cung cấp hơn 50 suất học bổng đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ cho cán bộ, giảng viên của trường, cũng như nhiều chương trình học ngắn hạn, trao đổi học giả.
Chuyến thăm lần này của hiệu trưởng Harvard là bước phát triển, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên cơ sở đã có giữa hai trường.
"Đây cũng là cơ hội để sinh viên tiếp xúc trực tiếp với học giả nổi tiếng thế giới. Hy vọng với những phát biểu mang tính gợi mở của hiệu trưởng Harvard, sinh viên và giảng viên của trường sẽ có nhiều ý tưởng sáng tạo. Từ đó, các em vạch ra những con đường mới và biết phải làm gì với tương lai của mình”, PGS Sen nói.
GS Drew Gilpin Faust là người có nhiều nghiên cứu về các vấn đề lịch sử của nước Mỹ, trong đó không ít công trình xoay quanh cuộc nội chiến của nước này (1861-1865).
Trong chuyến thăm Việt Nam, hiệu trưởng Harvard hy vọng sinh viên ngành khoa học xã hội nhân văn sẽ có nhiều mối quan tâm và chia sẻ cảm xúc cùng bà về cuộc nội chiến nước Mỹ, cũng như góp phần hàn gắn sau chiến tranh Việt Nam.
http://news.zing.vn/truong-dai-hoc-viet-nam-de-xuat-gi-voi-nu-hieu-truong-harvard-post730776.html
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire