Trước tiên là mình phải cùng nhau thoả thuận vài nền tảng chung, từ đó mới tiếp tục cùng nhau suy luận được, cũng như là toán thì phải có tiên đề ấy mà ! Bây giờ nếu tôi nói rằng : "Nhiệm vụ của giáo dục đại học là đào tạo ra người trí thức" (mặc dù kết quả không phải lúc nào cũng như ta mong muốn), thì các bác có đồng ý không ? Nếu các bác không chịu, thì tôi nói : "Giảng viên đại học phải là một người trí thức", thì các bác có đồng ý không ? (Chứ không thì là lưu manh à ? Nếu bác nào không đồng ý thì thôi chúng ta chia tay nhau từ đây khỏi cần trao đổi thêm nữa !)
Vậy là các bác đồng ý rồi hén ? Vậy tôi tiếp tục định nghĩa thế nào là trí thức (hehe). Để khỏi mất công suy nghĩ nhức óc, tôi lấy ngay cái định nghĩa của ông Ngô Bảo Châu : "Trí thức là người lao động trí óc". Tôi biết khối bác lại nhảy nhổm lên, đỏ mặt tía tai, khua chân múa tay, phun nước miếng, còn hơn là khi nghe ông Phạm Vũ Luận nói về trận đánh lớn nữa (thưa GS Châu, ngài thấy không, mặc dù ngài chẳng hề dùng đến những ẩn dụ về súng đạn như ông PVL, nhưng mọi người vẫn cứ điên tiết lên mỗi lần ngài phát biểu như thường !)
Cho nên tôi tự cho phép mình làm cho cái định nghĩa rất là dũng cảm hiên ngang của GS Châu trở nên mềm mại dễ nghe hơn một chút, vậy tôi định nghĩa lại như vầy : "Người không lao động trí óc không phải là trí thức ", thì các bác có đồng ý không ? (Chứ còn gì nữa, con bò có phải là trí thức không ? Nó có lao động trí óc không ?)
Thôi đến đây tôi tạm dừng để cho các bác nghiền ngẫm thêm nha ! :-)
Bonne journée à tous !
14 août 2017
Tôi đang định viết tiếp về việc phân loại trí thức và "văn hoá nghiên cứu" (bố khỉ !), thì sáng nay tôi đọc được một bài phỏng vấn ông NBC nói về điểm chuẩn ĐH sư phạm cùng với một ông TS Hoàng Ngọc Vinh gì ấy, làm tôi lộn cả ruột !
Trước tiên, tôi xin lưu ý các bác rằng, các con gái của ông NBC học hành không phải là xuất sắc (tôi biết đấy !). Mặc dù có thể là các cô ấy học không tồi, nhưng với gia thế, tiếng tăm, tiền của như thế mà các cô ấy học vẫn không xuất sắc, thì tôi có thể phỏng đoán rằng ông NBC có thể giỏi ở bất cứ đâu, nhưng ông ấy không giỏi về giáo dục phổ thông ! Tôi cũng định khai triển ý này trong bài "đào tạo thiên tài" nhưng tôi vẫn bận lắm, chưa ngơi ra được ! (À à tôi có ngay một lời khuyên khẩn cấp cho ông NBC, là nếu ông ấy muốn cô út của ông ấy học xuất sắc, thì ông ấy phải thôi ngay việc can thiệp vào việc học của con đi, vẫn còn kịp đấy. Ông đừng có dạy gì cô ấy cả, ông chỉ nên hỗ trợ cô ấy tất cả những gì cô ấy cần và yêu cầu mà thôi. Tất cả các ông bố dạy con đều hỏng, khi nào tiện tôi sẽ giải thích tại sao.)
Còn ông TS HNV thì ông ấy phát biểu là, đạo tạo ra người thất nghiệp thì đào tạo làm gì ? Thì tôi nghĩ là ông ấy không xứng với tấm bằng tiến sĩ của ông ấy đâu ! Đào tạo là một chuyện, thất nghiệp là chuyện khác. Đào tạo ĐH, là đào tạo ra người trí thức cho xã hội, cho đất nước. Suy nghĩ rừng rú như ông ấy, thì xã hội VN mãi mãi chỉ là một xã hội hoang dã mà thôi !
Tôi rất tâm đắc câu trả lời của một ông trong hội thảo toán học ngày hôm qua hôm kia (tôi quên mất tên ông ấy là gì rồi), khi người ta hoạnh hoẹ ổng là, vì sao thi ĐH 29, 30 điểm mà vẫn rớt, thì ông ấy trả lời là, phải làm sao cho xã hội bỏ cái suy nghĩ ấy đi :-) :-D Hay quá chừng luôn, người thông minh họ trả lời cũng khác quân ngu độn như vậy đấy !
Bon après-midi mes chers amis !
Trí thức và nghệ sĩ
Thưa các bác, tôi trở lại chuyện trí thức và phân loại trí thức. Dạo gần đây tôi rất hay nghe các ông NBC, ông Phùng Xuân Nhạ hô hào mọi người về "nghiên cứu ở đại học" và "văn hoá nghiên cứu". Tôi mới bảo, dào ôi, ai mà lại không nghiên cứu cơ chứ ? Tôi nghiên cứu, anh nghiên cứu, nó nghiên cứu, tất cả chúng ta đều nghiên cứu... Tuy là trong bụng tôi, trí thức khiêm tốn, thì tôi nghĩ rằng, nghiên cứu là việc dành cho các đại giáo sư, còn trí thức, giảng viên chúng ta, thì chỉ cần "lao động trí óc" là mọi người đã mừng lắm rồi, để đừng có "giả danh trí thức" khiến xã hội, gia đình phải khốn đốn !
Thế nhưng mà chắc là mọi người đều nói : "tôi có lao động trí óc" (chứ có ai lại nói là họ không lao động trí óc không ?), nên tôi mới bảo, vậy ta lại phải đào sâu mở rộng cái định nghĩa trí thức của GS Châu. Thì tôi mới tự hỏi, lao động trí óc bao nhiêu là đủ ? Thì tôi bèn nghĩ ngay đến các nghệ sĩ, như là nhạc sĩ hay là vũ công chẳng hạn, câu trả lời của họ rất rõ ràng : họ phải lao động, luyện tập mỗi ngày 4h đồng hồ, chỉ nghỉ chủ nhật (mà chủ nhật thường là đi diễn), thì họ mới có thể trình diễn ở trên sân khấu được. Các bác thử tưởng tượng xem, một vũ công mà không luyện tập trong một tuần, hay một tháng đi, mà lên ngay sân khấu múa, thì họ sẽ múa ra sao ? Tất nhiên là múa chệnh choạng, thiên nga thì như là ngỗng, mà tiên bay thì rớt bình bịch, vv. Các bác tưởng là khán giả sẽ để cho họ yên à ?
Còn một nhạc sĩ thì sao ? Không luyện tập mà đi biểu diễn, thì ảnh chơi hụt chơi sai nốt nọ nốt kia. Nếu ảnh luyện tập 1h mỗi ngày, thì chắc chơi như Cụ Hinh, nếu ít hơn, thì chơi như tôi, biểu diễn cho bạn bè xem thì được, chứ đi kiếm tiền thì coi chừng ăn cà chua trứng thối, cùng lắm là biểu diễn ở metro kiếm dăm xu lẻ mà thôi !
Thế mà các bác tưởng tượng xem, một anh (chị) tự coi mình là "trí thức", mà ảnh không lao động trí óc, ảnh có một cái giáo trình một à, tụng từ năm này sang năm khác, quát lác nạt nộ sinh viên, mà lại còn được trả lương để làm "giảng viên", mà sinh viên không được quyền ném cà chua trứng thối, mà cứ phải nghe lời răm rắp, thì cái nền giáo dục đại học của các bác chỉ có dùng để thui chột nhân tài mà thôi, cố giành nhau thí sinh điểm cao mà làm gì ? Các bác có thấy mình xứng đáng dạy chúng nó không ?
Bonne soirée messieurs dames !
22/082017
Lưu manh giả danh trí thức
Trí thức ta cứ hay sôi máu lên về câu nói của Mao Trạch Đông : "Trí thức là cục cứt", nhưng nếu tôi sửa lại câu ấy thành "lưu manh giả danh trí thức là cục cứt", thì các bác có đồng ý không ?
Tôi có thể thông cảm với MTĐ đấy, nếu như thời của hắn trí thức và lưu manh đều được xếp đồng hạng, không phân biệt. Tôi đây tự coi mình là trí thức, thì tôi cũng sẽ chẳng hề phiền lòng nếu tôi được xếp vào cái đám lộn sòng ấy. Nếu các bác là trí thức thực sự, thì các bác chẳng việc gì phải động tâm, như đoá hoa sen nở giữa bùn thôi. Có kẻ nhiếc xéo tôi là một con "cáo hồ ly mặt nhem nhuốc", tôi mới bảo, "có mà thỏ ngọc thì có". Việc gì cứ phải lồng lộn lên để chứng minh mình không phải là cục cứt ?
Trong khi mà, bọn trí thức giả danh quả thực chúng gây ra nhiều tai hoạ không thể tưởng tượng được, ví dụ như cái nạn đói năm 1945 chẳng hạn, hay là hai quả bom nguyên tử ném xuống Nhật. Các bác thử tưởng tượng xem, nếu Albert Einstein là một tên lưu manh giả danh trí thức thì sao ? Thì tai hoạ hắn gây ra kinh khủng đến thế nào ? Nhân loại nuốt lấy từng lời phát biểu của hắn, đem ra dạy nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, đem ra làm dẫn chứng cho một hình ảnh trí thức chân chính, par excellence. Thế nếu một ngày nào đó người ta phát hiện ra là hắn ăn cắp công trình nghiên cứu khoa học của vợ mình, là nhà nữ toán học Mileva Maric thì sao ? Thì tất cả những hệ tham chiếu của các bác nó sụp đổ hết à ?
Để bảo vệ cái hệ tham chiếu rất là lỏng lẻo, thiếu ánh sáng của lao động trí óc ấy, nhiều "trí thức" sẽ sẵn sàng nhảy bổ vào ăn tươi nuốt sống tôi. Tôi bèn bảo, OK, OK, được thôi, ông ấy rất có thể là một trí thức chân chính, không hề giả danh chút nào. (Tuy nhiên, Trời Phật biết, vợ ông ấy biết, tôi biết, và tôi nghĩ là ông Rabindranath Tagore ông ấy cũng biết đấy. ) Và mọi người, ngay cả GS Đàm Thanh Sơn cũng nói là không có một bằng chứng nào chứng tỏ ông Einstein chôm công trình của vợ (nên ông ấy được coi là vô tội). Vâng thì trước pháp luật ông ấy vô tội, chẳng ai kết tội ông ấy cả. Tuy nhiên, trước lương tâm của loài người và của người trí thức, thì tôi thấy là việc "không có bằng chứng nào" ấy nó rất là hùng hồn. Tất cả thư trao đổi của ông Einstein với vợ, thì thư của ổng còn, mà thư của vợ thì không (ông ấy đã huỷ hết), và lúc ấy hai người đã ly dị rồi, không nói chuyện yêu đương nữa, thì hai người viết nhiều như thế về những chuyện gì ? Cả số tiền giải Nobel ông ấy đưa cho vợ hết, và đổi lại là bà Maric không bao giờ nói một lời nào về đóng góp của bà ấy trong công trình "của chồng", ít nhất thì bà ấy có thể nói rõ ràng là "tôi không hề đóng góp gì vào công trình đoạt giải Nobel của chồng" chứ ? Trong khi mà mọi người đều biết là bà ấy có đóng góp, ít hoặc nhiều (thậm chí là tất cả).
Vậy thì, ông Einstein đã không thiện chí đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng tỏ mình không phải là "trí thức giả danh", cũng là để giúp mọi người phân biệt trí thức với lưu manh, thậm chí là ổng làm điều ngược lại, tức là tìm cách huỷ hết tất cả các bằng chứng. Tức là ít nhất là vào thời đại ấy, bọn lưu manh ngang nhiên thoải mái tự xưng mình là trí thức. Thì ông Mao ông ấy không phân biệt được, thì ông ấy tức là đúng thôi, đúng không ? Và các bác tự coi mình là trí thức chân chính, các bác cũng không bận tâm đến việc giúp những người không phải là trí thức phân biệt được hai thể loại ấy ư ? Các bác coi điều ấy là không quan trọng ư ? Cho nên xã hội mới khốn khổ như vậy đấy, giáo dục đại học nó mới nát như tương, vì tầng lớp tinh hoa nhất vẫn cho phép những kẻ lưu manh trà trộn vào kiếm lợi, những món lợi rất là béo bở.
Trong trường hợp ấy, thì tôi cho rằng thái độ đúng đắn nhất của người trí thức là phải nói to nói rõ ý kiến của mình, mà không được tự cho phép rằng mình là người luôn luôn đúng, không được áp đặt lên người khác cái danh xưng trí thức của mình, và phải chấp nhận và nhắc nhở mọi người rằng trong giới trí thức có nhiều kẻ lưu manh, để mà họ còn biết mà đề phòng.
Tuy nhiên, tôi thì tôi có một cách để phân biệt trí thức với lưu manh đấy, hoặc ít nhất là để nhận ra trí thức, để lần sau mình nói tiếp nghen ! :-)
Bonne soirée à tous !
mercredi 23/08/2017
Đạo đức của trí thức
Để phân biệt trí thức với lưu manh dễ thôi :-) cũng như phân biệt người lương thiện với lưu manh thôi. Bởi vì một người trí thức trước tiên là một người lao động (trí óc), và đặc điểm của trí thức là lương thiện, như mọi người lao động lương thiện khác. Cho nên một cô hoa hậu giảng viên bịp bợm được báo chí tung hô thì tôi hãi lắm. Nhưng mà báo chí của ta thì chỉ có lác đác vài trí thức mà thôi, còn lại thì là lưu manh thứ thiệt mà thậm chí cũng không thèm giả danh trí thức nữa kia.
Cho nên tôi cho rằng trong trường hợp của ông Einstein, giới khoa học và trí thức không nên để như thế ! Cho dù một cách khoa học, các bác không có bằng chứng gì về việc ông ấy cướp công trình của vợ, nhưng về mặt đạo đức của người trí thức, thì việc ông ấy huỷ hết những bằng chứng có thể làm sáng rõ điều ấy (thậm chí là bản gốc bài báo trình tạp chí nghe nói là ký tên chung với vợ/ hoặc là ký tên vợ, cũng biến mất), thì điều đó cũng không đủ để chứng minh là bà ấy không đóng góp vào công trình của chồng, dù ít hay nhiều. Và có một điều mọi người đều đồng ý là ông Einstein không có khả năng tính toán để đạt đến kết quả của công trình của ông ấy, và ông ấy luôn luôn phải có các nhà toán học giúp sức, thì việc bà vợ là nhà toán học giúp ổng tính toán là việc hiển nhiên. Nên bà ấy xứng đáng có tên trong công trình đoạt giải Nobel của ông ấy, cũng như xứng đáng với số tiền đoạt giải mà bà ấy đã nhận, và công trình ấy phải được đứng tên cả hai người. Trong trường hợp mà ông Einstein xứng đáng thật, thì tên tuổi của ổng vẫn được vinh danh, trong trường hợp hắn là kẻ lưu manh, thì ta cũng sẽ không vì tôn vinh một kẻ lưu manh mà vùi dập một nữ trí thức lớn.
Phân loại trí thức
Vậy thì, tôi trở lại với định nghĩa về trí thức : "Người không lao động trí óc thì không phải là trí thức". Một trí thức chuyên nghiệp, tức là sống bằng lao động trí óc, thì phải lao động trí óc ít nhất là 4h mỗi ngày. Nếu chỉ lao động trí óc 2h mỗi ngày thôi, thì là "trí thức nửa mùa", nếu ít hơn, thì là "trí thức nghiệp dư". Nếu không lao động trí óc, mà lại đi làm giảng viên đại học, thì là lưu manh đấy !
Từ đó dẫn đến vấn đề của chúng ta là làm sao để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thì đó cũng chính là vấn đề làm sao để có trí thức chuyên nghiệp, chứ không phải là lưu manh giả danh giảng dạy đứng lớp ở các trường đại học. Tôi sẽ đề cập đến ở phần sau.
Bonne journée à tous !
Vendredi 31 août 2017
Thôi tôi xin mau mau kết luận để tôi còn đi cố vấn thi sắc đẹp đây !
Đề xuất của PLS : Giáo trình tóm tắt
Vậy tôi đề nghị một cách một sau đây, bảo đảm nền giáo dục đại học của các bác nâng cao chất lượng ngay lập tức, và liên tục không ngừng, và chẳng mấy chốc sẽ sánh vai và có khi còn vượt cả cường quốc năm châu ấy chứ !!
Đấy là, các bác yêu cầu tất cả các giảng viên đại học đều phải có giáo trình cho môn mình dạy (giáo trình chính thức đưa lên mạng) ! Chuyện xưa quá rồi hén, nhưng giáo trình này nó khác giáo trình thông thường. Giáo trình này gồm ít nhất là một trang sách tham khảo, ít nhất là 1 chục đầu sách tham khảo. Các bác cây đa cây đề sẽ nói, ối giời, tôi đọc hết cả ba bồ chữ của thiên hạ ấy chứ, 10 cuốn sách có là gì ! Dạ em xin bái lạy các bác, các bác đọc mười vạn chín nghìn quyển, nhưng em chỉ dám xin các bác mười cuốn sách lẻ trong cái biển học vô biên của các bác thôi. Và mười cuốn ấy, xin các bác làm cho mỗi cuốn một trang tóm tắt sách và cái chương mà các bác sử dụng để giảng dạy ấy.
Như vậy giáo trình ban đầu sẽ gồm có 10 trang tóm tắt + 1 trang danh sách sách tham khảo. Sau đó mỗi năm các bác phải đọc thêm sách nữa chứ không lẽ có mười cuốn đó dạy hoài ? Đọc thêm ít thì 5 cuốn, nhiều thì trăm cuốn, nhưng các bác cứ phải bổ sung vào danh sách tóm tắt ấy ít nhất mỗi năm 3 cuốn chứ hả ? Như vậy cứ mỗi năm giáo trình sẽ phải dài thêm ít nhất là 3 trang.
Tôi đảm bảo với các bác là cái cách này sẽ làm cho bọn lưu manh chết giấc hết, bỏ nghề hết ! Vì xưa nay chúng to họng nói láo là chúng chăm nghiên cứu khoa học lắm, nhưng ai mà kiểm tra được chúng ? Tôi đảm bảo với các bác, là bọn nào không đọc sách, hay đọc không hiểu, là chúng đếch tóm tắt được, là chúng lòi đuôi ra ngay, không thể nào giấu được ! Học sinh biết ngay là thày dốt, mà có là con ông cháu cha thì Hiệu trưởng cũng không có tài thánh nào cứu được một anh dốt hiện nguyên hình như thế !
Còn giả như chúng có dốt thật, thì cứ mỗi năm đọc 5 cuốn sách hay, tóm tắt đàng hoàng, thì có ngu như bò rồi cũng phải tiến bộ, cũng thành trí thức thật. Cho nên cái vụ trường Sư phạm điểm chuẩn thấp tôi hoàn toàn thờ ơ ! Xưa nay trường Sư phạm của các bác cũng èo uột thấy mồ tổ, có ẹ thêm tí nữa thì cũng chẳng chết ai. Cái điều quan trọng nhất là thái độ của người trí thức, nếu anh không học hành, không tiến bộ, thì anh không thể dạy cho sinh viên cách học hành tiến bộ được.
Điều cuối cùng tôi đề nghị là, nếu muốn vào biên chế hoặc ký hợp đồng dài hạn, thì cái giáo trình ấy phải bằng TIẾNG ANH. Thế là các bác sẽ thấy là sinh viên nước ngoài họ sẽ đến học ngay. Muốn hội nhập thì phải dạy được bằng tiếng Anh chứ !
Các bác can đảm lên, cố gắng lên ! Tôi tiên đoán là Việt Nam sẽ xuất khẩu giáo dục được rất nhiều tiền đấy, cũng như là xuất khẩu nông lâm ngư nghiệp ấy. Người Việt Nam giỏi đấy, nếu ngoại ngữ tốt là chắc chắn sẽ thu hút sinh viên trên toàn thế giới. Cả thế giới này họ dốt toán, ai cũng ngạc nhiên là ở VN cả phụ nữ cũng giỏi toán, hehe. Tôi hy vọng ông Phùng Xuân Nhạ sẽ không thua kém ông Phạm Vũ Luận, ông PVL hội nhập rất cừ !
Có gì mai mốt tôi viết thêm nha, ôm hôn các bác ! :-)
Đại trí thức (trông cứ như là hoàng thân ấy nhỉ ?) :
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire