samedi 23 mars 2019

Quan hệ tình cảm giữa cô giáo và học trò có đáng lên án không?

PLS : Bài báo nói đúng quá chứ còn gì nữa ! Bạn nào xông vào chửi bới cô Hạ là bạn ấy đang chửi vợ chồng ông Tổng Thống Pháp đấy ! 

Có anh Thạc sĩ học ở Úc ở Mỹ gì đấy, ảnh nói là ở những nước văn minh như hai nước ấy, các cô giáo yêu học trò đều đi tù cả ! Tôi mới bảo, ấy ấy, thế thì anh học vẫn còn chưa tới, anh phải học nữa, làm tiếp Tiến sĩ đi, sang Pháp học đi ! Là bởi vì hai cái nước ấy chưa đại diện cho văn minh văn hóa được. Mỹ thì mới lập quốc gần đây thôi, mà cư dân ban đầu toàn là dân tù khổ sai, trộm cướp, Úc thì là xứ thổ dân cũng mới lên đời. Học họ làm kinh tế, làm giàu thì nên, chứ còn muốn học văn minh, văn hoá thì phải sang Pháp, đừng đem Mỹ với Úc ra mà làm gương văn minh với lại khoan dung người ta cười cho !



Quan hệ tình cảm giữa cô giáo và học trò có đáng lên án không?

23/03/2019, 07:05 (GMT+7)
Những rung động yêu đương trong sân trường hoặc trên bục giảng là thứ tình cảm không dễ kiểm soát và không đáng mỉa mai. Thế nhưng, đâu là giới hạn cần thiết để cô giáo và học trò cùng lớn lên với những hồi ức tốt đẹp cho chính họ và cho xã hội?

11-00-12_co_tro_trong_phim_gi_dinh_l_so_1
Tình cảm cô giáo và học trò từng được phản ánh trong bộ phim “Gia đình là số 1”

Câu chuyện của cô giáo H ở thị xã La Gi - Bình Thuận hơi phức tạp. Đó là một hiện tượng dễ hiểu nhưng lại trở thành khó hiểu, vì quan hệ tình cảm giữa cô giáo và học trò có thêm… người chồng toan tính cho sự kết thúc hôn nhân theo ý mình.
Cái cách gửi đơn tố cáo vợ mình quan hệ bất chính với học trò, dù sự thật còn chưa phân định, là một đòn thù ghê rợn. Bởi lẽ, sau lá đơn ấy, người vợ khó còn chỗ đứng trên bục giảng, trước những soi mói và đơm đặt của miệng lưỡi thiên hạ.
Nói một cách sòng phẳng, từ bao đời nay, cô giáo có tình cảm với học trò hoặc học trò có tình cảm với cô giáo, đã xảy ra ở nơi nọ hoặc nơi kia. Tuy nhiên, chính những thông tin dữ dội trong cái đơn tố cáo vội vàng từ phía người chồng của cô giáo H. đã khiến vấn đề rắc rối hơn. Mặt khác, bây giờ mạng xã hội phát triển mạnh mẽ khiến scandal được biến tướng với những kiểu bình luận khác nhau.
Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Bình Thuận - Phan Đoàn Thái nhận định, việc bình luận thiếu cơ sở vô hình chung ảnh hưởng hình ảnh nhà giáo, ngành giáo dục nói chung, đặc biệt đến tâm lý học sinh trung học phổ thông khi các em đang chuẩn bị vào kỳ thi cuối cấp: “Chúng tôi đã có chỉ đạo, và khi vụ việc sáng tỏ, ngành giáo dục sẽ công bố trước báo chí nếu cần, khi đó chúng ta hãy đánh giá sự việc đúng sai ở mức độ nào. Ngành giáo dục hiện đã nghiêm cấm toàn bộ giáo viên trong ngành, không được lên mạng xã hội bình luận, chia sẻ về vụ việc, cho đến khi có kết quả chính thức. Quan điểm của ngành là sẽ để vụ việc này cho cơ quan điều tra tiến hành làm việc, nhà trường sẽ có nhiệm vụ phối hợp khi có yêu cầu. Chúng tôi cũng chỉ đạo Trường THPT Nguyễn Huệ quan tâm chăm sóc và động viên tinh thần cô giáo H và nam sinh A trong thời điểm vụ việc đang xác minh làm rõ!”.
Một diễn biến giống như tự vệ cần thiết, cô giáo H đã phản tố, cho rằng người chồng dàn dựng các tin nhắn và clip, cũng như là ép mình viết bảng tường trình thừa nhận và bảng cam kết, để nhằm mục đích giành quyền nuôi con trong ly hôn. Nếu sự thật đúng như lời cô giáo H thì hành vi của ông T rất đáng phẫn nộ. Cô giáo H có sai trái không? Có, cô giáo H đã không giữ được biên độ an toàn trong quan hệ với học trò đang ở tuổi vị thành niên, để xảy ra thị phi không hay. Tuy nhiên, lấy cái sai trái lớn hơn để trấn áp cái sai trái của cô giáo H là điều khó chấp nhận. Một người vợ “say nắng” tình cảm với một người chồng “say máu” hơn thua, thì đoạn kết rất bẽ bàng.
Về mặt luật pháp, quan hệ tình cảm bất chính của cô giáo H cần phải xác minh thêm những chứng cứ khả tín, mới có thể kết luận mức độ ra sao. Còn về mặt tâm lý, chuyện xao xuyến riêng tư giữa cô giáo và học trò không có gì đặc biệt, mà cũng không có gì quái gở. Không có một vị hiệu trưởng Trường THPT nào dám khẳng định, môi trường sư phạm không có tình cảm nảy nở bất chợt hoặc gìn giữ bền lâu giữa cô giáo và nam sinh, hoặc giữa thầy giáo và nữ sinh. Trên thực tế, đã có không ít cuộc hôn nhân mỹ mãn, mà cơ duyên được chắp nối từ chính quan hệ mà chúng ta xem là nhạy cảm kia. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phương pháp nuôi dưỡng tình yêu chênh lệch ấy đến ngày đơm hoa kết trái, chứ không phải cuống cuồng lao vào nhau với bao nhiêu hệ luỵ khó lường.
Cô giáo H có quyền yêu nam sinh A không? Có, nếu cô giáo H giải quyết xong vụ ly hôn với chồng, và tình cảm ấm áp mà cô giáo H dành cho nam sinh A có thể giúp học trò theo đuổi ước mơ vào đời có tương lai rộng mở. Ngược lại, nam sinh A cũng có quyền yêu cô giáo H, nếu khẳng định được rung động của mình không phải bồng bột và không có mục đích đen tối gì.
Ở độ tuổi vị thành niên, tâm lý muốn là người lớn, coi mình là người lớn được các nam sinh thể hiện rất rõ ràng ở sở thích làm theo ý mình, và nôn nóng tìm kiếm những điều quyến rũ của cuộc sống. Trong giai đoạn này, nam sinh đôi lúc có những quyết định “táo bạo” để chứng tỏ mình là một người lớn thực thụ. Nam sinh yêu cô giáo, vì thường dễ xiêu lòng trước những phụ nữ chu đáo, dịu dàng và tâm lý. Đồng thời, yêu phụ nữ chững chạc hơn, lại cho nam sinh cảm giác được che chở và chiều chuộng. Nam sinh A không đáng trách. Vì trong quan hệ nếu có của họ, cô giáo H phải biết chủ động khống chế và dẫn dắt tình cảm. Nếu họ không đến với nhau theo nhu cầu chung đụng tầm thường, thì phải trân trọng quan hệ của họ.
Môi trường giáo dục hiện nay đang chịu nhiều tác động từ những tiêu cực xã hội. Câu chuyện của cô giáo H ở thị xã La Gi - Bình Thuận một lần nữa nhắc nhở cộng đồng về việc nâng cao lối sống đạo đức trường học. Đừng để những quan hệ quá giới hạn làm vẩn đục tình cảm trong sáng giữa thầy - trò nói chung và cô giáo - nam sinh nói riêng.
TÂM HUYỀN (Kiến thức gia đình số 12)
 
https://nongnghiep.vn/quan-he-tinh-cam-giua-co-giao-va-hoc-tro-co-dang-len-an-khong-post238475.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire