samedi 1 juin 2019

MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI ĐA CHIỀU ĐANG ĐƯỢC HÌNH THÀNH

PLS : Wouawh ! Anh Phạm Bình Minh ảnh viết dissertation hay quá chừng luôn !




MỘT TRẬT TỰ THẾ GIỚI ĐA CHIỀU ĐANG ĐƯỢC HÌNH THÀNH

Một trật tự quốc tế đa chiều đang được định hình

© Sputnik / Eduard Pesov
Sáng 30/5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản. TG&VN giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thưa vị Quý đại biểu,
Lời đầu tiên, tôi xin gửi những lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến Nhà vua Naruhito và tin tưởng rằng nhân dân Nhật Bản sẽ giành được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳLệnh Hòa,và đất nước Nhât Bản sẽ luôn tươi đẹp như mùa hoa anh đào của các bạn.
Tôi vui mừng tham dự và phát biểu tại Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 –diễn đàn đối thoại chính sách khu vực uy tín hàng đầu, để cùng trao đổi về những xu thế phát triển mới, những cơ hội và thách thức mà thế giới đang đối mặt và chia sẻ về nỗ lực của Việt Nam đóng góp cho hòa bình và thịnh vượng chung.
Với chủ đề của Hội nghị năm nay là “Tìm kiếm một trật tự toàn cầu mới – Vượt qua sự hỗn loạn” (Seeking a new world order – Overcoming the chaos”), tôi xin chia sẻ một số suy nghĩ như sau:
Thứ nhất, về thời kỳ mới với nhiều bất định và thách thức
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới với nhiều bất định cả về chính trị, kinh tế và xã hội. Thế giới đang trong quá trình chuyển đổi nhanh chóng và không thể đảo ngược chưa từng thấy trong lịch sử. Điều này xuất phát từ sự chuyển dịch của sức mạnh kinh tế từ Tây sang Đông, từ Bắc xuống Nam, từ những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ và sự thay đối của cơ cấu dân số.
Tính bất định cũng ngày càng gia tăng bởi các thách thức lớn mà kinh tế toàn cầu phải đối mặt: từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới, tình trạng trì trệ của thương mại quốc tế, gánh nặng nợ khổng lồ, đến biến đổi khí hậu, tác động tiêu cực của công nghệ, và các điểm nóngxung đột khắp thế giới. Bất bình đẳng gia tăng và chủ nghĩa dân tộc đã thổi bùng phong trào phản toàn cầu hóa, làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương đã được xây dựng trong những thập kỷ qua.
Những biến động và thách thức trên có ảnh hưởng sâu rộng đến quản trị kinh tế toàn cầu cũng như quan hệ giữa các quốc gia và khu vực. Không một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ có thể tự mình giải quyết, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng thế giới.
Trong bối cảnh đó, một trật tự quốc tế đa chiều đang từng bước được định hình. Quá trình toàn cầu hóa cũng dần chuyển sang một giai đoạn mới dưới sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ hai, về một tầm nhìn dài hạn và sự lạc quan thận trọng
Một tầm nhìn dài hạn, vượt ra khỏi những rủi ro, khó khăn ngắn hạn, sẽ giúp có được nhận định toàn diện hơn. Tôi muốn nhấn mạnh đến ba yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của kinh tế thế giới trong giai đoạn tới như sau:
- Một là, nền kinh tế thế giới đã có những bước tiến dài trong quá trình hội nhập và kết nối; liên kết tài chính ngày càng được củng cố và các chuỗi cung ứng mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Kết nối số, đang ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sự bùng nổ của công nghệ thông tin và viễn thông đang mở ra cơ hội mới chưa từng có cho kết nối toàn cầu và thúc đẩy sáng tạo.
- Hai là, các động lực căn bản cho tăng trưởng là lao động, vốn và công nghệ vẫn trên đà phát triển. Lịch sử cho thấy chính các động lực này đã giúp kinh tế thế giới vượt qua được hai cuộc đại chiến thế giới cũng như nhiều cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế trong hơn một thế kỷ qua.

Dân số trẻ tại các nước đang phát triển sẽ là nguồn cung lao động dồi dào bù đắp cho già hóa dân số tại các nước phát triển và thúc đẩy quá trình chuyển đổi kinh tế toàn cầu. Nguồn vốn đầu tư được mở rộng nhờ gia tăng thu nhập và tích lũy của người dân. Tiến bộ và chuyển giao công nghệ giúp tăng năng suất lao động tại các nước đang phát triển và sẽ là động lực chính cho tăng trưởng trong dài hạn.
© SPUTNIK / VLADIMIR FEDORENKO
- Ba là, những thành tựu phát triển của thế giới trên mọi khía cạnh của cuộc sống trong thế kỷ qua đã đặt nền tảng quan trọng cho giai đoạn tiếp theo. Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, tầng lớp trung lưu chiếm hơn 50% dân số thế giới. Quá trình này cũng giúp chung ta hiểu rõ hơn bản chất, nguyên nhân của các thách thức, xây dựng những thiết chế quan trọng để phối hợp giải quyết, và cũng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của hợp tác giữa các quốc gia.
Với những yếu tố trên đây, dù phải vượt qua nhiều khó khăn và thách thức, nhưng tôi tin rằng chúng ta có cơ sở để lạc quan, dù là thận trọng, về tương lai tốt đẹp của châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Thứ ba, về vai trò của châu Á
Môi trường quốc tế thay đổi nhanh chóng đặt ra nhiều thách thức nhưng cũng đem lại những cơ hội quan trọng cho các quốc gia châu Á. Với chính sách đúng đắn, các quốc gia châu Á có thể phát huy thế mạnh của mình, tận dụng xu thế phát triển mới và tham gia, thậm chí dẫn dắt quá trình định hình các khuôn khổ hợp tác quốc tế mới.
© SPUTNIK / GEORGIY ZIMAREV
Từ góc độ kinh tế, chưa bao giờ khu vực này đứng trước nhiều tiềm năng to lớn đến thế. Trọng tâm kinh tế thế giới đang dịch chuyển về châu Á và xu thế này nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới. Chỉ trong 30 năm từ 1988 đến 2018, tỷ trọng của châu Á trong GDP toàn cầu đã tăng từ 14% lên trên 36%. Đến năm 2050, dự kiến châu Á sẽ chiếm tới 55% tổng sản lượng kinh tế thế giới và đóng góp 2/3 tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Về mặt công nghệ, từ chỗ là vùng trũng của thế giới, châu Á nay đã là một trong những khu vực đi đầu về thử nghiệm công nghệ mới. Có tới 51% công ty ở khu vực này đã đầu tư vào các công nghệ để đón đầu cho việc triển khai mạng 5G. Ước tính đến năm 2021, công nghệ số sẽ giúp GDP của khu vực tăng thêm 1.160 tỷ USD và giúp tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm tăng thêm 0,8% nữa. Riêng ở khu vực Đông Nam Á, tỷ lệ dân số sử dụng Internet đã đạt 53%.
Về liên kết kinh tế, châu Á hiện chiếm tới gần 2/3 tổng số FTA trên toàn thế giới. Bất chấp làn sóng bảo hộ thương mại đang nổi lên trên thế giới, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được ký kết và đi vào triển khai, trở thành FTA thế hệ mới đầu tiên trên thế giới. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đang được đẩy mạnh đàm phán và có thể được ký kết cuối năm nay.
© SPUTNIK / ILIYA PITALEV
Sự năng động, sáng tạo và mức độ kết nối ngày càng cao cho chúng ta cơ sở lạc quan về tương lai kinh tế tươi sáng của khu vực châu Á.
Với tiềm lực to lớn của mình, bên cạnh những đóng góp về kinh tế, đã đến lúc châu Á có tiếng nói và vai trò lớn lớn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Vì lợi ích của chính mình và của cả thế giới, các quốc gia châu Á phải đi đầu, thúc đẩy hợp tác hướng tới một trật tự thế giới công bằng, bình đẳng, hợp tác, bền vững và hiệu quả hơn. Để đạt mục tiêu đó, những việc các quốc gia châu Á cần làm là:
- Đẩy mạnh tiến trình hội nhập và liên kết kinh tế quốc tế, các sáng kiến kết nối khu vực, để duy trì môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển, thúc đẩy thương mại và đầu tư.
- Đề cao chủ nghĩa đa phương bao trùm và quan hệ hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa các quốc gia trên cơ sở các chuẩn mực và luật pháp quốc tế nhằm tăng cường gắn kết lành mạnh giữa các nền kinh tế, có được sự thống nhất về ưu tiên và phối hợp hành động để chung tay giải quyết các thách thức chung.
- Khuyến khích cách tiếp cận mới lấy con người làm trung tâm để có được sự phát triển hài hòa. Đó là sự hài hòa giữa con người và xã hội, bảo đảm tăng trưởng bao trùm. Đó còn là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên, phát triển kinh tế song hành với quản lý và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó cũng là sự hài hòa giữa con người và công nghệ, bảo đảm quyền lợi của người lao động trước tác động của tiến bộ công nghệ. Và không kém phần quan trọng là sự hài hòa giữa các giá trị, bảo đảm sự đa dạng văn hóa, hội nhập quốc tế nhưng vẫn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Là nền kinh tế tiên tiến hàng đầu thế giới, Nhật Bản đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của châu lục trong những thập kỷ qua. Với ASEAN, Nhật Bản là đối tác quan trọng, đã hỗ trợ tích cực cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của cả Hiệp hội và mỗi thành viên, và ủng hộ tích cực tính thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN.
Việt Nam hoan nghênh Nhật Bản tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, phồn vinh của khu vực và thế giới. Chúng tôi ủng hộ các sáng kiến của Nhật Bản về hạ tầng chất lượng cao, về kết nối khu vực và mong muốn Nhật Bản sẽ đóng vai trò lớn hơn trong thu hẹp thiếu hụt hạ tầng cơ sở ở châu Á và thế giới.
Việt Nam cũng mong rằng, trong vai trò chủ nhà G20 năm 2019, Nhật Bản sẽ dẫn dắt G20 đạt được những bước tiến mới trong hợp tác ứng phó các thách thức chung toàn cầu, tăng cường sự ủng hộ của quốc tế đối với hệ thống thương mại đa phương phổ cập, cởi mở, minh bạch, trên cơ sở luật lệ, và thúc đẩy cải cách WTO để bảo đảm hiệu quả hoạt động của tổ chức trong tình hình mới.
Thứ tư, một số suy nghĩ về một trật tự thế giới mới
Theo quy luật vận động của lịch sử, chúng ta đang trong giai đoạn quá độ hướng tới một trật tự thế giới mới. Nhưng xây dựng một trật tự thế giới mới không đồng nghĩa với việc xóa bỏ hoàn toàn trật tự cũ, nhất là khi các thành tố căn bản của trật tự dựa trên luật lệ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Lịch sử cho thấy không phải mọi quá trình chuyển đổi của trật tự thế giới đều dẫn đến chiến tranh và hỗn loạn. Thế giới có thể tránh được những thảm họa này nếu sự thay đổi được quản lý tốt và các cường quốc tuân thủ các luật căn bản của ứng xử quốc tế.
Việt Nam cho rằng một trật tự thế giới mới bền vững và hiệu quả cần đáp ứng các tiêu chuẩn như sau:
- Một là, củng cố chủ nghĩa đa phương bao trùm, tăng cường lòng tin và hợp tác, và xây dựng hệ thống quản trị toàn cầu có khả năng giải quyết các thách thức lớn của thế kỷ 21.
Một số thách thức nổi bật cần được giải quyết là: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm mọi người dân đều được hưởng lợi từ quá trình này; xây dựng hệ thống tài chính có sức chống chịu cao, đáng tin cậy và dễ tiếp cận; giải tỏa tâm lý phản toàn cầu hóa; cải cách hệ thống thương mại toàn cầu để kịp đáp ứng với sự phát triển nhanh chóng của các mô hình thương mại và đầu tư; và huy động nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
- Hai là, được xây dựng và hoạt động trên cơ sở luật pháp, với Liên hợp quốc là trung tâm. Tất cả các quốc gia, dù lớn dù nhỏ đều phải tuân thủ nghiêm chỉnh các luật lệ và chuẩn mực quốc tế; nước lớn không được dùng sức mạnh để chèn ép nước yếu hơn; tạo điều kiện để các nước vừa và nhỏ giữ được chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, không bị đặt vào tình thế phải lựa chọn giữa các tập hợp lực lượng nước lớn.
Nguyện vọng chung của các dân tộc châu Á là được sống trong hòa bình và thịnh vượng. Trong thế kỷ 20, châu Á đã từng là chiến trường của nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu.
Nhưng châu Á cũng là nơi ra đời nhiều nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ quốc tế mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Đó là 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác (TAC) của ASEAN.
Hiện nay, ASEAN và Trung Quốc cũng đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính thực chất, hiệu quả. Lợi ích chung của tất cả các nước, trong cũng như ngoài khu vực là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).
Biển Đông
© REUTERS / STRINGER
Biển Đông
© AFP 2019 / FETHI BELAID
- Ba là, một trật tự thế giới bền vững cần bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Theo đó, trật tự quốc tế phải mang tính cởi mở, cân bằng giữa các ý thức hệ khác nhau, hướng đến phục vụ lợi ích của người dân và các quốc gia; các quy định và luật lệ được áp dụng một cách nhất quán và rộng rãi.
Thứ năm, về chính sách của Việt Nam
Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, người dân và chính phủ Việt Nam luôn trân trọng và gìn giữ giá trị của hòa bình, ổn định. Chúng tôi đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, ngăn ngừa và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình; ủng hộ thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, tăng cường quan hệ đối tác toàn cầu. Việt Nam luôn chủ trương thúc đẩy hòa bình, ổn định, vì lợi ích chung và sự phát triển phồn vinh của từng quốc gia, khu vực và toàn cầu.
Với quan điểm như vậy, Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, đồng thời đẩy mạnh cải cách kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển của các thành phần kinh tế, đầu tư cho giáo dục và phát triển nguồn nhân lực.
© AP PHOTO / ANDY WONG
Chủ trương hội nhập quốc tế đã trở thành một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia.
Sau hơn 30 năm đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã trở thành một bộ phận không thể tách rời của khu vực và thế giới. Hiện Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và có độ mở lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng GDP năm 2018 đạt gần 7,1%, vào mức cao nhất trên thế giới; tổng kim ngạch thương mại đạt 485 tỷ USD, tương đương 200% GDP.
Các nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh đã đem lại những kết quả tích cực. Theo Ngân hàng thế giới, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam năm 2018 xếp thứ 69/190 quốc gia. Xếp hạng năng lực cạnh tranh đạt mức 77/140 theo Diễn đàn kinh tế thế giới và chỉ số sáng tạo đạt mức 45/127 theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Các con số này đã phần nào thể hiện lòng tin, và sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, doanh nghiệp đối với nỗ lực cải cách, đổi mới của Chính phủ Việt Nam thời gian qua.
© AFP 2019 / DENIS BALIBOUSE
Việt Nam cũng là nước ASEAN duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với toàn bộ nhóm G7 và 16/20 nước G20. Đây đều là các đối tác thương mại, đầu tư lớn nhất của Việt Nam, chỉ tính riêng G7 chiếm gần 27% tổng vốn đầu tư nước ngoài; chiếm 50% tổng kim ngạch thương mại 2017 và đang có mức tăng bình quân 10-12%/năm.
Việt Nam đang thuộc nhóm nước dẫn đầu ASEAN về số lượng các Hiệp định thương mại tự do đã triển khai và đang được đàm phán.
Về quan hệ hợp tác Việt– Nhật, tôi vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ, toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực của quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản. Giữa hai nước có sự tin cậy chính trị cao và Lãnh đạo cấp cao hai bên duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc thường xuyên. Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác tin cậy, lâu dài và quan trọng hàng đ
Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam là nước cung cấp viện trợ phát triển ODA lớn nhất, là đối tác lớn thứ hai về đầu tư trực tiếp nước ngoài, là đối tác lớn thứ ba về du lịch và là đối tác lớn thứ tư về thương mại.
Bên cạnh đó, hợp tác về lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp cũng phát triển nhanh chóng và gặt hái nhiều thành tựu quan trọng. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, trong đó đa số là các bạn trẻ lưu học sinh, thực tập sinh, góp phần là cầu nối, giúp cho quan hệ hai nước phát triển bền vững, lâu dài trong tương lai.
© AFP 2019 / KIRILL KUDRYAVTSEV
Tôi tin tưởng rằng, hợp tác giữa hai nước sẽ ngày càng phát triển sâu rộng, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác phát triển cho các doanh nghiệp Nhật Bản. Với tốc độ tăng trưởng trung bình ở mức 6% duy trì trong suốt hơn 20 năm qua, Việt Nam đang trở thành một thị trường tiêu dùng quan trọng của khu vực, hứa hẹn một thị trường tiềm năng cho các hàng hóa và dịch vụ của Nhật Bản.
Để bảo đảm quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, chúng tôi cam kết luôn duy trì ổn định về an ninh chính trị, kinh tế vĩ mô và chính sách.
Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài theo hướng nhất quán, công khai, minh bạch và rõ ràng; cải thiện khâu thực thi pháp luật, tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và tăng cường đối thoại với nhà đầu tư.
© AP PHOTO / PETROS GIANNAKOURIS
Với doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đối thoại chính sách thông qua Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, đối thoại chính sách Keidanren, Japan Desk. Chính phủ Việt Nam cam kết luôn bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản hoạt động kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, logistics và công nghiệp phụ trợ.
Thưa quý vị,
Một thế giới hòa bình, thịnh vượng và phát triển bền vững là nguyện vọng của tất cả các quốc gia và dân tộc. Tương lai của thế giới sẽ được định hình bởi các quyết sách ngày hôm nay.
Tôi mong rằng các quốc gia lớn, nhỏ sẽ tăng cường hợp tác và đối thoại để cùng tìm kiếm giải pháp cho các khó khăn, thách thức chung, củng cố lòng tin để tạo dựng nền tảng vững chắc tương lai.
Tôi tin tưởng rằng, với tiềm năng to lớn của mình, châu Á sẽ ngày càng đóng góp hiệu quả vào sự phát triển của thế giới.
Tôi xin chúc Hội nghị thành công tốt đẹp. Chúc các Quý vị sức khỏe và hạnh phúc.
https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2019/06/mot-trat-tu-gioi-chieu-ang-uoc-hinh.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire