vendredi 9 mars 2012

FAUST - La nuit (Ban đêm) (1)


Đêm, trong một căn phòng có mái vòm cao, hẹp, kiểu gô-tích. Faust, ưu tư, ngồi trước bàn làm việc.

Faust, một mình.

Triết học, than ôi, luật học, y học, và ngươi nữa, thần học buồn tẻ ! … Vậy là ta đã nghiên cứu các ngươi đến tận cùng với nhiệt tình và kiên nhẫn : và giờ thì tôi đây, kẻ điên tội nghiệp, cũng thông thái như trước đây. Tôi được gọi, thật vậy, là thầy, là tiến sĩ, và, từ mười năm nay, tôi dẫn dắt các học trò của mình bằng cách kéo mũi họ - Và tôi biết rõ rằng chúng ta chẳng có thể hiểu biết điều gì cả ! Chính điều đó làm máu tôi nóng lên ! Tôi chỉ biết rõ, thật vậy, rằng chỉ có toàn là những thằng ngốc, những tiến sĩ,  những vị thầy, nhà văn và thầy tu ở trên cõi đời này. Chẳng có sự cẩn trọng hay nghi ngờ nào dày vò tôi nữa ! Tôi chẳng sợ gì quỷ dữ, cũng như địa ngục ; nhưng tất cả niềm vui cũng bị lấy đi. Tôi quả thực không tin mình biết được điều gì tốt đẹp, cũng như không thể chỉ dạy gì cho con người để cải tạo họ hay là giáo hóa họ. Bởi thế tôi cũng chẳng có của cải, tiền bạc, danh dự, quyền lực thống trị nào trên thế giới này : một con chó cũng không muốn cuộc sống với giá này ! Từ nay tôi chỉ còn biết thả mình vào ma thuật. Ôi ước gì sức mạnh của trí tuệ và của lời nói có thể vén màn những bí mật mà tôi không hay biết, ước gì tôi không bị bắt buộc phải cực nhọc nói ra điều mà tôi không biết ; ước gì cuối cùng tôi có thể biết được tất cả những gì mà thế giới giấu trong lòng nó, và không tự ràng buộc mình vào những lời vô ích, thấy được điều mà tự nhiên cất giấu như là những năng lượng bí mật và những hạt giống vĩnh cửu ! Hỡi vì tinh tú với ánh sáng bạc, mặt trăng lặng lẽ, xin hãy đoái nhìn một ánh mắt lên nỗi phiền muộn của tôi ! Tôi vẫn thường xuyên thức đêm bên chiếc bàn này ! Khi đó bạn thường hiện ra với tôi trải lên chồng sách và giấy tờ, người bạn u hoài của tôi ! A, ước gì tôi có thể, dưới ánh sáng dịu dàng của bạn, leo lên những ngọn núi cao, lang thang trong những hang động cùng các linh hồn, nhảy múa trên thảm cỏ non của những cánh đồng, quên đi tất cả những nỗi khổ cực của khoa học, và tắm mình trẻ trung trong hơi mát của sương đêm !

Than ôi, tôi vẫn còn ưu phiền trong ngục tối của mình ! Cái lỗ hổng khốn khổ trên bức tường này, nơi ánh sáng êm dịu của bầu trời chỉ có thể khó nhọc xuyên qua những tấm kính màu ; qua đống sách bụi bặm và sâu mọt này, và giấy tờ chồng chất lên đến tận trần nhà. Tôi chỉ có thể nhìn thấy xung quanh mình những thủy tinh, hộp, dụng cụ, đồ đạc mục rữa, gia tài của tổ tiên tôi… Và đấy là thế giới của ngươi, và cái đó được gọi là thế giới !

Và ngươi vẫn hỏi tại sao trái tim ngươi thắt lại trong lồng ngực với nỗi lo âu, tại sao một nỗi đau thầm kín ngăn trở ngươi trong mọi chuyển động của cuộc sống ! Ngươi hỏi điều đó !... Và thay vì bao bọc mình bởi tự nhiên sống động trong đó Thượng đế đã tạo ra ngươi, thì ngươi lại chỉ bao quanh mình toàn là khói và nấm mốc, xác động vật và xương người chết !
(còn tiếp)

7 commentaires:

  1. Tôi xin có vài lời cáo lỗi vì đột ngột dừng dịch bức thư của Rousseau. Đó là vì tôi đang có hy vọng xuất bản được nó. Vậy nếu may mắn xuất bản được, tôi xin hứa sẽ tặng nó cho tất cả các bạn đọc blog của tôi nếu các bạn thích (hihi tôi mạnh miệng thế vì biết là các bạn đọc blog tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay mà thôi!) Còn nếu xui xẻo không xuất bản được, thì tôi sẽ lại dịch tiếp trên blog hầu phục vụ các bạn.

    Vậy tạm thời tôi chuyển sang dịch Faust, vì nếu tôi suy luận đúng dựa trên thông tin mà tôi đọc được, thì ở Việt Nam chưa dịch tác phẩm này (nhưng tôi cũng hơi ngạc nhiên đấy, rất có thể là tôi nhầm, bác NL nghĩ sao ạ ?).
    Chúc các bác luôn vui, khỏe !

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Chúc bác mau chóng xuất bản cuốn sách, tôi xin được bác tặng một cuốn hihi

      Supprimer
  2. Cảm ơn bác, chắc chắn là nếu sách được xuất bản thì sẽ được tặng cho bác. Còn khi nào tôi có thể chúc mừng bác được thì bác báo cho tôi biết nhé :)

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Ôi, tôi sẽ reo ầm lên ở blog ấy chứ, bác cứ yên tâm :)

      Supprimer
  3. Faust không những đã được dịch, mà còn có đến ít nhất hai bản dịch :) bản trước đây do Thế Lữ và Đỗ Ngoạn dịch, có vẻ như chưa hết, và gần đây đã có bản dịch đầy đủ từ tiếng Đức của dịch giả Quang Chiến (tức Nguyễn Quang Phục) :p Tuy nhiên đọc qua bản Nerval cũng là một cái gì đó rất hay, vì Goethe đã vô cùng ca ngợi bản dịch này (hình như dịch khi còn rất trẻ, 16 tuổi đúng không nhỉ).

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Cảm ơn Nhị Linh. Trong cuốn sách mà tôi đọc thì có nói rằng G. de Nerval dịch cuốn này khi ông ấy gần 20 tuổi. Goethe cũng bắt đầu viết vở kịch này khi ông ấy mới 23 tuổi. Goethe rất thích bản dịch này, tuy là giới nghiên cứu nói rằng khi đọc nó thỉnh thoảng ta phải cau mày, hihi. Tất nhiên là tuổi trẻ có một thứ nhiệt huyết nó làm đẹp lên mọi thứ, cho nên chúng ta chẳng nên đợi đến già mới bắt tay vào việc, có phải không ạ ?

      Supprimer
    2. Ngày xưa tôi học môn tiếng Anh ở Paris IV, cô giáo bắt xem "Sybil" của Disraeli, dịch từng đoạn. Ngó bản dịch tiếng Pháp có sẵn (từ thời Napoléon cởi truồng :p) thấy chẳng giống gì cả; cô giáo bảo mỗi thời mỗi khác, không được dịch như thế, nhưng cấm nói năng chê bôi vớ vẩn :d

      Sau đó sang đến "To Kill a Mocking Bird": tình hình y chang :d

      Gần đây nhất có vụ "Ông già và biển" (Hemingway) bên Pháp, F. Bon đòi dịch lại bản cũ (cách đây chưa lâu lắm) của Jacques Dutourd, một ông Hàn. Gallimard nhảy vào thế này thế nọ, F. Bon ức quá viết trên blog là tao sắp vứt hết sách La Pléiade đây, đứa nào thích thì đến nhà tao mà lấy, 72 cân (72 cân nhé :d) Bác có theo dõi không? trên trang biblios của Le Nouvel Observateur ấy. Sau tôi cũng không biết có ai đến hớt mấy chục cân sách kia không :pp

      Supprimer