Trương Nhân Tuấn nói :
(1)
Cả hai miền như vậy đều tôn trọng
nội dung hiệp định Genève 1954 : Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba
miền) độc lập và có chủ quyền.
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong
khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới
nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại
diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN
duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược
lại.
Tức là, trên thế giới chỉ hiện hữu
một quốc gia VN duy nhất. Hai thực thể VNCH và VNDCCH, nói theo ngôn ngữ công
pháp quốc tế, là hai « quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel ».
Thời điểm phát xuất công hàm 1958
của cố TT Phạm Văn Đồng, phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất đất
nước. Nhiều lần phía VNDCCH hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, thương nghị giữa
hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định Genève
1954.
Như vậy, trên quan điểm công pháp
quốc tế, nước VN chỉ có một, thống nhất ba miền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, có
chủ quyền.
Trên tinh thần đó, bất kỳ các tuyên
bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), như công hàm 1958 của
Phạm Văn Đồng, cũng như một số các hành vi khác của VNDCCH trong khoảng thời
gian 1954-1976 (có thể diễn giải là hành vi từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường
Sa), vì đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại nội dung
các hiệp định quốc tế 1954 và 1973, do đó chúng đều không có giá trị pháp lý.
Tức là công hàm 1958 của cố TT Phạm
Văn Đồng được hóa giải một cách dễ dàng, đúng theo tinh thần trọng luật của
công pháp quốc tế, phù hợp với trình tự lịch sử.
(2)
VN đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc
tế (CIJ) tuyên bố một số điều :
- Việc
chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản
của LHQ.
- Việc
chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ
lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
- Việc
chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho
Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
---------------------------------------------
Xây dựng hồ sơ lịch sử và pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa
Sự lựa chọn chiến lược : Có một, hai (hay ba) quốc gia Việt Nam
trong khoảng thời gian 1954-1975 ?
- Câu hỏi đặt ra là có bao nhiêu quốc gia Việt Nam trong khoảng thời gian 1954-1975?
Câu trả lời thuộc về các chuyên gia lịch sử và pháp lý có thẩm quyền.
Đối với một công dân Việt Nam bình thường, có một, hai (hay ba) quốc gia
mang tên Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa, Việt Nam Cộng Hòa (và Cộng hòa Miền Nam
Việt Nam) thì không có gì là quan trọng. Có một, hai hay ba quốc gia Việt Nam
thì cũng chỉ là những “chi tiết lịch sử”, trong một giai đoạn lịch sử phân chia
nước Việt Nam. Điều quan trọng ngày nay : Việt Nam là một quốc gia độc lập và
thống nhất. Những con số một, hai, ba… trong quá khứ không làm thay đổi được
thực tế này.
Nhưng vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa với Trung Quốc đã khiến vấn đề không đơn giản. Trên phương diện pháp
lý, có một, hai hay ba quốc gia Việt Nam (trong khoảng thời gian 1954-1975) là
sẽ có một, hai hay ba hồ sơ pháp lý khác nhau. Trên phương diện lịch sử, có
một, hai hay ba quốc gia Việt Nam là sẽ có một, hai hay ba quan điểm lịch sử về
chủ quyền (Hoàng Sa và Trường Sa) khác nhau.
Dĩ nhiên người Việt nào cũng muốn hồ sơ chủ quyền về pháp lý và lịch sử
của Việt Nam vững chắc, một mặt để tranh cãi với Trung Quốc trên bàn thuơng
nghị, mặt khác có thể thắng được Trung Quốc nếu tranh chấp đưa ra một trọng tài
quốc tế để phân xử.
Vấn đề đặt ra, Việt Nam cần đứng trên quan điểm nào để xây dựng một hồ
sơ pháp lý “có lợi” nhất ?
- Để ý, trong những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ (tại các vùng lãnh thổ không có người ở như hải đảo), phe thắng kiện luôn là phía chứng minh được sự liên tục về thẩm quyền quốc gia (trong một thời gian dài) trên các vùng lãnh thổ đó. Vấn đề “chủ quyền lịch sử” tuy quan trọng nhưng vẫn không quan trọng bằng việc liên tục thể hiện thẩm quyền quốc gia (effectivité).
Nhiều luật gia quốc tế nhìn nhận, chủ quyền (lịch sử) của VN tại Hoàng
Sa và Trường Sa, từ khi khám phá cho đến năm 1975 là “vững” hơn lý lẽ về chủ
quyền của Trung Quốc.
Bất kể những sự thay đổi về thể chế, về chính trị, từ chế độ phong kiến
vương quyền nhà Nguyễn sang chế độ bảo hộ của Pháp; từ chế độ bảo hộ Pháp sang
chính quyền Quốc Gia Việt Nam của ông Bảo Đại, sau đó chuyển sang các chế độ
cộng hòa ở miền Nam cho đến 30 tháng 4 năm 1975… chủ quyền của quốc gia Việt
Nam tại các vùng lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa đã thể hiện một cách liên tục.
Trải qua nhiều triều đại, nhiều thể chế chính trị khác nhau, vấn đề “kế
thừa” (chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa) đã được (các thể chế chính trị nối tiếp
nhau) thể hiện một cách minh bạch, phù hợp với luật lệ quốc tế.
Chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa thì không được luật pháp quốc tế
nhìn nhận, mặc dầu nước này trên thực tế đã chiếm hữu toàn bộ quần đảo.
Tháng 4 năm 1956, lợi dụng lúc quân Pháp rút khỏi Đông Dương trong lúc
quân đội của quốc gia Việt Nam chưa kịp củng cố, Trung Quốc đã đưa quân xâm
chiếm nhóm phía đông quần đảo Hoàng Sa (nhóm An Vĩnh - Amphitrite). Tháng giêng
năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực xâm chiếm nốt nhóm còn lại (nhóm Nguyệt
Thiềm - Croissant). Các hành vi xâm lược này không đem lại chủ quyền cho Trung
Quốc tại vùng lãnh thổ Hoàng Sa vì hai lẽ: 1/ luật lệ quốc tế không nhìn nhận
chủ quyền quốc gia tại vùng lãnh thổ nếu việc chiếm hữu thể hiện bằng vũ lực.
2/ Chính quyền VNCH liên tục khẳng định chủ quyền của VN tại Hoàng Sa đồng thời
không ngừng lên án hành vi xâm lăng của TQ trước trường quốc tế.
Chỉ sau ngày 30-4-1975, chính quyền VNCH sụp đổ, chủ quyền của quốc gia
VN tại các vùng lãnh thổ Hoàng Sa và Trường Sa bị thách thức nặng nề bởi Trung
Quốc.
Việc “kế thừa”, tức là cái gạch nối, tạo sự “liên tục quốc gia” mỗi khi quốc
gia có thay đổi thể chế chính trị, hoặc có sáp nhập (hay ly khai) một vùng lãnh
thổ.
Ngày 30-4-1975 là một biến cố trọng đại của dân tộc và quốc gia Việt
Nam. Một vùng lãnh thổ (VNCH và sau đó là CHMNVN) được sáp nhập vào một vùng
lãnh thổ khác (VNDCCH), tạo thành một nước Việt Nam độc lập, thống nhất ba miền
(CHXHCNVN). Vấn đề “kế thừa” dĩ nhiên đặt ra.
Quốc gia Việt Nam có giữ được sự liên tục chủ quyền tại Hoàng Sa và
Trường Sa hay không là tùy thuộc vào thể thức “kế thừa” VNCH của các chính
quyền tiếp nối sau ngày 30-4-1975.
Nếu chỉ có một quốc gia Việt Nam, việc kế thừa giữa các vùng lãnh thổ
(VNCH, CHMNVN và VNDCCH) là “kế thừa” giữa các “chính phủ”, là vấn đề “nội bộ”
của Việt Nam. Việc kế thừa không phải là đối tượng của công pháp quốc tế.
Nếu có trên hai “quốc gia” Việt Nam: quốc gia VNCH, quốc gia CHMNVN và
quốc gia VNDCCH. Việc kế thừa ở đây là kế thừa giữa “quốc gia” với “quốc gia”.
Vì chủ thể “quốc gia” là đối tượng của quốc tế công pháp, việc kế thừa trở
thành đối tượng của quốc tế công pháp.
Việc “lựa chọn” có một, hai hay ba quốc gia VN vì vậy trở thành một lựa
chọn mang tính chiến lược.
- Thực ra trong lịch sử không có chỗ cho việc “lựa chọn”. Lịch sử là sự ghi chép lại những sự việc liên quan đến chính trị, kinh tế, văn hóa... đã xảy ra trong quá khứ. Người viết sử trung thực thì dữ kiện (hay sự kiện) lịch sử chỉ có một. Nhưng lịch sử (Việt Nam) thường xuyên được được viết bởi phe chiến thắng. Trong trường hợp này người ta cũng không thể “lựa chọn”, mà chỉ có thể “thiết lập” lại sự thật cho lịch sử.
“Sự thật” lịch sử nào cần phải thiết lập lại trong giai đoạn 1954-1975 ?
Có ít nhất 4 phe tham dự vào cuộc chiến: VNDCCH, VNCH, MTGPMN và Mỹ (và
một số nước đồng minh). Vì vậy có 4 lập trường (quan điểm) khác nhau về cuộc
chiến. Mỗi bên có một lý lẽ riêng biệt để biện hộ cho việc can dự (vào chiến
tranh) của phe mình. Phe nào cũng cho rằng cuộc chiến mà mình tham dự là cuộc
chiến “có chính nghĩa” (jus ad bellum). Ngoài ra còn có quan điểm khách quan
của các luật gia, sử gia thuộc các nước trên thế giới.
Một số quan điểm (học thuyết) mà các học giả quốc tế thường nhắc khi nói
đến chiến tranh VN. Những người này cho rằng đây là cuộc chiến : chiến tranh
giải phóng dân tộc, chiến tranh cách mạng, nội chiến (guerre civile), chiến
tranh ý thức hệ, xâm lược vũ trang (agression armée), tự vệ chính đáng đơn
phương và đa phương …
Thật vậy, cuộc chiến Việt Nam có đầy đủ những yếu tố cấu thành các lý
thuyết về chiến tranh đã liệt kê. Nhưng các qui ước quốc tế (về chiến tranh)
của các học thuyết này đối chọi nhau.
Dưới ánh sáng của từng học thuyết chiến tranh khác nhau, tình trạng pháp
lý của quốc gia Việt Nam trong thời gian này cũng được nhìn qua nhiều lăng kính
khác nhau.
3.1 Quan điểm của
VNDCCH miền bắc,
cuộc chiến 54-75 là cuộc chiến “thần thánh” chống Mỹ cứu nước, được thể hiện
dưới hai lý thuyết (về chiến tranh) : “chiến tranh cách mạng” của chủ nghĩa Mao
và “ chiến tranh giải phóng dân tộc”. Hành vi can thiệp của người Mỹ vào miền
Nam bị lên án là hành vi “xâm lược”. Chính quyền VNCH ở miền Nam bị xem là
chính quyền “ngụy”, tay sai của “đế quốc Mỹ”. Tức là miền Bắc quan niệm chỉ có
một quốc gia Việt Nam duy nhất (qua hiến pháp), đó là quốc gia Việt Nam Dân Chủ
Cộng Hòa.
(Dầu vậy lý tưởng dân tộc “đánh Mỹ cứu nước” lại nhập nhằng với lý tưởng
quốc tế cộng sản “đánh Mỹ cũng là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc”. Sau 1975, Việt
Nam trở thành “tên xung kích vô sản” sừng sỏ ở phương đông).
3.2 Quan điểm của miền
Nam VNCH, cuộc
chiến 54-75 là cuộc chiến “bảo vệ tự do”. Chính quyền VNCH có lúc tự hào là
“tiền đồn của thế giới tự do”. Cộng sản miền Bắc bị xem là “phỉ”: “cộng phỉ”.
Mục đích của những nhà cầm quyền miền Nam là “bắc tiến”, giải phóng miền Bắc ra
khỏi ách “cộng sản”. Quan điểm của miền Nam cũng chỉ có một quốc gia Việt Nam
duy nhất (qua hiến pháp), đó là Việt Nam Cộng hòa.
Quan điểm của hai miền Bắc và Nam trùng hợp “chỉ có một nước Việt Nam
duy nhất, thống nhất ba miền trung, nam, bắc” là do sự ràng buộc của Hiệp định
Genève 1954: “Việt Nam là nước độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và
thống nhất”. Điều này nên nhắc vì đây là thành quả tranh đấu của nhiều tầng
lớp, phe phái, của nhiều thế hệ dân tộc Việt Nam nhằm chống chủ trương sáp nhập
“Nam Kỳ” vào lãnh thổ của đế quốc Pháp.
3.3 Quan điểm của Hoa
Kỳ. Phía này không
nhìn nhận Hiệp định Genève 1954. Họ cho rằng có hai quốc gia Việt Nam (độc lập,
có chủ quyền): VNDCCH và VNCH. Hoa Kỳ “lên án” miền bắc (VNDCCH) đã “xâm lược
vũ trang” quốc gia VNCH. Trên quan điểm công pháp quốc tế, VNCH có quyền “tự vệ
chính đáng”. Hoa Kỳ (và các nước đồng minh) có nghĩa vụ phải giúp đỡ Việt Nam để
bảo vệ độc lập và chủ quyền của nước này (theo đúng các qui định của Hiến
chương LHQ).
Trong khoảng thời gian 1954-1972, Hoa Kỳ luôn thuyết phục các lãnh đạo Việt
Nam Cộng Hòa rằng Hoa Kỳ sẽ giúp cho VNCH trở thành một quốc gia độc lập, có
chủ quyền. Vì chỉ khi VNCH là một quốc gia độc lập, có chủ quyền thì sự can
thiệp của Hoa Kỳ mới chính đáng, jus in bello, theo nguyên tắc “quyền tự vệ
chính đáng đa phương”. Hoa Kỳ muốn biến một cuộc “nội chiến” trở thành một cuộc
“chiến tranh đa quốc gia”, biến chiến trường Việt Nam thành thí điểm nóng cho
cuộc chiến tranh lạnh.
(Sự can dự của Mỹ vào chiến tranh VN đã làm chia rẽ giới học giả, luật
gia của nước này. Một số ủng hộ lập trường của chính phủ, cho rằng sự can thiệp
vào Việt Nam là chính đáng, phù hợp với luật lệ quốc tế. Số còn lại phản đối,
cho rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam là “không chính đáng”, vi phạm
luật lệ quốc tế do can thiệp vào chuyện nội bộ của một quốc gia độc lập, có chủ
quyền”.)
3.4 Quan điểm của các
sử gia, học giả
trên thế giới, chiến tranh Việt Nam 1954-1975 vừa là một cuộc “nội chiến” vừa
là cuộc chiến “ý thức hệ”. Việt Nam là “thí điểm nóng của cuộc chiến tranh
lạnh”. Các bên lâm chiến chỉ là những thành phần của dân tộc Việt Nam. Các bên
được sự trợ giúp vũ khí đạn dược cũng như nhân sự của các thế lực từ bên ngoài.
Nội dung Hiệp định Genève 1954 “Việt Nam là nước độc lập, toàn vẹn lãnh
thổ, có chủ quyền và thống nhất” được các nước trên thế giới tôn trọng.
- Chiến tranh đã ngưng. Việt Nam được độc lập và thống nhất đã bốn thập niên. Vấn đề “chính nghĩa” của các phe (trong cuộc chiến) lần hồi trở thành những chi tiết rất phụ của lịch sử. Có một, hai hay ba quốc gia VN (trong giai đoạn 54-75) thì có gì là quan trọng khi mà đất nước VN đã thống nhất, nước VN đã dành được độc lập và có chủ quyền ?
Điều quan trọng là đứng dưới ánh sáng của lý thuyết luật học nào, bằng những
dữ kiện lịch sử nào, hồ sơ lịch sử và pháp lý về chủ quyền của VN tại Hoàng Sa
và Trường Sa chắc chắn nhất, có lợi nhất ?
Điều này tùy thuộc vào nội dung của hồ sơ chủ quyền phía Trung Quốc. Hồ
sơ của phía Trung Quốc đã nói cái gì ?. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã dựa vào đâu
để cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền “bất khả tranh nghị” của
Trung Quốc ?
Gác lại một bên các đòi hỏi phi lý về “quyền lịch sử” ở Biển Đông, về
“đường chữ U chín đoạn”, ở đây ta chỉ xét các lý lẽ mà Trung Quốc đã đưa ra trước
các diễn đàn quốc tế sau khi đặt giàn khoan 981 (trên thềm lục địa của Việt
Nam). Chắc chắn đây là những lý lẽ mà phía Trung Quốc cho là quan trọng nhất,
có thể thuyết phục được dư luận quốc tế về sự chính đáng của mình: khu vực mà
họ đặt giàn khoan 981 thuộc (quyền) chủ quyền của Trung Quốc.
Các lý lẽ, thực ra là các “bằng chứng”, gồm một số tài liệu giáo khoa,
bản đồ do phía VN xuất bản, trong đó ghi nhận Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa
(tức Trường Sa) thuộc về Trung Quốc. Ngoài ra là lá thư của cố Thủ tướng Phạm
Văn Đồng, còn gọi là “công hàm Phạm Văn Đồng” viết ngày 14 tháng 9 năm 1958,
công nhận tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc.
Các “bằng chứng” này có thể số đông người Việt Nam chưa biết đến, nhưng
từ thập niên 70 các học giả trên thế giới đã đề cập tới.
Đầu thập niên 90, một số tài liệu nghiên cứu về tranh chấp chủ quyền ở
Biển Đông được các học giả quốc tế công bố, trong đó có đề cập đến công hàm
1958 như là một bằng chứng quan trọng. Một số học giả cho rằng, qua công hàm
1958, Việt Nam đã nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa. Việc này
khiến VN bị phạm nguyên tắc “Estoppel”, tức nguyên tắc không được phép nói
ngược lại. Tức là, trong quá khứ, quốc gia tiền nhiệm của CHXHCNVN, gọi là
VNDCCH, đã “nhìn nhận” chủ quyền của TQ tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Hôm nay quốc gia tiếp nối VNDCCH, tức là quốc gia CHXHCNVN, không thể nói ngược
lại (hai quần đảo đó là của VN).
- Trước thách thức như vậy, phía VN đã có biện pháp nào để hóa giải?
Nếu không có điều lầm lẫn, ít nhất cho đến tháng 5 năm 2014, lập trường của
hầu hết (nếu không nói là tất cả) các học giả Việt Nam trong ngoài nước, và
cũng là lập trường “chính thức” của Việt Nam hiện nay, là có hai quốc gia Việt
Nam trong khoảng thời gian 1954-1975. Lập luận cho rằng Hoàng Sa và Trường Sa
thuộc quản lý của quốc gia VNCH, quốc gia VNDCCH không có thẩm quyền về hai
quần đảo này. Nguyên tắc “Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có
chủ quyền”, vì vậy công hàm 1958 là không có giá trị pháp lý.
Lập luận này dẫn từ hồ sơ của bà
học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập “La Souveraineté sur les
archipels Paracels et Spratleys », nxb Harmattan, ISBN 2-7384-4061-4. Đây
là một tập hồ sơ về pháp lý và lịch sử quan trọng, mang tính học thuật, thuyết
phục. Tác giả là người có tấm lòng đối với dân tộc Việt Nam.
Nguyên văn lẽ ra phải viết đầy đủ
như sau :
« Dans ce
contexte, les déclarations ou pris de position éventuelles des autorités du
Nord-Vietnam sont sans conséquences sur le titre de souveraineté. Il ne s’agit
pas du gouvernement territorialement compétent à l’égard des archipels. On ne
peut renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité[i] ».
Tạm dịch : trong bối cảnh đó, những tuyên bố hay lập
trường nào đó của nhà cầm quyền miền Bắc thì không ảnh hưởng lên danh nghĩa chủ
quyền. Nhà nước này không phải là nhà nước có thẩm quyền về lãnh thổ đối với
các quần đảo. Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có thẩm quyền.
Đó là câu « On ne peut
renoncer à ce sur quoi on n’a pas d’autorité - Người ta không thể từ bỏ về cái
mà người ta không có thẩm quyền ».
Vấn đề là người ta không thể « trích
ngang » một « ý » trong một « nguồn ý », rồi diễn giải
sao cho phù hợp sở nguyện của mình. Ý nghĩa của câu này không thể tách rời
« nguồn ý », đến từ « bối cảnh » mà tác giả cố gắng diễn
đạt.
Bối cảnh đó là học giả Monique
Chemillier-Gendreau phản biện ông L. Thomas Bradford, trong tập « The
Spratly Island Imbroglio : a tangled web of conflict »; Ông này cho
rằng, qua công hàm Phạm Văn Đồng, “Vietnam réaffirmé sa reconnaissance de la
prétention chinois sur les archipels » - « Việc Nam tái xác nhận sự
công nhận của họ về chủ quyền của Trung Quốc ở các quần đảo ».
Lập luận của bà Monique
Chemillier-Gendreau nhằm phủ nhận ý kiến của Thomas Bradford, khi ông này cho
rằng VN bị Estoppel. Ý kiến của bà là không thể diễn giải Công hàm 1958
như là hành vi « tái xác nhận việc công nhận chủ quyền của TQ tại HS và TS
».
« Estoppel » là « bối
cảnh » của câu văn.
Ý kiến của bà Monique
Chemillier-Gendreau không chấm dứt ở đó. Bà viết tiếp (nhưng các học giả VN lại
không để ý) :
« Néanmoins, son silence devant
l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles peut être interprété comme
un acquiescement, et cela autant plus qu’il est renforcé par la déclaration
relative aux zones de combat et les articles du Nhan Dan.[ii] »
Tạm dịch : « dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước VNDCCH) trước
sự khẳng định chủ quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một
sự đồng thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng
chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân. »
Thế nào là « sự đồng thuận –
acquiescement » ? hiệu lực pháp lý của « sự đồng thuận –
acquiescement » là như thế nào ?
« l’Acquiescement »
được định nghĩa là « thuật ngữ thuộc quá trình tố tụng chỉ định hành vi
qua đó một bên tranh chấp, một cách minh thị hay mặc thị, vô điều kiện hay có
điều kiện, chấp nhận một nghĩa vụ hay một yêu cầu của bên kia. »
Theo tập quán
quốc tế, (thể hiện qua các án lệ của các tòa án quốc tế), ít khi nào một bên bị
mắc « acquiescement » chỉ vì một dấu hiệu (ưng thuận) đơn lẻ
nào đó. Một « sự đồng thuận – acquiescement » luôn là sự kết tinh của
một quá trình logic, một tập hợp những « dấu hiệu » thể hiện trong
một thời gian lâu dài, từ đó cấu thành một « lập trường » (một thái
độ) của một bên.
Sau khi Trung
Quốc ra tuyên bố đơn phương về lãnh thổ và hải phận ngày 4 tháng 9 năm 1958. Theo tập quán quốc tế, các nước nếu công nhận lập
trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức « reconnaissance – công
nhận ». Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm « phản đối –
protestation ».
Công hàm 1958 là một tuyên bố đơn
phương, công nhận những đòi hỏi của TQ trong tuyên bố 4-9-1958. Nếu quan niệm
VNDCCH (và VNCH) là quốc gia độc lập, có chủ quyền, công hàm 1958 là một vấn đề thuộc công pháp quốc tế,
có hiệu lực pháp lý ràng buộc.
Để nhấn mạnh tầm quan trọng của
một « tuyên bố đơn phương », ta thử giả sử rằng phía VN « im
lặng », không bày tỏ bất kỳ một hành vi nào liên quan đến tuyên bố của
Trung Quốc. (Tức giả sử rằng công hàm Phạm Văn Đồng không hiện hữu, hay đã mất
hiệu lực do sự « hóa giải » của học giả VN).
Theo tập quán quốc tế, thái độ
« im lặng » này sẽ được hiểu là sự « đồng ý ám thị - consentement tacite ».
Thí dụ trường hợp Trung quốc ra
tuyên bố về vùng « Nhận diện phòng không » ngày
23-11-2013. Tuyên bố này phù hợp với công pháp quốc tế.
Một quốc gia nếu không lên tiếng
phản đối, hay bảo lưu một điều nào đó trong tuyên bố (như chồng lấn vùng không
gian, không chấp nhận việc đe dọa sử dụng vũ lực – theo điều 3 của Tuyên bố...)
thì tuyên bố này tự động có hiệu lực.
Thái độ « im lặng » của
VN sau khi TQ tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của họ năm 1958, có nghĩa là sự
« đồng ý ám thị », một hình thức thụ động của nguyên tắc « acquiescement ».
Một số hành vi khác củng cố thái
độ « đồng thuận » của VN (về chủ quyền của TQ tại HS), điều này học
giả Monique Chemillier-Gendreau đã nhắc tới. Đó là các bài viết
trên báo Nhân Dân vào thập niên 60 nhìn nhận vùng biển Hoàng Sa (mà Đệ thất hạm
đội của Mỹ đang hoạt động) thuộc về TQ. Hoặc các
bản đồ do Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam xuất bản năm 1960 (trên đó
quần đảo Nam Sa – tức Trường Sa - được đánh dấu là lãnh thổ Trung Quốc). Hay
bản đồ do Cục Bản đồ Việt Nam xuất bản năm 1972, trong đó quần đảo Nam Sa được
chú thích bằng tiếng Hoa, chứ không phải bằng tiếng Việt, tiếng Anh hay tiếng
Pháp.
Thêm
vào đó là các tài liệu (sách giáo khoa), bản đồ do VN xuất bản mà phía TQ vừa
công bố mới đây, theo đó Tây Sa và Nam Sa thuộc Trung Quốc.
Thái
độ khác, quan trọng hơn cả là sự « im lặng » của VNDCCH vào tháng
giêng năm 1974 khi Trung quốc dùng vũ lực xâm lăng Hoàng Sa của VN.
Sự
im lặng của VNDCCH được hiểu là « đồng ý ám thị » hành vi của Trung
quốc là chính đáng. Mặt khác, các bên VNDCCH và MTGPMN từ chối ký tên vào bản
tuyên bố phản đối TQ do phía VNCH đề nghị.
Các
điều này kết tinh, đồng thời củng cố, yếu tố « acquiescement - đồng
thuận » của VN về các đòi hỏi về danh nghĩa chủ quyền của TQ tại HS và TS.
Như vậy lập
luận có hai quốc gia Việt Nam là một điều phiêu lưu và nguy hiểm. Ta không ngạc
nhiên khi phía TQ dẫn công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng ra trước diễn đàn
quốc tế LHQ.
Mặt khác, khi lập
luận « Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có thẩm
quyền », là nhìn nhận quốc gia VNDCCH chưa bao giờ có chủ quyền ở
hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Câu hỏi đặt
ra, bằng cách nào quốc gia CHXHCNVN hôm nay có chủ quyền ở hai quần đảo
này ? Bằng cách « kế thừa » từ quốc gia VNCH ? Hoàng Sa bị TQ
chiếm trên tay VNCH tháng giêng năm 1974, làm sao có thể kế thừa một vật đã bị
mất ?
Một câu hỏi (chính đáng) đã đặt ra,
từ những lần bàn luận trên Facebook : anh đã giết chết người ta thì anh có tư
cách gì để kế thừa người ta ?
Từ « giết chết » sử dụng
ở đây có thể không phù hợp, nhưng thực tế lịch sử giữa hai thực thể VNCH và
VNDCCH, từ năm 1959 đến 1975, đã thể hiện trong chiều hướng như vậy.
Có học
giả lập luận rằng sau 1975 chính phủ CHMNVN kế thừa VNCH. Kế thừa ở đây là
kế thừa « chính phủ » với « chính phủ ». Trước đây 40 năm
thì người ta có thể lập luận như vậy. Hôm nay, chỉ cần bấm các chữ MTGPMN (viết
tắt) trên google thì cũng sẽ hiện ra các nguồn dẫn nói về Mặt Trận Dân tộc giải
phóng Miền nam. Theo đó người ta biết rằng Mặt trận Dân tộc Giải
phóng miền Nam được khai sinh ngày 20-12-1960, theo nghị quyết của của Đại hội
đảng toàn quốc lần thứ ba của đảng CSVN (lúc đó là đảng Lao Động), do bộ Chính
trị đảng CSVN và Trung ương cục miền Nam lãnh đạo.
Tức là CHMNVN chỉ là một « con
đẻ » không thể tách rời của VNDCCH mà phía Trung Quốc là « bà mụ »
đỡ đẻ. Nó không thể gọi là một « chính phủ » trên danh nghĩa pháp lý,
vì nó bị « giật dây », nếu không nói là cánh tay nối dài của VNDCCH.
Giả sử vấn đề tranh chấp được giải
quyết bằng một trọng tài quốc tế, trước Tòa, làm thế nào phía VN thuyết phục Tòa
rằng CHMNVN (một bộ phận không tách rời của VNDCCH) « kế thừa » VNCH ?
Nhưng cũng thử giả sử rằng VN « qua
mặt » được Tòa, chính phủ CHMNVN kế thừa danh nghĩa chủ quyền Hoàng Sa từ
VNCH một cách tốt đẹp.
Xét lại các văn bản ngoại giao sau
1975, quốc gia CHXHCNVN « tiếp nối » quốc gia VNDCCH. Vấn đề là quốc
gia CHXHCNVN làm thế nào cùng lúc kế thừa hai lập trường đối nghịch : lập
trường nhìn nhận chủ quyền HS và TS thuộc TQ của VNDCCH và lập trường đối kháng
của VNCH ?.
- Có người lại kêu gọi nhà nước VN hôm nay « công nhận » VNCH như là một « quốc gia ».
Việc « công nhận quốc
gia » là quan trọng trong quan hệ quốc tế, vì nó xác định sự hiện hữu (tư
cách pháp nhân) một quốc gia trên sân khấu quốc tế. Thủ tục công nhận thể hiện
bằng việc « thiết lập bang giao », qua các việc trao đổi lãnh sự, ký
kết các hiệp ước, hay bằng một tuyên bố đơn phương giữa các quốc gia. Việc công
nhận quốc gia là các bên chấp nhận các yếu tố đặc thù về công dân, về lãnh thổ
và về chính phủ của các bên.
Trên tinh thần này thì nhà nước VNDCCH, tức nhà nước tiền nhiệm của
CHXHCNVN, chưa bao giờ « công nhận » sự hiện hữu của VNCH (chưa nói
đến việc VNCH có là « quốc gia » hay không). Hai miền Nam, Bắc là hai
đối thủ thù nghịch nhau trong cuộc nội chiến 54-75, chưa bao giờ có thiết lập
quan hệ ngoại giao mà chỉ có đối đầu bằng súng đạn.
Mặt khác, nước CHXHCNVN
cũng không thể bây giờ mới « công nhận » VNCH là một quốc gia.
Đơn giản vì người ta không thể công nhận cái đã không còn hiện hữu.
Kêu gọi nhà nước VN hôm nay « công
nhận » VNCH là quốc gia thì cũng như việc kêu gọi Bắc Kinh công nhận Đài
Loan là « quốc gia ».
Nhiều người so sánh tình trạng pháp lý của quốc gia VN (từ
1954-1975) tương tự như trường hợp Nam, Bắc Hàn, Đông Tây Đức.
Trường hợp hai miền Nam và Bắc Triều Tiên cùng gia nhập LHQ
cuối năm 1991, theo đề nghị của Gorbachev, vì chiến tranh lạnh chấm dứt. Cộng
đồng quốc tế có thói quen xem hai miền là hai « quốc gia », nhưng
thực tế không phải vậy. Hai xứ này cùng gia nhập LHQ trên tinh thần của Kết ước
« Hòa giải và
hợp tác » ký giữa hai miền ngày 13-12-1991. Lời mở đầu của kết
ước khẳng định các quan hệ hai bên không phải là quan hệ giữa « quốc
gia », mà chỉ là một quan hệ tạm thời trong tiến trình thống nhứt đất
nước.
Tình trạng pháp lý của quốc gia
Việt Nam bị phân chia thực ra gần gũi với trường hợp giữa Trung Quốc lục địa
với Đài Loan. Hội nghị San Francisco lấy lại Đài Loan từ Nhật và giao trả lại
cho Trung Hoa. Đài Loan vì vậy là một « vùng lãnh thổ » của quốc gia
Trung Hoa. Hiệp định Genève 1954 phân chia VN thành hai miền : VNDCCH ở
miền bắc và VNCH ở miền Nam. Cả hai cùng thuộc về một quốc gia Việt Nam duy
nhất.
Nếu Bắc Kinh không thể « công
nhận » Đài Loan là « quốc gia » thì VNDCCH (lúc đó) cũng không
thể « công nhận » VNCH là « quốc gia » được.
- Việc lựa chọn quan điểm có « hai quốc gia Việt Nam » đã đặt hồ sơ pháp lý của VN vào thế kém. Trong khi, trên phương diện lịch sử, ta có thể có một sự lựa chọn tốt hơn.
Trở lại lập trường của Hoa Kỳ. Lập
trường này chủ trương có hai quốc gia VNCH và VNDCCH là hai quốc gia độc lập có
chủ quyền.
Chiến tranh của người Mỹ tại Việt
Nam được kết thúc qua Hiệp định Paris 1973. Người Mỹ đã thất bại, vì đã không
thể giúp VNCH trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, cũng không thể biến
cuộc “nội chiến” thành cuộc “chiến tranh đa quốc gia”. Cuối cuộc chiến, chỉ có
một mình Hoa Kỳ ở lại. Thế giới lúc đó hầu như đồng loạt lên án Hoa Kỳ về việc
tham dự cuộc chiến.
Nội dung Hiệp định Paris 1973 khẳng
định lại hiệu lực Hiệp định Genève 1954: “Việt Nam là nước độc lập, toàn vẹn
lãnh thổ, có chủ quyền và thống nhất”.
Tức là, người Mỹ đã hoài công xây
dựng một nước VNCH độc lập, có chủ quyền, liên tục (tính gọn) từ 1954 đến 1973.
Sau khi hiệp định được ký kết, phía
VNDCCH tiếp tục chiến tranh như Mỹ không thể trở lại. Lý do : đã nhìn nhận
VN là một nước độc lập, có chủ quyền. Chiến tranh VN vì vậy trở thành cuộc nội
chiến. Việt Nam được thống nhất theo « phương cách » của nó. Hoa Kỳ
không còn lý do để can thiệp.
Dầu vậy, phía Hoa Kỳ “vớt vát” được
một điều trong Hiệp định Paris: Dân miền Nam giữ được quyền “dân tộc tự quyết”.
Điều này được đưa vào thực sự không có ý nghĩa lớn lao, như nhằm bảo vệ sự
“chính đáng” của Hoa Kỳ khi tham dự vào cuộc chiến. Hiệp định Paris 1973 là cái
cớ để “đồng minh tháo chạy” trong danh dự. Thì cái gọi là quyền “dân tộc tự
quyết” của “dân tộc miền Nam” có thể chỉ là một “thủ thuật pháp lý”, phòng ngừa
sau này lấy cớ chính đáng để “khi đồng minh trở lại”.
Thật vậy, giả sử dân tộc miền Nam
đồng lòng đứng lên “đòi quyền tự quyết” (như trường hợp Kossovo hay Crimée),
thì Hoa Kỳ có thể bị “ràng buộc” bởi Hiệp định Paris 1973 để vào can thiệp.
Việc hô hào « công nhận »
VNCH đã là một « quốc gia » vì vậy sẽ mở đường cho nhiều giả thuyết
bất lợi về sau, như miền Nam (VNCH cũ) có thể ly khai, tuyên bố độc lập. Đây là
điều không người VN nào mong muốn.
- Lập trường một quốc gia Việt Nam duy nhất.
Trên phương diện thực tế và lịch
sử, 20 tháng 7 năm 1954, hiệp định Genève quyết định phân chia quốc gia VN
thành hai miền tại vĩ tuyến 17. Hiệp định nhấn mạnh việc phân chia chỉ tạm
thời, đường vĩ tuyến 17 trong bất kỳ trường hợp nào, không thể xem đó là đường
biên giới phân định lãnh thổ hay chính trị. Hai miền Nam và Bắc lần lượt mang
tên Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Nội dung Hiệp định Genève
xác nhận VN là một nước « độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và
thống nhất ».
Hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa, do ở phía nam vĩ tuyến 17, do đó thuộc quyền quản lý của VNCH.
Hiệp định Paris năm 1973 xác định
lại nội dung hiệp định Genève 1954 : « Hoa Kỳ và các nước khác tôn
trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như
Hiệp định Genève 1954 về Việt Nam đã công nhận. »
Cả hai hiệp định này đều được bảo
trợ của Trung Quốc, cũng như các cường quốc Mỹ, Anh, Pháp…
Năm 1956 VNCH công bố Hiến pháp,
điều 1 khẳng định : VN là một nước cộng hòa, độc lập, thống nhất và bất
khả phân. Về phía VNDCCH, Hiến pháp 1946, điều 2 xác định VN là một khối thống
nhất bắc, trung, nam không thể phân chia. Hiến pháp 1959, những dòng đầu đã
khẳng định VN là một nước thống nhất từ Lạng sơn đến Cà Mau.
Cả hai miền như vậy đều tôn trọng
nội dung hiệp định Genève 1954 : Việt Nam là một quốc gia thống nhất (ba
miền) độc lập và có chủ quyền.
Điều này thể hiện lên thực tế. Trong
khoảng thời gian từ 1954 đến 1973, không có bất kỳ quốc gia nào trên thế giới
nhìn nhận sự hiện hữu của hai quốc gia Việt Nam. Khối Tư bản nhìn nhận VNCH là đại
diện của nước Việt Nam duy nhất. Khối XHCN công nhận VNDCCH là đại diện nước VN
duy nhất. Nước này nhìn nhận phía này thì không nhìn nhận phía kia, hay ngược
lại.
Tức là, trên thế giới chỉ hiện hữu
một quốc gia VN duy nhất. Hai thực thể VNCH và VNDCCH, nói theo ngôn ngữ công
pháp quốc tế, là hai « quốc gia chưa hoàn tất – Etat partiel ».
Thời điểm phát xuất công hàm 1958
của cố TT Phạm Văn Đồng, phía VNDCCH vẫn còn có nguyện vọng thống nhất đất
nước. Nhiều lần phía VNDCCH hối thúc VNCH, cho đến năm 1960, thương nghị giữa
hai miền để tiến tới thống nhất Việt Nam theo nội dung của Hiệp định Genève
1954.
Như vậy, trên quan điểm công pháp
quốc tế, nước VN chỉ có một, thống nhất ba miền, toàn vẹn lãnh thổ, độc lập, có
chủ quyền.
Trên tinh thần đó, bất kỳ các tuyên
bố, các hành vi đơn phương của một bên (VNCH hay VNDCCH), như công hàm 1958 của
Phạm Văn Đồng, cũng như một số các hành vi khác của VNDCCH trong khoảng thời
gian 1954-1976 (có thể diễn giải là hành vi từ bỏ chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường
Sa), vì đe dọa đến việc toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, đi ngược lại nội dung
các hiệp định quốc tế 1954 và 1973, do đó chúng đều không có giá trị pháp lý.
Tức là công hàm 1958 của cố TT Phạm
Văn Đồng được hóa giải một cách dễ dàng, đúng theo tinh thần trọng luật của
công pháp quốc tế, phù hợp với trình tự lịch sử.
Về vấn đề kế thừa, hai thực thể
chính trị VNCH và VNDCCH chỉ là hai miền thuộc về một quốc gia Việt Nam duy
nhất, việc kế thừa lại là việc « nội bộ » của quốc gia, không thuộc phạm
vi công pháp quốc tế. Danh nghĩa chủ quyền của VN tại HS và TS do đó được giữ
liên tục, từ thời các vua chúa VN, sang đến thời thuộc Pháp, thuộc Nhật, hay
đồng minh quản lý, cuối cùng chuyển sang VNCH sau đó là VN hôm nay.
- Vấn đề kiện tụng.
Kiện tụng là một việc phiêu lưu, VN
có thể thắng, có thể thua. Phía TQ bảo lưu ở LHQ sẽ không chấp nhận bất kỳ một
trọng tài nào giải quyết tranh chấp lãnh thổ (hay những vấn đề liên quan đến
lãnh thổ). Không gian pháp lý của VN rất là hẹp. Các học giả, luật gia VN cần
phải tìm ra giải pháp kiện thế nào để vừa không bị tòa bác đơn do các bảo lưu
của TQ, vừa không bị thua kiện do hồ sơ quá yếu.
Cá nhân tôi đã có một đề nghị đã
công bố, ghi lại ở đây :
VN đệ đơn đề nghị Tòa Công lý Quốc
tế (CIJ) tuyên bố một số điều :
- Việc
chiếm hữu một lãnh thổ bằng phương pháp vũ lực là vi phạm các nguyên tắc cơ bản
của LHQ.
- Việc
chiếm hữu các đảo ở Trường Sa (lập danh sách chi tiết các đảo) năm 1988 bằng vũ
lực không đem lại cho Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
- Việc
chiếm hữu quần đảo Hoàng Sa tháng giêng năm 1974 bằng vũ lực không đem lại cho
Trung Quốc danh nghĩa chủ quyền.
Ba điều yêu cầu Tòa tuyên bố hoàn
toàn thuộc về quyền của quốc gia Việt Nam, là thành viên các công ước và các
nguyên tắc cơ bản của LHQ. Đồng thời việc giải thích nội dung các điều ước quốc
tế thuộc thẩm quyền của Tòa CIJ. (Các điều ước quốc tế liên quan gồm :
Công ước Drago-Porter 1907, Hiến chương LHQ điều 2 khoản 4 ngày 26-6-1945, hay
Tuyên bố của Đại hội đồng LHQ 18-11-1987). Đặc biệt các yêu cầu này không liên
quan đến các bảo lưu của TQ về việc phân giải tranh chấp chủ
quyền bằng trọng tài quốc tế.
Mục đích
việc yêu cầu Tòa tuyên bố, nếu thành công (điểm 3), sẽ đưa quần đảo Hoàng Sa
(không có tranh chấp, theo TQ) vào tình trạng « có tranh chấp ».
Nếu VN
thua, tức Tòa không tuyên bố (không có ý kiến), thì VN cũng không có gì để mất.
Trong vụ yêu cầu Tòa tuyên bố này không hề nói đến chủ quyền các đảo (HS và TS)
là của ai, mà chỉ nói đến việc nhìn nhận hay không nhìn nhận, danh nghĩa chủ
quyền nếu việc chiếm hữu thực hiện bằng vũ lực.
Còn nếu
thắng (sác xuất thắng là rất cao), VN được nhiều thứ.
Theo tập
quán quốc tế, « đất thống trị biển ». Nếu các đảo Hoàng Sa là lãnh thổ « có
tranh chấp » thì vùng biển phát sinh từ nó cũng có tranh chấp. Tức vùng biển từ đảo Hải Nam đến Hoàng Sa là
vùng biển có tranh chấp.
Theo
thông lệ quốc tế, nếu lãnh thổ có tranh chấp, việc giải quyết thường là chia
hai (hay cộng đồng khai thác), mỗi bên được một phần của lãnh thổ đó. Tức là,
quần đảo HS có thể chia hai, thí dụ hai nhóm Nguyệt Thiềm và An Vĩnh. VN có thể
nhận nhóm Nguyệt Thiềm (phía tây) và giao cho TQ nhóm An Vĩnh (phía đông). Hải phận sinh ra do quần đảo
này do đó cũng sẽ chia hai.
Đó là cái lợi thứ nhất.
Cái lợi thứ hai ở Trường Sa. Nếu tòa tuyên bố, thì TQ
không có chủ quyền tại các đảo của VN tại TS. TQ sẽ không thể tuyên bố vùng «
nhận diện phòng không » trong khu vực này được.
Cái lợi thứ ba, là VN dành được tính « chính đáng ».
Nhiều người cho rằng các phán quyết của Tòa cũng không làm gì, nếu TQ không
tuân thủ.
Thực ra phán quyết của Tòa có tầm quan trọng rất lớn. VN có thể dùng các biện
pháp để bảo vệ quyền lợi của mình. Việc « bảo vệ » ở đây mang tính tự vệ chính
đáng, được hiến chương LHQ công nhận.
Đây là một việc làm ít tốn kém, đáng lẽ không cần phải đưa ra một tổ hợp
luật sư nào. Tuy nhiên, để nắm chắc phần thắng, đơn không bị bác do lỗi thủ
tục, VN nên thông qua một tổ hợp luật sư chuyên môn ở HK.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire