Cô gái Việt sang Pháp đòi con lo lắng dù tiếp tục thắng kiện
Nguyễn Thị Thanh Huyền băn khoăn liệu con gái có muốn về bên mẹ khi thời gian chờ đợi đã quá lâu, kể từ ngày bé bị bố tách khỏi mẹ lúc mới ba tháng tuổi.Chiều 31/5, sau một tuần nghị án, Tòa Gia đình và Người chưa thành niên (TAND TP HCM) chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Nguyễn Thị Thanh Huyền (32 tuổi, quê Khánh Hòa) về việc “công nhận và cho thi hành phán quyết của tòa án Pháp tại Việt Nam, buộc ông Azais (42 tuổi, quốc tịch Pháp) trả lại con gái”.
Tước đó, trong bản án hồi tháng 6 năm ngoái của Tòa sơ thẩm, thẩm quyền rộng Albi (trụ sở tại Tòa án Tư pháp ở Albi), tòa buộc ông Azais (bạn trai cũ của Huyền) phải trả lại con gái sau hơn một năm bí mật mang bé đi. Tòa án Pháp cũng ghi nhận những chứng cứ Huyền cung cấp cho thấy cô “đủ tin cậy để bé Sarah có thể sống an tâm cạnh người mẹ đầy tình yêu thương”.
Tòa cũng chấp thuận đề nghị của người mẹ, cho ông Azais đến thăm con vào tất cả các thứ bảy hàng tuần (từ 9h đến 18h) tại nơi đăng ký thường trú và một năm một lần tại Pháp – với điều kiện ông Azais phải thanh toán chi phí đi lại.
Tuy nhiên, ông Azais không thực thi phán quyết này dù đã cùng con gái quay lại Việt Nam và sống tại phường Thảo Điền, quận 2. Nhiều lần tìm đến nhà bạn trai cũ để gặp con không được, Huyền làm đơn yêu cầu TAND TP HCM cho thi hành phán quyết của tòa Pháp tại Việt Nam.
Vài ngày sau khi tòa án ở Việt Nam công nhận phán quyết của tòa án Pháp, Huyền vẫn chưa được gặp con và việc duy nhất lúc này cô có thể làm là đợi. Huyền cho biết việc công nhận là một bước để cô dễ dàng hơn trong thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, cô vẫn cần phải có quyết định chính thức sau hai tuần nữa để phán quyết được thi hành.
Bà mẹ một con không hình dung được bước tiếp theo của việc thi hành phán quyết sẽ ra sao, ai hay cơ quan nào sẽ cưỡng chế. Huyền lo trong thời gian chờ quyết định, ông Azais, bố của con gái cô, có thể thay đổi chỗ ở. Tới lúc đó, phán quyết sẽ được thực thi ra sao và cô phải làm gì. Hơn nữa, trong khi chờ quyết định của tòa, ông Azais có quyền kháng cáo.
Huyền cho biết thêm, vì đây là vụ án dân sự nên đầu tiên sẽ là thi hành án tự nguyện và nếu không tự nguyện mới tiến hành cưỡng chế. Hồi nhận được quyết định bên Pháp, Huyền mừng lắm vì thắng rồi nhưng tới giờ đã hơn một năm, mẹ con cô vẫn chưa được gặp nhau.
Theo Huyền, ông Azais vẫn đang sống tại địa chỉ cũ ở Việt Nam. Ông ta biết chính xác ngày tòa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên sáng hôm ấy, ông Azais tới tòa xin hoãn phiên họp lại nhưng không được chấp nhận. Sau đó, ông ta cũng không có mặt vào phiên họp buổi chiều cùng ngày. Cuối cùng, tòa ra quyết định vắng mặt ông Azais.
“Tôi không có thời gian vì con càng ngày càng lớn, càng lúc càng khó. Chỉ hai tháng nữa thôi, bé sẽ tròn ba tuổi. Nếu phán quyết được thực thi và con về với mẹ thì khi ấy bé cũng lớn quá rồi, liệu cháu có muốn về bên mẹ không? Tình cảm lại cần được vun đắp hàng ngày, trong khi con đường pháp lý tôi đi cực quá, từ nước này qua nước khác, và có nhiều thời gian cho phía ông Azais làm này làm nọ”, Huyền chia sẻ.
Bé Sarah trong một lần được bố đưa tới sân bay gặp mẹ ở Pháp. Ảnh: NVCC.
Nguyễn Thị Thanh Huyền và người đàn ông Pháp tên Azais Alexandre Stephane quen nhau từ năm 2013 khi anh ta đang làm việc tại Việt Nam. Họ yêu nhau rồi sống chung và chưa kết hôn. Trong thời gian đó, Huyền mang bầu đứa con của hai người. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa cô và bạn trai xảy ra khi người đàn ông không có ý định làm đám cưới và chỉ muốn con gái mang quốc tịch của bố. Sau đó, Huyền quyết định chia tay lúc đang mang thai 6 tháng vì cảm thấy không được tôn trọng và yêu thương.
Con gái cô, bé Sarah giờ đã hơn 2 tuổi, bị bố tách khỏi vòng tay mẹ lúc mới ba tháng rưỡi. Sau thời gian dài không được gặp con, Huyền một mình sang Pháp kiện bạn trai đòi con.
Hà Phương
Cô gái Việt một mình sang Pháp đòi con từ chồng hờ
Có lần, để được ôm con gái vào lòng, Nguyễn Thị Thanh Huyền phải di chuyển 1.400 km trong ngày.
Hiện tại, tâm trạng của bà mẹ trẻ đã vững vàng và không quá đau khổ như thời gian đầu. Cô vẫn phải duy trì cuộc sống bình thường, đi làm kiếm tiền và chuẩn bị sẵn sàng để ngày nào đó Sarah về lại với mình.
Trong chuyến đầu tiên sang Pháp tìm con tháng 1/2016, Nguyễn Thị Thanh Huyền hồi hộp khi thấy người tình cũ bế con gái tới cho mẹ. Lần đầu gặp con sau 15 tháng xa cách tại một sân bay ở Pháp, người mẹ ấy đã không thay bộ quần áo mặc suốt mấy ngày chỉ vì mong con nhận ra mùi của mình. Cô khóc vì hạnh phúc khi con chạy tới ôm chầm lấy, ngồi chơi ngoan rồi ngủ ngon lành trong lòng. Câu chuyện cô gái Việt lặn lội sang Pháp kiện chồng hờ để đòi lại con gái đang được quan tâm khắp mạng xã hội. Trường hợp của Huyền khiến nhiều người cảm thông và khâm phục sau khi biết hành trình tìm gặp con của cô ở Pháp gian nan nhường nào.
Cô và người đàn ông Pháp tên Azais Alexandre Stephane quen nhau từ năm 2013 khi anh ta đang làm việc tại Việt Nam. Họ yêu nhau rồi sống chung và chưa kết hôn. Trong thời gian đó, Huyền mang bầu đứa con của hai người. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa cô và bạn trai xảy ra khi người đàn ông không có ý định làm đám cưới và chỉ muốn con gái mang quốc tịch của bố. Sau đó, Huyền quyết định chia tay lúc đang mang thai 6 tháng vì cảm thấy không được tôn trọng và yêu thương.
Con gái cô, bé Sarah giờ đã hơn 2 tuổi, bị bố tách khỏi vòng tay mẹ lúc mới ba tháng rưỡi. Bắt đầu từ đó là chuỗi ngày bà mẹ trẻ gõ cửa khắp nơi tìm con. Huyền suy sụp và tuyệt vọng vì mọi cánh cửa khi ấy như đóng chặt lại. Sau nhiều nỗ lực, Huyền biết con đã xuất cảnh và đang ở Pháp. Tháng 9/2015, cô gửi đơn kiện lên Tòa án Tối cao của Pháp ở Paris sau thời gian dài liên hệ với chồng hờ để gặp con không được.
Đầu năm 2016, nhận được giấy triệu tập của tòa tham gia phiên điều trần, Huyền xin nghỉ phép một tuần để qua Pháp. Ba ngày trước khi diễn ra buổi làm việc, Huyền nhận được tin bố của Sarah sẽ không tham gia. Anh ta thông báo đang sống ở thành phố Toulouse (miền Nam nước Pháp) và Huyền muốn khởi kiện phải thực hiện ở tòa án địa phương. Biết đây là chiêu kéo dài thời gian của tình cũ nhưng Huyền chấp nhận rút đơn kiện để chuyển qua tòa án nơi anh ta đang sống. Áp lực lớn nhất khi đó của Huyền là thời gian. Cô cũng không có người quen, bạn bè nào bên Pháp.
Tháng 3/2016, tòa triệu tập Huyền tham gia các phiên điều trần. Do chi phí đi lại khá tốn kém, lần này Huyền quyết định xin nghỉ việc, tận dụng hết thời hạn visa (3 tháng) ở lại Pháp để tiện cho việc theo đuổi vụ kiện. Với hy vọng có nhiều cơ hội gặp con, cô chuyển hẳn xuống Toulouse thuê trọ. Để tiết kiệm tiền, Huyền thuê chung phòng với du học sinh Việt và tự đi chợ, nấu ăn đơn giản. Visa được cấp không cho phép cô đi làm kiếm tiền nên trong ba tháng đó, cô chỉ ở nhà chờ đợi.
Suốt thời gian đi về giữa hai nước, cô gặp con vỏn vẹn 4 lần, mỗi lần hai tiếng rưỡi. Huyền nghĩ, nếu vì quá nhớ Sarah mà tới đòi gặp, cô sẽ bị xem là khuấy động cuộc sống của hai bố con và bị quy có vấn đề tâm lý. Lúc ấy, cảnh sát sẽ “hỏi thăm”, bố em bé sẽ tăng cường bảo vệ và cơ hội trông thấy con của Huyền ngày càng hẹp lại. Hơn nữa, lúc đó chưa có cơ sở pháp lý nào từ tòa án quyết định cho Huyền nuôi con nên nếu manh động, cô có thể phải về nước. Vì thế, bà mẹ trẻ tự nhủ phải thật kiên nhẫn, bình tĩnh và cẩn thận để không có chuyện đáng tiếc xảy ra.
Chuỗi ngày ở Pháp khiến Huyền bị ám ảnh. Mỗi sáng thức dậy, cô chợt thấy mình như vừa tỉnh lại sau một giấc mơ dài. Trong tâm trí Huyền, cô nhớ như in hình ảnh Sarah lúc nhỏ. Sarah ngoan từ bé, không bao giờ quấy và chỉ cần bú mẹ. Đêm con ngủ ngoan và không quấy khóc. Những ngày đầu trong tháng, một đêm bé dậy hai lần, bú mẹ xong là ngủ đến 6h sáng. Con luôn cười và không bao giờ biết làm khó hay đòi hỏi mẹ.
Huyền may mắn được gặp Sarah trong chuyến đầu tiên sang Pháp. Ấn tượng của cô về con gái là đôi mắt buồn “y chang hồi nhỏ”. Lúc chuẩn bị lên xe để bố chở về, Sarah ôm lấy mẹ không muốn rời.
“Tôi biết con bé thương ba nhưng cũng không muốn xa mẹ. Sarah ôm chặt lấy tôi dù bố đang cố gỡ tay bé ra. Tôi chủ động bế con vào xe rồi bảo ‘mẹ phải về Việt Nam rồi, hai mẹ con sẽ gặp lại nhau’. Nghe giọng mẹ, bé mới bình tĩnh và không khóc nữa”, người mẹ kể.
Paris cách Toulouse 700 km. Theo Huyền, bố Sarah luôn thông báo lịch gặp con rất khít để cô thấy xa mà nản lòng. Không biết tiếng Pháp, cô vận dụng hết vốn từ ít ỏi để lên tàu, bắt xe buýt và thuê xe tới Toulouse. Có lần, để được ôm con vào lòng, Huyền phải di chuyển 1.400 km trong ngày.
“Khó khăn nào tôi cũng khắc phục được hết và không gì ngăn cản được tôi. Tôi xác định tốn kém tiền bạc nhưng phải hạn chế để tốn ít nhất. Vì thế, tôi đưa hết sức người ra mà đương đầu”, Huyền tâm sự.
Trong những lần gặp bé, bản năng của người mẹ khiến Huyền nhận ra Sarah bị ảnh hưởng tâm lý. Bé chậm nói và rất buồn. Nhìn Sarah như vậy, cô càng mong muốn được ở bên bé. Tháng 6/2016, tòa án ở thành phố Toulouse ra phán quyết Huyền được quyền nuôi con. Tuy nhiên, bố Sarah đã đưa con về Việt Nam trước khi phán quyết này có hiệu lực. Từ đó tới nay, Huyền vẫn chưa được gặp con gái, cũng không biết bé sống ở đâu.
Khát khao được thấy con thôi thúc Huyền cầu cứu khắp nơi. Cô kể câu chuyện của mình trên mạng xã hội, phần vì muốn ai đó trông thấy bé thì mách giúp, phần vì muốn chia sẻ kinh nghiệm với những cô gái yêu người nước ngoài. Huyền cho rằng quan trọng là giữa hai người phải có tình yêu và sự tôn trọng. Trước khi có con, cả hai cần thống nhất ngay từ đầu về vấn đề quốc tịch, cách nuôi con ra sao.
“Ngoài ra, các cô gái cũng phải hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ mình. Nếu không, họ sẽ rơi vào hoàn cảnh phải giải quyết những tranh chấp rất mệt mỏi sau khi mối quan hệ tan vỡ như tôi”, Huyền nói.
Hiện tại, tâm trạng của bà mẹ trẻ đã vững vàng hơn thời gian đầu. Cô vẫn phải duy trì cuộc sống bình thường, đi làm kiếm tiền và chuẩn bị sẵn sàng để ngày nào đó Sarah về lại với mình. Bà mẹ trẻ cho hay bố con Sarah hiện đã bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không cho xuất cảnh và tòa đã thụ lý đơn của cô.
Trong những ngày theo đuổi vụ kiện đòi con, Huyền nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình, đặc biệt là mẹ.
“Tôi biết những chuyện này khiến ba mẹ đau lòng cỡ nào. Nếu tôi sống tồi tệ vì bị cướp con, sẽ làm mẹ tôi mất đi một người con nữa, vì vậy tôi quyết tâm phải sống tốt. Từ lúc bị đưa đi, Sarah mới 3,5 tháng tuổi và giờ đã hơn hai tuổi, bé vẫn chẳng được gần mẹ, cũng không biết tiếng Việt. Đó là nỗi lòng của một người mẹ như tôi”, Huyền nói.
Huyền và con gái trong lần gặp con ở Pháp.
Ngoisao.net đã liên lạc với bạn trai cũ của chị Huyền là anh Azais Alexandre Stephane tại TP HCM để tìm hiểu thông tin từ phía người cha nhưng không nhận được sự hợp tác.
Theo luật sư Nguyễn Kiều Hưng, hãng luật Giải Phóng, nếu đúng như phản ánh của chị Huyền – tức tòa án ở Pháp đã xử cho người mẹ phần thắng, khi chị Huyền tiến hành kiện tại Việt Nam, cơ quan chức năng sẽ phải tiến hành thủ tục công nhận bản án tại Pháp và cho thi hành án tại Việt Nam.
Tòa Việt Nam sẽ tìm hiểu lại vụ việc và có hướng giải quyết rõ ràng. Nếu kết luận của tòa ở Pháp là đúng, người chồng phải thực hiện theo đúng tinh thần xét xử. Trong trường hợp người chồng nhất định không trả con, cơ quan chức năng sẽ thi hành án hoặc cưỡng chế.
Nguồn: Saostar
https://songdep24h.com/co-gai-viet-sang-phap-doi-con-lo-lang-du-tiep-tuc-thang-kien/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire