vendredi 16 mars 2018

World Bank: Giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng nhất Đông Á - Thái Bình Dương

PLS : Mấy lời khuyên của WB hay quá chừng luôn !

Các bác chờ tí nhé, tôi đang chuẩn bị viết tiếp loạt bài về nuôi dạy thiên tài :-) Các bác phải biết là, chỉ trong một gia đình thôi, đời cha mẹ còn rất lầm than, đến đời con học giỏi là lập tức tình hình xoay chuyển hoàn toàn (ông NTZ cũng nói cái điều gì tương tự ở trên blog Zetamu của ổng đấy, nhưng mà ổng nói theo kiểu toán của ổng, còn tôi nói theo kiểu văn của tôi - bài về anh Đụt và anh Tiến ấy :-), tôi có comment mà ổng dìm mất, người đâu mà xấu tính quá chừng luôn !). Ở mức độ quốc gia cũng vậy thôi, các bác mà chăm sóc cho thế hệ trẻ khoẻ mạnh, thông minh, học giỏi, thì chỉ sang đến thế hệ sau là các bác tiến lên XHCN ngay, không cần chờ đến 100 năm đâu, bác Trọng hén ? Ông Phùng Xuân Nhạ cố lên ! (Bác Phạm Vũ Luận, bác phải thi thoảng cho ổng vài lời khuyên, cho ổng thông thoáng lên một tí !)


World Bank: Giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng nhất Đông Á - Thái Bình Dương

Tùng Anh - 9 giờ trước

TheLEADERTheo báo cáo mới được công bố của Ngân hàng Thế giới, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về Trung Quốc và Việt Nam.

World Bank: Giáo dục Việt Nam phát triển ấn tượng nhất Đông Á - Thái Bình Dương
Cải thiện chất lượng giáo dục là cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa
Ngân hàng Thế giới (WB) nhìn nhận, sự phát triển giáo dục của các nước thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có thể trở thành những bài học kinh nghiệm quan trọng cho các quốc gia khác trên thế giới. 
Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương của WB cho thấy, cải thiện chất lượng giáo dục là điều cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế, trong đó các kỹ năng đọc và tính toán cơ bản, cũng như các kỹ năng phức tạp hơn đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động tương lai.
“Đảm bảo giáo dục chất lượng cao cho mọi trẻ em, bất kể nơi sinh ra ở đâu là nền tảng của một nền kinh tế vững mạnh, cũng là cách tốt nhất giúp ngăn chặn và đảo ngược sự gia tăng bất bình đẳng”, bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch WB phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương nhìn nhận.
WB cho biết, khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 tổng số trẻ ở độ tuổi đến trường của thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD.
Các trường này không chỉ nằm ở các nước giàu có như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn ở các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam. 
Ngoài ra, WB cũng nhấn mạnh, kết quả học tập của học sinh không nhất thiết phải tỉ lệ thuận với mức thu nhập của quốc gia đó. Ví dụ, ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh top đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia.
Tuy nhiên, nhiều nước trong khu vực đang chưa đạt được kết quả mong muốn. Tại nhiều quốc gia, 60% học sinh vẫn đang học tại các hệ thống nhà trường yếu kém và không được trang bị những kỹ năng cần thiết để thành công.
Ví dụ như ở Indonesia, điểm thi cho thấy học sinh đang tụt hậu khoảng 3 năm so với bạn bè đồng trang lứa ở các nước có hệ thống giáo dục hàng đầu trong khu vực. 
Ở các quốc gia như Campuchia và Đông Timor, thậm chí có tới hơn 1/3 học sinh lớp 2 hoàn toàn chưa biết đọc trong các bài kiểm tra tập đọc.
Một phát hiện quan trọng khác của WB là thu nhập hộ gia đình không phải luôn quyết định kết quả học tập của trẻ, và điều này đúng với tất cả các nước trong khu vực. 
Ví dụ, ở Việt Nam và Trung Quốc (các tỉnh và thành phố gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), học sinh từ các hộ gia đình nghèo có kết quả học tập trong lĩnh vực toán và khoa học ngang bằng, thậm chí cao hơn so với nhóm học sinh trung bình trong khối OECD.  
"Đối với các nhà hoạch định chính sách đang tìm cách cải thiện hệ thống giáo dục của đất nước, việc phân bổ ngân sách một cách hiệu quả, đi kèm với cam kết chính trị mạnh mẽ có thể tạo ra sự khác biệt thực sự cho cuộc sống của trẻ em trong khu vực", ông Jaime Saavedra, Giám đốc cấp cao về giáo dục của WB nhận xét.
Theo đó, WB kêu gọi các quốc gia tập trung vào bốn lĩnh vực chính: chi tiêu công có hiệu quả và công bằng, chuẩn bị cho học sinh học tập, lựa chọn, hỗ trợ giáo viên và sử dụng có hệ thống các chương trình đánh giá để định hướng công tác giảng dạy.
http://theleader.vn/world-bank-giao-duc-viet-nam-phat-trien-an-tuong-nhat-dong-a-thai-binh-duong-20180315174009913.htm

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire