Hoan hô ông Khuất Việt Hùng !
Đề xuất tịch thu phương tiện: Để người dân biết “sợ“
Published on March 5, 2015 · No CommentsÔng Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là hoàn toàn khả thi
Trả lời PV chiều 4.3, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là hoàn toàn khả thi, mục đích không phải xử phạt mà để người dân biết và không vi phạm.
Thưa ông, kiến nghị của Ủy ban ATGT Quốc gia tăng nặng xử phạt vi phạm hành chính đối với một số hành vi, trong đó có biện pháp tịch thu phương tiện của người vi phạm, liệu có khả thi không?
Kiến nghị được đưa ra hoàn toàn khả thi. Mục tiêu mong muốn là đưa ra chế tài đủ mạnh để người dân biết và không vi phạm. Ví dụ trước đây vi phạm là 10 thì chỉ còn vi phạm 1.
Trước hết, nếu người dân không vi phạm thì sẽ không bị ảnh hưởng bất cứ điều gì bởi chế tài. Thứ hai, khi số lượng hành vi ít thì khả năng tổ chức thực hiện là khả thi.
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng đề xuất tịch thu phương tiện của người vi phạm là hoàn toàn khả thi
Hiện vẫn có những băn khoăn về tính pháp lý của đề xuất tịch thu phương tiện vi phạm, ông có nhận định thế nào?
Trong Luật xử lý vi phạm hành chính đã có điều quy định về tịch thu. Về mặt cơ sở pháp lý là hoàn toàn có.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 2. Như tháng 6.2014, Bộ GTVT cũng đã có đề nghị đưa vào nghị quyết phiên họp thường kỳ để cho phép không xử phạt vi phạm tải trọng dưới 10%. Sau đó Chính phủ đã đưa vào Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6 để thực hiện từ ngày 1.7.
Với kiến nghị lần này, Chính phủ sẽ xem xét. Nếu đồng ý sẽ thực hiện, hoặc sẽ xem xét nghiên cứu. Ủy ban ATGT Quốc gia đề nghị giải pháp, còn cơ quan thực hiện là Bộ GTVT hay Bộ Công an, Bộ Tư pháp.
Trong các nhóm hành vi đề xuất tăng nặng lần này, có những hành vi đã được tăng nặng xử phạt trong các dự thảo trước. Tại sao bây giờ lại tiếp tục đề xuất chế tài mạnh, thưa ông?
Trước đây chúng ta cũng đã có xử phạt các hành vi chở quá tải, hành vi điều khiển phương tiện khi có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Nhưng việc chở quá tải vẫn còn nhiều. Thứ hai là Tết Nguyên đán vừa qua, số người chết đã tăng, nguyên nhân gốc là uống rượu bia mất khả năng kiểm soát hành vi. Trong đợt cao điểm vừa qua đã xử phạt hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, nhưng đến Tết vừa rồi, tình hình này vẫn diễn ra phức tạp.
Hành vi say xỉn điều khiển phương tiện giao thông ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Vì vậy, cần có chế tài để ngăn chặn hành vi đó xảy ra. Đối tượng nữa là đi xe máy vào đường cao tốc. Đó là những vấn đề vẫn diễn biến nghiêm trọng và mới phát sinh.
Có ý kiến cho rằng nên kéo dài thời gian tạm giữ phương tiện của người vi phạm thay vì tịch thu vì đó là tài sản lớn của người dân. Ý kiến của ông như thế nào?
Rõ ràng phương tiện giao thông là tài sản lớn của người dân. Xem xét chế tài nặng hay nhẹ phụ thuộc vào mục đích đưa ra chế tài. Nếu so với tính mạng một con người thì hoàn toàn không có gì là nặng cả. Không có gì lớn bằng sinh mạng.
Trước tiên, người tham gia giao thông cần lo cho sinh mạng của mình, của gia đình mình và của những người xung quanh thì phải quyết định không vi phạm. Đó là thông điệp được gửi đến người dân. Làm sao để người dân đặt ra ranh giới để dừng lại. Khi đã uống rượu bia thì không lái xe. Đấy mới chính là mục tiêu, chứ không phải đặt mục tiêu tịch thu phương tiện của người dân. Nhà nước không được đẩy cái khó cho người dân. Chế tài nghiêm mới ra được văn hóa giao thông.
Đề xuất này được đưa ra cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với những người tham gia giao thông. Còn những bộ, ngành liên quan sẽ trực tiếp xây dựng phương án cụ thể.
Liệu việc đưa ra một chế tài mạnh như vậy có thúc đẩy tình trạng người vi phạm thỏa thuận với lực lượng thực thi công vụ để tránh bị xử phạt hay không, thưa ông?
Tốt hơn hết là người tham gia giao thông đừng vi phạm. Tại sao lại cứ nghĩ đến việc vi phạm để rồi lại phải bắt tay, xin xỏ?
Mục tiêu chế tài không phải là để xử phạt, mục tiêu là để gửi thông điệp, lời nhắc nhở người tham gia giao thông để anh không vi phạm. Chứ mục tiêu là để phạt là thất bại. Giá trị chung, hình phạt chung toàn thể xã hội chấp nhận là để bảo vệ tính mạng, tài sản, sức khỏe của những người tham gia giao thông.
Chế tài đưa ra phải đủ để người tham gia giao thông không vi phạm. Còn đưa ra chế tài để cảm thấy vi phạm bị xử phạt vừa đủ, thì đấy mới là bắt tay thỏa hiệp.
Cảm ơn ông!
THEO DÂN VIỆT
https://www.ttxva.net/de-xuat-tich-thu-phuong-tien-de-nguoi-dan-biet-so/
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire