Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết giữ kín điểm thi!
Năm 2014, dữ liệu điểm thi, phổ điểm thi tuyển sinh đại học, cao đẳng được công bố công khai cho toàn xã hội biết. Sau lần công bố đó, dư luận đánh giá cao tính khách quan của kỳ tuyển sinh, các chuyên gia nhìn vào đó cũng đã đưa ra một số những nhận định để giúp cho kỳ thi tới được hoàn thiện hơn.
Tuy nhiên, với Kỳ thi THPT quốc gia 2015 này, dư luận cũng đang rất quan tâm việc thí sinh tra cứu điểm thi, xã hội chờ đợi Bộ GD&ĐT công khai công bố dữ liệu điểm thi để đánh giá khách quan kỳ thi “hai chung” lần đầu tiên này.
Ảnh minh họa. Xuân Trung |
Tuy nhiên, dường như có vẻ những thông tin về điểm thi mà các cụm thi trong cả nước trước đó đã công bố cho báo chí đã bị Bộ GD&ĐT “tuýt còi” bằng công văn số 3560 do Thứ trưởng Bùi Văn Ga ký.
Tại Khoản 2, Điều 28 Quy chế thi THPT quốc gia năm 2015 có quy định:
“Sau khi duyệt kết quả thi và gửi dữ liệu thi về Bộ GD&ĐT, chủ tịch hội đồng thi chỉ đạo ban thư ký hội đồng thi in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh có đăng ký xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (theo mẫu thống nhất do Bộ GD&ĐT quy định), ký tên, đóng dấu và gửi cho các sở GD&ĐT nơi thí sinh đăng ký dự thi”.
Ở đây được hiểu, dữ liệu kết quả điểm thi đầu tiên là từ các cụm thi xử lý rồi gửi về Bộ GD&ĐT và trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp lại để công bố.
Do đó, Bộ không cho các cụm thi công bố với lý do sợ các cụm thi công bố không chính xác là điều hoàn toàn không thuyết phục.
Nhiều người đặt câu hỏi, nếu dữ liệu điểm thi các cụm thi không chính xác, không đầy đủ thông tin thì tại sao trong Quy chế lại cho các cụm thi in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh sau khi gửi dữ liệu cho bộ?
Cho tới ngày 17/7, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Phương đã ký công văn số 3608 về việc cung cấp đường dữ liệu điểm thi THPT quốc gia năm 2015.
Theo đó, để đảm bảo với nội dung đổi mới và tạo thuận lợi nhất cho thí sinh nhận kết quả thi, Bộ GD&ĐT sẽ công bố điểm thi thông qua ba phương thức:
- Thí sinh nhận giấy kết quả thi tại nơi đăng ký dự thi.
- Thí sinh tra cứu kết quả thi qua Website của Bộ GD&ĐT.
- Và thí sinh cũng có thể tra cứu kết quả qua các Báo điện tử.
Việc tra cứu điểm thi là quyền đương nhiên của thí sinh phải có.
Tuy nhiên, cái cần công bố là dữ liệu điểm thi của cả Kỳ thi THPT quốc gia thì dường như Bộ GD&ĐT “ngại” dư luận?
Tối ngày 20/7, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Viết Khuyến - Nguyên Vụ phó Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, dữ liệu điểm thi là cái cần phải được công khai minh bạch.
"Đây không phải là điều gì bí mật cả, cũng không phải là bí mật quốc gia, bí mật quốc là đề thi chứ không phải là dữ liệu điểm thi. Bộ Giáo dục cần công khai khách quan dữ liệu điểm này" ông Khuyến đề nghị.
Thực tế,từ dữ liệu điểm thi của thí sinh, xã hội sẽ thấy được kỳ thi vừa qua được ở chỗ nào, cần hoàn thiện tiếp như thế nào, phổ điểm kỳ thi sẽ như thế nào, liệu phổ điểm có đáp ứng được yêu cầu phân loại thí sinh hay không? Tất cả phụ thuộc vào cơ sở dữ liệu điểm thi của thí sinh mà cần được Bộ GD&ĐT sớm công khai.
Bộ Giáo dục nói gì?
Sáng nay (21/7), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho rằng, hiện tại công tác chấm thi đã xong, ngày hôm qua (20/7) các cụm thi đã gửi dữ liệu về Bộ GD&ĐT, trong sáng nay Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đã tiến hành các công tác xử lí điểm thi để chuẩn bị công bố.
Đánh giá sơ bộ, Thứ trưởng Ga cho rằng kết quả của kỳ thi quốc gia vừa qua tốt hơn kết quả tuyển sinh đại học, cao đẳng trước đó. Với cấu trúc đề thi 60% kiến thức cơ bản thì những thí sinh có học lực khá, giỏi đều có thể làm được phần này.
Bộ Giáo dục cấm các cụm thi công bố kết quả thi
(GDVN) - Đó là một trong những chỉ đạo mới nhất từ Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga về công tác chấm chi, công bố điểm Kỳ thi THPT quốc gia 2015.
|
Tuy nhiên, kết quả đối với phổ thông điểm thi có thể thấp hơn kỳ thi tốt nghiệp năm trước, vì đề thi năm nay có kiến thức nâng cao, đòi hỏi thí sinh phải có trình độ nhất định mới làm được.
Đánh giá tại các cụm thi do các trường đại học chủ trì có những thí sinh bị điểm liệt (từ 1 điểm trở xuống), như vậy với thí sinh bị điểm liệt sẽ không được tốt nghiệp và không được xét vào đại học.
Về những băn khoăn của dư luận trong việc Bộ GD&ĐT độc quyền công bố điểm thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, do tính chất của kỳ thi năm nay khác với mọi năm nên việc công bố cũng sẽ khác.
Như mọi năm, trường nào thi sẽ công bố điểm của trường đó, còn năm nay với hơn 1 triệu thí sinh, kết quả này sẽ được nhập chung vào dữ liệu của Bộ GD&ĐT.
Việc công bố kết quả thô dữ liệu thì thí sinh cũng chưa biết mình đậu hay không, vì còn phụ thuộc vào hội đồng xét tốt nghiệp phổ thông và kết quả rèn luyện tại trường phổ thông. Do đó, theo ông Ga, việc công bố điểm trước là không cần thiết.
“Nếu công bố dữ liệu thô như vậy sẽ có một số trường sẽ dùng dữ liệu thô này để gửi giấy báo đối với những thí sinh không có nguyện vọng vào trường mình, điều này rất phản cảm. Cũng có thể có một số cá nhân lợi dụng việc công bố dữ liệu thô này với mục đích khác.
Vì vậy Bộ GD&ĐT quyết định quản lí trực tiếp cơ sở dữ liệu này để đảm bảo an toàn, bảo mật tuyệt đối trên hệ thống” ông Ga nói.
Ông Bùi Văn Ga cũng cho rằng, việc truy cập cơ sở dữ liệu trên hệ thống của Bộ là hoàn toàn miễn phí. Các đơn vị báo chí được quyền nhúng dẫn đường link tra cứu, không ưu tiên bên nào.
“Việc công bố cho xã hội biết về dữ liệu kỳ thi như tỷ lệ thí sinh trúng tuyển cả nước, tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ tốt nghiệp ở các địa phương, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp ở các cụm do đại học chủ trì, tỷ lệ tốt nghiệp do các Sở GD&ĐT chủ trì…tất cả điều này sẽ được công bố công khai” ông Bùi Văn Ga khẳng định.
Tuy nhiên, việc công bố danh sách các thí sinh trúng tuyển trong số hơn 1 triệu thí sinh dự thi như vậy theo ông Ga là không cần thiết, vì mỗi thí sinh sẽ được cấp 1 mã số báo danh, mật khẩu để biết thông tin của mình.
“Điều này có thể ảnh hưởng tới cá nhân các em, với những em điểm cao sẽ rất phấn khởi, nhưng với những em điểm thấp, kết quả bị liệt thì sẽ có những mặc cảm nhất định. Nếu thí sinh không truy cập được thì điểm thi sẽ gửi giấy báo kết quả thi về cho thí sinh” ông Ga cho biết.
Đối với kết quả tốt nghiệp tại các Sở GD&ĐT và kết quả trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sẽ được công khai cơ sở dữ liệu như năm 2014 (các trường đại học sau khi đã xét thí sinh trúng tuyển vào trường thì công bố công khai các cơ sở dữ liệu đó tới các cơ quan thông tấn báo chí).
Tương tự, các Sở GD&ĐT sau khi xét tốt nghiệp xong thì cơ sở dữ liệu đó cũng sẽ được công khai. Còn kết quả dữ liệu thô thì Bộ GD&ĐT thống nhất quản lí.
Trong khi đó, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (bộ GD&ĐT) trao đổi thêm, hiện tất cả các dữ liệu gốc mà được gửi lên bộ vẫn đang nằm tại các cụm thi – đó là một kênh lưu trữ.
Tất cả dữ liệu đó được xây dựng thành cơ sở dữ liệu dùng chung. Ông Trinh cho rằng, đằng sau việc có được cơ sở dữ liệu đó có những việc “lộn xộn” khác. “Với dữ liệu của hơn 1 triệu thí sinh thì tính bảo mật rất quan trọng.
Điều lo ngại về chuyện có tắc nghẽn cổng tra cứu hay không, đương nhiên khi xây dựng chúng tôi phải tính toán để bảo đảm” ông Trinh cho biết.
Trao đổi thêm, ông Trinh khẳng định, việc cơ sở dữ liệu thô không phải là chưa chính xác mà đây là chưa phân tích, đánh giá ở góc độ này, góc độ kia. “Đây là cơ sở dữ liệu cuối cùng và đủ độ tin cậy để sử dụng” ông Trinh khẳng định.
Trước băn khoăn của một số báo đài cho rằng, mọi thông tin dữ liệu về kỳ thi quốc gia vừa qua có thể công khai được và điều đó có lợi cho thí sinh. Ông Mai Văn Trinh cho rằng, hoàn toàn công khai, chỉ là chọn hình thức công khai khác?
“Tất cả các thí sinh đều có thể biết kết quả thi của mình là công khai. Chúng ta đang đổi mới giáo dục, tính riêng tư của thí sinh là điều quan trọng.
Việc phân tích cặn kẽ kết quả kỳ thi này: phổ điểm các môn, đánh giá chất lượng các môn sẽ công khai và làm kĩ để điều chỉnh trở lại quá trình dạy học tại nhà trường. Công khai chủ yếu ở góc độ khoa học để điều chỉnh quá trình dạy học, chúng tôi sẽ làm việc này” ông Trinh khẳng định.
Như thế, cho dù có giải thích thế nào thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cho đến thời điểm này vẫn quyết định không công khai điểm thi quốc gia. Chỉ duy nhất thí sinh có thể tự xem điểm của mình mà thôi.
Các đóng góp, ý kiến từ các chuyên gia giáo dục cho cuộc thi này có thể sẽ phải dùng con đường khác, bởi không ai có thể tiếp cận với dữ liệu điểm thi, mà đó lại là yếu tố mấu chốt cho thấy sự minh bạch, thành công của kỳ thi như thế nào?
http://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-va-dao-tao-quyet-giu-kin-diem-thi-post160258.gd#comments
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire