vendredi 10 juillet 2015

Nhiều quốc gia xóa bỏ thi tốt nghiệp THPT

PLS : Kính thưa GS Ngô Bảo Châu cùng các bạn du học sinh Anh, Mỹ, Nhật, Ấn Độ, vv.

Theo em thì không phải cứ hễ thấy người ta ăn khoai là mình cũng vác mai đi đào. Giáo dục phổ thông là giáo dục công dân cho cả xã hội, không thể vì GS muốn ưu tiên GD Đại học mà đem hy sinh nó được. Nước Pháp ắt hẳn là nước có nền GD lâu đời nhất trên thế giới, mà đến nay họ vẫn chưa bỏ thi Tốt nghiệp PTTH thì ta cũng rất nên quan tâm xem lý do vì sao. Chúng ta không nên quên rằng xã hội Pháp nổi tiếng  văn minh, văn hóa, dân chúng có cuộc sống hài hòa hạnh phúc (tuy là có bị các bạn Hồi giáo cực đoan quậy phá đôi chút). Trong khi mà ở các nước bỏ thi Tốt nghiệp được kể ra trong bài báo, đặc biệt là Ấn Độ, thậm chí là Singapour, xã hội của họ còn rất nhiều bất ổn và bạo lực.

Việc duy trì một kỳ thi Tốt nghiệp cho thật công bằng, minh bạch là cực kỳ quan trọng, đặc biệt là đối với một nước còn hơi nghèo, và trí của dân nghe nói là còn hơi thấp, như là Việt Nam. Trước tiên, đó là sự công bằng đối với học sinh, đã bỏ công học 12 năm. Xã hội bỏ tiền cho trẻ em học, nhưng xã hội cũng phải cảm ơn chúng vì chúng chịu học, chứ nếu chúng không chịu học thì cả xã hội thiệt. Trong một chừng mực nào đó, đúng là phải có thi thì mới khuyến khích học, vì người ta cũng muốn biết công lao học tập của mình đạt được kết quả như thế nào chứ? Còn muốn học thì học, muốn chơi thì chơi, kết quả như thế nào không quan trọng, thì ai mà chọn học làm gì? (Dạ em không kể GS là trường hợp đặc biệt, chắc là chỉ thích học mà không thích chơi !)


Như vậy kỳ thi Tốt nghiệp PTTH chính là một cái Khế ước xã hội (un contrat social), trong đó xã hội trả tiền, học sinh học tập, và kỳ thi là một chứng nhận cho việc cam kết của đôi bên đã được thực hiện nghiêm túc.

Trong bối cảnh hội nhập thế giới, kỳ thi này cũng là một cam kết của Việt Nam đối với trình độ học sinh của mình. Rằng là chúng tôi đảm bảo đã dạy, đã học đàng hoàng tử tế, và học sinh của chúng tôi ra trường có trình độ phù hợp với cái bằng Tốt nghiệp PTTH này. Sau đó ai muốn tuyển sinh viên Đại học, hay công nhân, thợ học nghề... thì cứ thế mà tuyển.



Nhất là, giáo viên của Việt Nam không có được tuyển dụng gắt gao như ở một số nước tiên tiến, nếu mà họ có đối xử bất công với học sinh, rồi có hối lộ, dạy thêm, vv. thì học sinh vẫn còn niềm tin rằng là kỳ thi Tốt nghiệp là khách quan, công bằng, sẽ thừa nhận công lao học tập của chúng.

Còn các trường Đại học, thì là môi trường của những trí tuệ bậc nhất của đất nước, mà họ dạy làm sao mà sinh viên dốt, rồi lại đổ tại thi Tốt nghiệp THPT, là em không phục. Xin mời các ngài suy nghĩ thật lung nữa vào, tìm ra giải pháp phù hợp, chứ đừng đổ lỗi cho người khác như thế !






Nhiều quốc gia xóa bỏ thi tốt nghiệp THPT

Nhật, Anh, Mỹ, Ấn Độ, Thuỵ Điển, Singapore… không có kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ xét tốt nghiệp dựa vào học bạ hoặc học theo chương trình tú tài quốc tế và thi để lấy kết quả vào đại học.

Theo GS Ngô Bảo Châu, hiện nay nhiều nước trên thế giới dần xóa bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, thay vào đó họ đầu tư vào việc tổ chức thi tuyển, xét tuyển cho các trường đại học, cao đẳng. Cụ thể, ở Pháp họ tổ chức một kỳ thi chung như cách mà Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đang làm. Nhưng để giảm tải áp lực cho học sinh, kỳ thi được tổ chức ở hai lớp 11 và 12. Đây là một kỳ thi rất quan trọng ở Pháp và được tổ chức chặt chẽ, nghiêm túc, các trường đại học sẽ dựa vào kết quả này để tuyển sinh.
“Kỳ thi này của Pháp nghe thì rất hay và mang tính nhân văn khi bất kỳ học sinh nào vượt qua được đều có thể học đại học. Nhưng chính vấn đề này cũng đang làm cho chất lượng của các trường đại học ngày càng giảm đi bởi học sinh không được phân loại qua các kỳ thi riêng, còn các trường thì mất đi quyền quan trọng nhất, đó là quyền tuyển sinh. Việt Nam cũng có thể sẽ đi vào vết xe đổ này”, GS Châu cho biết.
Còn ở Mỹ, một số bang tổ chức thi. Còn phần lớn trường phổ thông thay vì tổ chức thi tú tài hay các kỳ thi khác, họ tiến hành một cuộc kiểm tra học sinh đỡ tốn kém hơn nhiều và mang lại hiệu quả cao, đó là sát hạch. Cứ 3 tháng một lần các trường tổ chức sát hạch học sinh, sau đó đưa ra đánh giá. Đặc biệt ở Mỹ, việc học, dạy và sát hạch đều làm rất nghiêm túc nên người dân hoàn toàn tin tưởng vào kết quả từ những cuộc sát hạch này. Và các trường đại học bằng cách tuyển chọn kiểm tra riêng của mình, được sử dụng tuyệt đối quyền tự chủ tuyển sinh.
Du học theo diện học bổng toàn phần ở Mỹ ngay từ lớp 11 tại THPT Orme School (bang Arizona) và vừa giành được học bổng toàn phần ở Đại học Conell, Bùi Khánh Châu cho biết, phần lớn trường phổ thông tại Mỹ không tổ chức thi tốt nghiệp như ở Việt Nam mà họ chỉ tổ chức thi vào cuối kỳ học để sát hạch, xếp loại học sinh. 
Châu cho biết, kỳ thi học kỳ này được tổ chức mỗi năm 2 lần ở tất cả lớp 10, 11 và 12. “Nó giống như kỳ thi cuối kỳ ở Việt Nam, nhưng lại đánh giá được năng lực thật sự của học sinh bởi nó được tổ chức rất nghiêm túc”, Châu chia sẻ và cho biết với kỳ thi này học sinh được kiểm tra tất cả môn học. Cụ thể như kỳ 2 của lớp 12 Châu học 5 môn gồm Toán, tiếng Anh, Lịch sử, Âm nhạc, Ngoại ngữ nên cuối kỳ đều làm bài thi cả 5 môn này. Mặc dù được tổ chức rất nghiêm túc nhưng theo Châu kỳ thi này không gây áp lực nhiều lên người học, vì học hết môn nào trường tổ chức thi môn đó chứ không tập trung thi cùng lúc.
Sau khi kết thúc chương trình học phổ thông thay vì phải trải qua kỳ thi tú tài hay đại học, cao đẳng nhiều áp lực như ở Việt Nam thì học sinh ở Mỹ sẽ làm hồ sơ nộp vào các trường đại học để xin theo học. Nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu của trường thì họ sẽ nhận được mail thông báo mời nhập học.
Theo Khánh Châu, hồ sơ xin xét tuyển vào các trường đại học gồm có thư giới thiệu của trường phổ thông, bảng điểm tổng kết của 3 năm học phổ thông, bài luận bằng tiếng Anh của bản thân nói về lý do muốn theo học tại trường, ngoài ra những hoạt động ngoại khóa cũng là một điểm cộng trong việc xét tuyển vào các trường đại học. “Ở Mỹ sẽ có rất nhiều lựa chọn cho học sinh sau khi học hết chương trình phổ thông với rất nhiều trường đại học, hệ thống trường đào tạo nghề rất tốt. Nếu không đủ khả năng vào các trường đại học, học sinh có thể chọn một trường đào tạo nghề để theo đuổi”, du học sinh này cho biết.
thitn-4530-1436437168.jpg
Khoảng một triệu thí sinh Việt Nam vừa trải qua kỳ thi THPT quốc gia, trong đó 28% chỉ với mục đích xét tốt nghiệp, còn lại là cả xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Ảnh: Giang Huy.
Vân Quỳnh (định cư tại Nhật Bản) cho biết, ở quốc gia này không có kỳ thi tốt nghiệp THPT mà chỉ cần dựa vào kết quả học tập để xét tốt nghiệp. Học sinh chỉ cần trải qua một kỳ thi toàn quốc hoặc có thể thêm kỳ thi riêng do trường đại học tự tổ chức, để được nhận vào đại học.
Các cựu học sinh Việt Nam ở Thuỵ Điển, Anh, Ấn Độ, Singapore cho biết không phải trải qua kỳ thi chỉ với mục tiêu xét tốt nghiệp THPT. Chương trình học cấp 3 tại các quốc gia này rất khác Việt Nam, có thể là tú tài quốc tế IB (học 6 môn: Ngôn ngữ 1-2; Nhân học và xã hội; Khoa học tự nhiên; Toán; Nghệ thuật), hoặc A-level (3-4 môn tự chọn). Học sinh sau đó sẽ phải trải qua một kỳ thi rất cam go để lấy được các bằng này. Mục đích chính của kỳ thi là xét vào đại học.
Nhìn nhận về kỳ thi THPT quốc gia lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, Nguyễn Ngọc Thuỷ Tiên đang du học tại Pháp cho rằng việc thi tốt nghiệp ở trong nước vẫn còn nhiều tồn tại, nhiều bạn chỉ học đối phó và chưa có sự đam mê dành cho các môn. "Nên bỏ thi tốt nghiệp vì 95-99% học sinh chưa thi đã chắc chắn biết có bằng thì kỳ thi sẽ trở thành vô nghĩa. Việt Nam cũng nên bỏ quan niệm về bị lưu ban. Với học sinh ở Pháp, việc học lại là chuyện rất bình thường, học lại 1-2 năm để trau dồi kiến thức, để có số điểm cao hơn để vào được trường tốt", Tiên nói.
Thông Nguyễn (theo học bằng tiến sĩ ở Mỹ) cũng cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp THPT. Theo em, với phần lớn học sinh cấp ba việc học đều 11 môn một lúc là không thể. Do đó, dùng áp lực một kỳ thi tốt nghiệp để khích lệ sự học tập là vô nghĩa, thậm chí sẽ sinh ra nhiều tiêu cực. "Giáo dục toàn diện rất quan trọng, nhưng phải tiếp cận một cách khéo léo, nếu không sẽ giết chết niềm đam mê học hỏi sau này", Thông nói.
Từ ngày 1 đến 4/7, khoảng một triệu thí sinh cả nước tham dự kỳ thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi quốc gia và 61 cụm thi do các Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Có 28% thí sinh chỉ thi nhằm xét tốt nghiệp, 72% thi với mục tiêu xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Hàng chục năm trước đó, Việt Nam tổ chức riêng rẽ thành kỳ thi tốt nghiệp THPT và 3 đợt thi đại học, cao đẳng với hình thức 3 chung (chung đề, chung đợt thi và sử dụng chung kết quả)
Nguyễn Loan - Quỳnh Tran
g





Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire