PLS : Hehe, hy vọng hè này được xơi món vải thiều. Giá 6 euros/kg là phải chăng, ăn được ạ (vải Trung Quốc trông thì khá, ăn rất dở giá hình như 9 hay 12 euros/kg, vải Madagasca ăn chua loét thì khoảng 3 euros/kg). Thường tôi mua thanh long VN giá 10 euros/kg, mua 2 quả cũng gần 1kg, các bác phải biết là, với 10 euros, tôi làm được sáu bảy chục cái nem đem biếu hết làng trên xóm dưới, trong khi mua 2 quả thanh long ăn hết chỉ trong nháy mắt thôi, thế mà vẫn phải ăn. Vú sữa giá cũng bằng thanh long, nhưng phải công nhận là trái cây VN hương vị ngon tuyệt, trái cây các nước khác không sánh bằng, khi tôi mời các bạn Pháp của tôi, họ thích lắm. Đấy là ưu điểm cạnh tranh rất lớn của ta đấy, nếu mà giá thấp hơn một chút, khoảng 6 euros/kg, thì gia đình tôi sẽ ăn thường xuyên hơn, biếu bạn bè nữa.
Khen Bộ Công Thương có cố gắng ! Các bác cứ thử làm vải thiều ổn, rồi dần dần tiêu thụ các trái cây khác, cũng cùng một kiểu thôi chứ có gì phức tạp đâu? Các bác phải biết là, ở bên Tây này, thịt thà thì rẻ, chứ rau quả thì đắt. Cho nên nhà giàu mới ăn nhiều rau, còn nhà nghèo thì ăn nhiều thịt, trong khi ở VN mình thì ngược lại. Cho nên các bác ở VN sướng như Tây mà các bác không biết đấy thôi !
Gần đây tôi thấy có nước dừa đóng hộp giấy, sản phẩm của Việt Nam, nhãn hiệu Foco thì phải, hương vị cũng khá lắm, kho thịt rất ngon. Trước đây tôi phải nhịn món nước dừa, là vì nước dừa đóng trong hộp kim loại mùi vị rất khó chịu, dừa tươi thì thường hay bị thối. Nước dừa VN này một hộp 300ml giá một euros mấy, tôi quên rồi, nói chung là rẻ. Tôi cũng hay mua các sản phẩm bún gạo, bánh hỏi, bánh phở của Việt Nam đều rất ngon, giá rẻ, ăn còn thấy ngon hơn bún tươi ở VN nữa. Tôm đông lạnh và tôm khô đều đắt, cá tra (pangasius) thì rẻ 8 euros/kg và thơm ngon, nhưng khi nấu lên (tẩm bột chiên) ra nhiều nước, hơi khó nấu và bực mình, nhưng có dạo tôi cũng ăn thường xuyên lắm, nhưng dạo này sao không thấy bán nữa.
Ưu tiên vải xuất khẩu theo đường hàng không
Ngoài việc giảm 20% giá cước, hãng hàng không cũng cam kết ưu tiên tải trọng để quảng bá sản phẩm vải thiều tươi tại Pháp.
Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) vừa có văn bản gửi Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết sẽ áp dụng một số chính sách hỗ trợ việc xuất khẩu vải tươi sang thị trường Pháp và thúc đẩy mở rộng tiêu thụ tại châu Âu từ năm nay.
Cụ thể, Vietnam Airlines đề xuất mức giá cước vận chuyển là 1,7 USD một kg (giảm tương đương 20% so với mức áp dụng hiện hành. Nếu bao gồm phụ phí nhiên liệu và bảo hiểm, mức giá khoảng 2,95 USD mỗi kg. Vietnam Airlines cũng cho biết sẽ tạo điều kiện tối đa về tải cung ứng cho nguồn hàng này.
Hiện tại trên thị trường vận tải hàng không, mặt hàng trái cây tươi xuất sang thị trường châu Âu chịu mức cước khoảng 3,30–3,40 USD cho mỗi kg.
Cuối tháng trước, Bộ Công Thương đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét, chỉ đạo Vietnam Airlines phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ này hỗ trợ việc vận chuyển và cước vận chuyển cho khoảng 2-3 tấn vải ngay trong năm 2015 để thăm dò nhu cầu thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Pháp đã kết nối được với doanh nghiệp nhập khẩu, cử chuyên gia Pháp sang Việt Nam hướng dẫn kỹ thuật sơ chế, bảo quản vải thiều Lục Ngạn tươi để bán thí điểm tại thị trường này.
Hiện tại, qua khảo sát đánh giá của cơ quan thương mại và của doanh nghiệp nhập khẩu, tại Pháp, mặt hàng vải chủ yếu đến từ các nước Nam Phi, Madagasca ... với giá rất cạnh tranh. Vì vậy, nếu không có sự hỗ trợ bước đầu, mặt hàng Việt rất khó có thể được thị trường Pháp tiếp cận do các chi phí liên quan bao gồm giá cước vận chuyển khá cao.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và 2 tỉnh Bắc Giang (có thương hiệu vải thiều Lục Ngạn), Hải Dương (vải thiều Thanh Hà), tổng sản lượng vải thiều niên vụ năm 2015 khoảng trên 200.000 tấn quả tươi, tăng hơn 10.000 tấn so với 2014.
Sau khi một loạt nông sản như gạo, dưa, hành bị rớt giá và bí đầu ra trong 4 tháng đầu năm, người trồng vải thiều cũng đang ngóng đợi doanh nghiệp xuất khẩu thu mua. Dự kiến trong ngày mai (14/5), một hội nghị liên bộ để tìm đầu ra cho nông sản cũng sẽ được ngành công thương và nông nghiệp tổ chức.
Chí Hiếu
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire