lundi 31 juillet 2017

Năng lực lừa, phẩm chất cừu?!

PLS : Anh ZDũng, em nhịn anh dữ lắm rồi đó nghen !  Em không phải là con nkd đâu nghen ! Anh có muốn em cho anh lời khuyên làm cách nào cho học sinh Pháp thích học toán và giỏi toán như học sinh Việt Nam không ?

Mấy cái năng lực, phẩm chất cốt lõi đó em đều thấy hay và ổn, có gì mà anh không vừa lòng ?!!!



Năng lực lừa, phẩm chất cừu?!

 

GS Nguyễn Tiến Dzũng
31-7-2017
Lừa và cừu. Ảnh: internet
Tôi xin lỗi các anh chị em về việc dùng hai chữ lừa và cừu để nói về danh sách cách “năng lực và phẩm chất cốt lõi” trong chương trình giáo dục phổ thông VN 2017 vừa mới thông qua. Nhưng quả thực đó là ý đầu tiên hiện lên trong đầu tôi khi nhìn cái danh sách 5 phẩm chất, 10 năng lực đó, mà theo tôi là khá lệch lạc thiếu hụt, chưa kể tới sự tuỳ tiện và thiếu logic.
Danh sách đó như sau:
  • 5 phẩm chất cốt lõi: yêu tổ quốc, yêu con người, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm.

  • 10 năng lực cốt lõi, bao gồm 3 năng lực chung (tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết các vấn đề và sáng tạo) và 7 năng lực ứng với các môn học (ngôn ngữ, tính toán, tìm hiểu tự nhiên và xã hội, công nghê, tin học, thẩm mỹ, thể chất)
Trước khi có danh sách chính thức này, cách đây mấy tháng GS Nguyễn Minh Thuyết có đưa ra một danh sách sơ bộ khác, trong đó có 8 năng lực và 8 phẩm chất (nhân ái – khoan dung, chuyên cần – tiết kiệm, trách nhiệm – kỷ luật, trung thực – dũng cảm). Như vậy, so với danh sách cũ, thì một số phẩm chất không còn được coi là cốt lõi nữa, trong khi đó có phẩm chất mới được đưa vào danh sách cốt lõi. Thế là thế nào, tại sao lại có sự “phân biệt” như vậy? Thực ra thì cái gì mới là cốt lõi?!
Đơn cử phẩm chất dũng cảm, mà cả trong “5 điều Bác dạy” lẫn trong danh sách của GS Thuyết đều có, nhưng bị gạt khỏi danh sách chính thức. Xã hội càng đang lộn xộn thì đòi hỏi con người ta càng cần dũng cảm, bởi nếu không sẽ nhất loạt thành “con cừu” để kẻ khác điều khiển, bóc lột.
Nói về năng lực, thì đập vào mắt cũng là sự thiếu vắng một năng lực vô cùng quan trọng để có thể làm “người tự do”, là năng lực suy luận phê phán và logic (critical and logical thinking). Chú ý rằng năng lực này không thể gộp vào làm một chung với “năng lực tính toán” hay các năng lực khác trong danh sách phía trên. Nếu chỉ biết làm tính như cái máy thôi, thì vẫn không biết phân biệt phải trái, vẫn có thể tin vào những điều hoang tưởng, nói tóm lại là vẫn có thể làm “con lừa”.
Hy vọng rằng, danh sách năng lực/phẩm chất cốt lõi của Bộ GD&ĐT không có chủ ý biến công dân tương lại của Việt Nam thành “cừu lừa”, mà chẳng qua là danh sách trên được “nặn ra” một cách hình thức, với các con số 5, 10 và nội dung trong đó được chọn cho “đẹp mắt, sướng tai” thôi chứ những người soạn thảo nó thực ra cũng không chắc chắn gì về nó, và cũng chẳng hiểu rõ tại sao lại phải coi nhẹ kiến thức đi, đề cao năng lực / phẩm chất lên. Nói tóm lại chỉ là một trò chơi chữ hình thức hoa mỹ?!
Nói về sự thiếu hụt trong danh sách các phẩm chất cốt lõi, thì không chỉ có sự dũng cảm, mà còn có nhiều thứ thiếu hụt khác, ví dụ như:
  • Respect: Sự tôn trọng với những thứ khác (tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng người khác chủng tộc, tôn trọng sự khác biệt, v.v.). Bởi nếu chỉ biết yêu người mà không biết yêu thiên nhiên thì ắt cũng sẽ tiêu diệt các loài khác và biến thế giới thành bãi rác.
  • Positive attitude: Đây cũng là một phẩm chất rất quan trọng, để cho bản thân được hạnh phúc và làm cho những người xung quanh hạnh phúc lây theo.
  • v.v.
Trước kia người ta vẫn nói cần phát triển toàn diện. Muốn toàn diện thì phải có nhiều phẩm chất, chứ chỉ có mỗi 5 phẩm chất như trong danh sách được đề cao thì làm sao mà toàn diện được?!
Nói về danh sách các năng lực, tôi thấy có ít ra một năng lực nghe khá mơ hồ, là “tự chủ và tự học” (và tại sao hai cái đó lại gộp chung thành một, ngoài chuyện cho có số đẹp?). Nếu hiểu “tự chủ” là thái độ bình tĩnh làm chủ bản thân, thì nó phải được liệt kê vào “phẩm chất” có lẽ hợp hơn. Còn nếu hiểu là chủ động tự phục vụ bản thân, tự tìm tòi, v.v. thì nó mới gần với “tự học” hơn, và khi đó có thể coi là năng lực “tự thân vận động” (?)
Cái gọi là “năng lực tự học” tôi rất nghi ngờ (như là một năng lực riêng). Theo thiển ý của tôi đó là năng lực chủ động tự phục vụ mình nói chung, trong lĩnh vực học thì nó thành tự học. Nếu học sinh có tính chủ động mà vẫn không tự học nổi, thì ắt không phải do học sinh không có khả năng tự học, mà là do không có điều kiện đúng đắn cho việc tự học (sách vở quá tồi, thông tin sai lệch, v.v.)
Nhân tiện nói thêm về công nghệ và tin học được chia thành hai năng lực khác nhau. Không hiểu trên thế giới có còn nơi nào khác tách tin học ra khỏi toán và công nghệ không, nhưng ngày nay công nghệ quan trọng nhất chính là công nghệ thông tin, thay đổi cách tiếp cận của con người đến tất cả mọi ngành. Và trong cái từ STEM mà Bộ đang thích có chữ tin học (I) nào riêng không ?!

http://baotiengdan.com/2017/07/31/nang-luc-lua-pham-chat-cuu/

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire