“Vàng” Olympic đi đâu?
Đoàn thí sinh Việt Nam dự thi Olympic Vật lý quốc tế năm 2017. Ảnh: Bộ GDĐT.
Những năm qua, các đoàn học sinh Việt Nam đều đạt được thành
tích cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, góp phần làm rạng
danh Tổ quốc. Đằng sau mỗi tấm huy chương, thành tích vang dội đó là nỗ
lực rất lớn của học sinh, giáo viên, toàn ngành giáo dục. Nhưng một vấn
đề tưởng cũ - “làm gì để giữ chân nhân tài?” - lại luôn mới khi mỗi mùa
Olympic qua đi, chúng ta bội thu thành tích, nhưng vẫn ít thành tựu. Các
thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic cứ lần lượt ra nước ngoài du học
và thường không chọn cách trở về.
Thêm một “mùa vàng”
Hơn 40 năm qua, hàng trăm học sinh Việt Nam đã tham gia và đoạt
được huy chương vàng trong các kỳ thi Olympic. Việt Nam luôn được vinh
danh là một trong những quốc gia có nhiều tài năng, nhiều thành tích khi
tham gia các kỳ thi quốc tế dành cho học sinh trung học phổ thông.
Một tuần nay, niềm vui đó lại đến với mỗi người dân, nhất là những
người công tác trong ngành giáo dục, khi đoàn dự thi Olympic 2017 có một
mùa bội thu. Sáng 25.7, đoàn Việt Nam dự Olympic Toán quốc tế (IMO) đã
về đến sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội. Với 4 huy chương Vàng, 1 huy
chương Bạc, 1 huy chương Đồng, đoàn học sinh dự thi Olympic Toán học
2017 đã đạt được thành tích cao nhất trong lịch sử 43 năm Việt Nam tham
dự Olympic Toán học quốc tế.
Trước đó, tối 24.7, các chàng trai vàng của môn Vật lý cũng đã về
nước với sự chào đón nồng nhiệt. Các em xứng đáng là những tấm gương
vượt khó, nỗ lực không ngừng.
Ngoài đội tuyển Toán, Lý, năm nay đội tuyển Hóa học cũng “gặt hái
mùa vàng”. Cả 4 học sinh tham dự kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế năm 2017
của đội tuyển Việt Nam đều đoạt giải, trong đó có ba em đoạt huy chương
vàng và một em đoạt huy chương bạc. Đây cũng là kết quả cao nhất của
Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.
Mục tiêu của “vàng Olympic” là... du học
Có một điểm chung, những thí sinh đoạt vàng Olympic khi được phỏng
vấn đều chia sẻ ước mơ được đi du học, để tiếp tục nuôi dưỡng đam mê của
mình. Bộ GDĐT cũng có chính sách đưa nhân tài sang các nước tiên tiến
để đào tạo, sau này về cống hiến cho đất nước. Nhưng phần lớn các em đều
chọn cách tự “săn” học bổng toàn phần của các trường đại học danh tiếng
thế giới.
Cách đây chưa lâu, em Đinh Thị Hương Thảo - “cô gái vàng” của Vật
lý Việt Nam - vui mừng thông báo mình đã được nhận vào Học viện Công
nghệ Massachusetts (MIT) danh giá, với mức hỗ trợ tài chính lên tới 6,3
tỉ đồng trong 4 năm học. Một năm trước, khi đoạt “cú đúp” huy chương
vàng vật lý quốc tế, Thảo không ngần ngại bày tỏ ước mơ của mình là được
đi du học.
Rất nhiều thí sinh từng đoạt vàng Olympic cũng chung suy nghĩ như
Thảo, muốn đi ra biển lớn. Và có một thực tế, họ đi và chọn cách cống
hiến... ở nước ngoài. Họ đều từng là những tấm gương, thần tượng cho các
thế hệ noi theo, nhưng đằng sau những tấm huy chương lại là câu chuyện
khiến nhiều người suy ngẫm.
Cách đây chưa lâu, dư luận trong nước từng xôn xao về câu chuyện có
một “làng khoa học Việt” ở Nhật Bản. Đó là Viện KH&CN tiên tiến,
được Chính phủ Nhật đầu tư rất lớn về con người, trang thiết bị hiện
đại, với các ngành khoa học đắt giá như công nghệ thông tin, khoa học
vật liệu... Bất ngờ là, đội ngũ các nhà khoa học ở Viện phần lớn là
người Việt.
Điểm lại, trong số thí sinh đoạt huy chương vàng Olympic, có TS
Hoàng Lê Minh - HCV năm 1974; TS Lê Bá Khánh Trình, đoạt giải nhất với
số điểm tuyệt đối và giải đặc biệt tại Olympic Toán học 1979 và một số
thí sinh khác hiện làm việc tại Việt Nam, còn lại phần lớn đang sống và
làm việc tại nước ngoài.
Rất nhiều trong số “vàng Olympic” đã đạt được thành tựu, trở thành
những GS, nhà khoa học uy tín trên thế giới. Thành công nhất đến nay là
GS Ngô Bảo Châu - học sinh Việt Nam đầu tiên đạt hai HCV năm 1988, 1989.
Ngoài ra, những cái tên Phùng Hồ Hải, Hà Huy Tài, Ngô Đắc Tuấn... đều
là những nhà khoa học có nhiều thành tựu, tiếc là thành tựu đó không
thuộc về Việt Nam. Cuối cùng thì vẫn là các nước như Nhật, Mỹ và Châu
Âu... thu hút, sử dụng và đãi ngộ tốt với các nhà khoa học Việt.
“Cầm vàng đừng để vàng rơi”
Chuyện các tài năng xuất sắc Việt Nam lập nghiệp ở nước ngoài liệu
có bình thường? Trong các kỳ thi, chúng ta luôn đạt thành tích rất cao,
tại sao vẫn ít thành tựu khoa học? Chúng ta có nhiều tài năng, tại sao
bao năm qua vẫn lặp lại quy trình: “Thi từ Việt Nam, học ở Mỹ và cống
hiến cho nước ngoài”? Nó chẳng khác nào “cầm vàng lại để vàng rơi”.
Giáo sư Toán học Cedric Villani, người giành giải thưởng Fileds
Toán học 2010, trong một lần đến Việt Nam đã kể câu chuyện nước Pháp
cũng từng đối mặt với tình trạng “chảy máu chất xám”. Rất nhiều nhà khoa
học Pháp sang Mỹ để làm việc. Để giữ chân người tài, Chính phủ Pháp đã
huy động cả xã hội xây dựng và biến nước Pháp trở thành một trong những
đầu tầu về nghiên cứu khoa học của thế giới.
Khi một tài năng được phát hiện, hệ thống các trường Đại học Pháp
sẵn sàng đón nhận họ với mọi điều kiện tốt nhất. Ngoài ra, các hệ thống
ngân hàng sẵn lòng tài trợ cho các nhà toán học trẻ, các nhà khoa học
trẻ; sự ủng hộ rộng rãi của các Bộ, ngành liên quan. Tất cả tạo thành
một chuỗi dây chuyền, một tư duy “mặc định” trong xã hội là phải tạo
điều kiện hết sức, ủng hộ hết sức để phát triển các tài năng.
Ở Việt Nam, rất nhiều tài năng, sau khi đi du học thì trở về nước,
nhưng chưa kịp cống hiến họ lại chọn cách ra nước ngoài. Nói về hiện
tượng này, GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam -
thắng thắn: “Đó là vì nhiều cơ quan hiện nay, môi trường làm việc tồn
tại nhiều tiêu cực, giỏi quá thì bị ghen ghét, đố kỵ, hãm hại nên nhiều
tri thức thực sự thấy chán nản. Rồi hàng loạt hiện tượng tiêu cực trong
công tác, bổ nhiệm, tuyển chọn những người có năng lực thực sự đang trở
thành rào cản với những tri thức trẻ”.
Còn theo Giáo sư Trương Nguyện Thành - Phó Hiệu trưởng Đại học Hoa
Sen, thì “môi trường giáo dục của chúng ta đang có vấn đề, chưa phát huy
hết khả năng sáng tạo của học sinh, sinh viên Việt Nam. Tại sao sinh
viên Việt Nam khi đi ra nước ngoài, nhiều người thành công, trở thành
nhà khoa học, các giáo sư có tiếng tăm, trở thành các nhà khởi nghiệp
thành công? Tính ra sinh viên Việt Nam ra nước ngoài đâu có bao nhiêu,
trong khi có nhiều thành tựu hơn cả triệu sinh viên được đào tạo ở trong
nước. Vậy cái gì là khác biệt? Suy từ bản thân mình, nếu tôi không có
học bổng, không ra nước ngoài học, có lẽ tôi vẫn là một anh nông dân
chăng? Tôi nhận thấy có sự khác biệt trong môi trường giáo dục. Giáo dục
ở Việt Nam đang bị trói buộc quá nhiều vào hình thức, đặt nặng vào việc
người học nhớ được bao nhiêu, chứ không phải là hiểu được bao nhiêu,
nhất là ứng dụng của kiến thức. Vì lẽ đó đã dẫn đến một tai hại là giảng
dạy nặng về lý thuyết, thiếu thực hành, chưa khuyết khích được tư duy
sáng tạo của người học”.
Vị giáo sư cho rằng, chìa khóa để “giữ chân” các tài năng chính là
việc xây dựng Việt Nam trở thành một môi trường nghiên cứu quốc tế, môi
trường khoa học tốt nhất. Đây là một bài toán khó, chờ lời giải của các
nhà quản lý giáo dục.
http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/vang-olympic-di-dau-687584.bld
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire