Văn hóa, giải trí Sài Gòn: Nghệ thuật đường phố lên ngôi
17:08, 18/07/2017
(Chinhphu.vn) - Trong lúc phòng trà ca nhạc, sân khấu
kịch không đủ sức neo giữ khán giả thì những chương trình nghệ thuật
đường phố ra đời, đang hấp dẫn người dân xuống phố thưởng thức những màn
trình diễn cộng đồng.
Nhóm bạn trẻ chơi đàn, tập sáo ở công viên 30/4. Ảnh: VGP/Tấn Chương |
Những ngày đầu tháng 7, khán giả Thành phố đã có liên tiếp hai đêm nhạc hoành tráng, đậm tình cảm của văn nghệ sĩ dành cho mảnh đất Sài Gòn. Đó là chương trình nghệ thuật Thành phố tôi yêu diễn ra trong sự theo dõi của hàng trăm khán giả tại phố đi bộ Nguyễn Huệ và Chương trình kỷ niệm 41 năm ngày thành phố Sài Gòn-Gia Định chính thức mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh (2/7/1976-2/7/2017). Hai đêm nhạc quy tụ các nghệ sĩ có phong cách trẻ trung: Thanh Bùi, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn, Hà Okio, Lân Nhã, Ái Phương, Vũ Cát Tường, Tiên Tiên, Nhóm MTV…
Trước đó, hồi tháng 6, chương trình nghệ thuật đường phố TPHCM - Ho Chi Minh city street show tại phố đi bộ Nguyễn Huệ thu hút đông đảo du khách và người dân xuống phố. Đêm diễn được tổ chức định kì vào mối tối thứ 7 và chủ nhật hằng tuần. Điểm mới lạ của Ho Chi Minh city street show là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố đương đại và văn hóa dân gian ba miền. Mỗi tháng chương trình sẽ đưa ra một chủ đề khác nhau như Welcome to Ho Chi Minh City là chủ đề tháng 5, tháng 6 là chủ đề Giải nhiệt mùa hè.
Có thể thấy, đó là hai chương trình nghệ thuật đường phố quy mô có tính chuyên nghiệp. Và đâu đó trong những khoảnh khắc “rất Sài Gòn”, người ta còn bắt gặp hình ảnh gã thanh niên ôm đàn guitar nghêu ngao hát, vài nhóm bạn trẻ tổ chức nhảy hiphop, trượt patin nghệ thuật, thỉnh thoảng có nhóm nhạc cổ điển, nhóm thánh ca nhà thờ, đôi ba chỗ túm tụm đọc thơ, đối thơ cho nhau… ở phố đi bộ.
Hay những bức tường phố xá lem luốc được sinh viên “vung cọ” vẽ lên hoa lá, động vật, thiên nhiên kêu gọi bảo vệ môi trường và trở thành những bức tường nghệ thuật.
Chưa bao giờ như bây giờ, nghệ thuật đường phố đã trở thành món ăn tinh thần hấp dẫn người dân vào mỗi tối cuối tuần. Các loại hình nghệ thuật từ hàn lâm đỉnh cao đến bình dân đời thường, từ những loại nhạc cụ phương tây hiện đại đến các loại nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ “chế” tất tần tật được nghệ sĩ chuyên lẫn không chuyên bày soạn giới thiệu đến khán giả.
Đặc biệt, người thưởng lãm không mất tiền mua vé vẫn trọn vẹn cảm xúc với nghệ thuật. Vào những khi trời mưa, nghệ sĩ cùng khán giả đội mưa “đốt cháy” đêm nhạc mà không hề ngại ngùng. Đó là chất dân dã đời thường của nghệ thuật đường phố.
Nghệ sĩ Vân Anh biểu diễn nhạc cụ dân tộc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ dưới cơn mưa bất chợt. Ảnh: NVCC |
Từ hơn 10 năm trước loạt chương trình nghệ thuật âm nhạc đỉnh cao, hát bội, cải lương, múa… đã được phổ biến nhưng còn mang nặng tính hàn lâm, chưa thực sự đến gần với khán giả. Vì thế, loạt chương trình nghệ thuật được mở ra với nhiều hình thức và địa điểm khác nhau, hòng xây dựng thói quen thưởng thức nghệ thuật cho người dân.
Vào tháng 3/2017, Nhạc viện TPHCM đã thực hiện chuỗi chương trình âm nhạc phục vụ khán giả Thành phố và du khách quốc tế vào mỗi sáng thứ bảy hằng tuần, trước sảnh phòng hòa nhạc của nhạc viện.
Ở một địa điểm khác, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM định kì hằng tuần, hằng tháng đều có các chương trình cải lương, hát bội, đờn ca tài tử mang đậm chất Nam Bộ. Cũng tại đây, các lớp học phổ cập kiến thức cơ bản, kỹ thuật ngôn ngữ đặc trưng của múa cổ điển, dân gian, đương đại… đến với đông đảo khán giả.
Hay ở Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TPHCM (HBSO) cũng từng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật định kỳ hằng tháng mang tên Giai điệu trẻ, thu hút được sự quan tâm của khán giả là học sinh, sinh viên, thanh niên. Lần đầu tiên khán giả đại chúng có thể thưởng thức nghệ thuật hàn lâm như trình diễn của dàn nhạc giao hưởng, dàn hợp xướng, trình diễn nhạc kịch, vũ kịch, múa ballet, múa đương đại…
Bên cạnh đó, các lớp học về các loại nhạc cụ dân tộc, nhạc cụ hiện đại phương tây mỗi cuối tuần tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM cũng rộn ràng tiếng cười tiếng vỗ tay.
Đó là những bước đầu hình thành ý thức nghe, xem nghệ thuật ở các nhà hát, nhà văn hóa trong khán giả. Điểm chung của tất cả các lớp học, chương trình đều hướng đến mục đích tạo thói quen cho khán giả đến sân khấu thưởng thức âm nhạc, nghệ thuật.
Tụ điểm giải trí chuyên biệt
Bên cạnh những sân khấu văn nghệ cho khán giả đại chúng, vẫn có những không gian dành riêng cho nhóm đối tượng khán giả chuyên biệt.
Ca sĩ Cẩm Vân trong đêm nhạc Trịnh tại Đường sách Nguyễn Văn Bình TPHCM. Ảnh: VGP/Tấn Chương |
Những năm gần đây, giới học sinh sinh viên thành phố rất ưa chuộng quán cà phê Accoustic. Accoustic đơn giản gần gũi bởi chỉ cần cây đàn guitar, hoặc có thêm trống cajon, nếu được phần phụ bè của beatbox sẽ tạo nên một nhóm nhạc sinh viên phong cách tươi trẻ. Nắm bắt tâm lý đó, hầu như các quán cà phê sành nhạc đều tạo một sân khấu nho nhỏ để các bạn trẻ đến giao lưu, hát cùng nhau.
11 năm qua, nhóm bạn yêu nhạc cổ điển Sài Gòn - Saigon Classical vẫn duy trì hoạt động biểu diễn âm nhạc cổ điển thế giới dành cho đối tượng khán giả là khách quốc tế, khán giả có hiểu biết về chuyên môn âm nhạc. Mỗi tháng một chủ đề, có thể là nhạc Mozart, Beethoven, Traikovski… thu hút một lượng khán giả ổn định đến thưởng thức.
Còn không gian Salon văn hóa cà phê thứ bảy của nhạc sĩ Dương Thụ thường xuyên mở các chuyên đề về văn học, lịch sử, văn hóa, âm nhạc, điện ảnh. Chương trình được dẫn dắt bởi những nhân vật có tiếng tăm trong giới nghiên cứu như nhà văn Nhật Chiêu, TS. Nguyễn Thị Hậu, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm…
Thực tế cho thấy rằng, đời sống văn hóa giải trí của người dân Thành phố vẫn đang được duy trì, theo xu hướng sẽ sản sinh và tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau dẫu cho “cơn bão” online đang ngày một phát triển. Bởi nói như một vị khán giả từng tâm sự rằng cái gốc văn hóa của người dân Sài Gòn là cầm vé đến rạp xem văn nghệ.
Tấn Chương
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire