Đầu xuân thấy trên diễn đàn tranh cãi loạn xạ về « trí thức », tôi cũng muốn góp phần, bèn lôi tự điển tiếng Pháp (và cả tiếng Anh) ra tra.
Nhưng tôi nhận thấy là mọi người bàn về những khái niệm khác nhau. Định nghĩa của bác Châu về trí thức là định nghĩa chính xác trong tự điển, tức là người lao động trí óc. Theo bác Châu, người trí thức và tất cả mọi người nói chung nên « nói những gì mình nghĩ » (Phú-lang-sa tôi cho đó là phản biện ở dạng khiêm tốn và ngay thẳng nhất của nó).
Còn định nghĩa của các bác Quechoa, nhà văn NQV, nhà nghiên cứu N.V.Tuan, người Na Uy Nguyễn Quang Minh, thì không tương ứng với định nghĩa « trí thức » của tự điển, nên tôi tạm dùng một khái niệm khác để biểu hiện, đó là « nhân sĩ ». Như vậy nhân sĩ là người tham gia phản biện xã hội (có thể bao gồm trí thức, nông dân, vv.)
Bác N. V. Tuấn lại nói thêm là trí thức ( kiểu « nhân sĩ ») phải « nói sự thật cho kẻ có quyền thế ». Thế lỡ nói sai thì không được coi là trí thức nữa ạ ? Suy ra thì trí thức thì đều nói giống nhau, vì sự thật chỉ có một mà thôi, phải không ạ ? Thế thì đâu cần phản biện nữa ạ ? Hay là có nhiều sự thật khác nhau ?
Khái niệm của bác Huệ Chi lại hơi khác hơn một tí, vì bác ấy cho rằng trí thức là người « có lương tri và ánh sáng của lương tri », nên phải « làm việc hướng dẫn cộng đồng », tức là phản biện. Vậy liệu những người nông dân có thể « phản biện » để « hướng dẫn cộng đồng » được không ? Nếu có, tức là anh Châu đúng (vì anh ấy cho là phản biện là vai trò của mọi người trong xã hội). Nhưng câu trả lời của bác Huệ Chi là « không », vì bác ấy nói : « … tôi nghĩ phản biện xã hội là chức năng của trí thức, chứ không phải là chức năng của ai hết." Như vậy tức là định nghĩa « trí thức » của bác Huệ Chi khác với định nghĩa về trí thức « nhân sĩ ». Trong trường hợp này, tôi tạm dùng khái niệm « trí thức ánh sáng » để biểu hiện định nghĩa của bác Huệ Chi, còn khái niệm « phản biện » của bác ấy thì tôi thấy nó gần với nghĩa « cố vấn » hơn.
Tôi thấy vụ này hơi giống vụ tranh cãi về từ « vô tri », tức là chúng ta bắt một từ « trí thức » phải cõng nhiều nghĩa quá, nên nó còng cả lưng.
Thôi tôi đi « lao động trí óc » đây, để xứng đáng là một trí thức đúng nghĩa trong tự điển, rồi sau đó tôi sẽ phấn đấu thành « nhân sĩ », và cuối cùng là « trí thức ánh sáng ».
Nhưng tôi nói thật, ở Việt Nam mình muốn làm trí thức trơn thôi là đã khó lắm rồi, các bác cứ thử đơn giản là « nói điều mình nghĩ » mà xem, các bác lãnh đạo còn chưa nói tới, chứ dân thường là đã lồng lộn lên rồi. Các bác lại muốn cứ mở mồm ra là nói sự thật, chắc phải sang Úc mà học bác Tuấn.
Tôi cũng luôn cố gắng « nói điều mình nghĩ », tuy luôn bị chửi te tua, nhưng tôi không sợ ! Bác Châu có giải Phinxờ giải đồ còn bị văn nhân mặc khách lăng mạ tối tăm mặt mũi, thì tôi đây nào có sá chi !
Like một cái :)
RépondreSupprimerHihi, cảm ơn Lana
Supprimer