Cái chết là một ám ảnh của con người, chúng ta đồng ý như vậy, và các nhà triết học phuơng Tây đã nói rất nhiều về điều này. Chẳng hạn như chết là kết thúc của sự tồn tại khi nó biến mất trong sự không tồn tại (theo chủ nghĩa duy vật vô thần, Epicure, Heiddeger), hoặc là cái chết là một giai đoạn trong số phận tinh thần của tâm hồn (Platon, Bergson)... Con người sợ hãi cái chết, chẳng hạn, là vì nó nuối tiếc cuộc sống. Trong "Núi thần", có đoạn HC cảm thấy sợ hãi khi thấy tim đập loạn nhịp, chàng cảm thấy như tâm hồn của chàng không còn hòa hợp với thể xác nữa, như thể là thể xác đã chết, nhưng nó chết vì nó bị tách rời khỏi tâm hồn, chứ không thực sự tan rã; và như vậy, nó vẫn tồn tại theo một cách nào đó, móng tay và tóc vẫn tiếp tục mọc, vv. nhưng tâm hồn không còn ngụ trong đó nữa.
Điều này cho chúng ta thấy phần nào quan niệm của Thomas Mann về cái chết, như là một sự chia lìa của linh hồn và thể xác. Vậy nỗi sợ hãi về cái chết có thể bắt nguồn từ đây. Nếu linh hồn vẫn sống, thể xác vẫn tồn tại, thì điều đáng sợ là ở đâu ? Có lẽ là ở chỗ linh hồn sẽ không cảm nhận được những lạc thú mà chỉ thể xác mới có thể cảm nhận được, nó sẽ sống một đời sống thuần túy tinh thần, và như vậy, dường như là những niềm vui thú thuần túy tinh thần, dù có thể lớn lao như ta có thể hình dung hay tưởng tượng, không đủ để linh hồn con người có can đảm rời bỏ thể xác.
Nếu tôi muốn thấy một phúng dụ (allégorie) về nỗi sợ hãi cái chết, thì đó là cảnh tượng mà Joachim vô tình chứng kiến và miêu tả cho người anh em họ của mình về nghi lễ Bí tích thánh thể (Extreme onction) dành cho một cô gái trẻ tên là B. Hujus. Joachim kể rằng buổi sáng hôm đó cô gái còn thức dậy rất vui tươi, rồi bệnh đột ngột trở nặng, khi vị linh mục xuất hiện cùng với những nghi lễ dành cho người hấp hối, cô bé lập tức hiểu ra, và cảnh tượng mà Thomas Mann miêu tả lẽ ra không thể nào miêu tả được.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire