lundi 23 septembre 2013
Núi thần - Thomas Mann (9)
Vậy trong "Núi thần", như trong nhiều tác phẩm văn học khác, chúng ta có một nhân vật chính đi phiêu lưu để tìm hiểu ý nghĩa của cuộc đời. Nếu như nhân vật Chương trong "Con gái thủy thần" của N. H. Thiệp thực hiện những cuộc phiêu lưu nối tiếp về mặt địa lý, hướng ra phía biển, đi theo nữ thủy thần, thì Hans Castorp chỉ làm một cuộc du hành duy nhất đến Berghof, một nơi nếu không phải là địa ngục, thì cũng ở lưng chừng giữa mặt đất và địa ngục, và nữ thần Perséphone của nơi này chính là nàng Clawdia Chauchat (Settembrini đã ám chỉ điều này khi hỏi xem HC đã nếm những hạt lựu hay chưa). Ở nơi đó HC có cơ hội gặp những con người còn sống và sẽ chết rất mau chóng, và mỗi cuộc gặp gỡ tìm hiểu như vậy có thể coi là một cuộc phiêu lưu về mặt thời gian. Chương V, có mục cuối cùng mang tên "Đêm Walpurgis". Tên gọi của mục này mang sự mơ hồ. Đêm Walpurgis theo nghĩa cổ xưa của Châu Âu là đêm kết thúc mùa đông, đêm hội của các vị nam và nữ thần của sự phồn thực. Theo nghĩa tôn giáo, đó là đêm hội của phù thuỷ và ma quỷ. Trong "Faust" của Goethe, đó là đêm hội mà Faust gặp lại nàng Marguerite với một dải ruy-băng quấn quanh cổ để che đi vết chém của lưỡi rìu đao phủ. Chính trong mục này HC tỏ tình với CC. Trong mục trước đó, có tên là "Vũ điệu của thần chết", HC đã rủ người anh họ của mình đi làm một việc đặc biệt là đi tặng hoa và thăm hỏi những bệnh nhân được coi là "hấp hối", nói chuyện với họ, và chỉ ít lâu sau, chứng kiến sự kiện là họ biến mất. Người cuối cùng được kể ra trong chuỗi những cuộc viếng thăm này là một nàng thiếu nữ tên là Karen Karstedt, cả ba người đã đi chơi nhiều lần cùng nhau, và họ thậm chí đã đến thăm nghĩa trang của Davos, nơi mà họ biết rằng, chỉ ít lâu sau, Karen sẽ được đặt ở đó. Chúng ta thấy như vậy HC đặc biệt quan tâm đến thời gian, tựa như chàng muốn tìm hiểu thời gian ngắn ngủi của sự sống để hiểu thấu thời gian vĩnh cửu của cái chết. Và quả vậy, hệ thống thời gian trong tiểu thuyết này cũng rất phức tạp.
Inscription à :
Publier les commentaires (Atom)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire