Trong cuốn "Thi pháp về tiểu thuyết" (La poétique du roman, Vincent Jouve, Armand Colin, 2013, 1°Ed. 1997), ông giáo sư Văn học Pháp của Đại học Reims Champagne-Ardenne trình bày ngắn gọn, cô đọng với các định nghĩa khái niệm và các ví dụ minh họa dễ hiểu về thời gian trong tiểu thuyết. Trong đó, ông ấy phân biệt "thời gian của chuyện kể" (temps du récit)- được tính bằng số dòng, số trang tiểu thuyết - và thời gian của truyện (câu chuyện được kể - temps de l'histoire) - được tính bằng ngày, tháng, năm, giờ... trong nội dung truyện - ; Từ đó việc phân tích thời gian cho thấy nhiều hiệu ứng về nghĩa trong tiểu thuyết. Dựa trên sự phân biệt này, chúng ta có thể nghiên cứu những câu hỏi cổ điển về thời khắc, tốc độ, tần số và trình tự thời gian trong việc kể chuyện.
"Núi thần" là một chuyện kể dài, như chúng ta đã nói, gần một ngàn trang loại sách bỏ túi. Thời gian nội dung truyện diễn ra là trong vòng bảy năm, như người kể chuyện, hoặc tác giả, muốn thế. Và thực ra thời gian này hoàn toàn là chủ quan thôi, vì ngay trong phần mở đầu, gần hai trang, dành để nói về ý định của tác giả, người kể chuyện đã nói rằng rất có thể đấy cũng chẳng phải là bảy năm, và nói chung tốt nhất là nhân vật chính của ông ấy chẳng nên hỏi xem bao nhiêu thời gian sẽ trôi qua đối với chàng trên mặt đất này. Người kể cũng dường như thách thức độc giả một cách kín đáo, rằng sự hấp dẫn hay nhàm chán của một cuốn sách không phụ thuộc vào thời lượng của nó, và rằng, theo ông ấy, cái gì hấp dẫn thì nó phải được xây dựng một cách kỹ càng tỉ mỉ. Và quả thực là, khi bắt đầu cuốn sách dày cộp ấy, với những đoạn miêu tả dài dằng dặc và có vẻ vô dụng, nhưng lại buộc ta phải hết sức tập trung để không vuột mất một điều chính yếu, như một sợi chỉ của nàng Ariane trong tâm tưởng, đôi lúc chúng ta phát cáu với tác giả, với người kể chuyện, với người giới thiệu và với cả chính mình vì đã tìm đọc nó, thì sau khi kết thúc nhanh chóng và khá hời hợt việc đọc, có điều gì đấy bắt ta phải lần đọc lại, càng lúc càng tỉ mỉ hơn, và ngay cả khi cái việc đọc lại này có vẻ không bao giờ kết thúc, thì đột nhiên ta nhận thấy rằng, ta không cần và cũng không muốn rời nó nữa.
Phần đầu của truyện, về mặt thời gian, diễn ra êm thấm như ta thường thấy trong những cuốn tiểu thuyết khác, với chuyến đi của Hans Castorp từ Hambourg đến "Núi thần" (khi đó với độc giả vẫn còn chưa là "núi thần" mà chỉ đơn giản là Davos-Platz, trong vùng núi Alpes thuộc Thụy sĩ), tiếp theo là đoạn analepse (tôi tạm dịch là "trở ngược lại thời gian" - phulangsa) kể lại tuổi thơ của HC, cho đến hết chương II. Đến đây thì mọi sự vẫn ổn, mặc dù những chỉ dấu về thời gian đã rất dồi dào, hơn là cần thiết, ta có cảm tưởng như vậy. Trong đó một chi tiết được lặp lại nhiều lần dưới dạng prolepse (ngược lại với analepse, tôi tạm dịch là "dự đoán tương lai" - phulangsa), là HC dự định ở lại nơi này ba tuần. Những sự xáo trộn về thời gian (anachronies) sẽ chỉ thực sự bắt đầu cùng với kỳ nghỉ.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire