Ngày 30 tháng Tư
năm 1975, khi chiếc xe tăng đầu tiên húc đổ cổng dinh Độc Lập, nhà báo
Nayan Chanda, phóng viên thường trú của tờ Kinh tế Viễn Đông (FEER) đang
đứng ở ngay góc đường nay là
Đại lộ Lê Duẩn để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử đánh dấu cột mốc kết thúc cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ 2 đã kéo dài hàng chục năm.
Khi đó, ông Chanda không bao giờ hình
dung được rằng chỉ chưa đầy ba năm sau, cuộc chiến tranh Đông Dương lần
thứ ba lại nổ ra, lần này giữa những người xã hội chủ nghĩa từng cùng
chung chiến hào: Việt Nam, Trung Quốc.
Nhà báo Chanda trở thành người ghi chép
lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt, và sau này được ông viết thành cuốn
sách nổi tiếng “Brothers Enemy: The war after the war” (tạm dịch là:
Những kẻ thù anh em: Cuộc chiến tiếp sau cuộc chiến) xuất bản năm 1986.
|
Quân tình nguyện Việt Nam tại Campu chia. Ảnh tư liệu.
|
Được viết dựa trên những chuyến đi thực
địa, các nghiên cứu chuyên sâu và hàng trăm cuộc phỏng vấn với các nhà
lãnh đạo ở cả Hà Nội, Bắc Kinh, Phnompenh, Washington và Moscow,
“Brother Enemy” được coi là một trong những cuốn sách chân thực và
thuyết phục nhất, nguồn tài liệu không thể thiếu cho những ai muốn tìm
hiểu nguồn gốc của xung đột Việt – Trung và nguồn cơn cuộc chiến tranh
giữa Việt Nam và Khmer Đỏ.
Khmer Đỏ là đối tác lý tưởng của Bắc Kinh
- Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi
cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ ba kết thúc, mà người Việt chúng tôi
gọi là chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.
Đã có nhiều bài viết, bài phát biểu, phân tích từ nhiều phía liên quan
đến cuộc chiến này và dường như đến giờ nó vẫn gây tranh cãi.
Là một trong những người được chứng
kiến trực tiếp giai đoạn lịch sử này, theo ông thì vì sao chỉ ba năm sau
khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc, những người từng gọi nhau là
đồng chí, anh em lại trở thành kẻ thù trong một cuộc chiến khốc liệt
không kém?
Giáo sư Nayan Chanda: Cuộc xung
đột Campuchia vô cùng phức tạp theo nghĩa rằng nó dính líu đến hầu hết
các diễn viên quan trọng nhất trên sân khấu chính trị thế giới thời đó.
Nhưng trước tiên, nguyên nhân của cuộc
chiến đã tiềm tàng từ lâu trong lịch sử. Đế chế Angkor từng trải dài
trên bán đảo Đông Dương và từ thế kỷ 17 trở đi lãnh thổ của nó đã bị thu
hẹp dần sau các cuộc xung đột quân sự với Việt Nam và Thái Lan. Ngay
sau khi chiến tranh Đông Dương lần 2 kết thúc vào năm 1975, Khmer Đỏ cho
rằng mình đã sẵn sàng để khôi phục đế chế Angkor hùng mạnh năm nào.
Trước sự phản đối của các thành viên
truyền thống từng có quan hệ với Việt Nam, Pol Pot và tay chân đã tiến
hành cuộc thanh trừng nội bộ, đồng thời triển khai hàng loạt các cuộc
tấn công sát hại dân thường vào các làng mạc Việt Nam dọc biên giới từ
sau năm 1975.
Vào ngày 31 tháng 12 năm 1977, chế độ
Pol Pot đã công khai cắt đứt quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Lúc này,
cuộc chiến đã trở thành khó tránh khỏi. Mặc dù vẫn là bí mật vào thời
điểm đó, vào tháng 1 năm 1978, Việt Nam đã quyết định bắt đầu chuẩn bị
cho việc loại bỏ chế độ Pol Pot.
Năm 1978, Việt Nam đã quyết định dỡ bỏ
bức màn về cuộc chiến tranh biên giới với những người từng là đồng chí
của mình, những người lúc bấy giờ đang cướp đi hàng trăm mạng sống của
người Việt Nam.
Tôi vẫn còn nhớ mãi lần đầu tiên chứng
kiến sự tàn ác của Khmer Đỏ. Trong một chuyến đi tới Sài Gòn tháng 3 năm
1978, tôi bị một cán bộ ngoại giao Việt Nam đi kèm đánh thức từ sớm.
Tôi được đưa vội đến sân bay, nơi tôi cùng hai phóng viên nước ngoài
khác được đưa lên một chiếc trực thăng Chinook đã rỉ sét với những ô cửa
sổ trống hoác.
Theo lệnh của một nhà lãnh đạo hàng đầu
Việt Nam, chúng tôi đã bay đến Hà Tiên, một tỉnh ở cực nam Việt Nam (nay
là tỉnh Kiên Giang – PV). Khi chúng tôi đi bộ đến làng, một mùi hôi
thối nồng nặc cho chúng tôi biết những gì sẽ được chứng kiến. Đó vẫn là
một cảnh tượng hãi hùng. Mười lăm đàn ông, phụ nữ và trẻ em, bị Khmer Đỏ
đánh đập đến chết, nằm rải rác xung quanh ba túp lều tranh của họ.
Lời giải thích cho cuộc thảm sát nằm
trên những bức tường đất của một túp lều, nơi ai đó đã vẽ nghệch ngoạc
bằng than củi dòng chữ Khmer: “Đây là đất của chúng tao!”.
Nói cách khác, cuộc xung đột Việt Nam –
Campuchia bắt nguồn từ những mâu thuẫn lãnh thổ từ xa xưa trong lịch sử,
được thổi bùng lên bởi tham vọng ngạo mạn của chế độ Pol Pot.
|
Giáo sư Nayan Chanda nói chuyện tại TP.HCM, tháng 10/2019.
|
- Trong cuốn sách “Brothers Enemy”,
ông đã nêu rõ vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến này. Điều gì đã
khiến Bắc Kinh, từ vai trò một đồng minh trụ cột của Hà Nội trong cuộc
chiến tranh Việt Nam trước đó, chuyển sang vị thế đối địch?
Giáo sư Nayan Chanda: Chúng ta
phải thấy rõ một thực tế là Bắc Kinh, ngay cả khi là một trong những
đồng minh thân cận nhất của Việt Nam trong cuộc chiến tranh Việt Nam,
cũng là vì xuất phát từ lợi ích của chính họ. Họ muốn giữ cho biên giới
phía Nam của mình luôn an toàn và miền Bắc Việt Nam đối với Trung Quốc
có tác dụng như một “vùng đệm an ninh”.
Bởi vậy, họ viện trợ cho Việt Nam trong
cuộc chiến chống Mỹ nhưng không bao giờ muốn Việt Nam trở nên mạnh hơn.
Bắc Kinh từng khuyên Hà Nội kiên trì đường lối chiến tranh du kích, kéo
dài cuộc chiến thay vì nỗ lực nhanh chóng kết thúc chiến tranh.
Việc Việt Nam thống nhất đất nước tháng 4
năm 1975 đã đảo lộn những toan tính của Trung Quốc. Sau khi giải phóng
miền Nam, Hà Nội đã có sức mạnh vượt trội, sẵn sàng nắm lấy vai trò tiên
phong ở khu vực này. Trung Quốc luôn lo sợ về sự mất cân bằng trong cán
cân quyền lực ở Đông Nam Á và khả năng Liên Xô thay thế khoảng trống
quyền lực Mỹ để lại, thể hiện thông qua sự trỗi dậy của Việt Nam, một
đồng minh thân cận của Liên Xô.
Vì vậy, để làm suy yếu Việt Nam,
Campuchia của Khmer Đỏ trở thành một đối tác lý tưởng của Bắc Kinh. Kể
từ năm 1975, Trung Quốc bắt đầu viện trợ ồ ạt, không giới hạn cho
chính quyền Pol Pot
tại Campuchia, bao gồm tiền bạc, vũ khí. Trong khi đó, họ cắt hoàn toàn
viện trợ đối với Việt Nam, đúng thời điểm Hà Nội đang ở giữa thời kỳ kế
hoạch 5 năm lần thứ hai.
Việc Trung Quốc cắt viện trợ, cùng với
sự thay đổi quyền lực tại Bắc Kinh (Đặng Tiểu Bình lên nằm quyền lãnh
đạo tuyệt đối), đã buộc Việt Nam phải xích lại gần hơn với Liên Xô, thể
hiện qua Hiệp ước đồng minh Việt – Xô.
Và khi không ép được Hà Nội làm theo
mong muốn của mình thì Bắc Kinh đã chính thức xem Việt Nam là kẻ thù.
Năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình trở thành lãnh đạo tuyệt đối tại Bắc Kinh
thì một quyết định cứng rắn đã được đưa ra – tấn công Việt Nam.
Hà Nội đã chủ động chuẩn bị
- Việc Bắc Kinh hậu thuẫn cho chế độ
diệt chủng Khmer Đỏ thì ai cũng đã thấy. Nhưng còn vai trò của Mỹ, người
vừa rút lui khỏi Đông Dương thì sao?
Giáo sư Nayan Chanda: Ban đầu, Mỹ
không hề muốn dính líu gì đến cuộc xung đột giữa Việt Nam và Campuchia
bởi vì sau khi rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, Mỹ chỉ muốn quên đi thất
bại nhục nhã này. Năm 1977, khi Jimmy Carter lên làm Tổng thống, chính
quyền Mỹ bắt đầu cân nhắc việc bình thường hóa quan hệ với Hà Nội, nhằm
hàn gắn những vết thương chiến tranh.
Ban đầu, Carter muốn bình thường hóa quan hệ với cả Bắc Kinh và Hà Nội.
Tuy nhiên, khi cuộc xung đột giữa Việt
Nam và Campuchia leo thang và người Trung Quốc bắt đầu can dự sâu hơn,
họ đã thuyết phục được Washington rằng Việt Nam đang hành động đại diện
cho lợi ích của Liên Xô, kẻ thù lớn nhất của Mỹ thời đó. Lập luận của
Trung Quốc là nếu Mỹ và Trung Quốc không liên minh để ngăn chặn Việt Nam
thì Liên Xô sẽ xác lập bá quyền của mình ở Đông Nam Á.
Luận điệu này đã giành được sự ủng hộ
của giới tinh hoa chính trị ở Washington, mà nổi bật là Brzezinski, cố
vấn an ninh của Tổng thống, một người Mỹ gốc Ba Lan. Với lập trường
chống Liên Xô, Brzezinski, ngay từ đầu năm 1978, đã xem xung đột Việt
Nam - Campuchia là một "cuộc chiến ủy nhiệm giữa Trung Quốc và Liên Xô."
|
Hơn 40 năm qua đi, nhưng những dấu vết của
cuộc thảm sát năm xưa mà quân Pol Pot thực hiện ở Ba Chúc (huyện Tri
Tôn, tỉnh An Giang) vẫn chưa phai mờ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+).
|
Mỹ và Trung Quốc chính thức phục hồi
quan hệ ngoại giao vào ngày đầu tiên của năm 1979. Một tuần sau, quân
đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh. Khả năng bình thường hóa quan
hệ với Mỹ nay được đặt ra với điều kiện Hà Nội rút toàn bộ quân đội ra
khỏi Campuchia.
Ngày 29/1/1979, trong cuộc gặp với Tổng
thống Carter tại Nhà Trắng, ông Đặng Tiểu Bình đã tiết lộ quyết định
đánh Việt Nam, “cho họ một bài học hạn chế phù hợp”, để đáp trả sự “bành
trướng” của Liên Xô. Đặng yêu cầu Mỹ “ủng hộ tinh thần” trên trường
quốc tế.
Dù yêu cầu Trung Quốc kiềm chế, nhưng
sau khi chiến tranh nổ ra, Mỹ hầu như không có động thái nào phản đối
Bắc Kinh. Ngược lại, Washington đã liên minh với Bắc Kinh và vận động
các nước khác phong tỏa, cấm vận Việt Nam trong suốt hơn mười năm sau
đó.
- Như vậy, Bắc Kinh không chỉ có vai
trò hậu thuẫn cho chế độ Polpot chống Việt Nam những năm 1978-1979 mà họ
còn dẫn đầu cuộc chiến ngoại giao trường kỳ cô lập Việt Nam suốt mười
năm sau?
Giáo sư Nayan Chanda: Đúng
vậy. Tất cả những gì diễn ra ở Đông Dương suốt hơn một thập niên sau đó
và bây giờ ở Biển Đông cho thấy sự thành công của cái gọi là chiến lược
“giành chiến thắng mà không cần phải thực sự chiến đấu”. Nó cũng cho
thấy quyết tâm và sự kiên trì đến mức tàn nhẫn của các nhà lãnh đạo
Trung Quốc.
Ngay từ tháng 11 năm 1978, Trung Quốc đã
chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài chống Việt Nam khi Hà Nội tiến vào
Campuchia. Tôi đã xuất bản một bài báo tóm tắt kế hoạch này trên tờ
Kinh tế Viễn Đông tháng 12 năm 1978.
Như bài báo đưa tin, trong chuyến thăm
Campuchia tháng 11 năm đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Đông Hưng đã
khuyên Pol Pot từ bỏ Phnom Penh, rút lui vào rừng để tiến hành chiến
tranh du kích.
Vương lập luận rằng bằng cách từ bỏ thủ
đô khi đối mặt với Việt Nam và lực lượng nổi dậy, người Campuchia sẽ
không chỉ làm nổi bật “ý đồ xâm lược” của Hà Nội đối với các nước láng
giềng Đông Nam Á đang đầy lo lắng, mà cuối cùng còn giúp đánh bại người
Việt Nam bằng cách làm cho Việt Nam sa lầy vào một cuộc chiến tranh du
kích đầy tốn kém.
Những gì xảy ra sau đó theo đúng kịch
bản mà Trung Quốc đã dự liệu. Việc Việt Nam bị Khmer Đỏ cầm chân ở
Campuchia lâu dài đã cho Bắc Kinh lý do để bêu xấu Hà Nội.
Cuộc chơi lâu dài của Trung Quốc là phớt
lờ nạn diệt chủng vốn có lẽ đã cướp đi hơn 1 triệu sinh mạng; viện trợ
tiền bạc và trang bị vũ khí cho đội quân du kích chống Việt Nam, giữ ghế
tại Liên Hợp Quốc cho một chế độ Khmer Đỏ hỗn loạn trong vai trò một
chính phủ hợp pháp; vận động dư luận quốc tế chống Việt Nam.
Trong hơn chục năm đối đầu với Việt Nam
trên chiến trường thông qua những tay súng ủy nhiệm và trong các diễn
đàn ngoại giao quốc tế, Trung Quốc đã kiên trì theo đuổi chính sách mà
họ đã đặt ra trong các cuộc họp bí mật ở Bắc Kinh và Thái Lan.
|
Nhà báo Chanda là tác giả cuốn sách nổi
tiếng “Brothers Enemy: The war after the war” (tạm dịch là: Những kẻ thù
anh em: Cuộc chiến tiếp sau cuộc chiến) xuất bản năm 1986.
|
Năm
1989, quân đội Việt Nam đã được rút khỏi Campuchia dưới áp lực ngoại
giao mạnh mẽ, bao gồm cả từ Liên Xô, nước mà Trung Quốc vừa đạt được một
sự hòa hoãn ngoại giao. Tháng 9 năm 1990, các nhà lãnh đạo Việt Nam bí
mật bay tới Thành Đô, Trung Quốc để đạt được một thỏa thuận, mở đường
cho việc hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1991.
Giờ đây, sau bốn mươi năm, Bắc Kinh đã
xác lập ảnh hưởng gần rất lớn đối với Campuchia. Campuchia đã trở thành
nước nhận các khoản vay và viện trợ lớn nhất (hơn 10 tỷ USD) của Trung
Quốc ở Đông Nam Á và là một trong những điểm đến quan trọng nhất của đầu
tư từ Trung Quốc.
Sự phụ thuộc của đất nước này vào Trung
Quốc được nhấn mạnh bởi thực tế là 62% nợ của Campuchia hiện tại là nợ
Trung Quốc. Thủ tướng Campuchia Hun Sen, người từng gọi Trung Quốc khi
họ ủng hộ chế độ Khmer Đỏ, là “gốc rễ của mọi thứ xấu xa”, giờ đây lại
trở thành đồng minh trung thành của Trung Quốc.
- Ông có nghĩ rằng người Việt Nam
chúng tôi khi đó đã có phần ngây thơ về Trung Quốc, một đồng minh từng
giúp đỡ Việt Nam trong chiến tranh không?
GS Nayan Chanda: Tôi không cho
rằng Việt Nam ngây thơ trước ý đồ của Trung Quốc. Nhưng các nhà lãnh đạo
Việt Nam khi đó đều tin vào các nguyên tắc, giá trị của chủ nghĩa xã
hội và họ hy vọng rằng, Trung Quốc, trong tư cách một nước xã hội chủ
nghĩa anh em, sẽ hành xử một cách tử tế.
Và vì thế, Hà Nội cảm thấy khá là thất
vọng khi Trung Quốc ứng xử giống một quốc gia bá quyền thay vì là một
nước cùng theo chủ nghĩa xã hội. Trong cuộc gặp ở Thành Đô năm 1990, các
nhà lãnh đạo Việt Nam đã đề nghị tái lập quan hệ xã hội chủ nghĩa anh
em nhưng Trung Quốc đã từ chối.
Tôi cho rằng giờ đây thì có lẽ không mấy
ai còn mơ hồ về Trung Quốc nữa. Những gì đã xảy ra là minh chứng rõ
ràng cho sự thật mà Lord Palmerston từng nêu: "Một quốc gia không có bạn
bè hay kẻ thù vĩnh viễn, mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn".
(Còn tiếp)