dimanche 11 février 2018

Dân cường, nước thịnh

PLS : Gớm, những tưởng nhà báo toàn các anh ngu, hoá ra lâu lâu cũng có được một anh khôn !

Dân cường, nước thịnh

Luận Bàn & Hành Động | 07:06 Chủ Nhật ngày 11/02/2018
(HNM) - Tầm vóc và thể lực của người Việt vừa là câu chuyện cá nhân vừa là vấn đề liên quan chặt chẽ đến chất lượng nguồn nhân lực quốc gia.

Sở dĩ phải thêm một lần đề cập tới nội dung này là bởi quan hệ chặt chẽ giữa thể lực và trí lực, thứ góp phần tạo nên chân hạnh phúc của con người. Đây còn là một trọng tâm mới được nêu rõ tại Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017) về công tác dân số trong tình hình mới.

Vấn đề này được đặt ra trong bối cảnh thực trạng thể lực của người Việt Nam chậm được cải thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước. Một vài chỉ số cho thấy những nỗi lo có thật: Đó là, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao theo tuổi) ở trẻ em dưới 5 tuổi hiện vẫn ở mức cao. Thanh niên, lực lượng dồi dào sức khỏe nhất cũng có chiều cao ở mức khiêm tốn, khi không những thấp hơn chuẩn quốc tế khoảng 10cm mà còn thấp hơn mức trung bình cùng nhóm tuổi của đa số các nước trong khu vực Châu Á...

Quả thực, đất nước nhiều năm dài bước qua chiến tranh, để có được miếng cơm ấm bụng đã là cả một nỗ lực rất lớn, thậm chí phải đánh đổi bằng máu và nước mắt; câu chuyện dinh dưỡng đúng cách, vai trò của tầm vóc và thể lực mỗi người chưa được nhìn nhận, cải thiện rõ rệt cũng là dễ hiểu. Tuy nhiên, thời gian không chờ đợi ai, nhất là trước những thời cơ và thách thức phía trước đối với sự phát triển bền vững đất nước. Nâng cao chất lượng dân số, trong đó có cải thiện và cải thiện hiệu quả hơn nữa tầm vóc và thể lực của người Việt Nam là một đòi hỏi từ thực tế.

Trước hết, đúng như tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã nêu thì rất cần: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào kế hoạch hóa gia đình sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu… và chất lượng dân số trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Điều đó có nghĩa là, ngay từ cấp chính quyền cơ sở đã rất cần thấu hiểu: Thể lực của mỗi người dân chính là nguồn lực của địa phương, của đất nước. Và các chỉ tiêu liên quan đến nội dung này phải được đặt đúng tầm mức, có mặt trong chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; được xác định và đo đếm hiệu quả cụ thể...

Bên cạnh đó, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cũng đều có trách nhiệm trong việc tiếp tục thực hiện tốt “Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030” vốn đã đi được một phần ba chặng đường. Gần đây là Chỉ thị số 46/CT-TTg ngày 21-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dinh dưỡng trong tình hình mới. Từ đây, cùng nhau làm tốt hơn việc huy động nguồn lực tại chỗ nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này.

Đặc biệt, hoạt động thể dục, thể thao trong cộng đồng, trong trường học đã được chú trọng thì tới đây sẽ phải được chú trọng hơn. Người dân chắc chắn cũng mong mỏi ngành Y tế sẽ có thêm nhiều chương trình cụ thể nhằm hướng dẫn, chăm sóc nhân dân thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp với đối tượng lao động, lứa tuổi, khu vực đặc thù…

"Dân cường, nước thịnh"! Hơn ai hết, mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động trong việc tạo giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường thể lực, tạo dựng một cuộc sống khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, vì hạnh phúc bản thân mà cũng vì khát vọng đi lên của đất nước.
Hà An
http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Luan-ban-Hanh-dong/892193/dan-cuong-nuoc-thinh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire