mercredi 29 août 2018

Gửi Hoàng thân Nguyễn Phúc Tương Lai

Xin cung kính cúi chào Hoàng thân và kính chúc ngài nhiều sức khoẻ !

Hehe, em thấy bác già rồi mà suy nghĩ của bác vẫn còn bối rối lắm, bác có muốn em nói cho bác nghe vì sao không ? (Để trả ơn em, nếu mà bác vận động được cho em và Nhị Linh một cái quỹ dịch Rousseau toàn tập thì hay ! Em đảm bảo là em sẽ làm một cuộc "Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh" ngay !)

 Portrait de face d'un homme à l'aspect bienveillant, soigneusement vêtu et perruqué, assis sur une chaise de paille.
Pastel de Quentin de La Tour, Jean-Jacques Rousseau, en 1753 (alors âgé de 41 ans) - https://fr.wikipedia.org/wiki/Jean-Jacques_Rousseau




Vậy thời, theo thiển ý của em, bác và cụ Phan Chu Trinh đều mắc một cái lỗi giống nhau, nó làm cho sự nghiệp của cụ Trinh thất bại, còn bác thì vẫn còn hoang mang mãi ! Không sao, không sao, ông Rousseau ổng cũng lạc lối giống y như bác ấy, nhưng mà sự nghiệp của ổng vẫn lỗi lạc như thường ! Bởi cái điều quan trọng hơn cả là ta trình bày tư tưởng của ta, và lắng nghe tư tưởng của mọi người, chứ không phải là ta lúc nào cũng chỉ nói toàn điều đúng, phán như thánh phán !

Thế bác thử suy nghĩ xem ông Phan Chu Trinh kém ông Hồ Chí Minh ở chỗ nào, rồi em nói cho bác biết ?


Ấy là, ông HCM ông ấy rất quan tâm, tâm huyết với việc phát triển phụ nữ, trong khi mà, em đã thử đọc kha khá trước tác của cụ PCT, thì em chưa thấy chỗ nào cụ ấy nói là phải ưu tiên phát triển phụ nữ cả. Thật là đáng tiếc, và tất cả thế kỷ 20 của chúng ta, trí thức Việt Nam đã không thực sự lưu tâm đến điều này. Ông HCM đã rất nỗ lực, xoá mù chữ, giao quyền cho phụ nữ, phụ nữ ta được đi bầu từ năm 1945, tức là trước cả phụ nữ Pháp. Nhưng trong giới trí thức, những cái đầu óc Khổng tử lạc hậu (như bác) họ đã không cố gắng nhiều trong vấn đề này đâu.

Ông PCT ông ấy muốn khai dân trí, mà ông ấy lại không kêu gọi, khuyến khích phụ nữ học tập. Lẽ ra ổng phải "khai dân trí" phụ nữ trước tiên ! Chính ông Rousseau, mà mọi người cho là coi thường phụ nữ, vì ông ấy muốn giáo dục cô Sophie chỉ để chăm bẵm cho anh Emile thôi, thì ông ấy cũng đã nói, trong một tác phẩm khác, là nếu chúng ta muốn giáo dục nên những người đàn ông cao quý, thì chúng ta phải giáo dục cho phụ nữ biết thế nào là sự cao quý của tâm hồn (grandeur d'âme, hình như là ở trong Discours sur l'inégalité). Nghĩa là, ông ấy muốn rằng chúng ta phải giáo dục phụ nữ, để phụ nữ họ giáo dục đàn ông :-)

Ông Descartes, khi ông ấy viết cuốn Discours de la méthode, thì ổng đã dùng tiếng Pháp (hồi đó là ngôn ngữ bình dân) để viết, chứ không phải dùng tiếng latin bác học, vì ông ấy muốn cho phụ nữ cũng đọc được tác phẩm ấy. Và bác cứ nghiệm lời em nói mà xem, tất cả những vĩ nhân, những nhà khoa học lớn, mà họ tử tế với phụ nữ, thì họ đều có sự nghiệp rất lỗi lạc. (Lão Einstein đối xử rất tồi với phụ nữ và người ta nói rằng ông này đã cướp công trình của vợ để đoạt giải Nobel đấy ! Đừng nghe lời hắn !) Đối với em, thái độ đối xử với phụ nữ chính là lửa để thử vàng. Bác thử nhìn xung quanh mà xem, anh nào đối xử tồi với vợ, khinh bỉ chèn ép họ, thì sự nghiệp của anh ấy không ngóc đầu lên được ! Tương tự, bọn nào chỉ ưa phụ nữ ngu xuẩn, ít học, yếu ớt, dối trá, thì bọn hắn chọn hoa hậu đéo ra sao cả và làm cho cả nước cứ chúi nhủi, tăm tối mãi !

(còn tiếp)

(Đoạn sau em muốn nói là phụ nữ họ biết cách áp dụng những tư tưởng thuần tuý lý thuyết vào thực hành và thực tế ! )



Bác Tương Lai, em nói tiếp !

(Nếu mà bác chịu khó trả lời em, thì em sẽ còn nói nữa :-) )

Vậy là, em đang nghiên cứu xem ở Việt Nam mình, trong suốt thế kỷ 20, có những nhân vật trí thức nào là rousseauistes (người theo trường phái Rousseau), thì tịnh không thấy một ai cả, em buồn quá, huhu ! (Ông Nguyễn An Ninh ổng cũng chỉ dịch chút xíu cuốn Contrat social thôi !) ! Là bởi vì ở Nhật Bản, từ thời Minh Trị, ở Trung Quốc, từ cuối thế kỷ 19, người ta đã dịch và nghiên cứu Rousseau rất nhiều rồi. Thế mà ở ta, không có ai cả, em buồn quá, trí thức nước mình lười quá, ít học quá, kém tri thức quá, đúng là họ không có lao động trí óc gì cả, cho nên nghe GS NBC định nghĩa về trí thức "là người lao động trí óc", thì họ bèn bị chạm nọc, nổi xung lên, chửi ổng tơi bời !

Em đã rất hy vọng ở các ông Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh, vì thời các ông ấy làm phong trào Đông Du, các ông ấy có sang Nhật Bản và thời ấy (khoảng 1906), Nhật Bản và Trung Quốc đang nghiên cứu Rousseau tưng bừng ("Khế ước xã hội" hay là "Dân ước" được xuất bản lần đầu ở Trung Quốc vào năm 1898, ở Nhật thì từ năm 1882 lận và thậm chí là trước đó, với các bản viết tay). Ông Phan Bội Châu còn có liên hệ mật thiết với ông Lương Khải Siêu được coi là một trong những nhân vật rousseauiste lớn của Trung Quốc ! Thế mà bác xem, ông PBC không nói một lời nào về Rousseau, mà ta nghe nói rằng là ông ấy thần tượng các nhân vật Thích Ca Mầu Ni, Lénine và Tôn Trung Sơn của Trung Quốc ! Em đọc đến chỗ ấy thì em chán quá, sao lại thần tượng tả pí lù như vậy ? Thần tượng tùm lum như vậy thì có mà rối cả óc lên, trách chi phong trào Đông Du của cụ thất bại !


Thế là em lại tiếp tục tìm hiểu về ông Phan Châu Trinh, nghe nói là ổng có đọc Rousseau và Montesquieu, nhưng cũng không nghe ông ấy nói đến các ông này ở đâu cả (em có đọc những bài viết chính trị của ổng được dịch sang tiếng Anh, ong cả thủ !). Chắc là cũng có đọc thật, vì thấy ổng có vẻ tiến bộ hơn cụ PBC một tí :-)

Thế mà bác biết không, thời ấy dân ta đang sống dưới chế độ thực dân Pháp chiếm đóng, nên trí thức ta đều nói tốt tiếng Pháp cả (nghe họ khoe khoang như vậy !), thế mà họ không hề đọc những nhà tư tưởng lớn của phương Tây ! Thế thì họ đọc gì cơ ? Thế mà họ dám tự coi mình là trí thức ư ?


Cái đó, bên Tây có một từ rất nặng gọi là những kẻ "imposteur", nghĩa là những kẻ mạo danh, giả danh đấy ! Bác thử tưởng tượng xem, một ông nha sĩ giả danh, mà bác rơi vào tay ổng, thì bác sẽ ra sao ? Còn cả nước ta phải chịu đựng những trí thức giả danh, thì số phận đất nước, nhân dân sẽ như thế nào ? Thật cũng không cần phải có tài tiên tri mới đoán được !


Suy đi nghĩ lại thì em thấy là ở Việt Nam cuối thế kỷ 19 có cái phong trào Cần Vương nó kéo dài khá lâu. Mặc dù các bác thấy nó là hay, nhưng đó là phong trào của các vị văn nhân ủng hộ chế độ quân chủ phong kiến.  Tức là các vị ấy rất bảo thủ và các vị ấy nhất quyết ngăn cản Việt Nam tiến bộ mở mang, và hồi đó thì thế lực của các vị ấy vẫn còn rất mạnh. Cho nên khi ấy Việt Nam đã đánh mất cơ hội được tiếp xúc với các tư tưởng lớn của phương Tây, cho nên xã hội ta thua kém Nhật Bản rất nhiều là vì vậy !

Vậy thì dưới thời Pháp thuộc đã thế, sau này khi đã giành độc lập rồi, thì trí thức ta chắc lại còn tệ hơn, vì họ không nói tiếng Pháp nữa. Ở trong miền Nam thì họ dùng tiếng Anh, nhưng mà đã nghiên cứu Khoa học xã hội nhân văn thì phải đọc những nhà tư tưởng lớn của Pháp. Nói chung dân miền Nam cũng chỉ hơi kha khá hơn một tí (chưa có gì đáng vênh vang, khoe khoang cả !). Ngoài Bắc thì họ dùng tiếng Nga, tiếng Trung Quốc, tức là cũng vẫn không đọc trực tiếp tác phẩm bằng tiếng Pháp, mà phải qua trung gian một ngoại ngữ khác. Và nói chung theo quan sát của em thì tình hình chỉ có ngày một tồi tệ đi, bởi vì dân ta, trí thức ta không rành ngoại ngữ nữa, mà không có ngoại ngữ, thì không thể nào tiếp cận kho tàng tri thức của nhân loại được.


Khi mà họ không đọc những tư tưởng lớn của thế giới, thì đầu óc họ không được mở mang nữa, và tư tưởng sẽ rất hẹp hòi. Em chỉ cần thấy một vị tự xưng là "đại trí thức" mà lòng dạ hẹp hòi, áp đặt, thì em biết ngay đấy là một vị mạo danh, chẳng có học hành gì cả ! Đại để là cũng có học dối học dá, học mót, học quơ quào tí chút mà thôi ! Thế mà lại mang danh trí thức ấy đi dạy dỗ, áp đặt cả thiên hạ, thì đúng là dân ta phúc đức kém thật !

Vậy em hỏi bác chứ, trong tình cảnh mà trí thức ta như vậy, thì tất nhiên là Cộng Sản, ít nhất là họ còn có lương tri, có sức mạnh, có ủng hộ cho nữ quyền, thì họ phải thành công, phải nắm quyền thôi ! Cái đó gọi là họ có "chính nghĩa", trong khi mà đám trí thức mạo danh thì họ có thể có danh vọng, có tiền, vv. nhưng nhất định là họ không thể có chính nghĩa được. Và em tin tưởng rằng, chính là vì Cộng Sản họ khuyến khích phát triển phụ nữ, cho nên họ đã tạo ra tiến bộ xã hội đấy, bởi vì chắc chắn là xã hội Việt Nam đã tiến bộ hơn thời phong kiến thực dân, điều ấy thì không thể nào phủ nhận được (thành tích xoá mù chữ của họ chẳng hạn !)

Cho nên là, bác Tương Lai à, bác là một trí thức Cộng Sản, em nghĩ vậy, thì lẽ ra bác phải tiếp tục con đường tri thức của bác để ủng hộ và phát triển nữ quyền. Nhưng em nghĩ là xuất thân hoàng tộc của bác, mặc dù là cũng rất quý tộc thôi, nhưng mà chắc chắn là bác có chịu cái ảnh hưởng quân chủ phong kiến của gia đình. Cho nên bác cứ bơi giữa hai dòng nước, bị dòng đời xô quật mãi. Âu đó cũng là cái số phận của người trí thức. Nhưng bác chờ em tí khi nào rảnh thì em viết tiếp nghen !

(còn tiếp)


Thưa bác Tương Lai,

Em trở lại với ý tưởng "Khai dân trí, chấn dân khí..." của cụ Phan Chu Trinh.

Em đã từng nói rằng là em thấy cái ý "hậu dân sinh" lẽ ra nó phải được đặt lên trước chứ không phải để sau cùng. Việc chăm sóc sinh kế của dân này, cho đến giờ này, nó thuộc về phụ nữ. Chúng ta phải ưu tiên phụ nữ trước, còn các việc "khai dân trí", vv. thì từ từ tính tiếp. Mới đây em có đọc một cái nghiên cứu nói rằng là việc phụ nữ làm việc nhà là rất quan trọng, không có nó thì kinh tế thế giới sẽ sụp đổ ! Em mới bảo, đúng quá chứ còn gì nữa ! Một gia đình có tồn tại được hay không là do bà mẹ chăm chỉ đảm đang nuôi nấng chăm sóc cả gia đình. Thế mà có lắm anh học hành cũng chí tử rồi mà vẫn không hiểu ra được điều ấy, vẫn tưởng là vợ làm nội trợ thì tức là không làm gì cả, chỉ ăn bám mình !

Nhưng nói vậy không có nghĩa là chỉ khuyến khích phụ nữ làm nội trợ ! Ngược lại, chúng ta phải khuyến khích họ học tập, tiến bộ không ngừng, để mà dạy bảo con cái ! Ông Rousseau ổng cũng nói rằng là, một ông đại quý tộc mà đi thuê một anh đầy tớ về dạy con, thì sẽ chỉ giáo dục nên một tên đầy tớ, đại ý là như vậy ! Giao con cho osin nuôi thì con mình nó sẽ thông minh giống osin chứ hổng giống mình ! Cho nên là người mẹ phải được học hành, trau dồi không ngừng.
Như vậy thì bà ấy mới dạy được con học hành, đặng mở ra cái sự "khai dân trí" !

Bác muốn "khai dân trí" thì bác phải ra sức kêu gọi phụ nữ học tập, phát triển, ít nhất là phải đọc sách, như là người Do Thái ấy ! Người Do Thái họ có truyền thống giáo dục phụ nữ, phụ nữ của họ được học chữ, được khuyến khích học tập trong suốt cả lịch sử của dân tộc họ, cho nên họ mới giỏi giang vượt bậc hơn các dân tộc khác !

Trong học tập thì cái sự giản dị, rẻ tiền nhất là đọc sách !  Sách gì cũng được, miễn thấy thích đọc là tốt rồi ! Nhưng sẽ còn tốt hơn nếu ta đọc sách hay ! Cho nên em mới nói là nếu mà em (và Nhị Linh) dịch Rousseau toàn tập thì điều đó sẽ làm thay đổi hoàn toàn đầu óc, tư duy của dân Việt Nam đấy. Đó là vì ông Rousseau ổng suy nghĩ về con người, về những giá trị cơ bản của con người, về đời sống xã hội, vv. rất là nhiều. Và ổng viết rất hay, đọc rất thú vị, nhiều lúc rất là tức cười, chứ không phải là nghiêm trọng đại như khi các bác nghĩ về ông ấy đâu ! Ví dụ như ổng kể chuyện, hồi cuối đời, lúc ổng bị một tai nạn nặng (bị xe ngựa tông trúng), mọi người, kể cả vua và hoàng hậu, đều tưởng là ổng chết rồi ! Thế là các kẻ thù của ổng, nhất là bọn báo chí, bèn ra sức viết bài bêu xấu, trả thù ổng :-D :-D


Và để kết luận, thì em thấy là, do dân mình, và đặc biệt là trí thức của mình, không đọc được các tác phẩm lớn bằng ngoại ngữ nữa, thì ta phải tuỳ cơ ứng biến, "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài",  "đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy", thì ta phải dịch những tác phẩm lớn ấy ra tiếng Việt. Không phải ai cũng dịch được những tác phẩm ấy, phải là dân nghiên cứu thứ thiệt, chứ không thì cho cụ ông ung thư tử cung là chuyện thường (tại vì một anh trai tơ thì tất nhiên là ảnh không biết tử cung là cái gì !) ! Cho nên các bác mà hỗ trợ cho em để em cùng đồng nghiệp làm việc dịch thuật ấy, thì là việc đáng đồng tiền bát gạo đấy ! Các bác định làm cách mạng 4.0, mà các bác lại không đầu tư cho phụ nữ, để họ "khai dân trí, chấn dân khí" cho, thì làm thế nào mà các bác thành công được ? Dân của các bác cứ yếu ợt ra, trí thức của các bác cứ lười biếng, trì độn, ì ra không chịu học hành, đọc sách, trau dồi gì cả, thì chúng chả học được cái gì sất ! Văn cũng không mà toán lại càng không ! Thế mà thù trong giặc ngoài lúc nào cũng sùng sục đe doạ, lúc ấy chỉ muốn được yên lành ngả cái mê nón dưới gốc đa mà ăn mày, thì liệu chúng có để yên cho mà làm không ?

Ủng hộ phụ nữ, và dịch sách tưng bừng để khai dân trí, bác Tương Lai ạ ! Em thấy việc nó cũng đơn giản vậy thôi mà ! Ở nước Pháp cuối thế kỷ 19 người ta bắt đầu dốc sức giáo dục phụ nữ, cho nữ giới đến trường, là vì họ nhận ra rằng phụ nữ họ rất giỏi trong việc phổ biến (vulgarisation) kiến thức (khoa học) cho trẻ con. Và nói chung là, đàn ông các bác thường là có những suy nghĩ trừu tượng, và khi mà phụ nữ họ hiểu được những ý tưởng ấy, thì họ biết cách ứng dụng nó vào trong thực tế ! Cho nên là các bác nam giới cứ việc mà ngồi suy nghĩ ra đủ thứ học thuyết, dự án... để mà làm cho khoa học phát triển. Nhưng nếu các bác muốn ứng dụng chúng thành công, thì các bác không thể bỏ qua vai trò của phụ nữ (bài học gương tày liếp của cụ Phan Chu Trinh đấy !)

Em hy vọng em nói ít mà bác hiểu nhiều ! :-) Kính chúc bác luôn được vui khoẻ, phong độ, dấn thân, luôn để ý giúp đỡ cho nữ giới chúng em với !

PLS nay kính !

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire