dimanche 3 juillet 2016

Lá đỏ - Nguyễn Đình Thi



Résultat de recherche d'images pour "montagne en automne"
http://pulsmail.com/~wallpaper/details.php?image_id=3502&sessionid=34f50528b0f4cb62a56324fb874d37b9

Xin kính chào các bác !

Mấy bữa nay, tôi nghe bài "Lá đỏ" do Kiều Hưng hát, mà người bừng bừng run rẩy, giai điệu cứ ngân mãi ở trong đầu. Thường thì với tâm trạng như vậy, tôi phải viết một bài bình luận phân tích (un commentaire composé) dài, thì mới lắng xuống được.

Nhưng tôi cũng vẫn còn giữ thói quen cái hồi còn viết luận văn, là phải có điều kiện thuận lợi, yên tĩnh, sức khỏe, nội lực, bút lực mạnh, thì tôi mới viết được. Thành ra tôi cứ ngập ngừng mãi. Thôi thì tôi cứ thử xem sao, mời các bác theo dõi :-) Tôi đặt tựa đề bài luận của tôi là "Sự mong manh của tâm hồn người nghệ sĩ".

Bài "Lá đỏ" này tôi nghe từ lâu rồi, cũng có chú ý vì thấy hay, và để ý đến câu thơ "Em đứng, đứng ở bên đường/ Như quê hương, vai áo bạc quàng súng trường." Đến bây giờ mới biết là thơ của Nguyễn Đình Thi, và khi nghe cả bài, lại do Kiều Hưng hát, thì mới thấy tất cả vẻ đẹp của nó.


Lá đỏ

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ.
Em đứng, đứng ở bên đường
Như quê hương, vai áo bạc quàng súng trường.

Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trong trời lửa.
Chào em ! Em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương,
Hẹn gặp nhé… giữa Sài Gòn!


Trước tiên, phải nói đến giọng hát Kiều Hưng. Giọng hát có một độ rung rất là tinh tế, khiến cho nó đặc biệt truyền cảm. Tôi đã nghe thử lại cũng bài này do nhiều người khác hát, thì không tìm được cảm xúc như vậy. Tôi cũng có tìm hiểu về cuộc đời của ông ấy, những đoạn băng ghi hình phỏng vấn ông ấy, thì tôi cảm thấy rằng ông ấy thực sự là một nghệ sĩ lớn. Chán cho các bác Cộng sản đã để cho một giọng ca huyền thoại như vậy phải lưu lạc và tắt tiếng suốt bao nhiêu năm ! Nhưng ngay cả khi ông ấy còn đang ở đỉnh cao phong độ, và trong suốt cả cuộc đời của ông ấy, thì ông ấy luôn cho tôi một cảm tưởng rằng ông ấy là một nghệ sĩ lưu lạc, ngay trong cuộc đời của mình, trong gia đình, trong đất nước và cộng đồng của mình. 

Ông Nguyễn Đình Thi cũng thế. Bài thơ này cũng thế. Và có thể là vì như vậy mà sự kết hợp của hai tài hoa nghệ sĩ đã khiến cho bài hát này rất đặc biệt, tha thiết lạ thường, gần như là bi thảm.

Tôi mời các bác đọc bài thơ (không có nhạc). Khổ thơ đầu của bài thơ tả cảnh núi rừng Trường Sơn vào mùa "ào ào lá đỏ". Hoàn cảnh là một người lính đang hành quân và nhìn thấy một cô gái chiến sĩ đứng ở bên đường. Khổ thơ thứ hai tiếp nối việc tả cảnh với câu thơ "Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa". Chúng ta thấy là quan sát và miêu tả rất mạnh về hình ảnh, thị giác. Quang cảnh là một mảng màu đơn sắc đỏ (un camaïeu rouge), với màu đỏ của lá rừng Trường Sơn, bụi đất đỏ Trường Sơn, bầu trời lửa (cảnh hoàng hôn hoặc/và cảnh chiến trận rực lửa). Bức tranh tinh tế cho ta thấy là có một người nghệ sĩ ở trong đoàn quân đang "bước đi vội vã" này.

Người nghệ sĩ đi lẫn trong đoàn quân, hòa mình vào họ và không có gì để phân biệt chàng với những người lính khác. Chỉ có mắt chàng không ngừng bao quát xung quanh, giữa cuộc chiến đỏ lửa khốc liệt của con người, chàng vẫn phân biệt được vẻ lộng lẫy êm đềm của tự nhiên trong màu lá đỏ, hay là bầu trời hoàng hôn.  

Bài thơ dường như không có âm thanh, hoặc là âm thanh rất nhẹ và lẩn khuất. Tiếng lá đổ ào ào không ngừng nên gần như không còn gây chú ý nữa, tiếng gió còn khó nhận biết hơn. Tiếng chào của người lính, nhưng cũng có thể đó là tiếng chào lặng lẽ trong tâm khảm của chàng chứ không thốt nên lời. Kiều Hưng đã thể hiện tuyệt vời điều này khi ông hát "Chào em, em gái tiền phương, ơi em gái tiền phương..." Từ "em gái" vút rất cao hai lần, gần như lạc giọng và vì vậy mà nó phi thực. Ta tự hỏi là chàng đã có thật sự cất lời chào không, hay chỉ là tiếng thét trong lòng.


Đừng quên rằng Nguyễn Đình Thi còn là một nhạc sĩ (dù nhạc của bài hát này không phải là của ông, mà là của Hoàng Hiệp). Đôi tai của ông chắc hẳn là rất nhạy cảm với âm thanh. Nhưng trong các bài thơ của ông, âm thanh thường chỉ là một nét rung rất nhẹ như một sợi dây đàn, thính giác nhường chỗ cho thị giác, tâm hồn choáng ngợp ngây ngất bởi cảnh tượng lộng lẫy huy hoàng.

Sáng mát trong như sáng năm xưa
Gió thổi mùa thu hương cốm mới
Tôi nhớ những ngày thu đã xa
Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội
Những phố dài xao xác hơi may 
Người ra đi đầu không ngoảnh lại 
Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.
(NĐT, Đất nước)

Cảnh tượng trong bài "Lá đỏ" giống như trong một bộ phim không có âm thanh (nhưng dường như âm thanh vẫn cuồn cuộn trong lòng chàng). Đôi mắt thi sĩ/họa sĩ tìm kiếm vẻ đẹp trong sự tĩnh lặng. Chàng nhìn thấy vẻ rực rỡ và mãnh liệt của cảnh vật, và nơi người con gái đứng bên đường. Đó hẳn là một người con gái đẹp, bộ quân phục không giấu đi vẻ tươi trẻ khỏe khoắn của nhan sắc của nàng. Nàng đứng lặng yên nhìn chàng, "vai áo bạc quàng súng trường", bình thản và ẩn giấu sức mạnh.


Dường như đây là bản gốc của bài thơ của NĐT :

Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Ðoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhoà trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhau nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy cười đôi mắt trong.

(Trường Sơn, 12/1974 - http://baicadicungnamthang.net/tu-lieu/xin-ep-chat-chiec-la-do-trong-trai-tim-minh-512.html)



(còn tiếp)

Để cho khỏi quên, phần tiếp theo của tôi gồm có : cái nhìn của người nghệ sĩ, sự rực rỡ và mãnh liệt của vẻ đẹp, tính chất an ủi của cái đẹp, sự cô đơn và lưu lạc trong một vẻ ngoài đồng điệu, tâm hồn trần trụi và mong manh của người nghệ sĩ.

http://baicadicungnamthang.net/bai-hat/la-do-2827.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire