Những đoạn video clip mà BBC được
xem hôm thứ Sáu cho thấy cảnh sát và các nhân viên cứu thương Đài Loan
đã bỏ mặc một người Việt mà không cấp cứu.
Lao động nhập cư bỏ trốn này đã bị bắn nhiều phát và nằm trong vũng
máu suốt nửa tiếng đồng hồ trong lúc nhóm y tế lo chữa trị cho một nhân
viên chính phủ bị thương nhẹ.Nguyễn Quốc Phi, 27 tuổi, sang Đài Loan từ nhiều năm trước theo hợp đồng làm việc trong nhà máy.
Tuy không mang theo vũ khí gì, nhưng ông đã bị một cảnh sát từ Hạt Hsinchu, gần Đài Bắc, bắn chín phát rồi tử vong hôm 31/8/2017 sau khi cảnh sát này và một nhân viên chính phủ tới hiện trường nơi được cho là có xảy ra vụ trộm xe.Các hình ảnh video do camera gắn trên chiếc xe hơi cứu thương đầu tiên tới hiện trường cho thấy ông Phi đã bị bắn, nằm bên cạnh chiếc xe cảnh sát, nhưng nhân viên cảnh sát nói nhóm cứu thương hãy tránh ra bởi ông ta cảm thấy người bị thương vẫn chưa chịu khuất phục hoàn toàn.
Bỏ mặc không cấp cứu
Người lao động nhập cư không có vũ khí trong tay và bị thương quá nặng, không thể đứng lên. Ông ta bò dưới chiếc xe, trốn dưới đó, rồi bò ra, ném một hòn đá nhưng không nhắm vào ai và cũng không ném mạnh. Ông ta khi đó trông đã rất yếu.Sau đó, ông ta cố mở cánh cửa xe, có vẻ như để tìm cách vào xe vào tự bảo vệ mình. Vào thời điểm đó, viên cảnh sát bước tới, dùng gậy đẩy ông ta ra rồi khóa cửa xe lại.
Người lao động nhập cư sau đó nằm dưới mặt đất. Chiếc xe cứu thương đầu tiên tới nơi đã được khoảng 5 phút, nhưng không làm gì để cấp cứu cho người bị thương.
Thay vào đó, nhóm các nhân viên y tế chữa trị và đưa đi một nhân viên chính phủ bị thương nhẹ, bỏ mặc người lao động nhập cư nằm hấp hối trong vũng máu.
Khi được hỏi vì sao không cấp cứu người nhập cư, một nhân viên y tế họ Chen từ trạm cứu hỏa Hsinchu nói với BBC:
“Viên cảnh sát nói với chúng tôi là không tới gần… Nhỡ ra ông ta (người nhập cư) đột nhiên nổi điên và làm điều gì đó thì sao? Và bởi ông ta chưa bị còng tay, cho nên chúng tôi không thể làm gì.”
Chỉ cho tới khi chiếc xe cứu thương thứ hai tới nơi sau đó nửa tiếng, người bị thương mới được cứu chữa. Tuy trông ông gần như không còn sức sống nhưng cảnh sát khi đó vẫn còng tay ông.
Ông Nguyễn Quốc Phi được xác định đã tử vong khi được đưa tới bệnh viện.
Lao động nhập cư bỏ trốn bị coi như tội phạm?
Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Đài Loan nói ông Phi đã tấn công người cảnh sát và viên chức chính phủ khi họ tìm cách chặn việc ông phá hoại và ăn trộm một chiếc xe hơi. Họ nói ông đã đấm vỡ mũi, thâm tím mặt mày viên chức chính phủ, và khi bị viên cảnh sát dùng hơi cay để khống chế ông ta đã chạy tới một cái mương gần đó, rửa mắt và rồi nhặt gạch đá ném về phía hai người đang tìm cách bắt giữ ông.Cảnh sát nói người lao động nhập cư đã tìm cách vào trong xe tuần tra của cảnh sát, và rằng khi nhân viên cảnh sát bắn chín phát thì đã có sáu viên đạn trúng vào ông Phi.
Hôm thứ Sáu 15/9, đã có một cuộc biểu tình nữa được tổ chức. Cha của người thiệt mạng, ông Nguyễn Quốc Đông gần đây đã sang Đài Loan, và trong cuộc biểu tình này ông kêu gọi chính phủ và cảnh sát Đài Loan hãy tiến hành điều tra đầy đủ.
“Tôi chỉ có một yêu cầu: Chính quyền Đài Loan cần phải nói rõ điều gì đã xảy ra và tại sao,” ông Nguyễn Quốc Đông nói.
Ông và những người có mặt tại cuộc biểu tình, trong đó có các nhóm nhân quyền và các nhóm bảo vệ quyền của người lao động, nghi ngờ về câu chuyện của cảnh sát.
“Tôi không tin việc cảnh sát nói con trai tôi tìm cách đánh cắp xe hơi. Con tôi thậm chí còn không biết lái xe,” ông nói. “Tôi cho rằng đây là việc sử dụng vũ lực quá mức.”
Cơ quan giám sát thuộc chính phủ Đài Loan, Control Yuan đã quyết định tiến hành điều tra xem chuyện gì đã xảy ra.
Các nhà hoạt động và các di dân nói rằng việc lao động nhập cư bỏ trốn liên quan tới những khoản phí ‘cắt cổ’ mà Việt Nam và Đài Loan để cho các khâu trung gian môi giới thu của người lao động.
Những người phát biểu tại cuộc biểu tình hôm thứ Sáu cũng chỉ trích việc chính phủ và các cơ quan thực thi pháp luật Đài Loan thường đối xử với các lao động bỏ trốn như những tội phạm.
Lao động đến từ Việt Nam chiếm tỷ lệ lớn trong những người nhập cư bỏ trốn. Họ thường phải trả các khoản nợ trong suốt thời gian một đến một năm rưỡi đầu tiên sang làm hợp đồng tại Đài Loan, các nhà hoạt động nói.
Ông Nguyễn Quốc Phi đã bỏ trốn khỏi chỗ làm từ ba năm trước.
Người cha nói rằng lương của con trai ông rất thấp và bị trừ gần hết.
“Nếu như con trai tôi làm việc bên ngoài, chính quyền có thể dùng quyền lực của mình để làm điều gì đó, nhưng họ không thể đối xử với một người theo cách này. Chúng tôi tới đây để đi tìm công lý,” ông Nguyễn Quốc Đông nói.
BBC