dimanche 13 juillet 2014

VIỆT NAM LẤY GÌ ĐỂ ĐỐI TRỌNG VỚI TRUNG QUỐC?

PLS : Đọc bài trên mạng của tác giả Việt hiếm khi được một bài vừa sáng suốt vừa giàu lương tri như bài này, khiến tôi cũng tò mò về tác giả. Các bài mới đây của ông Vũ Khoan về Hiệp Định Genève và bài của ông luật sư Nguyễn-Lê Hà nào đấy trên báo Bô xít là những bài dở, mặc dù bài của ông thứ hai tên nghe rất kêu. Các bác nên suy nghĩ kỹ chớ có vội nghe theo mà phải họa.

Bài của ông Vũ Khoan dở vì nó cho thấy là ông ấy luôn nhìn lại và khám phá ra những điều mà trước đây ông ấy không hiểu. Đấy cũng có thể là một điều hay, nhưng như vậy chưa chắc là suy luận hiện tại của ông ấy không sai. Rất có thể là trong tương lai, ông ấy lại "à", "ồ" là sao ngày nay mình chưa hiểu ra điều này, điều nọ. Chưa kể là đoạn ông ấy suy luận về Trung Quốc muốn chia cắt đất nước ta làm hai miền là sai ! TQ muốn cả Việt Nam, nếu không được thì chúng đành chịu chiếm được ít nhất là một nửa thôi, rồi từ từ chiếm nốt phần còn lại. Chứ chúng muốn chia VN làm hai, giành phần ngon cho Mỹ, làm quái gì?


Bài của ông Nguyễn Lê-Hà dở vì ông ấy tham sân si quá, những người như vậy thường hay bị tối mắt. Tôi đồng ý rằng giàn khoan TQ đúng là cơ hội vàng cho Việt Nam để thoát khỏi việc mất trắng Hoàng Sa, và Trường Sa (nếu không thì các bạn thân Tàu ăn tiền của chúng nó đẫy họng ra cũng không bao giờ chịu mở miệng đâu, nhưng bây giờ thì hết giấu nổi nhé !). Nhưng lại muốn VN giành lại ngay lập tức chủ quyền hai quần đảo ấy thì lại tưởng bở quá ! Đã ngu lâu như vậy bây giờ sửa chữa hậu quả thì cũng phải từ từ chứ, dễ gì làm ngay được? Điều quan trọng nhất, mà ông tướng Pháp đã nói, là phải chặn đứng cái đường lưỡi bò nhiều đoạn ấy, thì ông luật sư dở lại nói là không động tới, nghe cứ như luận điệu của một lão Tàu thứ thiệt ấy.


Trừ phi là ông ấy muốn cùng các con trai luật sư của ông ấy giành làm vụ kiện, chẳng biết có được béo bở không, nhưng làm những việc quan trọng như vậy mà lại hám lợi cá nhân thì khó thành công lắm.

Cho nên thưa các ông giáo sư, luật sư, bác sĩ, trí thức... trừ khi các ông muốn nổ to để lòe bịp thiên hạ, không thì tôi xin các ông nói năng cho nó dè dặt, cẩn trọng, các ông phải biết là các ông nói sai, suy luận kém, thì gây tai họa nhiều hơn người thường. Tôi biết khối kẻ muốn lợi dụng danh nghĩa tiếng tăm của bản thân cũng như của người khác, để mà mau chóng ngoi lên làm hại thiên hạ. Chỉ có người nào lao động cần cù trung thực thì mới có giá trị thôi các ông ạ !


Để chắc ăn, thì ta cứ phải làm thử trước, rồi rút kinh nghiệm làm tiếp lần sau. Để chắc thắng kiện, thì trước tiên ta phải làm vài vụ kiện nhỏ, vừa làm vừa chuẩn bị cho vụ kiện lớn. Chứ cứ làm kiểu được ăn cả ngã về không như là đi đánh bạc ấy thì tôi đếch làm !

VIỆT NAM LẤY GÌ ĐỂ ĐỐI TRỌNG VỚI TRUNG QUỐC?

Vương Trí Dũng
1. Nếu Trung Quốc tấn công Việt Nam, sẽ không có nước nào mang quân đến để giúp Việt Nam chống Trung Quốc. Ngay cả khi Việt Nam có liên minh quân sự, thì đồng minh quân sự của Việt Nam cũng sẽ không mở mặt trận thứ hai, mà sẽ hạn chế chiến tranh cục bộ ở khu vực xảy ra giao tranh.
2. Bản thân Trung Quốc cũng không dám mở một cuộc chiến tranh tổng lực đánh chiếm Việt Nam, mà chỉ có thể là một cuộc chiến tranh cục bộ. Trong trường hợp Việt Nam có liên minh quân sự, Trung Quốc sẽ không dám gây ra một cuộc chiến tranh. Vạn bất đắc dĩ liều lĩnh, Trung Quốc có thể gây ra một xung đột cục bộ nhỏ. Trong trường hợp này Trung Quốc phải tự giới hạn phạm vi và thời hạn xung đột, và sẽ tìm cách thông báo trước mục tiêu giới hạn của Trung Quốc để liên minh quân sự của Việt Nam không mở rộng và leo thang chiến tranh. Bởi mở rộng thành một cuộc chiến tranh tổng lực của cả hai phía trong thời đại ngày nay sẽ đem đến những thảm khốc khôn lường cho tất cả.

3. Điều Việt Nam quan ngại Trung Quốc, không phải là một cuộc chiến tranh cục bộ, cũng không phải là một cuộc chiến tranh tổng lực, mà là một cuộc chiến tranh hạt nhân. Với chính thể độc tài như Mao Trach Đông và những kẻ nối dõi, vào bước đường cùng, hay vì một lý do điên rồ nào đó, họ có thể đang tâm mang đến một thảm họa hạt nhân.
4. Bởi vậy, để đối phó với sự liều lĩnh cuối cùng của lãnh đạo Trung Quốc,Việt Nam cần có một chỗ dựa hạt nhân. Điều mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã phải đề phòng và đã làm được khi có liên minh quân sự với Mỹ.
5. Trước khi đi đến sự liều lĩnh cuối cùng, Trung Quốc cũng sẽ không muốn để chiến tranh tổng lực xẩy ra, cũng không muốn tiến hành một cuộc chiến tranh cục bộ, thậm chí cũng không muốn có một cuộc xung đột vũ trang tiểu cục bộ. Trung Quốc chỉ muốn dùng nguy cơ xung đột vũ trang để đe dọa chèn ép Việt Nam, bắt Việt Nam phải nhân nhượng từ bước này đến bước khác trong yêu sách lãnh thổ biển đảo, và sẽ lấn chiếm rồi khai thác tài nguyên thềm lục địa của Việt Nam. Việt Nam biết trước, là Trung Quốc sẽ tiến hành một chiến lược gia tăng chèn ép Việt Nam bằng đe dọa nguy cơ xung đột vũ trang. Để tránh nguy cơ xung đột vũ trang Việt Nam phải nhượng bộ dần đúng theo ý đồ tính toán trước của Trung Quốc. Vậy thì, Việt Nam có nhượng bộ mãi được không và cuối cùng thì Việt Nam phải đưa ra những con bài nào để cản trở sự chèn ép gia tăng của Trung Quốc?
6. Một mặt phải liên minh chặt chẽ với các nước mà Trung Quốc xếp loại là các đối thủ nguy hiểm cho Trung Quốc.
Theo cách đánh giá của Trung Quốc thì Mỹ là đối thủ chiến lược lâu dài số 1 của Trung Quốc.
Nga là đồng minh tạm thời, nhưng thực chất là đối thủ chiến lược lâu dài số 2 của Trung Quốc.
Nhật là “Kẻ thù” số 1 trực diện, nhưng là đối thủ chiến lược lâu dài số 3 của Trung Quốc. Vì ân oán lịch sử, Trung Quốc xem Nhật là “Kẻ thù” khó đội trời chung hơn cả Mỹ và Nga.
7. Mặt khác là một liên minh chính trị chặt chẽ với các nước xem Trung Quốc là đối thủ nguy hiểm trực tiếp của họ.
Đối với Nhật, trong ba nước Mỹ, Trung Quốc, Nga thì Mỹ là đồng minh chỉ còn lại Trung Quốc và Nga. Tuy Nga có vấn đề tranh chấp quần đảo Curin chưa giải quyết, song Nhật xem Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm trực diện nhất hơn là Nga. Chưa nói đến mối thâm thù lịch sử giữa hai nước.
Đối với Mỹ, Trung Quốc cũng là mối đe dọa tiềm tàng nguy hiểm số 1 chứ không phải Nga.
Đối với Nga thì trước mắt, trên bề mặt, Trung Quốc là đồng minh tạm thời, còn Hoa kỳ là đối thủ chiến lược số 1 trong cuộc cạnh tranh dành ảnh hưởng siêu cường. Nhưng thực chất về lâu dài Trung Quốc mới là mối đe dọa trực diện nguy hiểm số 1 cho Nga. Trong một cuộc thăm dò dư luận gần đây, người Nga đã trả lời Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm nhất của Nga chứ không phải là Mỹ.
Tuy không phải là cường quốc nhưng Philippines lại là nước bị Trung Quốc trực tiếp lấn chiếm biển đảo. Bởi vậy Trung Quốc là kẻ thù trực diện của Philippines. Với dân số 100 triệu người, còn đông hơn Việt Nam, và nhờ liên minh quân sự với Hoa Kỳ, Philippines là một đồng minh cực kỳ quan trọng của Việt Nam trong công cuộc chống sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Khối ASEAN không muốn đối đầu với Trung Quốc, nhưng cũng không muốn Trung Quốc ngang ngược chèn ép. Mặt khác ASEAN đang muốn nâng cao vai trò khu vực và quốc tế của mình, cho nên ASEAN buộc phải chứng minh giá trị tồn tại của ASEAN. Vì thế ASEAN phải thể hiện lập trường của mình trước sự ngang ngược của Trung Quốc.
Ấn Độ cũng là nước có mối thâm thù lãnh thổ với Trung Quốc. Và giới lãnh đạo Trung Quốc cũng xem Ấn Độ là rào chắn cản trở sự bành trướng lộng quyền của họ.
8. Đối với Việt Nam:
Trung Quốc đã và mãi mãi là mối nguy hiểm số 1. Mối đe dọa từ Trung Quốc là trực diện dài lâu vĩnh viễn.
Mỹ từng là kẻ thù của Việt Nam nhưng hiện nay không có mối đe dọa trực tiếp từ Mỹ. Khi khái niệm ý thức hệ bị loại bỏ thì Mỹ không nguy hiểm với Việt Nam mà còn có thể trở thành đồng minh chiến lược của Việt Nam.
Nga từng là đồng minh và về lâu dài khó có mối đe dọa trực tiếp từ Nga.
9. Liên kết với kẻ thù của kẻ thù là một binh pháp vĩnh cửu. Bởi vậy tổng hợp các đối thủ của Trung Quốc do Trung Quốc phân loại (Điểm 6) và các nước xem Trung Quốc là mối đe dọa nguy hiểm (Điểm 7) thì thấy rõ ngay liên minh chính trị và quân sự mà Việt Nam cần phải thiết lập.
Nhật Bản là nước đầu tiên Việt Nam cần phải thiết lập thành một đồng minh chiến lược. Nói chính xác hơn, cần phải xây dựng một liên minh đối trọng trực diện ngay để cản bước sự ngang ngược của Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông, trong đó Nhật Bản giữ vai trò quan trọng đặc biệt. Trong liên minh này cần có những nước bị Trung Quốc trực tiếp xâm chiếm lãnh thổ là Philippines. Đây là dãy rào chắn thứ nhất chống sự bành trướng Biển Đông của Trung Quốc.
Lớp rào chắn quan trọng thứ hai là Hoa Kỳ. Hoa kỳ là lá chắn vững chắc ngăn cản sự bành trướng ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Hoa Kỳ sẽ là chỗ dựa đá tảng cho các hành động cứng rắn chính nghĩa của khối liên minh do Nhật Bản tiên phong.
Lớp rào chắn thứ ba bao gồm khối ASEAN, Liên minh châu Âu, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và các đối tượng khác.
Với tư cách là một liên minh mới, có sự tham gia trực tiếp của Việt Nam, ASEAN không phải là chỗ dựa quân sự, nhưng là chỗ dựa chính trị sát sườn quan trọng của Việt Nam.
Liên minh châu Âu tuy “nước xa không dập được lửa gần” nhưng với tiềm lực kinh tế hùng hậu và nền dân chủ văn minh, cũng sẽ là đập tràn cản ngăn sự ngang ngược của Trung Quốc. Trong đó Pháp là nước có quan hệ lịch sử đặc biệt với Việt Nam, chính là nơi Việt Nam cần tìm sự ủng hộ, và sẽ được sự trợ giúp thích đáng cả về mặt quân sự. Đức là một cường quốc mà Việt Nam có thể tin cậy và người Đức đã từng dành cho Việt Nam những cảm tình đặc biệt. Nền dân chủ châu Âu là nơi Việt Nam có được sự ủng hộ trong hai cuộc chiến tranh cũng sẽ là nơi hậu thuẫn mạnh mẽ Việt Nam chống bá quyền Trung Quốc.
Xét mối lợi ích chiến lược Nga – Trung, nước Nga không còn là chỗ dựa hạt nhân cho Việt Nam được nữa. Nhưng mối quan hệ truyền thống trước đây, cũng như vì lợi ích dầu khí ở biển Đông và lợi ích quân sự, mà nước Nga sẽ phải dành cho Việt Nam những ủng hộ nhất định. Mối quan hệ nồng ấm với Nga sẽ hạn chế phần nào sự bạo ngược của Trung Quốc. Những nơi Nga tham gia khai thác dầu khí chính là ranh giới vững chắc mà Trung Quốc không thể xâm nhập. Bản thân Trung Quốc là đối thủ tiềm tàng của Nga nên Nga sẽ không để cho Trung Quốc tự do bành trướng.
Ấn Độ bị Trung Quốc xâm chiếm lãnh thổ nên đương nhiên là một đồng minh của Việt Nam. Hơn nữa trong tư cách cường quốc, Ấn Độ cũng muốn ghìm chân Trung Quốc.
Hàn Quốc có lợi ích kinh tế ở Việt Nam và sâu xa cũng nhiều mối thâm thù với Trung Quốc. Đó là nơi Việt Nam có được sự ủng hộ trực tiếp hoặc gián tiếp khi cần thiết.
10. Một đồng minh rất quan trọng khác của Việt Nam cản ngăn sự ngang ngược của lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, chính là lực lượng dân chủ của nhân dân Trung Quốc.
Một thể chế dân chủ ở Trung Quốc phù hợp với tiến bộ nhân loại không chỉ là thang thuốc hữu hiệu hóa giải sự đối đầu căng thẳng ở Biển Đông và biển Hoa Đông mà còn góp phần làm giảm sự đối đầu nguy hiểm trên toàn thế giới. Chừng nào một thể chế dân chủ chưa toàn thắng ở Trung Quốc thì ngày đó biển đảo Việt Nam sẽ mãi không một phút bình yên.
V.T.D.
Tác giả gửi BVN


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire