"Theo TS.BS Lê Quốc Hùng, nCoV chưa có thuốc đặc trị, vì vậy vừa linh hoạt nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ, vừa đảm bảo cho phòng ốc sạch sẽ, thoáng khí, có ánh nắng mặt trời. Hai bệnh nhân được súc họng bằng dung dịch sát khuẩn giảm tải lượng virus và giảm nhiễm khuẩn. Đây là điểm mới trong phác đồ điều trị dựa trên kinh nghiệm và bằng chứng khoa học về chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus. Các tài liệu nước ngoài và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa từng đề cập."
Bác sĩ Chợ Rẫy kể chuyện đối đầu dịch bệnh Covid-19
VOV.VN - Tết đoàn viên lại là lúc 30 y bác sĩ BV Chợ Rẫy bắt đầu bước
vào cuộc chiến cam go chống dịch Covid-19, với 2 ca mắc bệnh đầu tiên ở
Việt Nam.
Cuộc gọi đêm 28 Tết…
Giờ đây,
nhiều y bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) vẫn còn nhớ như in những
cả những giây phút đầu tiên của chiến dịch chống dịch Covid-19. Khi đó
là tối 22/1 - tức 28 Tết, cửa phòng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ
Rẫy ngập tràn không khí Tết. Các nhân viên y tế đang khẩn trương làm
việc và chuẩn bị tận hưởng kỳ nghỉ Tết bên gia đình. Bất ngờ, một cuộc
điện thoại gọi đến từ Hệ thống báo động bệnh truyền nhiễm. Sau đó, một
khu cách ly nghiêm ngặt gồm 6 dãy phòng với mức cảnh báo nguy cơ lây lan
cao nhất được nhanh chóng thiết lập.
Hai cha con
người Trung Quốc được chuyển gấp từ Bệnh viện Bình Chánh TP HCM xuống BV
Chợ Rẫy với triệu chứng sốt, trong đó người cha là ông Li Ding bị suy
hô hấp. Người này được ghi nhận đến từ Vũ Xương - Vũ Hán, nơi đang là
tâm điểm vùng dịch tễ của virus corona (sau đó được Tổ chức Y tế thế
giới (WHO) đặt tên là Covid-19). Nhưng ông này lại không tin mình bị
nhiễm virus Corona và cần cách ly nên không chịu hợp tác. Các y bác sĩ
phải thuyết phục rất lâu. Đêm đó, cả BV Chợ Rẫy gần như không ngủ. Các
bác sĩ nhanh chóng đưa mẫu bệnh phẩm qua Viện Pasteur TP HCM ngay trong
đêm.
Bộ đồ bảo hộ có thể khiến cơ thể mất 1 lít nước trong 30 phút đến 1 giờ đồng hồ, nhưng y bác sĩ có khi đã phải mặc kéo dài mấy giờ liền. |
TS.BS
Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới trăn trở là phải đảm bảo trang
thiết bị, vừa chọn người sao cho ngoài trình độ chuyên môn tốt, có kinh
nghiệm, còn phải có tinh thần xung phong và tâm lý vững vàng để đương
đầu với “trận chiến” này. Gần 30 y bác sĩ, nhân viên chụp X-quang tại
giường, đội ngũ vệ sinh… có chuyên môn cao của khoa đã được huy động để
phân luồng, chia lịch trực, cách ly và theo dõi người bệnh.
“Tất cả nhân
viên y tế đã được sắp đặt trực hay gác gì đã có lịch hết rồi. Nhưng đến
khi tiếp nhận hai ca đầu tiên là phải đảo lộn lại hết. Bản thân những
người được lựa chọn vào điều trị theo dõi những bệnh nhân này là phải có
chuyên môn rất dõi, những người bình thường hằng ngày rất chăm chỉ tỉ
mỉ để tránh những sai sót dù là nhỏ nhất lây lan bệnh ra bên ngoài. Sau
khi nhận nhiệm vụ thì không có ai từ chối cả, không hề đùn đẩy. Mình
thấy trong những vụ dịch lớn, mọi người chạy đi thì nhân viên y tế lại
chạy vào”- Bác sĩ Hùng chia sẻ.
TS. BS Lê Quốc Hùng: “Trong dịch bệnh người ta chạy đi còn nhân viên y tế xông vào”. |
20h
ngày 28 Tết, BS Nguyễn Ngọc Sang vừa dùng bữa tối bên gia đình sau giờ
tan ca trực. Điện thoại bác sĩ Sang đổ chuông. Bác sĩ Thắng, Trưởng khoa
Kiểm soát Nhiễm khuẩn, BV Chợ Rẫy báo tin vừa tiếp nhận 2 ca bệnh đến
từ Vũ Hán (Trung Quốc) với các triệu chứng sốt ho, đang được khai thác
bệnh sử và chuẩn bị đưa vào cách ly. Bác sĩ Sang rất bất ngờ. “Trước đó,
Bộ Y tế cũng đã thông tin về chủng virus “lạ” và có những hướng dẫn các
phương án đối phó nếu có nghi ngờ. Ban lãnh đạo khoa, bệnh viện Chợ Rẫy
cũng liên tục cảnh báo, kêu gọi y bác sĩ đề cao cảnh giác, sẵn sàng tư
thế “chiến đấu”. Thời điểm đó, dịch bệnh ở Vũ Hán cũng mới chỉ công bố
vài trăm ca, chưa bùng phát mạnh, không nghĩ tại bệnh viện mình xuất
hiện ca bệnh nhanh đến vậy”, - Bác sĩ Sang cho biết.
Không nghỉ
ngơi, bác sĩ Sang vẫn giữ liên lạc suốt đêm với khoa, nhận thông tin
điều phối từ lãnh đạo, bố trí công việc, cập nhật tình hình bệnh nhân.
Sáng hôm sau,
kết quả xét nghiệm xác định cả 2 đều nhiễm chủng virus nCoV. Bác sĩ
Sang tức tốc vào bệnh viện, mặc đồ bảo hộ trực tiếp vào thăm khám cho
bệnh nhân. Lúc này, người con Li Zichao đã hạ sốt, còn bệnh nhân cha vẫn
sốt cao ở mức 39 độ, ho nhiều. Ngoài nhiễm virus, ông bố còn có bội
nhiễm hô hấp do vi trùng, diễn tiến hô hấp rất xấu, không thể tự đi lại
được.
Từ đây, chuỗi ngày khó khăn, dốc lực điều trị cho 2 bệnh nhân nhiễm dịch Covid-19 bắt đầu.
Dốc toàn lực chống dịch xuyên Tết
Bệnh án ông
Li Ding khiến những bác sĩ kinh nghiệm hàng chục năm trong ngành nhiễm
cũng phải căng thẳng khi hội đủ các yếu tố và nguy cơ tử vong: 65 tuổi,
nhiều bệnh nền cực kỳ nguy hiểm như đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh
mạch vành đặt 3 stent và bị ung thư phổi vừa phẫu thuật hơn 1 năm. Trên
lớp X-Quang phổi đã lốm đốm lỗ trắng cho thấy sự xâm nhập mạnh của
virus.
BS CK 2
Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Nguy cơ nhồi máu
cơ tim đối với ông Li Ding rất cao. Tất cả các bệnh nền sẽ gây áp lực
lên tim, khiếm tim không thể chịu nổi: “Ban Giám đốc phải nhanh chóng tổ
chức hội chẩn nhiều khuyên khoa: chuyên khoa nội tiết để ổn định đường
huyết, chuyên khoa tim mạch để điều trị huyết áp, chuyên khoa tim mạch
can thiệp để điều trị stand động mạch vành. Ngoài ra còn có sự tham gia
của chuyên khoa hô hấp vì bệnh nhân bị suy hô hấp. Các chuyên khoa này
liên tục hội chẩn xuyên suốt dịp Tết”.
Có
những thời điểm, ông Li Ding thở dốc, sốt liên tục trên 40 độ, toàn
thân kiệt sức, không thể tự thở. Các bác sĩ phải nâng liều oxy lên mức
tối đa, hỗ trợ hô hấp cho người bệnh. Không có thuốc điều trị nCoV kháng
vi rút đặc hiệu, các bác sĩ đã phối hợp điều trị bằng thuốc kháng
virus, kháng sinh và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác. Người bệnh được
hạ sốt, kiểm soát đường huyết, phải kiểm soát huyết áp. Ông này còn có
bệnh lý rung nhĩ mãn tính, bệnh mạch vành nên phải phải sử dụng thuốc
kháng đông, ngăn chặn việc tạo các cục huyết khối đưa bệnh nhân vào tình
trạng nhồi máu cơ tim.
Bác sĩ Sang
cùng các đồng nghiệp không dám rời bệnh nhân nửa bước. Trong bộ đồ bảo
hộ kín mít có thể khiến cơ thể mất 1 lít nước trong 1 giờ đồng hồ, mồ
hôi vã như tắm, nhưng các bác sĩ vẫn căng mình theo dõi các tín hiệu
sinh tồn của người bệnh. “Theo dõi từng diễn tiến của bệnh nhân ở giai
đoạn đầu là cực kỳ quan trọng. Tại vì nó cho mình biết được thông tin
chính xác từng cá thể bệnh nhân, và dự đoán được diễn tiến trong tương
lai. Và dự đoán được những diễn tiến sẽ diễn ra tiếp tục trong tương
lai. Thì mình sẽ có những bước đi chủ động trong việc kiểm soát về triệu
chứng, phòng ngừa hoặc xử lý các biến chứng. Mình phải đảm bảo cho
phòng ốc sạch sẽ, thoáng khí có ánh nắng mặt trời đối với bệnh viêm phổi
hô hấp cấp về đường virus” - BS Nguyễn Ngọc Sang cho biết.
BS Nguyễn Ngọc Sang. |
Mặc
dù người cha mắc bệnh nặng, song hai bệnh nhân lại rất e ngại khi vào
khu điều trị. Người cha hoàn toàn nói bằng tiếng Hoa, có phản ứng dữ dội
bức xúc. Những ngày đầu, ông Li Ding một mực chống cự với các y bác sĩ
điều trị, tháo ga trải giường và không chịu mặc quần áo bệnh nhân. Một
phần vì tâm lý không chấp nhận bệnh, phần còn lại vì sự bất đồng ngôn
ngữ. Trong khi đó, người con nói tiếng Anh không nhiều, lại không có
nhiều dấu hiệu nặng nên cũng có tâm lý không chấp nhận mình có bệnh. Các
bác sĩ phải mất nhiều thời gian thuyết phục cả hai cha con trong quá
trình điều trị. Sau đó, người con Li ZiChao mới hiểu và chấp nhận làm
phiên dịch viên, cầu nối cho bác sĩ với người cha.
Ba ngày sau, người con đã có nhiều tín hiệu tốt, người cha cũng đã vượt qua những thời khắc nguy hiểm đến tính mạng.
Theo
TS.BS Lê Quốc Hùng, nCoV chưa có thuốc đặc trị, vì vậy vừa linh hoạt
nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ, vừa đảm bảo cho phòng ốc sạch sẽ,
thoáng khí, có ánh nắng mặt trời. Hai bệnh nhân được súc họng bằng dung
dịch sát khuẩn giảm tải lượng virus và giảm nhiễm khuẩn. Đây là điểm mới
trong phác đồ điều trị dựa trên kinh nghiệm và bằng chứng khoa học về
chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus. Các tài liệu nước ngoài và khuyến cáo
của Tổ chức Y tế thế giới cũng chưa từng đề cập.
Tình người bên trong khu cách ly
Trong bức tâm
thư hai cha con bệnh nhân Covid-19 người Trung Quốc bày tỏ sau khi được
điều trị khỏi và xuất viện gửi đến Bệnh viện Chợ Rẫy tri ân các y bác
sĩ, có viết: “Chúng tôi đã rời bệnh viện được ba ngày nhưng tâm trí
chúng tôi dường như vẫn còn nằm lại đó. Chúng tôi không thể quên được ấn
tượng sâu sắc và tươi đẹp mà Bệnh viện Chợ Rẫy đã để lại. Cảm ơn Việt
Nam, cảm ơn tất cả những y, bác sỹ tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã chăm sóc cho
chúng tôi…. Chúng tôi cảm ơn rất nhiều với những bữa ăn ngon và trái
cây trong thời gian nằm viện của gia đình tôi. Sau khi nhận được những
gì các bạn đã dành cho chúng tôi, chúng tôi rất muốn được hồi đáp lại
các bạn một cách chân thành nhất”.
Đó cũng là
quãng ngày để lại những dấu ấn không thể quên với tập thể y bác sỹ ở
Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhớ lại 3 ngày đầu sinh tử của bệnh nhân Li Ding, BS
Nguyễn Ngọc Sang cho biết: những ngày đó, đối với anh và đồng nghiệp,
ngày Tết chỉ là vài phút rảnh tay ít ỏi. Trước khi vào ca trực hay vào
phòng cách ly, các điều dưỡng, bác sĩ luôn hỏi thăm nhau xem tình hình
sức khỏe có ổn không, có cảm thấy những dấu hiệu gì không. Cả khoa chỉ
tập trung vào 2 bệnh nhân mang bệnh viêm phổi “lạ” mà quên mất Tết”.
Trong suốt kỳ
nghỉ Tết, các bác sĩ phải thay phiên nhau trực chiến để chăm sóc, động
viên tinh thần của người bệnh, kể cả việc ăn uống. Ở phòng áp lực âm 3
lớp, rộng thênh thang với bốn bức tường không rõ ngày đêm, được kiểm
soát nghiêm ngặt khiến cả 2 bệnh nhân rất sốc. Họ cảm thấy khó chịu,
hoang mang vô cùng nên thường xuyên bấm chuông gọi tìm bác sĩ. “Có lần,
bệnh nhân muốn ăn thanh long, trong đêm, chúng tôi đã tìm mua. Tất cả
những điều này là để cho bệnh nhân tin mình. Nếu họ không tin mình, mình
không thể làm gì được. Đây là những trải nghiệm quý giá mà không phải
nhân viên y tế nào cũng có được”, BS Sang kể lại.
Với điều
dưỡng Nguyễn Minh Tâm, những ngày sau khi 2 cha con bệnh nhân người
Trung Quốc có kết quả âm tính với nCoV mới được xem là ngày Tết của anh,
cũng là ngày vui của các y bác sĩ trong khoa Bệnh Nhiệt đới. Cho đến
khi hai bệnh nhân này xuất viện, khỏe mạnh, vui vẻ là trái ngọt của gần 1
tháng anh cùng đồng nghiệp đồng hành cùng bệnh nhân, chăm sóc họ như
những người thân. Đó là quãng thời gian mà mỗi ngày điều dưỡng Tâm phải ở
trong phòng cách ly 3 lần, mỗi lần vài giờ đồng hồ để phục vụ việc
truyền thuốc, ăn uống, tắm rửa cho ông Li Ding. Anh Tâm cùng bác sĩ hỗ
trợ từng bước chân giúp bệnh nhân vận động đi lại, đấm lưng xoa bóp,
sưởi nắng cùng bệnh nhân... Đối với anh, bộ đồ bảo hộ rất nặng, nóng
nực, khẩu trang chuyên dụng kín đến ngột ngạt cũng không còn quan trọng
bằng tính mạng người bệnh. Anh Tâm chia sẻ: “Mình lo lắng thì cũng không
giải quyết được gì, do đó mình phải cố gắng làm cho đúng quy định, cho
đủ những gì mà đã được hướng dẫn. Từ kinh nghiệm mình đã làm từ trước
mấy năm rồi trong công tác chăm sóc những bệnh nhân có dịch như vậy nên
sau đó cũng không lo lắng gì nhiều”.
BS Võ Ngọc
Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới cho biết, lúc bấy giờ, ngoài áp
lực về việc điều trị cho 2 ca bệnh này, thì áp lực từ phía dư luận cũng
rất lớn. Có rất nhiều thông tin ảo, bịa đặt làm đảo lộn cuộc sống của
người dân, nhiều tin đồn về các ca bệnh tử vong. Y bác sỹ ở đây giữ vững
tinh thần, bình tĩnh tiếp nhận những thông tin ấy, gồng mình làm việc,
nỗ lực cứu chữa cho bệnh nhân. Tuân thủ quy định nghiêm ngặt tuyệt đối
về tiệt trùng, bảo hộ, song khi ra khỏi khu vực cách ly, nhân viên y tế
tại đây khi về nhà cũng giữ khoảng cách với gia đình.
“Chúng tôi không ngại đối đầu dịch bệnh” - BS Võ Ngọc Anh Thơ, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới. |
Hai cha con người Trung Quốc nhiễm bệnh Covid 19 được điều trị khỏi tại Việt Nam và ra viện, nói: Chúng tôi muốn hét lên từ trái tim của chúng tôi: Cảm ơn Việt Nam! |
“Có người thì
về nhà cũng không dám ôm hôn con vì để chắc chắn đảm bảo an toàn cho
gia đình. Có bác sĩ thì vợ đang mang thai, cũng không thể chăm sóc được.
Đối với chúng tôi, đối đầu dịch bệnh chẳng ngại, hết mực chăm sóc cho
bệnh nhân từ việc dìu từng bước chân, tặng những đòn bánh chưng, bánh
tét.” - BS Thơ chia sẻ.
Ngày
xuất viện, người vợ ông Li Ding cùng đến đón ông trong niềm vui đoàn
viên sau những ngày xa cách. Hai cha con anh cúi rạp mình cảm ơn các y,
bác sỹ Việt Nam, những người đã vì họ mà phải bỏ qua niềm vui sum vầy
cùng người thân, gia đình vào những ngày Tết để chăm sóc, điều trị cho
họ.
“Chúng
tôi hiểu rằng chính lòng tốt của các bạn đã cứu chúng tôi và chúng tôi
sẽ ghi nhớ mãi mãi. Chúng tôi muốn hét lên từ trái tim của chúng tôi:
Cảm ơn Việt Nam!” –Lời mà hai cha con bệnh nhân nhiễm Covid-19 người
Trung Quốc khi được xuất viện. Những lời tri ân của các bệnh nhân là
nguồn động viên và sự tiếp sức lớn cho các y bác sĩ trong những ngày
tháng đấu tranh với tử thần, giành giật mạng sống cho bệnh nhân trước sự
tấn công của virus SARS-CoV-2 nói riêng và trong cuộc chiến phòng chống
bệnh tật nói chung.
Dịch bệnh
chắc chắn sẽ qua đi, duy chỉ có tinh thần thép và bước chân vững vàng
của đội ngũ y bác sĩ vẫn tiến về phía trước với tâm thế của người chiến
sĩ trên mặt trận chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân./.https://vov.vn/xa-hoi/bac-si-cho-ray-ke-chuyen-doi-dau-dich-benh-covid19-1015157.vov
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire