dimanche 1 mars 2020

Những sáng tạo của Việt Nam trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

PLS : Tôi tìm lại mãi mà chưa thấy một bài phỏng vấn nói về việc các bác sĩ BV Chợ Rẫy điều trị cho hai cha con người Trung Quốc, trong đó các ông ấy miêu tả chi tiết việc chữa chạy như thế nào. Các bác đọc tạm bài dưới đây cũng khá.

Tôi tóm tắt lại một số điều các bác sĩ  đã nói :


Một là, họ cho bệnh nhân rửa tay, súc họng thường xuyên. Cái việc súc họng này cực kỳ quan trọng, các bác biết không ? Tất cả virus vào cơ thể của mình đều qua cổ họng. Khi xét nghiệm là họ phết cổ họng, nghĩa là ở đấy nhiều virus nhất, các bác biết không ? Cho nên việc súc họng này giết được rất nhiều virus trước khi chúng vào được cơ thể mình. Đại khái cũng như quân Tàu muốn áp sát tấn công Thăng Long bằng đường biển là đều phải vào sông Bạch Đằng, cho nên hễ ta thắng trận Bạch Đằng là chúng chạy hết ! 

Cái việc súc họng này các bác sĩ Pháp không làm ! Cho nên các bác thử tưởng tượng xem, cả đống virus chúng đồn trú ở đấy, sinh con đẻ cái, mặc sức đi khắp nơi, thì sau đấy thuốc Tây nào trị cho nổi ?


Hai là, các bác sĩ nói là họ tìm cách nâng cao thể trạng của bệnh nhân bằng dinh dưỡng (và các biện pháp khác). Việc dinh dưỡng này là cực kỳ quan trọng. Đó là phải uống nhiều nước, ăn đồ ăn lỏng. Khi con tôi ở bệnh viện Nhi Đồng 2 (tôi vào đấy là vì hồi xưa ông Đông A làm phó giám đốc ở đấy, tôi hy vọng về hưu rồi thì thi thoảng ổng vẫn ghé qua quát lác doạ nạt mọi người !), thì tôi thấy là ở cantine bệnh viện có hai món chủ lực là món cháo thịt loãng và món nước đá chanh loãng, rất thơm ngon, dễ ăn lắm. Các bác phải biết là, việc uống nhiều nước sẽ đào thải virus qua đường nước tiểu. Như vậy con nào vào được người mình rồi, thì mình uống nước, ăn cháo để đánh bật chúng ra !


Các bác sĩ Pháp không làm điều này, vì người Pháp họ không bao giờ ăn canh và những món lõng bõng như mình. Cho nên virus cứ việc nghỉ ngơi hồi sức thoải mái !



Ba là, các bác sĩ ta họ khuyên giữ ấm cơ thể. Đại khái tôi hiểu là virus sợ nóng. Bộ Y tế họ cũng khuyên tắt máy điều hoà và mở cửa cho thông thoáng đấy, các bác thấy không ? Khi mà cơ thể có virus, vi khuẩn, thì nó bèn chuyển sang cơ chế sốt để tiêu diệt virus, vi khuẩn. Cho nên có ông bác sĩ khuyên là nên ăn phở là món trị virus rất tốt, là tôi thấy đúng. Ăn một tô phở (tô miến, tô cháo...) xong các bác nóng toát cả mồ hôi ra một lúc giống như là sốt vậy đó, là virus trong người các bác không chết thì cũng ngất ngư, bạch cầu chỉ việc nhào tới kết liễu là xong. Đấy là con chưa kể phở lại còn ngon, bổ, giàu vitamines, vv.


Cho nên tôi nói Việt Nam điều trị khác các nước khác là như vậy. Còn vì sao các nước khác họ lại không chịu làm giống mình, thì tôi cũng có đoán một chút. Các bác sĩ của ta nói là việc điều trị như vậy cần sự hợp tác của bệnh nhân. Tôi nghĩ là bệnh nhân Tây họ không chịu hợp tác, cho nên bác sĩ Tây họ chỉ làm đúng qui trình thôi, cho nên là "khôn sống, mống chết" !

Tôi không dám bisous các bác nữa, vì bên Pháp này cấm rồi. Vậy thôi chúng ta âu yếm nhìn nhau thôi nghen ! :-) Chúc các bác khoẻ mạnh, chống coronavirus thật tốt !



Những sáng tạo của Việt Nam trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19

Chủ Nhật, 01/03/2020, 07:41:41
NDĐT – Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới hoàn toàn thống nhất với nhau về phác đồ điều trị. Tuy nhiên, khi áp dụng cụ thể trên thực tế, Việt Nam có những điểm sáng tạo riêng như duy trì quan điểm “bốn tại chỗ” trong chống dịch và sử dụng các khu cách ly mở cửa cho thoáng khí.
Những sáng tạo của Việt Nam trong điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19
BS Nguyễn Trung Cấp chia sẻ thông tin tại tọa đàm.
Đây là những thông tin được BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ tại tọa đàm "Tăng sức đề kháng phòng chống dịch Covid-19" về công tác điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19.
BS Nguyễn Trung Cấp cho biết, Việt Nam có bản lĩnh chống dịch và được rèn luyện từ lâu. Ngay từ khi dịch chưa xâm nhập vào Việt Nam thì các hệ thống chống dịch đã được khởi động.
Về công tác tổ chức, cứ mỗi mùa dịch, nếu khởi đầu có một số điểm chưa ổn thì ngay lập tức được rút kinh nghiệm và được điều chỉnh từ công tác tổ chức cách ly, công tác truyền thông nguy cơ đến công tác tổ chức hậu cần, nhân sự. Cứ mỗi một mùa dịch, Việt Nam đều triển khai các hoạt động đào tạo, tập huấn, hỗ trợ các tuyến, cho nên càng ngày các năng lực của các tuyến tham gia vào quá trình chống dịch ngày càng tốt lên.
Theo BS Cấp, dịch Covid-19 rất gần với dịch SARS do cùng họ của virus corona. Do đó, những kinh nghiệm từ dịch SARS cũng hỗ trợ rất nhiều cho chúng ta trong dịch Covid-19.
BS Cấp nhấn mạnh, một trong những kinh nghiệm sống còn của dịch SARS là việc Việt Nam không sử dụng khu cách ly đóng kín mà sử dụng các khu cách ly mở. Do vậy việc cách ly và điều trị, chúng ta có thể đưa về địa phương và thậm chí có thể đưa về đến phòng khám khu vực như ở Vĩnh Phúc mà vẫn bảo đảm được chất lượng điều trị tốt.
“Việc làm tốt công tác thông tin nội bộ cũng giúp cho công tác hỗ trợ của các tuyến cũng tốt dần lên. Việc điều trị mặc dù là ở các tuyến khác nhau nhưng quy trình điều trị và kỹ thuật cũng không khác nhau nhiều lắm do có sự liên kết, chuyển giao kỹ thuật cũng như sự tăng cường của tuyến trên cho tuyến dưới. Đấy là những cái chúng ta thu được qua nhiều vụ dịch”, BS Cấp nói.
Và một điều cực kỳ quan trọng nữa là sự tham gia của người dân. Qua mỗi một mùa dịch, nhận thức của người dân đều tăng lên rõ rệt như việc rửa tay, đeo khẩu trang... Điều đó cũng đóng góp một phần cho năng lực chống dịch của chúng ta tăng lên.
Về phác đồ điều trị, BS Nguyễn Trung Cấp nhấn mạnh, hầu hết kiến thức về bệnh Covid-19 của chúng ta thu nhận được từ các nghiên cứu ở Vũ Hán. Cho nên phác đồ điều trị thì giữa chúng ta và Tổ chức Y tế Thế giới là hoàn toàn thống nhất với nhau, không có gì khác biệt cả. Tuy nhiên, khi áp dụng cụ thể trên thực tế thì chúng ta có những điểm sáng tạo.
Thí dụ, Việt Nam thực hiện chống dịch theo quan điểm “bốn tại chỗ", trong khi đó, Trung Quốc sử dụng quan điểm “bốn tập trung". Quan điểm chống dịch này không phải cái nào ưu thế hơn cái nào, mà "bốn tập trung" phù hợp hơn với hoàn cảnh của Trung Quốc và "bốn tại chỗ" phù hợp hơn với hoàn cảnh của Việt Nam.
Quan điểm “bốn tại chỗ” của Việt Nam là dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc men, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng sử dụng các khu cách ly mở cửa cho thoáng khí phù hợp với điều kiện khí hậu và thời tiết của Việt Nam. Ngược lại, nếu như Vũ Hán cũng sử dụng khu cách ly mở như chúng ta thì rất lạnh, do đó, Vũ Hán bắt buộc phải sử dụng phòng áp suất chân không để cách ly. “Đó chính là một vài áp dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện khí hậu của chúng ta so với hướng dẫn của các phác đồ ở các nước lân cận”, BS Cấp nói.
Về việc sử dụng thuốc đông y có hiệu quả thế nào trong phòng chống bệnh do virus corona chủng mới, BS Cấp cho biết, với chủng coronavirus nói chung, ở người có bốn chủng coronavirus thường gây tình trạng cảm lạnh. Bản thân chúng ta cũng có một số bài thuốc đông y chữa cảm lạnh.
Trong điều trị Covid-19, có hai điểm cần lưu ý. Với đa số các trường hợp diễn biến nhẹ, chúng ta chủ yếu điều trị triệu chứng bằng thuốc tây y hoặc đông y. Với trường hợp diễn biến nặng, thí dụ người bệnh bị tổn thương phổi nặng thì bắt buộc sử dụng biện pháp hồi sức của y học hiện đại như thở máy, tim phổi nhân tạo.
“Như vậy, giá trị của bài thuốc đông y nằm trong nhóm hỗ trợ triệu chứng, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân có thể áp dụng được. Tại Trung Quốc, cũng mới đưa những bài thuốc đông y này vào áp dụng và chưa kết luận có nhờ bài thuốc này mà số ca bệnh nặng giảm hay không. Nhưng chắc chắn, những bài thuốc này có thể giảm các triệu chứng và hỗ trợ sức đề kháng cho cơ thể”, BS Cấp chia sẻ.

https://www.nhandan.com.vn/y-te/item/43445102-nhung-sang-tao-cua-viet-nam-trong-dieu-tri-cho-benh-nhan-mac-covid-19.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire