lundi 18 novembre 2013

Chủ nghĩa xã hội, con đường chúng ta đi


Khi tôi đọc lịch sử một số cuộc cách mạng thế giới, thì tôi có cảm tưởng rằng, khi đất nước để dân chúng nghèo đói, lầm than đến mức không sống nổi nữa, thì họ không còn con đường nào khác là làm cách mạng. Để cách mạng xảy ra, đó chính là lỗi của những "đầu óc" của đất nước, nay ta gọi là "trí thức", mà đại diện của họ là nhà cầm quyền. Sau những cuộc cách mạng như vậy, công cuộc xây dựng đất nước rất gian nan, rất lâu, hàng chục, thậm chí cả trăm năm (xin mời các bác tham khảo CM Pháp, phải cả hơn trăm năm sau họ mới xây dựng được Paris như bây giờ, đấy là chưa kể họ còn gây chiến tranh đi cướp bóc nhiều nước khác). Đó không phải chỉ do cách mạng, mà còn do đất nước dân chúng đã nghèo nàn lạc hậu quá rồi. Cho nên có những người họ nóng ruột muốn đất nước hồi phục, hùng mạnh ngay, thì tôi cho là họ ảo tưởng và kém cỏi.

Tất nhiên là với tiến bộ của khoa học kỹ thuật và sự tiến triển của ý thức của thế giới hướng tới hòa bình, tôi hy vọng là chúng ta sẽ xây dựng đất nước nhanh hơn, hài hòa hơn. Khi tôi thấy nhà nước quan tâm đến sự học hơn, gửi sinh viên đi du học, quý trọng những bậc học giả tài đức, thì tôi nghĩ rằng đây là một nhà nước tử tế, và chúng ta có thể hy vọng, theo dõi và trông chờ ở họ.

Công cuộc xây dựng phải gắn với kế thừa, nếu chúng ta cứ muốn phá bỏ, thì chúng ta sẽ phải luôn bắt đầu lại từ đầu. Đảng Cộng sản dù có tồi tệ đến đâu đi nữa, thì họ chính là đại diện của dân nghèo. Những người tự coi mình là trí thức, khôn ngoan, dùng cái sự khôn ngoan ấy mà cầu lợi chỉ riêng cho bản thân, không đoái hoài đến cái số dân nghèo rất đông ấy, thì họ cũng vẫn còn ít học lắm. Cho nên nhân tiện tôi xếp tham nhũng vào loại trộm cướp ngu ngốc, chúng cố sức cướp giật để thỏa mãn đời này, cướp của cướp công của người khác, mà còn ăn hết cả phúc đức của con cái đời sau. Cũng chẳng cần giết chúng làm gì (tôi phản đối án tử hình), nhưng quyền bính thì nhất thiết không được đưa vào tay những kẻ ngu ngốc ấy.


Nhưng tôi tin là, nếu chúng ta muốn, thì CNXH đã rất gần, chứ cũng chẳng xa lắm đâu. Trên nền tảng là sự tử tế và lòng nhân ái giữa con người, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, lưu ý chăm bón cho văn học nghệ thuật, đây chính là lúc chúng ta có cơ hội xây nên một xã hội tốt đẹp.

Tôi mường tượng đó là một xã hội mà giáo dục phát triển mạnh, phát triển năng lượng hạt nhân hòa bình (chúng ta có thể làm được điều đó), phát triển nông lâm ngư nghiệp.

Vì sao ư? Giáo dục là một lĩnh vực đầu tư ít mà sinh lợi nhiều và lâu bền, chúng ta có thể thấy được điều đó ở ngay mức độ gia đình, một người học giỏi ngay lập tức sẽ thay đổi tương lai của cả gia đình, thậm chí cả trong họ tộc. Vậy hãy nhìn điều đó ở mức độ quốc gia?

Còn năng lượng hạt nhân, nếu đảm bảo an toàn thì là năng lượng sạch. Chúng ta có thể xây một, thậm chí hai, nhà máy điện hạt nhân (cho nó có đôi), và dẹp hết mấy cái nhà máy thủy điện, cùng với khai thác bô xít luôn. Chúng ta sẽ đổ tiền vào đào tạo nhân lực cho ngành ấy ở những nước tiên tiến nhất.

Chúng ta sẽ trồng lại rừng chống bão lụt, chúng ta sẽ nuôi trồng lương thực, thủy hải sản và cung cấp đồ ăn cho mọi người. Chúng ta sẽ xuất khẩu giáo dục, năng lượng và lương thực.

Chúng ta sẽ gửi những người tài giỏi của chúng ta ra nước ngoài, chúng ta sẽ tận dụng trí tuệ và tâm hồn của những người Việt Nam trên khắp thế giới, mà do được sống trong một môi trường văn hóa đa dạng, họ có một tâm trí cởi mở và khoan dung hơn.

Cuối cùng là, chúng ta nên lắng nghe ý kiến của tất cả mọi người, thậm chí là kẻ thù của chúng ta, vì ý kiến của chúng nhiều khi cũng hay lắm đấy.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire