dimanche 3 mai 2015

Chính quyền lại 'vận động' mua nông sản cứu nông dân

PLS : Tôi không phải dân kinh tế, nên cũng không rõ thế nào, nhưng tôi thấy việc Đoàn Thanh niên vận động mua nông sản như thế này rất là hay ! Đoàn viên cũng nên hoạt động tình nguyện tốt như vậy, dân chúng thì được ăn nông sản Việt Nam vừa lành vừa rẻ, nông dân thì được cứu nguy. Sao các bác không tổ chức thành hệ thống, cứ mùa nào thức ấy, nông sản dư ra thì Đoàn Thanh niên lo thu mua bán rẻ cho bà con?


Chính quyền lại 'vận động' mua nông sản cứu nông dân



Tỉnh Ủy, Liên Ðoàn Lao Ðộng, Tỉnh Ðoàn Thanh Niên Cộng Sản của tỉnh Sóc Trăng đã gửi văn bản cho các cấp trực thuộc trong tỉnh đề nghị mua hành tím để cứu nông dân.

Tại Sóc Trăng, nông dân trồng khoảng 6,200 héc ta hành tím, tổng sản lượng khoảng 100,000 tấn nhưng năm nay xuất cảng gặp khó khăn nên lượng hành tím còn tồn đọng lên tới 60,000 tấn.

                               Thu hoạch hành tím ở Vĩnh Châu, Sóc Trăng. (Hình: Vietpress)

Hiện nay, giá hành tím chỉ còn từ 4,000 đồng đến 5,000 đồng/ký. Trong khi chi phí đã lên tới 7.000 đồng/ký. Nếu không bán được hành tím sớm, nông dân trồng hành tím sẽ mất cả chì lẫn chài. Ða số các gia đình nông dân trồng hành tím tại Sóc Trăng thuộc dạng cận nghèo hoặc nghèo.

Cách nay hai tuần, giới sử dụng Internet tại Việt Nam từng lên tiếng kêu gọi mọi người mua dưa hấu cứu nông dân Quảng Nam, Quảng Ngãi trong bối cảnh nông dân trong dưa hấu tại hai tỉnh này tiếp tục phải đổ bỏ nông sản mà họ dốc hết sức, hết vốn liếng để trồng.

Do thương nhân Trung Quốc ngừng mua, giá dưa hấu ở Quảng Nam và Quảng Ngãi chỉ còn khoảng 300 đồng một ký. Một tạ dưa hấu nay chỉ còn khoảng 30.000 đồng, tương đương với giá một tô phở bình dân nhưng bán với giá đó cũng chưa chắc có người mua.

Ðiệp khúc vừa kể liên tục lập đi, lập lại đã vài thập niên và là nguyên nhân khiến nông dân Việt Nam thêm khốn cùng do bế tắc về sinh kế và ngập trong nợ nần.

Trước sự kiện tiền bán một tạ dưa hấu chỉ mới đủ trả một tô phở loại bình dân là chuyện nhiều nông dân từng vay mượn để mua bò sữa nhằm thay đổi sinh kế đã phải rao bán bò sữa theo giá bò thịt vì sữa bò không có chỗ tiêu thụ.

Cuối tháng 3 vừa qua, ông Trần Trường Sơn, phó chủ tịch Hội Nông Dân Sài Gòn cho biết, riêng tại Củ Chi đã có 322 gia đình nông dân không ký được hợp đồng bán sữa cho các công ty mua sữa như Vinamilk và Friesland Campina. Cũng vì vậy sữa bò tươi do họ vắt ra phải đổ bỏ.

Ðiều tương tự đã từng xảy ra ở Lâm Ðồng hồi đầu năm nay. Do thấy nuôi bò sữa có thu nhập ổn định, ít rủi ro hơn trồng trọt. Nhiều gia đình nông dân ở Ðà Lạt đã vay tiền mua bò để nuôi lấy sữa bán cho công ty Dalat Milk. Cuối cùng, vì mỗi ngày, công ty Dalat Milk chỉ có khả năng tiêu thụ khoảng 6.5 tấn sữa bò tươi, trong khi lượng sữa mà nông dân tỉnh Lâm Ðồng vắt được lên tới 9 tấn/ngày nên hồi trung tuần tháng giêng năm nay, mỗi ngày, nông dân tỉnh Lâm Ðồng phải đổ bỏ vài tấn sữa.

Vào thời điểm đó, đại diện Sở Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn tỉnh Lâm Ðồng thừa nhận đã không “kiểm soát số lượng bò sữa, khiến số lượng đàn bò tăng quá nhanh, lượng sữa tươi thu được vượt qua khả năng thu mua của các công ty chế biến sữa” và làm nông dân điêu đứng.

Còn năm ngoái, nông dân Việt Nam nhiều nơi khóc ròng vì cao su không có đầu ra nên họ phải chặt bỏ cao su để chuyển sang trồng cà phê, hạt tiêu. Trước đó bảy năm, họ đã từng đốn bó cà phê, điều để trồng cao su vì trồng cà phê và điều bị lỗ nặng.

Năm ngoái không chỉ có chuyện đốn bỏ cao su. Vào tháng 3 năm ngoái, hàng trăm ngàn tấn dưa hấu của nông dân trở thành rác vì thương nhân Trung Quốc không còn mua dưa hấu với số lượng lớn như năm trước đó. Ðến tháng 8 năm 2014, nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận phải đem thanh long cho bò ăn vì việc xuất cảng thanh long gặp trở ngai. Cuối năm, cà chua ở Lâm Ðồng, bí đỏ ở Khánh Hòa cũng rơi vào tình trạng tương tự...

Trong khi lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn Việt Nam, bảo rằng, lý do chính dẫn tới tình trạng nông dân Việt Nam thường xuyên phải đổ bỏ những loại nông sản mà họ trồng là vì nông dân thiếu hiểu biết về thị trường thì nhiều chuyên gia khẳng định, việc nông dân thường xuyên phải đổ bỏ các loại nông sản là vì năng lực của giới hữu trách quá kém.

Chẳng hạn cho đến nay, Bộ Thương mại vẫn không dự đoán được nhu cầu, khuynh hướng thị trường cả trong lẫn ngoài, còn các bộ như Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Công Thương vẫn chưa thiết lập được hệ thống phân phối nông sản hợp lý và hữu hiệu.

Tuy Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và chính quyền Việt Nam liên tục giới thiệu hang loạt chính sách được tuyên truyền là “ưu đãi” nhằm phát triển “tam nông” (nông dân-nông thôn-nông nghiệp) nhưng năm 2000, đầu tư vào nông nghiệp (bao gồm cả lâm nghiệp, ngư nghiệp) chỉ chiếm 4.7% GDP, đến năm 2005 giảm xuống còn 3.1%, năm 2010 còn 2.4% và năm 2012 chỉ còn 1.6%.

Theo một số chuyên gia, khi chính sách chỉ là như thế với nông nghiệp, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp giảm dần là điều đương nhiên, dẫu cho Việt Nam là một trong những quốc gia xuất cảng gạo, cà phê, hạt tiêu, cao su,... nhiều nhất thế giới.

Trong khi vốn đầu tư của ngoại quốc (FDI) vào công nghiệp, công nghệ cao dịch vụ, du lịch Việt Nam có xu hướng tăng thì FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp gần như bằng 0. Hồi 2001, FDI vào lĩnh vực nông nghiệp chiếm khoảng 8% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Nay, FDI vào nông, lâm, ngư nghiệp chỉ còn khoảng 1.46% tổng vốn FDI vào Việt Nam. (G.Ð)

Theo Người Việt

http://www.ijavn.org/2015/05/chinh-quyen-lai-van-ong-mua-nong-san.html

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire