vendredi 8 mai 2015

Tiêu thụ nông sản - Câu chuyện thị trường và lòng tin

PLS : Báo Chính phủ nói bá láp ! Trên thực tế là người dân Việt Nam có nhu cầu ăn dưa hấu, nếu họ không ăn được là do giá thương lái nâng lên quá cao. Trong khi do khí hậu, thổ nhưỡng, việc trồng dưa hấu dễ dàng, nông dân cũng sẵn lòng trồng, bà con cũng sẵn lòng mua, thế mà Bộ Nông Nghiệp và Bộ Công Thương lại muốn ngăn cản không cho dân trồng dưa hấu nữa ; Thật đúng là đồ cà chớn !!

Đề nghị bà con nông dân liên kết chặt chẽ với các Tỉnh Đoàn để hỗ trợ việc lưu thông, bán nông sản. Còn hai cái Bộ kia thì từ từ ta sẽ tính sổ với chúng !



Tiêu thụ nông sản - Câu chuyện thị trường và lòng tin

(Chinhphu.vn) - Câu chuyện mua dưa hấu ủng hộ cho người dân Quảng Ngãi tưởng chừng đã đi đến một cái kết có hậu nhưng lại là bắt đầu cho một câu chuyện khác. Câu chuyện của thị trường và lòng tin…


"Thị trường từ thiện" không thế là giải pháp lâu dài cho người dân trồng dưa hấu. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Tình nguyện và tiền chênh
Liên tục trong tuần vừa qua, câu chuyện các nhà báo đứng ra thu mua dưa dấu cho người dân Quảng Ngãi “tố” Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đã  “ăn không” 2000 đồng/kg dưa hấu bán tình nguyện đã khiến dư luận quan tâm.
Báo Hà Nội mới kết luận: “Một số cán bộ Tỉnh đoàn Quảng Ngãi đứng ra làm đầu mối thu gom đã trắng trợn "ăn chênh" của nông dân những 2000 đồng/kg dưa. Trong khi các hiệp sỹ cứu dưa, các tổ chức đoàn thể, từ thiện không quản ngại đường xa, từ TPHCM ra, từ Hà Nội vào mua dưa giúp bà con nông dân Quảng Ngãi, chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của người dân sau trận lụt vừa qua thì ngay tại địa phương, một số cán bộ Tỉnh Đoàn lợi dụng danh nghĩa thu mua trợ giúp đã ngang nhiên ăn chặn trên mồ hôi, nước mắt của nông dân”.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Tỉnh đoàn Quảng Ngãi cũng đã đưa ra các chứng từ thu mua với các cơ quan truyền thông để chứng minh là họ không làm điều đó. Theo lý giải của bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thì đơn vị này đã tìm được đầu mối thu mua dưa tại Hà Nội đợt đầu với giá 4000 đồng/kg (mua vào 2000 đồng/kg), tiền chênh của đợt này đã thanh toán và có chứng từ người dân ký.
Bà Thư lý giải, đợt thứ hai có đầu mối thu mua 5000 đồng/kg, mua vào cũng lên giá 3000 đồng/kg, tuy nhiên đến nay, số tiền mà bà nhờ người quen bán dưa vẫn chưa được chuyển trả nên Tỉnh đoàn chưa thể chuyển tiền chênh lệch cho người dân. Do đó, có thể một số người nghe thông tin Tỉnh đoàn và cán bộ trực thuộc mua 2.000-3.000 đồng/kg dưa và bán 4.000-5.000 đồng/kg nhưng chưa nghe thông tin về việc trả khoản tiền chênh lệch sau khi đã khấu trừ số dưa hư, bể trong quá trình vận chuyển... nên đã có sự hiểu lầm.
Tuy nhiên, phía báo Hà Nội Mới tiếp tục có những điều tra để chứng minh những sai phạm của Tỉnh đoàn Quảng Ngãi trong vụ bán dưa hấu tình nguyện này.
Dư luận quan tâm vụ việc không phải vì tò mò mà bởi trước đó, hơn 700 tấn dưa đã được tiêu thụ với tấm chân tình đúng nghĩa của hai chữ “đồng bào”.
“Quả đắng” hay “dưa bở”?
Chuyện những người mua dưa hấu trong chương trình thiện nguyện có bị lừa dối hay không, nông dân trong vụ bán dưa này có bị thiệt thòi hay không… chắc chắn không chờ vào kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng mà mỗi người trong cuộc đều có câu trả lời riêng của mình.
Thiết nghĩ, trong vụ việc này, người dân chỉ còn lựa chọn bán cho bên nào được giá hơn trong vụ dưa vừa qua. Người làm từ thiện đưa đến cho dân lựa chọn tốt hơn. Người tiêu dùng được tiếp cận giá rẻ hơn, thậm chí lại được vinh danh vì hưởng ứng thiện nguyện… Nhưng tất cả câu chuyện đẹp này lại trái với quy luật thị trường.
Không phải tự nhiên mà Bộ NN&PTNT đưa ra hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp cho các địa phương là phải có sự xác định tập trung cho các cây, con chủ lực. Nuôi trồng tràn lan, không biết đâu là nơi tiêu thụ thì không thể “được giá” nếu không tính vào sự may rủi, đó là quy luật tất yếu của thị trường.
“Chung lưng đấu cật” với ngành NN&PTNT, ngành Công Thương cũng liên tục nói về dự báo khó khăn của thị trường. Ngay vụ dưa hấu này, từ tháng 12/2013 và liên tiếp những tháng tiếp theo trong năm 2014, Bộ Công Thương đã yêu cầu các Sở Công Thương địa phương tăng cường thông báo về yêu cầu nhập khẩu dưa hấu và dự báo thị trường.
Chắc chắn từ “khó khăn” đã được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Nhưng, do dễ trồng, dễ chăm nên dưa hấu liên tục được tái canh. Đến vụ mùa năm nay, ngoài đợt lũ bất thường thì tình trạng ứ đọng ở các cửa khẩu có thể đã lại đem đến “quả đắng” cho người trồng dưa.
Nhưng, hơn 700 tấn dưa được tiêu thụ trong chương trình từ thiện lại đem đến cho người nông dân chút le lói niềm tin vào số phận.
Thật khó khăn khi không xuôi dòng cổ vũ những tấm lòng từ thiện. Nhưng khi tạo ra một “thị trường” nhỏ bé qua công tác thiện nguyện, vô tình người nông dân đã được nếm vị “dưa bở” vì nghĩ vẫn có chỗ tiêu thụ dưa hấu.
Thực tế hiện nay nông dân lại đang vui vẻ tái canh cho vụ dưa tiếp theo, tái canh thứ quả không được xếp vào hàng chủ lực để có đầu ra, tái canh một mùa vụ mới đồng hành với những văn bản “nhắc nhở” về khó khăn của thị trường nhập khẩu từ các Sở Công Thương của những địa phương đã bị “dội chợ” bao lần do lối canh tác tự phát…
Trở về cốt lõi của vấn đề: Tiêu thụ nông sản chính là mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nông dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế bắt buộc phải gắn với thị trường tiêu thụ. "Thị trường tình nguyện" nhỏ bé vô tình lại gieo mầm cho cả một vùng trồng nguyên liệu thênh thang chờ tiêu thụ ở nơi nào đó…
Người dân đã tái canh. Điều đó chứng tỏ vụ dưa này chưa thực sự là “quả đắng” đủ để dã tật, đủ để người nông dân tỉnh táo tìm đến với quy hoạch của địa phương. Để rồi muốn an dân, có lẽ địa phương lại khởi xướng một chương trình thiện nguyện vào mùa mới…
Nếu không có những tranh cãi để cho rõ trắng, đen giữa các đầu mối từ thiện hiện nay thì có lẽ câu chuyện tiêu thụ nông sản đã có một cái kết màu hồng đúng nghĩa. Những giữa những tranh cãi, nổi lên vẫn là nụ cười an lòng của những người nông dân đã trải qua một vụ dưa “suýt chết”… Nụ cười ấy, thực sự ám ảnh những người đang vật lộn đi tìm một cái kết có hậu thực sự cho kinh tế nông nghiệp Việt Nam.
Đỗ Hương


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire