vendredi 6 septembre 2013

Núi thần - Thomas Mann (4)

Chúng ta có thể thấy rằng bệnh tật cũng là một trạng thái rất gần với cái chết, ở chỗ là có một sự trục trặc về vận hành giữa cơ thể và tinh thần, ví dụ như khi người bệnh muốn giơ tay lên, nhưng cơ thể yếu ớt đến nỗi nó không thực hiện được ý muốn ấy. Bệnh tật làm ta nghĩ đến cái chết, và nó hoàn toàn có thể là một trạng thái báo trước cái chết. Chúng ta có thể suy luận rằng như vậy các bác sĩ, là những người có cơ hội tiếp xúc với bệnh tật và cái chết nhiều nhất, sẽ là những người có sự hiểu biết hơn những người bình thường về cái nỗi ám ảnh có lẽ là lớn lao nhất của loài người. Nhân vật ông bác sĩ trưởng Behrens là một người như vậy, nếu chúng ta để ý tới những câu ông ấy nói với từng bệnh nhân của mình, thì chúng ta sẽ cảm thấy vừa khâm phục ông ấy, vừa khâm phục khả năng quan sát của tiểu thuyết gia, bởi vì cái ông bác sĩ già hung dữ ấy rất hiểu tất cả những bệnh nhân của mình. Ví dụ như, chỉ gặp đôi lần, ông ấy nhận ra ngay là HC là một chàng trẻ tuổi khao khát tò mò tìm hiểu mọi điều. Và miêu tả đắt giá nhất về ông ấy là khi Joachim kể rằng, khi một bệnh nhân hấp hối quá sợ hãi trước cái chết, thì để giúp người đó bình tĩnh lại, ông Behrens nói rằng : "Đừng có kiểu cách quá đáng như vậy!"

Thực ra, nếu muốn tìm hiểu về cái chết, thì người có thể giảng giải tốt nhất cho HC chính là ông bác sĩ ấy, tuy nhiên đấy không phải là nhiệm vụ của ông ấy, và thậm chí ông ấy cũng có thể là không có cái khả năng giảng giải này. Người có khả năng suy nghĩ, chiêm nghiệm và diễn đạt tốt nhất, chính là nhà nhân học Settembrini. Nhưng ông ấy dường như lại không có được cái hiểu biết thực sự sâu sắc về con người như ngài bác sĩ. Và chàng HC đầy tham vọng muốn hiểu biết cả những điều lớn lao nhất, như một siêu nhân (surhomme) theo nghĩa của Nietzsche về từ này, chắc hẳn sẽ chẳng hề dễ dàng có được sự thỏa mãn ở  đỉnh núi thần.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire