dimanche 8 septembre 2013

Núi thần - Thomas Mann (7)

Sự xoay vòng lặp lại có tính chất chu kỳ này trong cuộc đời của HC, như là một sự kế thừa ý chí quyền năng (ý chí muốn sống một sự tồn tại mãnh liệt) từ chu kỳ này sang chu kỳ khác, từ đời này sang đời khác, làm tôi nghĩ đến truyện ngắn "Giọt máu" của N. H. Thiệp. Hai cuốn truyện có cùng một bối cảnh là một cuộc đời được kể qua nhiều thế hệ, nhân vật chính của mỗi tác phẩm cùng bị chi phối bởi một khao khát đến mức ám ảnh (trong câu chuyện của nhà văn Việt Nam, là mong muốn được học chữ, học Văn, cái mục đích cao quý hầu như không thể chạm tới đối với một dòng họ chuyên làm nghề nông, bán thịt...). Từ cốt truyện chung ấy ta thấy được vài sự khác biệt khá rõ giữa tư tưởng của hai nhà văn lớn. Thời gian trong tiểu thuyết của nhà văn châu Âu có tính chu kỳ, hành động của nhân vật chính mang tính kế thừa, lặp lại. Thời gian trong truyện ngắn của nhà văn Việt Nam là tuyến tính, hành động của nhân vật chính có tính chất xóa bỏ, mới mẻ. Ông tổ Phạm Ngọc Liên, là bậc đại phú, khi chết đã mang theo một nỗi thất vọng không gì an ủi được; tất cả gia tài, sự nghiệp cả đời đối với ông là "chẳng ra gì, chữ mới cần" (chữ nghĩa đối với ông nghĩa là "có đức"). Cháu nội của ông là Phạm Ngọc Chiểu, niềm hy vọng của cả họ, đã sống một cuộc đời khác với ông cha mình, theo đuổi bút nghiên, nhưng xa rời đức độ. Con trai của Chiểu là Phạm Ngọc Phong không kế thừa gì được từ cha mình, mà còn vượt xa ông này về sự tàn ác. Giọt máu cuối cùng của họ Phạm là Tâm, vừa trở lại nghề nông, vừa tự học. Nỗi ám ảnh thì vẫn còn đó, mãnh liệt trong HC, âm ỉ trong Phạm Ngọc Tâm, nhưng không bao giờ thật sự thỏa mãn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire