samedi 7 septembre 2013

Núi thần - Thomas Mann (5)

Nếu chúng ta quan niệm thời gian của một cuộc đời là từ lúc sinh ra cho tới lúc linh hồn rời bỏ thể xác, thì chúng ta có thể hình dung HC đã trải qua nhiều cuộc đời, vì một đứa trẻ còn nhỏ tuổi dường như gắn liền cuộc sống của nó với những người chăm sóc nó. Trong tuổi thơ của mình HC đã chứng kiến sự lặp lại của thời gian, của cuộc sống, như trong khái niệm về sự trở lại vĩnh cửu (l'éternel retour) theo nghĩa chu kỳ thời gian cũng như theo nghĩa của Nietzsche về khái niệm này, nghĩa là sống cuộc sống theo một cách mà ta sẽ muốn lặp lại nó cho tới vĩnh cửu. Cuộc đời của chàng dường như cũng sẽ tiếp nối theo cùng một cách : chàng sẽ yêu thương và rời bỏ không vấn vương, như đối với cha mẹ và ông nội mình, tình yêu đối với người bạn học Pribislav Hippe, rồi đến nàng Clawdia Chauchat. Chàng sẽ luôn bị hấp dẫn bởi cái chết, và theo đuổi nó, và khi thế giới bệnh tật và chết chóc ở Berghof không còn đủ để thỏa mãn chàng nữa, chàng sẽ rời bỏ nó và ra trận.

Chàng say mê tìm hiểu về cái chết như là để tìm hiểu về cuộc sống, không ngừng khao khát một đời sống mãnh liệt hơn, thôi thúc bởi ý chí quyền năng (volonté de puissance - xin lỗi vì dịch dở - phulangsa), và càn lướt trên con đường của mình tất cả những gì cản trở. Tình yêu hay tình dục cũng chỉ là một thèm muốn mà không có nó thì không thỏa mãn, đạt được nó thì buồn chán. Clawdia Chauchat hẳn đã không hề có ảo tưởng giữ chân chàng. Thomas Mann kết thúc tiểu thuyết của mình với một hy vọng mong manh về tình yêu, trong lúc nhân vật chính của mình vẫn đang ở trên lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Nhưng chúng ta có thể mường tượng ngay cả khi HC được cái chết bỏ qua trong cuộc chiến, và chàng lại tìm thấy tình yêu, thì không có gì đảm bảo là chàng sẽ không rời bỏ tình yêu ấy để lại đi tìm cái chết.



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire