lundi 20 janvier 2014

Kính gửi ông Vũ Đức Đam, đồng gửi GS Ngô Bảo Châu

Kính thưa ông Phó Thủ tướng, kính thưa ngài giáo sư,  xin hai ông bớt chút thời gian đọc thư này của tôi. Tôi chủ yếu muốn được nói vài lời với ông Phó Thủ tướng.

Thưa ông Phó Thủ tướng, tôi có theo dõi báo chí và rất lưu tâm đến những hoạt động về an sinh xã hội mà ông quan tâm, mà tôi cũng quan tâm. Những buổi làm việc của ông với bà Bộ trưởng Bộ Y tế, quan hệ của ông với giới báo chí, những phát biểu mới đây của ông về An toàn thực phẩm... khiến tôi dành cho ông nhiều tin tưởng. Tôi tin là ông quan tâm đến các vấn đề về phụ nữ và trẻ em, là những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Tôi xin lưu ý ông về phiên toà xét xử hai cô bảo mẫu Lê Thị Đông Phương và Nguyễn Lê Thiên Lý, về tội ngược đãi trẻ em ở TP Hồ Chí Minh vừa diễn ra ngày 20/01/2014. Mặc dù tôi không đồng ý với cách hai cô dùng bạo lực ép trẻ ăn, nhưng với tư cách một phụ nữ, một người mẹ, một người đã từng làm nghề trông trẻ tại Pháp, tôi cho rằng bản án 3 năm tù giam dành cho mỗi cô là rất thiếu lương tri và thiếu nhân đạo. Hành vi của các cô ấy là sai trái, nhưng không độc ác, và chỉ xứng đáng với một án tù treo, nhất là Thiên Lý còn rất trẻ, Đông Phương có gia đình và con nhỏ.

Vậy vì sao mà hai cô ấy phải chịu án nặng như vậy ? Tôi cho rằng đó phần lớn là do giới báo chí, với cách truyền tin rất thiếu lương tri, thiếu lương tâm, kém nhân đạo với cách miêu tả quá đáng so với hình ảnh trên vidéo clip, với những lời lẽ gây kích động như "tra tấn", "dã man", đã kích động quần chúng thiếu hiểu biết, khiến họ thêm hằn thù, say máu.

Tôi xin ông có đôi lời với báo chí. Tôi thông cảm với nghề nghiệp của họ phải tìm cách thu hút độc giả, song có những giới hạn của lương tri mà họ không thể vượt qua, đó là lòng nhân đạo. Báo chí ngoài thông tin, còn có một chức năng quan trọng là giáo dục xã hội. Dân chúng đọc báo hàng ngày, nhờ đó mà bớt nạn mù chữ, và thêm hiểu biết về xã hội. Chúng ta đang quan tâm phát triển giáo dục, chúng ta không thể nhắm mắt bỏ qua vấn đề phẩm chất của đội ngũ nhà báo, Nguyễn Du nói : "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" !

Bản án dành cho hai cô bảo mẫu có vẻ không quan trọng so với vô số bản án tử hình, chung thân khác, nhưng nó là một trong những bản án tồi tệ nhất của xã hội ta. Nó kết án những phụ nữ bình dân, có chút ít học hành, chịu khó lao động, chăm lo cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Một bài báo của một chuyên gia về giáo dục của Liên Hiệp Quốc đã nói rằng, giáo dục một bé gái (một phụ nữ), là giáo dục cả một cộng đồng. Xã hội có văn minh, phát triển trong hoà bình được hay không, chính là ở chính sách giáo dục bé gái, chính là ở lao động phụ nữ.

Bản án này góp phần làm nản lòng những người muốn làm nghề chăm sóc trẻ, những người muốn lao động kiếm sống một cách lương thiện, và làm hả hê những kẻ thiển cận, kích động ham muốn trả thù. Đó không phải là một xã hội mà chúng ta muốn xây dựng, chắc mọi người cũng đồng ý với tôi. Chúng ta mong muốn một xã hội khoan dung hơn, nhân đạo hơn, yêu lao động hơn, giàu lương tri hơn.

Hai cô ấy xứng đáng được nhận một bản án nhân đạo hơn !

Xin cảm ơn sự chú ý của hai ông.

Blogger Phulangsa

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire