Truyền thông quốc tế đã có những đồn đoán khác nhau về chuyến thăm này, trong đó hãng thông tấn Kyodo News dẫn nguồn tin từ giới ngoại giao nói rằng có khả năng ông Tập Cận Bình sẽ thăm Việt Nam từ ngày 9 đến 11/11 tới. Dù chưa có thời điểm cụ thể, nhưng việc ông Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam có vẻ như sắp diễn ra.
Mặc dù dư luận có những suy nghĩ khác nhau về chuyến thăm này, nhưng cá nhân tôi đánh giá cao chuyển thăm của nhà lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ hai nước đã và đang trải qua giai đoạn khó khăn vì những bất đồng, mâu thuẫn trong vấn đề Biển Đông kể từ khi Trung Quốc leo thang xây dựng, bồi lấp, quân sự hóa đảo nhân tạo bất hợp pháp ở trên 7 thực thể mà nước này đánh chiếm bất hợp pháp của Việt Nam năm 1988, 1995.
Bởi lẽ dù mâu thuẫn đến đâu, nhưng chỉ cần còn ngồi được với nhau cũng là cơ hội mà hai bên cần trân quý để nỗ lực tìm cách giải quyết vấn đề bằng con đường hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế một cách thiện chí và cầu thị.
Trong xử lý các tranh chấp vè biên giới lãnh thổ, quan hệ Việt – Trung không phải chỉ có một màu xám
Mỗi người dân Việt Nam quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc, luật pháp và công lý quốc tế, đều thực sự cảm thấy lo lắng vì những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng đối thoại trên cơ sở luật pháp quốc tế, thiện chí và cầu thị vẫn là lựa chọn tối ưu nhất, thay vì đối đầu và đổ máu.
Bởi xung đột nổ ra thì người dân, người lính của cả hai phía đều không tránh khỏi tổn thất. Vì vậy, người dân Việt Nam cũng như người dân Trung Quốc đều mong muốn có Hòa bình, ổn định, thượng tôn luật pháp và công lý quốc tế.
Những lúc quan hệ Việt – Trung căng thẳng leo thang như vụ khủng hoảng giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam tháng Năm 2014, việc duy trì được đối thoại qua các kênh khác nhau đã giúp hai bên tháo được ngòi nổ căng thẳng và nguy cơ xung đột, đối đầu.
Do đó có thể thấy, quan hệ chính trị giữa 2 nước có những giá trị tích cực của nó, tạo điều kiện cho 2 bên có thể ngồi lại với nhau để giải quyết. Một khi đã không ngồi được với nhau, không nói chuyện được với nhau thì mất mát và tổn thất là điều khó tránh. Nước láng giềng Philippines cùng chung cảnh ngộ là một ví dụ điển hình.
Trong cuộc khủng hoảng Scarborough năm 2012, vì Philippines và Trung Quốc đã ở thế “tuyệt giao” nên hai bên không có bất cứ kênh đối thoại chính trị nào khác ngoài đường ngoại giao chính thức để mở đường cho việc ngồi lại với nhau tìm cách giải quyết khủng hoảng. Mặt khác, hai bên cũng không thể cứ mãi kéo tàu ra Scaborough để “gầm gừ” nhau trong khi mùa mưa bão đã cận kề, cuối cùng Philippines phải nhờ Hoa Kỳ làm trung gian môi giới để cả hai cùng rút tàu khỏi bãi cạn này.
Tuy nhiên, sau khi Philippines rút tàu khỏi đây, quyền kiểm soát bãi cạn và là ngư trường truyền thống của người dân Philippines bao đời bỗng chốc bị Trung Quốc chiếm mất.
Do đó có thể thấy rõ mối quan hệ giữa nhân tố chính trị, quan hệ chính trị và nhân tố pháp lý, cơ sở pháp lý trong đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ giữa các quốc gia có liên quan có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong tiến trình này.
Thực tiễn quốc tế đã khẳng định được vai trò, vị trí và giá trị đích thực của các nhân tố quan trọng này cũng như mối quan hệ tương hỗ giữa chúng.
Nhân tố có ý nghĩa quyết định trong việc quản lý, bảo vệ và đàm phán giải quyết tranh chấp về biên giới, lãnh thổ quốc gia là pháp lý, là những phương thức thụ đắc lãnh thổ được hình thành và có hiệu lực trong Luật pháp và Thực tiễn quốc tế.
|
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. |
Tuy nhiên, người ta cũng không thể xem nhẹ nhân tố chính trị, quan hệ chính trị giữa 2 đảng phái, 2 tổ chức nhà nước. Nhân tố này chỉ có thể tạo ra môi trường chính trị thuận lợi, mở lối đối thoại, khai thông bế tắc để các bên tranh chấp có thể bắt tay cùng nhau đàm phán thống nhất được những giải pháp cơ bản, lâu dài, tránh phải đổ máu.
Bởi vì chủ quyền, biên giới, lãnh thổ là quyền và lợi ích lâu dài của cả đất nước, là cuộc sống là tương lai của cả dân tộc, không phải của riêng ai, không phải của một đảng phái và không phụ thuộc vào sự tồn tại của một chế độ chính trị nào đó.
Dải đất thiêng liêng chữ S này dù trải qua chiến tranh Lê – Mạc hay phải chứng kiến cảnh Trịnh – Nguyễn phân tranh, hình thành thế Đàng Trong – Đàng Ngoài cả mấy trăm năm dằng dặc, nhưng đất nước Việt Nam luôn luôn là một, dân tộc Việt Nam luôn luôn là một.
Sự thay đổi một thể chế chính trị có thể xảy ra, nhưng biên giới, lãnh thổ, chủ quyền quốc gia được xác lập một cách hợp pháp là bất biến, mãi trường tồn trong lịch sử hình hành và phát triển của quốc gia, dân tộc đó. Nhầm lẫn điều này sẽ gây ra hậu quả tai hại.
Thành công mang tầm vóc lịch sử trong việc hai bên đã giải quyết xong những tranh chấp biên giới trên bộ và phân định vịnh Bắc Bộ, kể cả việc hai bên đã đàm phán thống nhất được những nội dung của các thỏa thuận có liên quan đên việc bảo vệ, quản lý biên giới, mốc quốc giới, cùng việc hợp tác khai thác các cảnh quan thiên nhiên, sông suối biên giới nằm trên đường biên giới sau khi đã hoàn thành giai đoạn phân giới cắm mốc năm 2008 đã chứng minh rõ ràng vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa các nhân tố đó.
Chắc chắn chúng ta sẽ được chứng kiến lễ ký các văn kiện có ý nghĩa pháp lý và rất thực tế này trong một ngày gần đây.
Có thể nói rằng đây là những điểm sáng, thành tựu và kết quả của những nỗ lực rất lớn từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc nhằm xác lập một tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Có nhiều bài học quý giá có thể rút ra từ hoạt động đàm phán, hoạch định, phân giới cắm mốc và quản lý biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên đất liền cũng như ở vịnh Bắc Bộ để hai nước tham khảo, tìm cách giải quyết thỏa đáng vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, Biển Đông trong tình hình hiện nay.
Bài học quý mang tầm vóc khu vực và quốc tế trong tiến trình đàm phán giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ có thể được đúc kết thành 3 nhân tố vô giá mà nếu hai bên thực sự biết tận dụng nó thì những mâu thuẫn, vấn đề tồn tại trên Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa có thể giải quyết được. Đó là: THIỆN CHÍ – PHÁP LÝ – CẦU THỊ.
THIỆN CHÍ là cửa ngõ đầu tiên của đối thoại, quyết định thành bại của vấn đề
Thực vậy, nếu các bên không có thiện chí, không có quan hệ chính trị tốt, không thể ngồi lại với nhau thì vấn đề biên giới lãnh thổ sẽ không bao giờ giải quyết được, tranh chấp dai dẳng dẫn đến nhiều hệ lụy cho cả hai phía. Phía “được” cũng không thể được yên, phía “mất” càng không thể chấp nhận, đó là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tư tưởng thù địch, xung đột và chiến tranh. Mà đã chiến tranh thì chẳng bên nào được, chỉ có mất mát và đau thương.
Ở Biển Đông, nếu Trung Quốc vẫn tiếp tục khăng khăng quan điểm “chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác” như bấy lâu nay thì không bao giờ giải quyết được, ngược lại nguy cơ xung đột đối đầu, chiến tranh loạn lạc lúc nào cũng thường trực.
|
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh gặp nhau trong khuôn khổ Ủy ban Chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam – Trung Quốc, một kênh đối thoại hiệu quả trong việc tháo ngòi nổ xung đột khủng hoảng giàn khoan 981. Ảnh: Asahi. |
Với Hoàng Sa, nếu Trung Quốc vẫn khăng khăng quần đảo này “thuộc chủ quyền của họ và không có tranh chấp”, còn một số quan điểm ở Việt Nam thì cũng có tư duy tương tự, quyết không thừa nhận hiện nay đang có tình trạng tranh chấp chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì vẫn đề sẽ rơi vào ngõ cụt, bế tắc.
Bởi trong thực tế đang có sự chiếm đóng quân sự của một số nước và vùng lãnh thổ ở toàn bộ quần đảo Hoàng Sa (Trung Quốc) và từng phần ở quần đảo Trường Sa (Trung Quốc, Lãnh thổ Đài Loan, Philippines, Malaysia). Tất nhiên, quan điểm này của một số người Việt Nam xét trên quan điểm lợi ích quốc gia, dân tộc là không sai, nhưng có thể nói là không hoàn toàn đúng.
Theo tôi quan điểm thích hợp nhất là: Đúng là có thực trạng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với Hoàng Sa, nhưng tình trạng tranh chấp đó bắt đầu xẩy ra từ đầu thế kỷ XX, nghĩa là kể từ khi phía Trung Quốc đã bắt đầu nhòm ngó và dùng vũ lực nhảy lên một số đảo trên quần đảo này.
Còn đối với quần đảo Trường Sa thì thời điểm xẩy ra tình trạng tranh chấp có thể tính từ năm 1946, khi Trung Hoa Dân quốc lợi dung nhiệm vụ giải giới quân Nhật sau Chiến tranh Thế giới II đã đưa tàu chiến ra Trường Sa để chiếm đóng bất hợp pháp một số đảo ở đây.
Trước hai thời điểm này Nhà nước Việt Nam đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền của mình một cách hợp pháp, hòa bình, rõ ràng, liên tục, thật sự hiệu quả đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không có sự tranh chấp của bất kỳ một nhà nước nào.
Tiếp sau đó, một số bên khác cũng đã lợi dụng các thời điểm thuận lợi để đưa quân ra chiếm đóng một bộ phận của quần đảo Trường Sa.
Đáng chú ý nhất là việc Trung Quốc dùng vũ lực để đánh chiếm các thực thể ở phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam năm 1988 và tiếp tục gây ra nhiều vi phạm nghiêm trọng các quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trong Biển Đông, bất chấp luật pháp quốc tế và các thỏa thuận chính trị song phương và khu vực.
Cách duy nhất để gây dựng lòng tin, hợp tác hòa bình hữu nghị, cùng phát triển thịnh vượng lâu dài là hai bên phải ngồi lại với nhau, lắng nghe quan điểm của nhau để tìm cách giải quyết dứt điểm vấn đề theo đúng các CĂN CỨ PHÁP LÝ, luật pháp và thông lệ quốc tế chứ không phải chỉ dùng tư duy chính trị duy ý chí, theo kiểu “chủ quyền lịch sử”, “di sản của cha ông để lại”, “lấy đại cục làm trọng”…
Nói cách khác, dưới góc độ pháp lý quốc tế thì kể từ đầu thế kỷ thứ XX, thực trạng tranh chấp mới xảy ra, có cả tranh chấp song phương và đa phương, do đó mọi nỗ lực ép buộc các bên đàm phán tay đôi với Trung Quốc về Biển Đông, Trường Sa đều sẽ không đi đến đâu. Thậm chí sẽ đến lúc các bên liên quan bao gồm Việt Nam phải tính đến phương án như Philippines, khởi kiện Trung Quốc ra tòa, kêu gọi cộng đồng quốc tế bao gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc…can thiệp.
|
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter lên thăm tàu Cảnh sát biển Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm hỏng trong khủng hoảng giàn khoan 981 Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. |
Do đó các bên phải có thiện chí cùng muốn ngồi lại giải quyết tranh chấp, bóc tách từng vấn đề để xác định từng loại tranh chấp và cơ chế, căn cứ luật pháp – thông lệ quốc tế để giải quyết một cách phù hợp.
Bởi vì, trong Biển Đông ngoài vấn đề trang chấp về quyền thụ đắc lãnh thổ, còn có vấn đề vận dụng và giải thích Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) trong việc xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa đã tạo ra các vùng chồng lấn cần phải được đàm phán hoạch định.
PHÁP LÝ mới là căn cứ giải quyết tranh chấp lãnh thổ chứ không phải LẬP TRƯỜNG CHÍNH TRỊ hay LỊCH SỬ
Giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ là một vấn đề vô cùng phức tạp, khó khăn, nhạy cảm, bởi nó không phải chỉ động đến tâm tư tình cảm, cũng như quyền và lợi ích của hai quốc gia mà còn đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của nhiều cộng đồng dân cư, các địa phương nơi có đường biên giới chạy qua.
Nếu không có một căn cứ pháp lý làm bộ khung, chỗ dựa, nền tảng, căn cứ để hoạch định biên giới mà bên nào cũng khăng khăng lôi sử sách, gia phả, sách giáo khoa và cả những câu chuyện kể rằng ông bà cha mẹ họ đã sinh sống ở đó bao đời thì vùng đất đó nghiễm nhiên thuộc chủ quyền lãnh thổ quốc gia họ thì tranh chấp không thể giải quyết được. Thực tế không đơn giản như vậy.
Điển hình là quá trình đàm phán, hoạch định biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc, nếu hai bên không thống nhất được lấy Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895, một hiệp ước về biên giới, lãnh thổ có giá trị pháp lý quốc tế làm căn cứ pháp lý cao nhất để đàm phán hoạch định, thì không bao giờ hai bên giải quyết được vấn đề biên giới.
Quá trình giải quyết trải qua rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với quyết tâm và nỗ lực, cũng như đấu tranh công khai trên cơ sở nguyên tắc pháp lý đã thỏa thuận, hai bên dần thu hẹp bất đồng và cuối cùng đi đến hoạch định, phân giới cắm mốc để có đường biên giới hòa bình, ổn định như ngày nay.
Câu chuyện về thác Bản Giốc, sông Bắc Luân hay vấn đề ải Nam Quan mà tôi nhiều lần phân tích là ví dụ rõ ràng về điều này. Công ước Pháp – Thanh 1887, 1895 là nội dung của thỏa thuận nguyên tắc pháp lý mà hai bên đã đồng ý dựa vào để tiến hành đàm phán hoạch định biên giới.
Khi hai phía không thể đưa ra đủ tài liệu theo quy định để chứng minh thác Bản Giốc, bãi Tục Lãm hoàn toàn là của mình thì buộc hai bên phải thỏa thuận sử dụng đến các tiền lệ, điều luật quốc tế trong việc xác định biên giới theo các loại địa hình, dân cư, thực tế quản lý để đàm phán hoạch định.
Vì vậy, trên khu vực biên giới phía Bắc bao nhiêu năm vẫn đì đoàng tiếng súng, cuối cùng cũng được bình yên, máu của người dân và chiến sĩ mới ngừng đổ xuống. Rõ ràng là để có được thành tựu này, căn cứ pháp lý là yếu tố quyết định.
Tất cả các ứng xử trong đàm phán và hành xử ngoài thực địa đều phải dựa vào và tuân thủ các quy định, thủ tục pháp lý thì tranh chấp phức tạp do lịch sử để lại mới có thể giải quyết được một cách cơ bản lâu dài, mọi mầm mống của tranh chấp về biên giới lãnh thổ mới có thể được dập tắt.
Thậm chí ngay cả những quan hệ xã hội, chính trị, kinh tế… trong nội bộ một quốc gia cũng đều phải dựa vào Luật pháp để điều chỉnh, quản lý huống hồ một vấn đề khó khăn phức tạp như tranh chấp biên giới lãnh thổ giữa các quốc gia. Gần đây, đại đa số dư luận khu vực nói chung, Việt Nam nói riêng đều đánh giá cao chiến dịch đả hổ đập ruồi của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Về đối nội, từ khi lên cầm quyền ông Tập Cận Bình đã đề cao pháp trị, tức quản lý đất nước theo pháp luật chứ không phải theo lập trường chính trị, điển hình là chiến dịch chống tham nhũng rất được lòng dân.
|
Khu vực hy vọng tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về thượng tôn pháp luật, yêu chuộng hòa bình, bảo vệ công lý sẽ trở thành sự thật ở Biển Đông. Ảnh: Pak/AP. |
Về đối ngoại, ông cũng nhiều lần tuyên bố Trung Quốc không mưu đồ xưng hùng xưng bá, mà theo đuổi chủ trương thượng tôn pháp luật, bảo vệ công lý, hòa bình… Người Việt Nam rất mong những tuyên bố này của ông sẽ trở thành hiện thực, nhất là sau những chuyến thăm lịch sử của ông Tập Cận Bình đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra.
Làm được điều này, không chỉ Biển Đông sẽ bình yên, quan hệ giũa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa Trung Quốc với các nước khác trong khu vực và quốc tế sẽ được phát triển trong hòa bình hữu nghị, hợp tác tin cậy lẫn nhau, mà còn dư luận khu vực, quốc tế chắc chắn cũng sẽ không thể không tâm phục khẩu phục với cách hành xử xứng tầm chính khách quốc tế của ông Tập Cận Bình.
CẦU THỊ, ai sai người ấy sửa mới có thể đàm phán giải quyết vấn đề, nếu không sẽ rơi vào ngõ cụt
Trong quá trình đàm phán hoạch định, phân giới cắm mốc đường biên giới đất liền cũng như phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, có những khu vực, những địa điểm hai bên không thể tìm đủ tài liệu pháp lý để bảo vệ cho quan điểm của mình theo thỏa thuận nguyên tắc thì hai bên cần phải tính đến những giải pháp theo luật pháp, thông lệ quốc tế trên tinh thần thật sự cầu thị: Nếu ai sai thì người đó phải sửa, phải từ bỏ những yêu sách không đúng, bất chấp công lý, đạo lý.
Chính nhờ tinh thần CẦU THỊ ấy, chúng ta mới có thể giải quyết được những bất đồng. Có tinh thần CẦU THỊ, hai nước mới giải quyết xong vấn đề biên giới đất liền và phân định vịnh Bắc Bộ, mới thông nhất được những văn kiện hợp tác khai thác cảnh quan du lịch biên giới, quản lý tàu thuyền qua lại sông suối biên giới.
Trong thực tế, Việt Nam cũng đã chủ động tỏ rõ tinh thần CẦU THỊ khi đàm phán hoạch định vịnh Bắc Bộ: Không tiếp tục bám giữ yêu sách “đường biên giới lịch sử, vùng nước lịch sử” đã từng chính thức đưa ra, đồng thời đồng ý đàm phán phân định theo nguyên tăc công bằng.
Tinh thần CẦU THỊ là điều không thể thiếu trong hoạt động đàm phán, hoạch định biên giới giữa các quốc gia. Cầu thị trên cơ sở nguyên tắc pháp lý hai bên đã thỏa thuận lấy làm căn cứ đàm phán, cầu thị trên cơ sở thiện chí mong muốn giải quyết vấn đề biên giới một cách hòa bình, đúng luật, thấu tình, đạt lý, hoàn toàn không có nghĩa là nhân nhượng vô nguyên tắc, hay bên này để mất đất cho bên kia.
Đàm phán hoạch định biên giới là cả một quá trình với các bước cụ thể hết sức khoa học, rõ ràng, tuần tự và cũng bao gồm khối lượng công việc hết sức đồ sộ, liên quan đến nhiều bộ phận, cơ quan, địa phương. Do đó khi đàm giải quyết xong, chúng ta phải giải thích cho người dân hiểu rõ, đặc biệt là các địa phương có cộng đồng dân cư sống ở bên kia đường biên giới thuộc phần đất của nước láng giềng.
Không nên để những phản ứng mang nặng cảm xúc tồn tại dai dẳng trong dư luận ở trong và ngoài nước như hiên nay khiến công chúng hoài nghị, tạo điều kiện cho những kẻ cơ hội chính trị lợi dụng để tiến hành các hoạt động phá hoại, lật đổ hạy thực hiện các động cơ chính trị đen tối.
Quan hệ Việt – Trung đã trải qua rất nhiều thăng trầm, có lúc hòa bình hữu nghị và cũng không thiếu lúc xung đột đối đầu, những thứ mà người dân cả hai nước đều không ai mong muốn. Đó là sự thật mà chúng ta muốn né tránh cũng không được.
Tìm ra các bài học một cách đúng đắn, chân thực về lịch sử, về quá khứ, dù là đau thương, dù là chiến tranh loạn lạc thay vì né tránh hay che đậy là việc rất cần thiết. Nó giúp thế hệ ngày nay tránh được sai lầm, tránh được chiến tranh, bảo vệ hòa bình.
Cuộc Chiến tranh Biên giới 1979 và một chuỗi ngày dài xung đột lẻ tẻ, liên tục giữa Việt Nam và Trung Quốc những năm 1980 ở biên giới phía Bắc đã khiến quan hệ hai nước từ hữu nghị chuyển sang đối đầu, cả hai bên đều đổ máu, ngày nay làm sao để bi kịch đó không lặp lại mới là điều quan trọng.
Nếu hiện nay, Trung Quốc vẫn cứ tuyên truyền Việt Nam là “tiểu bá”, xâm chiếm biên giới, biển đảo của mình; Trung Quốc đánh Việt Nam năm 1979 là “phản kích tự vệ”(!?) thì làm sao thực sự có hòa bình – hữu nghị?
Nếu Việt Nam vẫn để cho những tài liệu công khai nói Trung Quốc dịch cột mốc, lấn biên giới, chiếm mất thác Bản Giốc, mất ải Nam Quan mặc nhiên tồn tại khi thời cuộc đã thay đổi, khi Hiệp định biên giới đã ký kết bao nhiêu năm, công tác phân giới cắm mốc đã hoàn tất, nhưng không cơ quan nào đứng ra giải thích cho người dân, đồng thời hủy bỏ những văn bản, phát ngôn sai trái do bối cảnh lịch sử, chính trị thời điểm hai bên xẩy ra xung đột thì làm sao có được sự tin cậy trong quan hệ với láng giềng?
Cách tiếp cận né tránh sự thật lịch sử, “đậy lại quá khứ”…như hiện nay đang gây ra hệ lụy, tạo mầm mống ung nhọt trong quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, cũng như việc tạo cớ cho các lực lượng chính trị lợi dụng để chống phá ở mỗi nước.
Trong việc này, Trung Quốc có trách nhiệm của họ, nhưng cũng không thể nói chúng ta hoàn toàn vô can.
Muốn hợp tác hòa bình, hữu nghị, cùng phát triển phồn vinh thì phải có niềm tin ở nhau. Giữa Việt Nam và Trung Quốc, muốn có niềm tin bắt buộc hai phía phải bước qua được hàng rào tâm lý “nhạy cảm”, sòng phẳng với lịch sử, THIỆN CHÍ, CẦU THỊ, xử lý mâu thuẫn tồn tại trên cơ sở LUẬT PHÁP QUỐC TẾ chứ không phải lập trường chính trị, bên nào sai, sai cái gì, sai đến đâu thì bên đó sửa cái sai đó, đến mức đó.
Chỉ có như vậy mới mong quan hệ hợp tác hai nước đi vào thực chất, chiều sâu, người dân hai nước mới không còn phải lo lắng về chiến tranh, xung đột đang rình rập.
Tôi cũng đã từng bị chất vấn gay gắt rằng: Vào thời điểm hiện nay, nếu người Trung Quốc vào Việt Nam thì các ông sẽ ứng xử như thế nào cho đúng? Đánh đuổi hay chào đón? Phải chăng các ông đã bỏ quên câu khẩu hiệu lịch sử của dân tộc này rằng: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”?
Một vị lãnh đạo cấp cao từng nói với báo chí rằng, ông rất lo lắng vì: “Từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc. Chúng ta bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ đất nước nhưng vẫn phải bảo vệ hòa bình, ổn định chính trị, thành quả cách mạng và giữ quan hệ hữu nghị Trung Quốc, tăng cường phát triển toàn diện kinh tế – xã hội đất nước. Chúng ta tăng cường an ninh quốc phòng là để tự vệ, khi nào buộc phải tự vệ thì chúng ta mới tự vệ”.
Có thể nói lo ngại của vị lãnh đạo đó là tâm lý có thực trong dư luận người dân Việt Nam, chí ít là trong thời buổi hiện nay. Bởi vì, người dân không thể không bức xúc, phẫn nộ khi thấy tàu cá của ngư dân mình bị cướp phá, ngư dân bị đánh đập, bị bắt, bị bắn ngay trên chính vùng biển chủ quyền, ngư trường bao đời nay của cha ông mình.
Lý do nhiều người “ghét” Trung Quốc vì chính cách hành động, ứng xử của Trung Quốc đối với Việt Nam trên Biển Đông đã đành, nhưng nó cũng còn có phần trách nhiệm của chính chúng ta khi đã không sòng phẳng với lịch sử, chưa thực sự CẦU THỊ với lịch sử, đặc biệt là lịch sử quan hệ Việt – Trung cận hiện đại, đó chính là điều mà vị lãnh đạo này thốt lên “không hiểu tuyên truyền như thế nào” mà dẫn đến điều ông lo ngại.
Tuy nhiên, như tôi đã phân tích nói trên, trong bối cảnh chính trị khu vực và quốc tế hiện nay, để bảo vệ được các quyền và lợi ích chính đáng của mình trong Biển Đông, chúng ta không thể quên đi trọng trách, nhiệm vụ bảo vệ, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn đinh, hợp tác, phát triển mà cả nhân loại đang nỗ lực phấn đấu, kỳ vọng.
Vì vậy, khi vẫn còn cơ hội để đối thoại, ngồi được với nhau một cách thiện chí để chia sẻ trách nhiệm trước nhân loại đang đứng bên miệng hố chiến tranh tàn khốc, thiết nghĩ chúng ta nên tranh thủ những cơ hôi có thể đến cùng.
Những gì mà tôi chia sẻ ở trên chính là thông điệp mà tôi tha thiết muốn gửi đến các chính khách, đặc biệt là các vị nguyên thủ của các cường quốc. Và vì vây, tôi nguyện được làm người rải thảm đỏ để chào đón các vị khách quý đến Việt Nam!
——–
|