jeudi 10 septembre 2015

Tinh thần của vẻ đẹp (5)

Mon amour errait après vos pensées (P. Verlaine)
(Câu này có nghĩa là "Tình yêu của em quấn quýt theo tư tưởng của anh", hihi thỉnh thoảng mình khoái đệm vào vài câu tiếng Pháp, Loan đừng quan tâm).


Hi Loan và các bạn,

Có một điều khác nhau rất là lớn giữa cách làm của người Pháp và của người Việt, trong lĩnh vực nghệ thuật. Người Pháp khi tập luyện một điều gì, thì họ luôn luôn tìm kiếm tinh thần của điều ấy, trong khi mà người Việt Nam chúng ta thì cố gắng làm cho hoàn hảo một động tác chẳng hạn, nhưng chỉ hoàn toàn chú ý đến phần vật chất của động tác ấy thôi. Ví dụ như, khi dạy trẻ con bước đi, thì cô giáo dạy múa người Pháp vừa bước đi cho chúng xem, và vừa nói rằng, các em phải bước đi như thể là các em đang đi một đôi hài thủy tinh ấy. Khi cô ấy giơ tay lên, thì cô ấy nói là, các em phải giơ tay lên như thể là các em đang đứng trên mây ấy. Trong khi mà, các cô giáo Việt Nam sẽ nói là, giơ tay cao nữa lên, nữa, nữa, như vậy chưa được, đau cũng phải ráng mà chịu, vv. Thế cho nên, nếu các bạn xem múa ballet của Pháp và của Việt Nam, thì các bạn sẽ thấy là thiên nga của Pháp thì nhẹ nhàng, bay bổng, mà thiên nga của ta thì hơi nặng nề một chút.

Và chúng ta cũng thấy là, Paris là một thành phố rất đặc biệt, nó đẹp hơn những thành phố khác, vì vẻ lộng lẫy của nó, và nhất là vì cái "tinh thần" của nó. Các tòa nhà có kiến trúc rất đẹp, rất thanh thoát bay bổng, các bức tượng, các họa tiết trang trí, mỗi thứ đều toát lên một vẻ gì đấy khiến cho người ta phải dừng lại ít phút để xem xem mình cảm thấy điều gì. Ví dụ như xem bức tượng "Thánh Michel hàng phục Rồng" ở quảng trường Saint-Michel, thì ta cảm thấy vị Đại Thiên thần rất là mạnh mẽ, cao quý còn quỷ dữ (là con Rồng, mà không giống Rồng châu Á của ta) thì có vẻ rất sợ hãi, mà trông vẫn rất là khỏe và láu cá.


Image illustrative de l'article Michel (archange)
(Wikipedia) Saint Michel terrassant le dragon (le Diable) par Francisque DuretFontaine Saint-Michel de Paris.


Khi bọn trẻ con Pháp học bài "Diễn đạt bằng cơ thể" (Expressions corporelles), thì chúng nó học làm điệu bộ để diễn tả các con vật, con voi, con nhện, con vịt, con cá sấu... chẳng hạn, trông rất giống mà rất là đáng yêu, rất đẹp. Ví dụ như con cá sấu thì chúng dang rộng hai tay, một tay lên cao, một tay dưới thấp, xong rồi đập hai cánh tay vào nhau, làm bộ cá sấu đớp mồi. Trong khi mà, trẻ em ta khi học các bài hát, thì chê con lợn xấu, con vịt vụng về, khen nịnh là con chim xinh, con thỏ ngoan, đại khái thế, chẳng thấy tinh thần đâu cả, chỉ thấy xách mé nhau, chắc là tập chửi nhau.

Cho nên tinh thần của một tác phẩm (nghệ thuật), của một ngành học, của bất cứ việc gì chúng ta làm... dường như là cái tinh tế nhất, chính yếu nhất mà ta phải luôn hướng tới, nếu ta muốn làm được một điều gì tốt đẹp. Cách đây hai năm, GS NBC, khi về Việt Nam thuyết trình về việc "học thế nào", thì ông ấy nói là, bản năng của con người là luôn hướng thượng, hướng thiện. Năm nay thì chàng đổi tông nói là, ta phải theo đuổi cái gì đẹp. Tất cả những "chân, thiện, mỹ" ấy đều là tinh thần mà chúng ta theo đuổi.

(còn tiếp)

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire