samedi 10 mai 2014

BCG

PLS :  Vaccin ngừa lao là một mũi chích khó. Cháu đầu của tôi sinh ở bệnh viện tư, về nhà được một ngày bệnh viện điện thoại yêu cầu đưa cháu quay lại chích mũi ngừa lao càng sớm càng tốt, họn nhắc đi nhắc lại là phải đến liền, không được để lâu, nhưng không nói rõ vì sao. Cháu thứ hai của tôi sinh bên Pháp, trẻ con Pháp không có chích ngừa mũi này vì hình như bệnh lao bên Pháp không còn nữa. Nhưng khi họ biết con tôi là người nước ngoài, thì họ yêu cầu phải chích ngừa mũi đó, nhưng phải đi bác sĩ chích, chứ họ không chích. Đi hết mấy bác sĩ họ đều từ chối, cuối cùng một ông nhận chích, nhưng ông ấy nói là chích trễ như vậy là nguy hiểm (mặc dù bé vẫn còn trong tháng, gần được một tháng), ông ấy nói là lẽ ra phải chích ngay những ngày đầu tiên, và ông ấy rất giận là bệnh viện không chịu chích. Ông ấy giải thích là mũi lao phải chích dưới da, chứ không được chích vào bắp thịt, rủi ro rất lớn, và đó là lý do vì sao nhiều bác sĩ từ chối chích mũi này.

Cách đây vài tháng, tôi có đọc bài cháu bé chích ngừa lao bị hoại tử cả cánh tay, không biết giờ này cháu ra sao. Bây giờ lại thêm một cháu nữa chích ngừa lao chết luôn. Sao lại cho y tế phường chích mũi ấy nhỉ ? Bác sĩ Pháp còn sợ kia mà?


À tôi cũng nhớ lại là khác với cháu đầu, mũi chích nổi lên một cục bằng hạt đậu xanh và lành khá nhanh, bé sau phải sưng cả tháng mới hết. Ôi giời nghĩ lại mà còn sợ, may mà cái ông bác sĩ ấy giỏi.


Kết luận về trường hợp phản ứng sau tiêm vaccine lao tại Kon Tum

05:59 CH, 10/05/2014

(Chinhphu.vn) - Thông tin từ Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sau khi họp phân tích, tổng hợp các đánh giá theo từng nhóm nguyên nhân, Hội đồng tư vấn chuyên môn đã kết luận, trường hợp trẻ tử vong (ngày 7/5) sau tiêm vaccine BCG (vaccine phòng bệnh lao) tại Kon Tum chưa thấy có mối liên quan đến vaccine.
Trước đó, ngày 5/5, gia đình cháu K (trú tại 45/7 Trần Phú, tổ 7, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đưa cháu tới Trạm Y tế phường Quyết Thắng tiêm vaccine BCG. Tại đây, cán bộ tiêm chủng đã thực hiện đúng các quy định về thực hành tiêm chủng như tư vấn, khám phân loại..., sau tiêm cháu cũng đã được theo dõi 30 phút tại Trạm Y tế và không có biểu hiện bất thường. Gia đình cũng được các cán bộ tiêm chủng tư vấn chăm sóc trong vòng 24 giờ sau tiêm, sau đó được gia đình đưa trẻ về nhà. 
Đến khoảng 2 giờ sáng ngày 7/5, mẹ của cháu bé dậy để cho cháu bé bú thì phát hiện bé đã tử vong. Trẻ tử vong trong đêm, không được đưa đến cơ sở y tế và không được giám định pháp y sau khi tử vong.
Ngày 8/5, Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá tai biến trong quá trình sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế tại Kon Tum đã họp với sự tham gia của Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Sau khi phân tích, tổng hợp các đánh giá theo từng nhóm nguyên nhân có thể xảy ra, Hội đồng đã thống nhất kết luận: Trẻ tử vong chưa thấy có mối liên quan đến vaccine và thực hành tiêm chủng. Tử vong không rõ nguyên nhân.
Qua kiểm tra rà soát của ngành Y tế địa phương, đến nay, 24 cháu bé cùng được tiêm phòng lao tại Trạm y tế phường Quyết Thắng cùng ngày với cháu K đều có sức khỏe ổn định.
Liên quan đến tình hình dịch sởi và  tỷ lệ tiêm vaccine trên toàn quốc, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong ngày 9/5 cũng đã ghi nhận bổ sung 2 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh sởi ngày 8/5 tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nhi Trung ương. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay ghi nhận 138 trường hợp tử vong và nặng xin về có liên quan đến bệnh sởi.
Về kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vaccine sởi, tính đến ngày 9/5, tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi trên phạm vi toàn quốc đạt 91,8%. Trong đó, có 28 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi cao trên 95%; 32 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi từ 70-95%; 3 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi từ 60-70% là: An Giang, Điện Biên, Bình Thuận.
Hiền Minh

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire