Dân biểu Lowenthal: Chúng tôi sẽ tranh đấu không ngưng nghỉ cho đến khi toàn dân Việt được tự do
Đăng bởi Thùy Trâm vào Chủ Nhật, ngày 04 tháng 5 năm 2014
VIỆT LONG: Cảm tưởng của ông ra sao khi người bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung được trả tự do?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Tôi cảm thấy rất vui lòng khi Trung được trả tự do nhưng thực ra vẫn còn rất nhiều người giống như anh đang ngồi tù một cách bất công, không được xét xử, chỉ vì nói lên ý kiến của mình. Khi tất cả những người như vậy chưa được tự do thì tôi vẫn phải duy trì áp lực thúc đẩy cho việc đó, với tư cách thành viên Ủy hội nhân quyền Tom Lantos của quốc hội Hoa Kỳ. Trung là người mà tôi bảo trợ đầu tiên, và nay tôi đang tiến hành việc bảo trợ một người tù nhân lương tâm thứ nhì ở Việt Nam.
VIỆT LONG: Ông nói đang chuẩn bị bảo trợ một người nữa?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Vâng. Chúng tôi đang thảo luận với nhiều người... Tôi là đại diện của đông đảo người Mỹ gốc Việt trong khu vực cử tri 47, cả một vùng rộng lớn của Little Saigon, tôi nói chuyện với nhiều nhà hoạt động trong khu vực này, có đề cập đến một tu sĩ đã bị giam cầm nhiều năm, và sẽ sớm công bố danh tính tù nhân lương tâm thứ nhì được bảo trợ.
VIỆT LONG: Trong khu vực cử tri 47 của California, người Mỹ gốc châu Á chiếm 21%, người Mỹ gốc Việt chiếm một phần đáng kể trong tỉ lệ 21% dân Á Châu trên tổng số 723 ngàn công dân Mỹ. Làm sao mà bên cạnh bao nhiêu công việc bận rộn cho toàn thể khu vực, ông có thể có thời gian để lập kế hoạch hoạt động cho vấn đề nhân quyền và dân chủ của người Việt Nam ở trong nước?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Tôi lấy làm vinh dự và cảm thấy có đặc ân được đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở vùng Little Saigon, được lên tiếng tại quốc hội Hoa Kỳ để tranh đấu cho nhân quyền của người Việt Nam. Đó đã là một tiến trình học hỏi tuyệt vời đối với tôi, học hỏi về sức sống mãnh liệt của cộng đồng người Mỹ gốc Việt, họ tha thiết muốn người đại diện của họ tại quốc hội lên tiếng về những vụ xâm phạm nhân quyền của nhà nước Việt Nam. Tôi cảm thấy vinh dự được làm điều đó, cũng như làm việc với các vị dân cử Hoa Kỳ trong quốc hội mà đã đi trước tôi trong công việc này, như cùng dân biểu Chris Smith tiến hành nghị quyết quốc hội về nhân quyền Việt Nam, tuy rằng Thượng Viện chưa thông qua nghị quyết đó, do tôi đồng bảo trợ và là người đi hàng đầu thúc đẩy biện pháp ấy. Nay còn có Chủ tịch Ủy ban ngoại giao Hạ viện, dân biểu Ed Royce, nêu ra dự luật cấm vận Việt Nam, mà tôi cũng là người đồng bảo trợ. Như vậy, tôi đã cùng nhiều đồng viện trong quốc hội cùng lên tiếng để nói với Việt Nam rằng họ phải thay đổi hành động; nếu họ muốn có mối quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ thì phải biết kính trọng, tôn quý các công dân của họ, để có những cuộc đối thoại về quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do tín ngưỡng... Tôi hoạt động cho những người mà tôi đại diện bất kể họ chiếm bao nhiêu trong tỉ lệ cử tri, nhưng phải nói 21% cũng là một tỉ lệ khá lớn. Tôi sẽ tiếp tục đi đầu trong cuộc tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam.
VIỆT LONG: Nhà nước Việt Nam hiện tỏ ra nhẹ tay với một số người bất đồng chính kiến nhưng dùng bàn tay sắt với những người khác từng hoạt động mạnh mẽ và bị coi là nguy hiểm hơn. Nhà cầm quyền cũng vẫn tiếp tục chiếm đất chiếm nhà của các công dân Việt Nam. Ông nghĩ Hoa Kỳ có thể làm được gì để đưa Hà Nội vào con đường biết chăm lo cho nhân quyền của người dân Việt?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Đây là một thời điểm thiết yếu cho mối quan hệ Mỹ-Việt. Nay là lúc Hoa Kỳ có thể tác động rất nhiều ảnh hưởng. Việt Nam đang muốn phát triển nền kinh tế để thoát khỏi suy trầm cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Muốn thoát suy trầm, Việt Nam cần được tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, để thay đổi chính sách thương mại song phương với Hoa Kỳ, là chính sách đem lại rất nhiều quyền lợi cho Việt Nam. Đây là lúc quốc hội chúng tôi lên tiếng với Việt Nam rằng nếu Việt Nam muốn có một quan hệ thương mại gần gũi tốt đêp hơn với người Mỹ thì bắt buộc phải thay đổi vị trí thứ hạng về nhân quyền, phải cho người dân Việt quyền tự do tiến đến dân chủ, được tự do chỉ trích chính quyền nếu họ muốn. Đó là lý do để chúng tôi chủ trương rằng một trong những phương cách để nói lên điều đó là phải qua đài Á Châu Tự Do. Chúng ta phải gia tăng thời lượng phát thanh trên làn sóng ngắn về Việt Nam trong thời điểm trọng yếu này. Chúng tôi đã nêu dự luật cấm vận Việt Nam do dân biểu Ed Royce khởi xướng, Thượng Viện chưa thông qua nhưng qua đó Việt Nam phải hiểu rằng họ phải hoàn thiện điều kiện nhân quyền trong nước. Việt Nam muốn tăng tiến thương mại, thì Hoa Kỳ cũng muốn một vài điều từ Việt Nam, đó là đồng thời cũng tăng tiến dân chủ, với các quyền tự do ngôn luận, hội họp, vân vân, và chỉ nhờ đài Á Châu Tự Do mà cuộc thảo luận về đề tài nhân quyền mới đến với Việt Nam.
VIỆT LONG: Tiện đây xin hỏi ông nghĩ sao về yếu tố Trung Quốc trong quan hệ Việt-Mỹ?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Trung Quốc muốn chiếm hữu biển đảo ở biển Đông, và đó chính là yếu tố khiến Việt Nam cần tiến lại gần hơn với Hoa Kỳ. Khi Hoa Kỳ muốn một nước có quan hệ gần gũi hơn thì cũng muốn nước đó đừng đàn áp người dân của họ. Nhà nước Việt Nam muốn có độc lập đối với Trung Quốc thì họ không thể đàn áp người dân, từ chối công lý cho người dân Việt. Vì thế nên đây mới là thời điểm trọng yếu nhất cho mối quan hệ của Việt Nam với Hoa Kỳ, là lúc chúng ta cần tiến mạnh lên cho nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam.
VIỆT LONG: Sau cùng, ông muốn nói điều gì với người Việt Nam trong và ngoài nước Việt về cuộc tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ cho người dân Việt?
DÂN BIỂU LOWENTHAL: Tôi muốn nói với mọi người dân Việt là tôi vẫn tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền, dân chủ, tự do của họ. Như người Việt nói "Hãy lên tiếng..." thì đây là lúc mọi người Việt cùng đứng lên, cùng nói lên mạnh mẽ tiếng nói cho dân chủ, tự do. Chúng tôi ở xứ sở Hoa Kỳ đều hiểu rằng quý vị bị từ chối những quyền ấy, và chúng tôi sẽ tranh đấu cho quý vị, tranh đấu cho quyền tự do thông tin, tự do báo chí của quý vị nữa. Đó là lý do tôi có mặt ở nơi đây, ủng hộ đài Á Châu Tự Do để quý vị có thể nghe được rằng mọi người đều đang lắng nghe quý vị. Và còn những nhà hoạt động từng lên tiếng vì tự do mà bị bắt giữ, thì chúng tôi sẽ tranh đấu không ngưng nghỉ cho đến khi toàn dân Việt được tự do.
Việt-Long
Theo RFA
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire